Mâu thuẫn Trung Xô .P3  Hậu kỳ mâu thuẫn và ý đồ tam cực của Đặng Tiểu Bình

Mâu thuẫn Trung Xô .P3 Hậu kỳ mâu thuẫn và ý đồ tam cực của Đặng Tiểu Bình

.
Kể từ khi đệ nhị thế chiến kết thúc ,thế giới chịu tác động của cuộc tranh đấu lưỡng cực giành quyền bá chủ toàn cầu giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Trên một vài phương diện, cuộc tranh giành này là sự ứng nghiệm cho những giả định được các nhà địa chính trị ưa chuộng nhất: cường quốc hàng hải hàng đầu thế giới, thống trị cả Đại Tây Dương vàThái Bình Dương, đối đầu với cường quốc lục địa hàng đầu thế giới, bá vương vùng trung tâm lục địa Á-Âu (với khối Xô-Trung bao trùm một vùng diện tích làm liên tưởng đến lãnh thổ của Đế chế Mông Cổ). Khía cạnh địa chính trị không thể rõ ràng hơn được nữa: Bắc Mỹ với Á-Âu, cùng một thế giới đứng trước một dấu hỏi lớn. Kẻ chiến thắng sẽ thực sự thống trị toàn cầu. Không một ai có thể cản đường nữa, một khi đã nắm được trong tay chiến thắng cuối cùng.
Trong lĩnh vực địa chính trị, cuộc xung đột được tiến hành phần lớn ở vùng ngoại vi của lục địa Á-Âu. Khối Xô-Trung chi phối phần lớn lục địa Á-Âu nhưng không kiểm soát được các vùng ngoại vi của nó. Bắc Mỹ lại thành công trong việc cố thủ ở cả bờ biển phía cực đông và cực tây của lục địa này. Sự phòng thủ của các thành lũy ở mỗi đầu lục địa này (điển hình ở “mặt trận” phía tây với cuộc phong tỏa Berlin và ở phía đông là Chiến tranh Triều Tiên), do đó, là thử nghiệm chiến lược đầu tiên của cái gọi là Chiến tranh Lạnh.
Liên minh do Mỹ đứng đầu vẫn giữ được sự gắn kết, trong khi khối Xô-Trung tan rã trong vòng chưa đầy hai thập kỷ. Một phần là do sự linh hoạt hơn trong liên minh dân chủ của Mỹ, trái ngược với đặc tính phân cấp và giáo điều nhưng lại dễ tan vỡ của khối Xô-Trung. Liên minh Mỹ gắn kết bằng những giá trị chung, nhưng không có một định dạng giáo lý chính thức. Trong khi đó, khối Xô-Trung nhấn mạnh tính chính thống của giáo lý, xoay quanh chỉ một trung khu luận lý được mặc định là chính thống. Mặt khác, các nước chư hầu chính của Mỹ yếu hơn đáng kể so với Mỹ, trong khi Liên Xô không thể đối xử với Trung Quốc như một nước có địa vị thấp hơn.
Đối với Trung Quốc, họ cho rằng “Nga” có nghĩa là “vùng đất đói khổ” nên càng khinh miệt công khai hơn. Mặc dù ban đầu Trung Quốc chỉ lặng lẽ chống đối những tuyên bố về tính phổ quát của mẫu hình Xô Viết của Moscow, tuy nhiên, chỉ trong vòng một thập kỷ, sau cuộc Cách mạng của riêng mình, người Trung Quốc tự đặt ra một thách thức mang tính khẳng định đối với sự thao túng về mặt lý luận tư tưởng của Moscow, thậm chí bắt đầu công khai thể hiện sự khinh miệt đối với những người hàng xóm phía bắc . Đặc biệt từ sau cái chết của Stalin , Mao Trạch Đông và những người trợ lý của ông ta đã phân tích cặn kẽ mọi thứ họ biết về SoViet , quả quyết cho rằng mô hình của họ chứa đầy rẫy mâu thuẫn mà chỉ uy quyền tuyệt đối ,tính cách , tầm nhìn, năng lực , uy tín và danh tiếng của Stalin có thể tạm thời áp chế , mà những lãnh tụ tiếp theo thua kém về mọi mặt , sớm muộn dẫn tới sự suy yếu của siêu cường Soviet. Kết quả là họ liên tục thăm dò tiềm lực và giới hạn của soviet trong suốt thập niên 1960 bằng xung đột biên giới có kiểm soát và chỉ trích ngoại giao ngày một công khai
Sau các cuộc đụng độ năm 1969, dường như cả hai phía đều rút lại tránh rơi vào bờ vực chiến tranh. Vào tháng 9, Kosygin đã thực hiện một chuyến đi bí mật đến Bắc Kinh và có các cuộc hòa đàm với Chu Ân Lai. Tháng 10, các cuộc nói chuyện về vấn đề biên giới bắt đầu. Không có một thỏa thuận nào được đạt đến nhưng các cuộc gặp gỡ đã phục hồi lại một sự tối thiểu về liên lạc ngoại giao.
Vào năm 1970, Mao nhận thấy rằng ông không thể đối đầu một lúc với cả Liên Xô , Hoa Kỳ và ngăn chặn những bất ổn trong nước. Trong năm đó, mặc dù sự thật là Chiến tranh Việt Nam đang ở giai đoạn cao điểm và thái độ chống Mỹ của Trung Quốc đang ở đỉnh cao, Mao đã quyết định rằng Liên Xô là một mối đe dọa lớn nhất vì vị trí địa lý của nó ở ngay bên cạnh Trung Quốc, ông ta muốn tìm một sự hòa giải với Hoa Kỳ để đương đầu với Liên Xô.
Tháng 7 năm 1971, Henry Kissinger bí mật viếng thăm Bắc Kinh và dọn đường cho Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon sang thăm Trung Quốc tháng 2 năm 1972. Mặc dù Liên Xô lúc đầu rất giận dữ, chẳng bao lâu sau đó họ cũng tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh riêng với Nixon, như thế tạo ra một quan hệ tay ba giữa Washington, Bắc Kinh, và Moskva. Việc này kết thúc thời kỳ đối đầu tồi tệ nhất giữa Liên Xô và Trung Quốc.
Kể từ ngày 25 tháng 10 năm 1971 – nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa giành lại được địa vị thành viên thường trực Liên hợp quốc từ tay Quốc Dân Đảng , với Đặng Tiểu Bình làm trưởng đoàn đại biểu .
Trong một sự đảo chiều bất ngờ trước cam kết lâu dài của Mỹ đối với chính phủ Đài Loan và chính sách không công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), các đại diện ngoại giao của Mỹ ở Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu bầu Trung Quốc trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Mặc cho sự phản đối từ phía Mỹ, Đài Loan vẫn bị trục xuất.
Lý do cho sự thay đổi rõ rệt trong chính sách của Mỹ là không khó để nhận ra. Mỹ đã đánh giá các mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc cao hơn cam kết lịch sử của mình đối với Đài Loan. Lợi ích của Mỹ trong việc được Trung Quốc giúp đỡ giải quyết tình hình tồi tệ ở Việt Nam; sử dụng ảnh hưởng của Mỹ đối với Trung Quốc như là đòn bẩy ngoại giao chống lại Liên Xô; và mong muốn có được các mối quan hệ kinh tế béo bở với Trung Quốc, là những yếu tố tác động đến quyết định của Mỹ.
Quan hệ với Trung Quốc kể từ đó đã phát triển mạnh mẽ, nổi bật là chuyến thăm của Tổng thống Richard Nixon tới Trung Quốc vào năm 1972. Không có gì ngạc nhiên khi quan hệ ngoại giao với Đài Loan trở nên nguội lạnh một cách rõ ràng, mặc dù Mỹ vẫn công khai thừa nhận rằng họ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo này bị tấn công.
Sự kiện này đã chính thức kết thúc trạng thái bị cô lập của Trung quốc . Kể từ đây Tq không phải phụ thuộc ngoại giao Soviet nữa .

Thập niên 1970, sự thù nghịch Trung-Xô cũng lan đến châu Phi và Trung Đông nơi mà mỗi thế lực cộng sản ủng hộ và tài trợ những đảng phái, phong trào, và quốc gia khác nhau. Điều này đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh giữa Ethiopia và Somalia, các cuộc nội chiến tại Zimbabwe, Angola và Mozambique, và sự thù nghịch giữa các nhóm cực đoan người Palestine khác nhau. Không như Liên Xô, Trung Quốc thật sự đã không đưa quân đến bất cứ điểm nóng nào vừa kể ở trên nhưng sự can thiệp có tính cạnh tranh của họ đã tạo nên và kéo dài sự bất ổn.
Một lý do khác là tham vọng của Trung Quốc. Trung Quốc bắt tay với Mỹ, tăng cường chống Liên Xô, cố tạo nên thế ba nước lớn trên thế giới theo công thức của Henry Kissinger về “thế giới nhiều cực”, trong đó một trong ba cực lớn là Trung Quốc, xoá bỏ “thế hai cực” Mỹ và Liên Xô đã hình thành sau chiến tranh thế giới thứ hai, đồng thời dùng vấn đề Việt Nam để đổi lấy việc Mỹ rút khỏi Đài Loan.
Việc mất quyền lực của Lâm Bưu năm 1971 đánh dấu hồi kết thúc giai đoạn cực độ nhất của cuộc Cách mạng Văn hoá và từ đó trở đi cho đến khi Mao mất vào năm 1976, có một sự trở lại dần dần chế độ cộng sản bình thường tại Trung Quốc. Nó kết thúc tình trạng đối đầu quân sự với Liên Xô nhưng không đưa đến bất cứ sự tan băng nào trong các quan hệ chính trị. Dù vậy, việc tăng cường quân sự của Liên Xô trên biên giới với Trung Quốc vẫn tiếp tục: năm 1973, Liên Xô gần như tăng gấp đôi quân số của mình hiện diện tại biên giới so với năm 1969. Trung Quốc tiếp tục lên án “chủ nghĩa đế quốc xã hội Xô Viết” và tố cáo Liên Xô là kẻ thù của Cách mạng Thế giới. Mặc dù chính Trung Quốc đã ngừng hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm cách mạng tại những quốc gia khác sau năm 1972, và ủng hộ cho một cuộc chấm dứt Chiến tranh Việt Nam trong thương thuyết năm 1973.
Trong nội bộ chính quyền Bắc Kinh , bằng một cách chậm rãi nhưng chắc chắn , Đặng Tiểu Bình và những đồng minh mạnh mẽ chiếm lấy sự kiểm soát quân đội . Từ đó lần lượt xoá sổ các thế lực còn sót lại của Mao , với kết thúc cuối 1978 khi hạ bệ Hoa Quốc Phong , người thừa kế được chính Mao lựa chọn
Đặng Tiểu Bình ngay lập tức lật ngược các chính sách kinh tế của Mao và bắt đầu một thời kỳ chuyển tiếp sang một nền kinh tế thị trường tại Trung Quốc. Vào thập niên 1980, các chính sách “tìm sự thật trong thực tế” (seeking truth from facts) và chú trọng vào “con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc” của Đặng Tiểu Bình, điều này có nghĩa thực tế là phục hồi lại một nền kinh tế thị trường tại Trung Quốc đã cho thấy là Trung Quốc phần nhiều đã mất hứng thú vào những tranh luận về cộng sản, và các cáo buộc về chủ nghĩa xét lại của Liên Xô cũng trong giọng điệu khá nhẹ nhàng và mờ nhạt dần.
Kết thúc Chiến tranh Việt Nam năm 1975 đã để lại các chế độ thân Liên Xô nắm quyền tại Việt Nam và Lào, và chế độ thân Trung Quốc tại Campuchia. Việt Nam lúc đầu sẵn sàng làm ngơ các chính sách diệt chủng nội bộ của chế độ Pol Pot tại Campuchia, nhưng khi có các cuộc tàn sát các cộng đồng người Việt và các cuộc đụng độ dọc theo biên giới, họ đã xâm nhập Campuchia năm 1978 và lật đổ chế độ Pol Pot. Trung Quốc giận dữ tố cáo hành động này và mở một cuộc xâm lược “trừng phạt” miền bắc Việt Nam khiến xảy ra Chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979. Đến lượt mình, Liên Xô lên án Trung Quốc nhưng không có hành động quân sự nào.
Năm 1979, Liên Xô can thiệp vào Afghanistan khi chế độ cộng sản tại đó đối mặt với nguy cơ bị lật đổ. Chính phủ Trung Quốc xem việc này như là một mưu toan nhằm bao vây họ nên đã hình thành một liên minh với Hoa Kỳ và Pakistan để hỗ trợ các phong trào kháng chiến Hồi giáo tại Afghanistan và ngăn chặn sự xâm lược của Liên Xô. Điều này khá thành công; cuộc chiến dây dưa kéo dài tại Afghanistan đã làm suy yếu nhiều hệ thống Xô Viết trong những năm sau đó. Trung Quốc cũng có nhúng tay một cách bí mật vào việc cung cấp trợ giúp cho nhóm Contras chiến đấu chống chính quyền Sandinista được Liên Xô hậu thuẫn tại Nicaragua . Năm 1982, trước khi chết không bao lâu, Leonid Brezhnev đã đọc một bài diễn văn tại Tashkent mà lời lẽ như muốn hòa giải với Trung Quốc. Việc này mở đường cho sự hiện diện ngoại giao của Trung Quốc tại lễ tang của ông sau đó trong năm, và các nỗ lực ở bậc thấp nhằm giảm thiểu các tình trạng căng thẳng.

Khi Mikhail Gorbachev lên nắm quyền lãnh đạo Liên Xô năm 1985, ông đã cố gắng hàn gắn lại quan hệ bình thường với Trung Quốc. Các lực lượng quân sự Xô viết dọc theo biên giới được giảm thiểu rất nhiều, các quan hệ kinh tế bình thường đã được nối lại, và vấn đề biên giới được lặng lẽ lãng quên. Tuy nhiên Trung Quốc và Liên Xô khó bình thường hóa quan hệ nếu Kremlin không rút quân khỏi Afghanistan và ngừng hỗ trợ Việt Nam đóng quân tại Campuchia. Hơn nữa Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận tình trạng phụ thuộc vào Liên Xô. Việc rút quân Liên Xô ra khỏi Afghanistan đã khai thông bất hòa chính giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, các vấn đề tư tưởng của thập niên 1960 không được giải quyết, và quan hệ chính thức giữa hai đảng cộng sản không được nối lại. Những mối quan hệ còn lãnh đạm giữa Liên Xô và Trung Quốc đã thúc giục nhiều người trong chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan xem Trung Quốc như một thế quân bình tự nhiên chống Liên Xô. Kết quả là Hoa Kỳ đã viện trợ quân sự cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Để thắt chặt quan hệ mới cải thiện, Gorbachev viếng thăm Trung Quốc vào tháng 5 năm 1989. Một kết cục không đoán trước của hội nghị thượng đỉnh này là sự tường trình của số đông giới truyền thông báo chí ngoại quốc về cuộc biểu tình phản đối tại Thiên An Môn năm 1989 và sự đàn áp xảy ra sau đó.
Chính phủ Trung Quốc xem xét sự cải cách của Gorbachev trong cái vẻ mâu thuẫn vừa thích thú vừa nghi ngờ. Tuy nhiên sự cải cách của Gorbachev sau cùng đưa đến sự sụp đổ của Liên Xô và kết thúc sự nắm quyền của Đảng Cộng sản năm 1991. Vì chính phủ Trung Quốc không chính thức thừa nhận Liên Xô là một “nước xã hội chủ nghĩa” anh em nên họ không có ý kiến là Gorbachev phải nên cải cách chủ nghĩa xã hội như thế nào. Với tư cách cá nhân, giới lãnh đạo Trung Quốc có ý kiến rằng Gorbachev đã dại dột tiến hành các cải cách chính trị trước khi tiến hành cải cách kinh tế trong khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế mà không làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *