“May mắn thay, tôi đã có cơ hội được trải nghiệm cái chết”!

Đoạn trích sau được trích từ cuốn sách “Cú sốc – Hành trình giành lại sự sống của một bác sĩ” – Rana Awdish đã kể lại câu chuyện của chính mình, khi cô đột ngột đổ bệnh và phải đi cấp cứu, đúng vào thời điểm cô sắp hoàn thành chương trình đào tạo của mình. Cuốn sách đưa độc giả đi cùng cô trong suốt quá trình đấu tranh với bệnh tật của cô, chứng kiến những sai lầm trong chính phương pháp thực hành ngành y vẫn được coi là tiêu chuẩn lâu nay.

Cú sốc – Hành trình giành lại sự sống của một bác sĩ
Cú sốc – Hành trình giành lại sự sống của một bác sĩ

Yhọc là lăng kính diệu kỳ cho phép chúng ta đánh giá cơ thể con người. Rọi nó vào giữa những triệu chứng hỗn loạn, chẩn đoán sẽ hiện ra. Chiếc lưỡi đỏ, sưng tấy như trái “dâu tây” ở một bệnh nhi đang sốt sẽ hướng bác sĩ đến việc khám tim và xác nhận về chẩn đoán viêm mạch. Cơn đau bụng nóng rát của người đàn ông sẽ đưa đến chẩn đoán viêm dạ dày, bao gồm cả nguyên nhân và cách chữa trị, điều mà cơn đau chưa được xác định chẳng thể có được.

Y học thực hiện điều này bằng cách đặt ra những câu hỏi và lắng nghe, không chỉ những điều được nói ra mà còn cả những điều bị che giấu. Nếu như thấu cảm là khả năng nhìn nhận từ quan điểm của người khác và đồng cảm với họ thì ngành y, ở cấp độ cao nhất, chính là sự thấu cảm theo cách tập trung và khoa học. Việc thực sự quan tâm chăm sóc cho bệnh nhân đòi hỏi phải vượt qua mọi rào cản và đặt bản thân vào góc nhìn của người khác với tư cách vị khách qua đường khiêm nhường, người biết rằng đáng ra mình có thể bước qua mà không ngoảnh lại. Và chính hành động đó có sức mạnh chữa lành.

Lần đầu tiên tôi nhìn cuộc sống qua lăng kính y học là khi mới năm tuổi, lúc mẹ tôi đưa ra những mô tả mơ hồ với bác sĩ nhi qua điện thoại. Ở trong nôi, em trai tôi đang chống tay nhoài về phía trước, nước dãi chảy đầy và thay vì đang thở, dường như đang cố hớp lấy từng ngụm không khí. Vị bác sĩ hiểu đây là bệnh viêm nắp thanh quản, một tình trạng sưng đường hô hấp nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Với giọng nói bình tĩnh nhưng vẫn rất khẩn trương, ông hướng dẫn mẹ đưa em tôi đến phòng cấp cứu ngay lập tức, nơi ông sẽ chờ sẵn. Tôi thật sự ấn tượng trước khả năng đưa ra chẩn đoán và phương thức điều trị từ các triệu chứng, sức mạnh cứu người thông qua kiến thức cũng như sự lắng nghe. Đó là công việc cao cả nhất mà tôi có thể nghĩ đến.

Rana Awdish – tác giả cuốn sách “Cú sốc – Hành trình giành lại sự sống của một bác sĩ”

Việc theo học trường y giống như trải nghiệm trong một hội kín, với thứ ngôn ngữ, đồng phục và chuẩn mực xã hội điển hình của riêng nó. Chúng tôi được dạy cách giải mã di truyền và trình tự gen quy định những protein cấu thành các bộ phận trong cơ thể. Chúng tôi được cung cấp tử thi để mổ xẻ và nghiên cứu những cấu trúc với tên gọi bắt nguồn từ gốc tiếng Latin hay tiếng Hy Lạp cổ. Chúng tôi đã dành hẳn một năm để đắm mình trong sự kỳ diệu của cơ thể con người, để năm thứ hai có thể học cách nhận biết bệnh lý. Các giáo sư giảng cho chúng tôi về bản năng thông minh của các loại bệnh. Ký sinh trùng khai thác triệt để vật chủ, những thay đổi nhỏ trong gen dẫn đến các khuyết tật về tim và các tế bào ung thư không ngừng nhân lên. Chúng tôi được dạy rằng bằng cách tìm hiểu hướng đi của mỗi căn bệnh, các phương pháp chữa trị cũng sẽ được tìm ra. Những kiến thức với sức hút đầy ma mị. Tôi bám theo con đường học vấn, tin tưởng rằng mình rồi cũng sẽ thay đổi và có khả năng chữa lành.

Tôi chẳng bao giờ có thể tưởng tượng được sự vòng vèo của quá trình đào tạo. Cả quá trình đào tạo nội trú và đào tạo chuyên sâu không gì hơn một lời nói dối nhẹ nhàng mà chính cơ thể tôi cuối cùng sẽ gạt bỏ. Bằng cách nào đó, cơ thể tôi hiểu rằng bất kể đã hoàn thành khóa đào tạo, mặc cho được chứng kiến đủ mọi hình thức và tính chất nghiêm trọng của bệnh tật, tôi vẫn chưa hiểu được thế nào là đau ốm. Tôi đã trải qua một cơn bệnh – theo sau đó là quá trình hồi phục lâu dài và đau đớn – thứ đã xé tôi thành từng mảnh rồi sau đó xếp trở lại theo cách khiến tôi phải tự hỏi, thực sự đó có còn là mình hay không.

Mong ước được chữa khỏi bệnh thật hấp dẫn: đầy quyến rũ và thu hút. Trái lại, những căn bệnh quái ác, mặc cho khả năng biến đổi hoàn toàn mọi thứ, không được đón nhận với cảm giác tương tự. Bệnh tật được coi là trạng thái bất thường. Nó giống như thị trấn ta phóng qua trên đường về nhà, nhưng không dừng chân hay nán lại. Chúng ta bước qua nó với hàm răng nghiến chặt như thể đang đi trong cơn bão, gắng lờ đi vẻ đẹp rực rỡ của những tia sét rạch ngang bầu trời. Nhưng chính những khoảnh khắc bạo tàn khiến chúng ta tan vỡ lại mở ra những kiến thức thường bị giấu đi, chỉ có thể tìm đến trong những thời điểm tăm tối bất tận.

Từ góc nhìn mới trên giường của phòng Hồi sức Cấp cứu, tôi dần cảm nhận được hố đen ở trung tâm của mớ hỗn loạn vốn được coi là sự chăm sóc vô cùng hiệu quả và đầy khéo léo. Ban đầu tôi không thể gọi tên nó – chỉ là những khoảnh khắc thoáng qua rồi nhanh chóng tan mờ. Giống như những hình ảnh ẩn khuất trong bức tranh, tôi đã phải rất cố gắng mới có thể thấy chúng. Phải mất nhiều năm làm bệnh nhân, một người mới có thể hiểu rằng dù tiềm năng chữa bệnh của tri thức thật kỳ diệu, thực tế nó cũng chỉ là một lời nói dối.

 

Để có thể chữa lành, y học cần đến sự kết nối.

 

cu-soc-hanh-tinh-tim-lai-su-song-cua-mot-bac-si
Cuốn sách “Cú sốc – Hành trình giành lại sự sống của một bác sĩ

Là một bệnh nhân, bạn phải đương đầu với sự mong manh của mọi thứ mà bản thân từng tin là bất biến. Việc đặt mình vào vị trí dễ bị tổn thương ấy, khi không có ai bên cạnh sẵn sàng chia sẻ về những trải nghiệm tàn khốc, đem lại một cảm giác thực sự kỳ quái. Ai trong chúng ta cũng mong được thấu hiểu, được biết đến, được chia sẻ những trải nghiệm và cảm thấy được lắng nghe, để những sự kiện trong đời có được bối cảnh và ý nghĩa, rồi quay lại trở thành một phần nhận thức của chính ta về bản thân mình. Khao khát này càng mãnh liệt hơn vào những lúc ốm đau. Khi các cơ quan nội tạng và tay chân hoạt động bình thường, chúng ta có thể tùy ý tận hưởng ý niệm về sự tự lập và quyền tự quyết. Ta tự tin vào bản thân, rằng chính mình mới là người quyết định số phận đời mình. Nhưng khi đau ốm, ta đánh mất khả năng tự chủ, phải chấp nhận phụ thuộc vào người khác và phải chấp nhận kết cục khó đoán của mình. Sự thay đổi này mở ra cơ hội nhìn nhận những điều ta thường khó nhận ra giữa những đơn điệu của cuộc sống bình thường.

Nhận ra các cơ hội này và trân trọng những kết nối với cái nhìn toàn diện của tri thức chính là chìa khóa cho việc chữa lành. Lựa chọn ở bên người khác trong những thời khắc đau đớn đòi hỏi quyết tâm dù biết trước mọi chuyện. Bởi mọi chuyện chắc chắn sẽ khó khăn hơn, thậm chí có lúc không thể chịu đựng nổi. Lựa chọn ở bên chính là quyết định ngay từ lúc bắt đầu rằng bạn sẽ hiện diện trong suốt quãng thời gian đó. Quyết định này có thể không giống hoàn toàn với sự thấu cảm vô điều kiện mà ta từng tưởng tượng, cho đến khi tự nhắc bản thân rằng tình yêu lúc nào cũng đòi hỏi nỗ lực và cam kết mãnh liệt.

Liệu có phải bằng cách nào đó, quá trình đào tạo y khoa đã dạy chúng tôi tránh đi những cơ hội đó? Và liệu chúng tôi có biết phải làm gì kể cả khi nhận ra chúng?

Tôi làm việc ở một bệnh viện lớn trong thành phố, giữa trung tâm của một đô thị sầm uất và xô bồ. Chúng tôi tiếp nhận nhiều bệnh nhân được chuyển đến từ những nơi khác, bằng cả trực thăng và xe cứu thương. Những kỹ năng lâm sàng xuất sắc, sự quyết tâm và tinh thần làm việc nhóm cần thiết để chăm sóc cho các bệnh nhân phức tạp vượt xa cả những gì tôi từng trải nghiệm ở các bệnh viện khác khi còn học trường y hay đào tạo nội trú. Tôi may mắn có cơ hội được làm việc ở một cơ sở y tế tuyệt vời như thế. Mục tiêu chung của tập thể và niềm tự hào khi hoàn thành các công việc đầy thách thức là một trong những lý do tôi lựa chọn ở lại đây sau khi được đào tạo chuyên sâu.

Những khoảng thời gian khó khăn, những lúc tôi biết rằng chúng tôi đã lạc mất điểm quan trọng, dường như lúc nào cũng có thể được thông cảm và bào chữa. Ngành y quá mức phức tạp. Sai lầm chắc chắn sẽ xảy ra, kể cả ở những bệnh viện tốt nhất. Điều khác biệt duy nhất có lẽ là bệnh viện nơi tôi làm việc sẵn sàng thừa nhận rằng đây là một cơ sở đào tạo. Định hướng này giúp chúng tôi nhìn nhận một cách thẳng thắn vào từng lỗi sai, bất kể trong cách giao tiếp hay khi phát thuốc. Thừa nhận điều đó, xác định thời điểm quy trình chăm sóc y tế gặp vấn đề và giải quyết nó. Có lẽ bởi nhận thức rằng bất cứ hệ thống nào gắng sức đạt được những điều lớn lao đều sẽ có lúc sai lầm, chúng tôi học được cách không ngừng đứng lên. Chúng tôi không bao giờ cho phép bất kỳ thất bại nào, dù lớn hay nhỏ, trở thành dấu chấm hết cho câu chuyện. Đó sẽ luôn là điểm khởi đầu của một cuộc sống tốt hơn.

Đó chính là cách chúng tôi chữa bệnh.

Gần đây tôi bắt đầu đi buồng ở chính khoa Hồi sức Cấp cứu nơi tôi từng là bệnh nhân nguy kịch. Tôi dẫn đầu với tư cách là bác sĩ chính, cùng với một nhóm các bác sĩ nội trú đang hào hứng học hỏi, trình bày các ca bệnh nặng theo trình tự. Cô gái được thăm bệnh nằm trong danh sách chờ ghép phổi và đã nằm ở phòng Hồi sức Cấp cứu đó suốt nhiều tháng. Lần đầu chúng tôi gặp gỡ là từ nhiều năm về trước, khi bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện của tôi để khám hở van tim.

Khi bác sĩ nội trú hoàn thành phần trình bệnh của mình, điều dưỡng nói thêm về diễn biến bệnh trong đêm. Cô đã nhiều lần chăm sóc cho bệnh nhân này, và chính mối quan hệ lâu dài đó giúp cô biết được những thứ sâu xa hơn mà bác sĩ nội trú không thể có được. Cô mặc bộ đồng phục màu xanh lá với dòng chữ viết vội nơi gần đầu gối, ghi lại chỉ số Kali lúc phòng thí nghiệm gọi điện đến mà cô không thể tìm được mảnh giấy nào. Việc đi buồng đòi hỏi phải đứng một chỗ, nên cô có chút bồn chồn khi không được di chuyển liên tục như thường lệ. Với mái tóc nâu buộc đuôi ngựa, cô dõng dạc trình bày thẳng vào vấn đề, không cần đến dòng ghi nhớ được chính bản thân lưu lại.

“Bệnh nhân chuyển biến xấu sau đêm qua, hiện tại đang dùng oxy lưu lượng cao, 15 lít,” cô bắt đầu. “Bệnh nhân đã dành cả buổi sáng để nghe lại bài giảng đạo của mục sư. Hôm nay cô ấy rất khác. Tôi nghĩ cô ấy đang vô cùng sợ hãi”.

Bác sĩ nội trú cau mày vì vừa báo cáo bệnh nhân khá ổn định về mặt lâm sàng. Cậu có vẻ mệt mỏi, tròng mắt lằn rõ những vệt đỏ. Một đám tóc trên đỉnh đầu cậu dựng thẳng lên, bằng chứng rõ ràng duy nhất cho việc cậu đã ngả lưng một chút vào buổi tối hôm trước. Nó làm tôi nhớ đến mái tóc bò liếm của con trai mình và phải chống lại bản năng làm mẹ để không vuốt lại tóc cho cậu. Cậu đang mặc một chiếc áo nỉ có mũ dưới chiếc áo blouse trắng. Các bác sĩ nội trú thường mặc thêm lớp áo này vào khoảng giờ thứ 20 trong ca trực 30 tiếng của họ. Có lẽ việc phải thức liên tục nhiều giờ đồng hồ đã làm rối loạn các hormone điều hòa nhiệt độ cơ thể, và chúng tôi lúc nào cũng cảm thấy lạnh vào các buổi sáng sau ca trực.

Tôi đã cùng bệnh nhân này trải qua nhiều lần chuyển biến xấu; và tôi không phải là người duy nhất. Đó thường là dấu hiệu của bệnh suy tim ngày càng nặng hơn, và mặc dù luôn hồi phục, chúng vẫn gây ảnh hưởng trầm trọng đến tinh thần của cô. Điều đó giống như việc cơ thể của bệnh nhân đang nhấn mạnh rằng cô phải thừa nhận nguy cơ mình có thể ra đi bất cứ lúc nào. Cô cố gắng đắm chìm bản thân trong hy vọng và những lời cầu nguyện, thứ cứu cánh duy nhất cô có để chống lại nỗi sợ.

“Tôi đã hỏi cô ấy về khả năng hô hấp, nhưng không nhận được câu trả lời,” bác sĩ nội trú nói một cách hối lỗi.

“Mỗi người nghe đều sẽ nhận được một câu chuyện khác,” tôi nhắc nhở. “Việc bệnh nhân chia sẻ với điều dưỡng của cô ấy điều gì đó khác với những gì nói với cậu hay tôi là chuyện hoàn toàn có thể đoán trước được.” Tôi biết cô ấy có những câu trả lời khác nhau với những người khác nhau. Mỗi chúng tôi có một mối quan hệ khác nhau với cô ấy. “Điều đó không làm giảm đi giá trị của những lời bệnh nhân chia sẻ với cậu, nó chỉ khác đi đôi chút thôi,” tôi nói thêm.

Tôi nhìn thấy một mảnh giấy trống trong túi áo của cậu ấy.

“Bệnh nhân đưa nó cho cậu à?” tôi hỏi.

“Vâng, cô ấy muốn tôi viết một lời chúc may mắn để dán lên góc phòng,” cậu nói với sự bất lực. “Thú thực, tôi không mấy thoải mái với việc viết ra bất kỳ điều gì, vì tôi nghĩ bệnh nhân sẽ chết trước khi được ghép tạng. Bên ghép tạng nói cô ấy có quá nhiều kháng thể, và sẽ rất khó để tìm được một người hiến tạng phù hợp.” Cậu ngừng lại. “Tôi cảm thấy như đang nói dối nếu viết điều gì đó khích lệ bệnh nhân.”

Khuôn mặt cậu lộ ra vẻ không thoải mái, giống hệt như tôi mỗi khi phải đối mặt với sự bất định. Tôi nhìn thấy sự kiệt sức vì vỡ mộng, một tác dụng phụ của nỗ lực vùng vẫy với sự thật rằng chúng tôi không thể nhìn thẳng vào vấn đề và diễn tả nó một cách chân thật nhất. Không chỉ với bản thân mình mà còn cả bệnh nhân nữa. Những nỗ lực yếu ớt để lạc quan, trong khi sự thật dường như quyết tâm chẳng để lộ lấy một tia hy vọng.

Thật quá khó để tìm ra ranh giới giữa hy vọng thực sự và mơ mộng hão huyền.

“Thật khó phải không? Khi chúng ta không biết,” tôi nói một cách ngắt quãng.

“Nghe này, tôi hiểu,” tôi tiếp tục. “Cậu không muốn tạo ra hy vọng hão huyền. Chuyện này thật khó. Nếu chúng ta nghĩ từ phía cô ấy thì sao? Cậu nghĩ bệnh nhân cần gì từ chúng ta?”

“Chúng ta phải phối hợp chăm sóc cho bệnh nhân để cô ấy sẵn sàng ngay khi có tạng ghép phù hợp, đảm bảo các xét nghiệm được gửi đi và bệnh nhân có điểm đặt đường truyền tĩnh mạch để gây mê khi được chuyển đến phòng mổ, đảm bảo cân bằng dịch trong cơ thể và điều chỉnh các loại thuốc hợp lý,” một bác sĩ nội trú trả lời.

Tôi gật đầu. “Tất cả những gì cậu nói đều đúng và chắc chắn chúng ta phải làm những điều này. Nhưng đó có phải là những gì gì bệnh nhân nói cô ấy cần nhất ngay lúc này hay không?”

Họ lặng lẽ nhún vai, ngầm ám chỉ họ chỉ đang cố gắng làm những gì họ biết và đều phần nào kiệt sức vì điều đó.

“Đi xem những thứ mọi người đã viết nào,” tôi đề nghị. Chúng tôi đi vào phòng bệnh, nhưng không bật đèn. Bệnh nhân đang ngủ – cơ thể cô đang cố gắng hồi phục sau một đêm kinh hoàng. Kể cả khi tỉnh, bệnh phổi cũng quá nặng khiến cô chỉ có thể nói những câu ngắn, đứt quãng, một hai từ một lúc.

Tôi đã đến khám cho bệnh nhân trước đó vào buổi sáng và ghi nhận nỗi lo sợ của cô rằng tình trạng khó thở đang ngày càng trầm trọng. Gần đây, chỉ riêng việc ngồi dậy cũng đã khiến cô phải gắng sức. Cô dành phần lớn thời gian trong ngày để cầu nguyện. Ngồi yên lặng bên cạnh bệnh nhân, tôi biết rằng thời gian còn lại của cô chỉ đếm từng ngày. Tôi muốn nói chuyện với cô về thực tế nặng nề đó. Những câu “giá mà” ngày càng trở nên nhiều hơn so với việc cô ấy có thể trải qua một cuộc ghép tạng thành công. Tôi nghĩ đã đến lúc. Cô ấy bắt gặp ánh mắt của tôi và mỉm cười. Cô thể hiện nỗi thất vọng khi các bác sĩ nội trú mới chuyển đến tháng này chưa viết một tấm thiệp nào. “Tôi chỉ muốn biết họ cũng đang cùng tôi hy vọng,” cô nói. Tôi nhìn xuống, tránh ánh mắt của cô và cảm thấy có chút tội lỗi khi đoán trước cái chết của cô.

Cô đặt trong phòng những bức ảnh bóng bẩy, đầy màu sắc của bản thân và gia đình được đóng khung treo tường, tạo cho không gian một cá tính rất riêng. Đó là điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy khi bước vào phòng bệnh. Tất cả đều phải thừa nhận cách cô xác định bản thân: Hãy nhìn đi, đây mới là tôi chứ không phải những gì mọi người thấy trên giường bệnh. Những bức ảnh dường như muốn nói lên điều đó.

Tôi quay sang bức tường màu xanh thẫm dán đầy những tấm thiệp trắng với những lời nhắn gửi, động viên, và âm thầm đọc chúng. “Tôi ngưỡng mộ sự quyết tâm, sức mạnh và niềm tin của cậu. Cảm ơn cậu đã cho tôi là một phần của cuộc hành trình này”.

Một tấm thiệp khác ghi: “Cô là người dũng cảm nhất tôi từng biết”.

“Tôi hy vọng chúng ta có thể gặp nhau khi mọi chuyện kết thúc, khi cô trở nên khỏe mạnh và có thể hít thở thoải mái,” tôi đọc một tấm thiệp khác.

Chúng tôi rời phòng bệnh và cố gắng suy nghĩ về những gì mình vừa đọc. Liệu có đúng đắn khi mang đến sự động viên, hy vọng cho những người đang ở bờ vực của cái chết? Liệu có nên ưu tiên niềm tin và hy vọng, ngay cả khi phải rất cố gắng chúng tôi mới có thể mang đến cho bệnh nhân các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến nhất mà cô ấy cần để sống sót? Tôi tin câu trả lời là có. Những tấm thiệp là bằng chứng hữu hình để bệnh nhân biết rằng chúng tôi chấp nhận suy nghĩ của cô về câu chuyện này, rằng chúng tôi hiểu cô đang trải qua quãng thời gian khó khăn và chia sẻ nỗi sợ hãi với cô ấy. Bằng việc viết ra điều gì đó đầy hy vọng, chúng tôi cho phép bản thân cùng bệnh nhân nghĩ về những điều có thể xảy ra: không chỉ dừng lại ở những kết quả dễ đoán, mà là mọi điều khả dĩ.

Một bác sĩ nội trú bắt đầu đưa ra suy nghĩ rằng việc viết thiệp cho bệnh nhân về cơ bản giống như một sự trao đổi. “Tôi hiểu rồi, chúng ta sẽ cho bệnh nhân điều cô ấy cần, và kết quả là…”

Cậu ấy dừng lại và bác sĩ nội trú vừa hết ca trực bắt đầu nói. “Không, bệnh nhân cần chúng ta phải nhìn cô ấy, ngay cả khi đang ốm yếu như vậy, không phải như một người bệnh mà là một người đang được chữa lành.” Lời giải thích của cậu về cách ứng xử của bác sĩ có thể giúp hiểu rõ bệnh nhân, dù đơn giản, nhưng chẳng thể nào chuẩn xác hơn. Cậu tiếp tục. “Những tấm thiệp đã khiến niềm hy vọng trở nên rõ ràng.”

“Ồ.” Tôi bất ngờ trước câu trả lời đó. “Thử nghĩ mà xem.

Nếu như cuối cùng đó là điều chúng ta làm được, bằng cách nào đó khiến cho niềm hy vọng trở nên hữu hình…” Tôi không thể tiếp tục mạch suy nghĩ của mình.

“Đó sẽ là sự thành công,” người điều dưỡng tiếp lời.

“Ừ, chuyện đó và việc cô ấy được ghép tạng,” một bác sĩ nội trú chêm vào. Những người khác nhanh chóng bật cười, giống như cùng đồng ý với suy nghĩ có phần trẻ con ấy. Tôi thông cảm với sự không thoải mái của họ.

Tôi biết họ coi trọng việc chữa khỏi bệnh, đó là mục tiêu và sự chiến thắng. Chúng tôi không được thoải mái khi phải đứng giữa sự mông lung u tối của nỗi thống khổ. Chúng tôi giỏi hơn trong việc đưa ra những cách chữa trị phức tạp đòi hỏi độ chính xác cao, theo cách có vẻ vô cùng dễ dàng, nhưng lại chật vật vụng về khi cần đến sự thấu cảm. Tôi nhớ có một lần đã phải trả lời một bệnh nhân đang vô cùng rối trí: “Nhưng tại sao điều này có thể xảy ra cơ chứ,” cô hỏi với đôi mắt ngấn lệ. Tôi chỉ giải thích rằng mối quan hệ phức tạp giữa gen di truyền và môi trường, các hành vi và xu hướng đã đưa đến kết quả là chẩn đoán cuối cùng.

Tôi đã được đào tạo để tin rằng tất cả các câu hỏi đều cần trả lời bằng dữ liệu khoa học. Chính vì định hướng này, tôi không thể nhận ra nỗi sợ hãi hay bản chất hiện sinh của câu hỏi đó. Phải mất nhiều năm tôi mới có thể hiểu ra ẩn ý đằng sau những câu hỏi. Và ngay cả lúc đó, khi đã nhận ra chúng là cơ hội để kết nối với bệnh nhân, tôi vẫn không tin rằng năng lượng chữa lành đôi khi chỉ nằm ở việc có mặt ở đó cùng họ khi trải qua khó khăn.

Tôi đã không coi trọng những giá trị vô hình, những khoảnh khắc khi sự thấu hiểu được chia sẻ.

Tôi đã xa rời bệnh nhân theo đúng cách mà trường lớp đã dạy, giống như cách mà nhóm điều trị đang làm ngay lúc này. Tôi đã học theo mô hình chữa bệnh được đặt ra bởi những người đi trước, người đã khuyên tôi nên cho mình không gian riêng, để không bị làm phiền. Tôi đã được dạy rằng những kết nối sẽ chỉ mang đến tổn thương, và từ đó dẫn đến thất vọng và kiệt sức; cứ như cơ thể tôi được tạo ra từ những thành phần có thể đong đếm được, mà khi đã cho đi sẽ chẳng bao giờ trở lại. Tôi không chắc mình có thực sự tin vào lối nghĩ đó hay không, nhưng trước khi trải nghiệm vị trí của người bệnh, tôi đã không cho phép bản thân hình dung ra viễn cảnh mình bỏ đi lớp phòng vệ, sẵn sàng tiếp nhận và chia sẻ. Tôi đã không hiểu rằng khơi mở bản thân mới là cách để phục hồi. Rằng thấu cảm trao đi cũng sẽ được nhận lại.

May mắn thay, tôi đã có cơ hội được trải nghiệm cái chết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *