MÂU THUẪN CHÍNH TRỊ GIỮA MINH MẠNG VÀ LÊ VĂN DUYỆT VỚI VẤN ĐỀ TRẤN THUẬN THÀNH Trấn …

MÂU THUẪN CHÍNH TRỊ GIỮA MINH MẠNG VÀ LÊ VĂN DUYỆT VỚI VẤN ĐỀ TRẤN THUẬN THÀNH

MÂU THUẪN CHÍNH TRỊ GIỮA MINH MẠNG VÀ LÊ VĂN DUYỆT VỚI VẤN ĐỀ TRẤN THUẬN THÀNH
Trấn Thuận Thành là một đơn vị hành chính đặc biệt, được hình thành dưới thời chúa Nguyễn (1797), bao gồm các khu vực định cư của các cộng đồng dân tộc bản địa (Chăm, Raglai, Churu, K’ho…) nằm rải rác, xen kẽ với các khu cư trú của người Việt thuộc địa phận các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và một phần các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông hiện nay. Trấn Thuận Thành nằm dưới sự bảo hộ của xứ Đàng Trong, được hưởng một quy chế tự trị đặc thù với một nền hành chính riêng do một thủ lĩnh người bản xứ đứng đầu, với một thể chế pháp luật, thuế khóa, quân đội riêng….[1]. Chế độ đặc thù này trải qua thời kỳ nội chiến (1771 – 1802) vẫn được duy trì dưới thời kỳ vua Gia Long (18012 – 1820)[2], nhưng kể từ khi Minh Mạng lên ngôi ông lại tìm một cách tiếp cận khác với vấn đề trấn Thuận Thành, đặc biệt lúc này Tổng trấn Gia Định Thành Lê Văn Duyệt cũng tác động nhiều đến các sự kiện chính trị ở phiên trấn này.
Trong bài viết này, tác giả muốn đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu thái độ, chủ trương, chính sách của các thế lực chính trị trong các vấn đề của phiên trấn Thuận Thành, trước hết là triều đình Minh Mạng sau là Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt. Làm rõ những thay đổi của triều đình Minh Mạng, so với Gia Long, trong vấn đề trấn Thuận Thành, những xung đột, mâu thuẫn ngầm cho thấy triều đình và Gia Định thành đều muốn tác động và gây ảnh hưởng vào nội tình của trấn. Cuối cùng, tác giả muốn tìm hiểu các tác động và hệ quả của cuộc tranh chấp quyền lực này đến nội tình và các cư dân thuộc nội trấn. Để đạt những mục đích khoa học này, tác giả đã tham khảo, sử dụng, đối chiếu, so sánh và chất lọc các dữ liệu từ cả hai nguồn sơ cấp của nhà Nguyễn và các văn bản lịch sử của người Chăm địa phương hiện lưu trữ tại Pháp. Điều đó giúp tác giả có một cách tiếp cận mới khách quan hơn, khoa học hơn về việc nghiên cứu chính sách của triều Nguyễn với các dân tộc thiểu số trong giai đoạn nữa đầu thế kỷ XIX.
1. Minh Mạng với vấn đề người đứng đầu trấn Thuận Thành
Năm 1820, tại Huế, vua Gia Long băng hà, vị hoàng tử thứ tư được chọn làm người kế vị, ông lên ngôi với niên hiệu là Minh Mạng. Tại trấn Thuận Thành, vị Chánh trấn Nguyễn Văn Chấn cũng bước vào tình trạng già yếu, sức khỏe ngày càng giảm sút. Chính lúc này, việc chọn lựa người sẽ thay thế cho Nguyễn Văn Chấn là một vấn đề không những được các quan lại trong trấn quan tâm mà bản thân triều đình Minh Mạng cũng rất chú trọng.Theo sử liệu của nhà Nguyễn, năm 1822, Phó trấn Nguyễn Văn Vĩnh được triệu về kinh đô, không biết vì lý do gì? Không lâu sau đó, Nguyễn Văn Chấn qua đời, Nguyễn Văn Vĩnh được bổ nhiệm làm Trấn thủ trấn Thuận Thành[3].
Trong khi đó, các văn bản Chăm mô tả khi Nguyễn Văn Chấn qua đời, Nguyễn Văn Vĩnh thì vắng mặt, ông đang ở tại Huế, do đó trấn Thuận Thành rơi vào một cuộc khủng hoảng về người lãnh đạo, tức thì nhân dân địa phương đã phán ứng với quyết định này, họ tính đến một cuộc nổi dậy[4]. Po Dharma đưa ra giả thuyết rằng Minh Mạng đã giam lỏng Nguyễn Văn Vĩnh, đồng thời muốn đưa một nhân vật thân tín của mình là Bait Lan lên nắm quyền trong trấn, điều này cho thấy Minh Mạng đã can dự trực tiếp và phá vỡ ngang nhiên tiền lệ Phó trấn phải lên Chánh trấn như trước đây. Điều này sẽ tạo nên những phản ứng chống đối cư dân bản địa, họ tiến hành nổi loạn, phong trào phản kháng này do một nhân vật có tên là Ja Lidong lãnh đạo[5].
Chính trong bối cảnh ấy, vị tân vương, mới lên cầm quyền vỏn vẹn hai năm nhận thấy rằng, sự can thiệp trực tiếp của mình vào nội tình trấn Thuận Thành là một bước đi nóng vội, không tránh khỏi bị những sự phản ứng. Trong lúc đó, Minh Mạng cũng đang phải lo củng cố quyền lực của mình, những kẻ chống đối sự lên ngôi của ông trong triều đình vẫn chưa bị tiêu diệt, nhất là ở Bắc Thành.
Do vậy, trong một tính toán có chủ đích, Minh Mạng đã quyết định nhân nhượng. Ngay trong năm đó, ông phong cho Nguyễn Văn Vĩnh chức vị Trấn thủ, hàm tam phẩm, cử Vĩnh trở về trấn Thuận Thành tiến hành cuộc bình định các phong trào nổi dậy ở địa phương. Có thể thấy, dù đã nhân nhượng, nhưng nhà vua vẫn giảm bớt quyền lực của người đứng đầu trấn Thuận Thành thông qua việc ông chỉ phong chức Trấn thủ chứ không phong chức Chánh trấn như trước. Phẩm hàm mà vị quan Trấn thủ Nguyễn Văn Vĩnh có được là tam phẩm, tức là chỉ tương đương các Hiệp trấn các trấn, so với Nguyễn Văn Chấn, thì rõ ràng quyền hạn của Vĩnh đã có phần giảm sút.
Điều này cho thấy một thay đổi đáng kể trong thái độ, chủ trương của vua Minh Mạng so với vua cha. Trong khi, vua Gia Long là người tôn trọng các nét đặc thù địa phương của trấn Thuận Thành, ông giao cho người đứng đầu trấn những quyền hạn lớn và tránh sự can thiệp của mình vào nội tình trấn. Thì Minh Mạng, lại có chính sách cứng rắn, ông quyết tâm đưa Thuận Thành vào “quỹ đạo” trực tiếp của triều đình Huế, thông qua việc can thiệp vào việc lập người đứng đầu trấn. Mặt khác, Minh Mạng cũng chủ trương hạn chế những quyền hạn của người đứng đầu trấn Thuận Thành và sẽ tiến đến thu hẹp quyền tự trị của trấn Thuận Thành.
2. Lê Văn Duyệt bước đầu can thiệp vào vấn đề Trấn Thuận Thành
Trở lại tình hình trấn Thuận Thành, cuộc nổi dậy của Ja Lidong rất có thể là cuộc nổi loạn của Tà La Mân hay Tà La Vân mà sử liệu nhà Nguyễn nhắc đến. Theo các nguồn tài liệu này, năm 1823, quân của trấn Thuận Thành kết hợp với quân triều đình ở Bình Thuận đã đẩy lui cuộc nổi dậy đến vùng rừng, núi giáp giới với Gia Định Thành. Tổng trấn Lê Văn Duyệt đã thu phục đám tàn binh này về quy thuận mình, sau đó mới báo về kinh cho vua biết, Minh Mạng chấp thuận điều đó[6].
Sự kiện này cho thấy Minh Mạng đã nhân nhượng Lê Văn Duyệt trong việc giải quyết các lực lượng chống đối, nhất là khi ai cũng biết Minh Mạng vốn là một vị vua luôn thái độ cứng rắn đối với các thành phần chống đối. Nhưng sở dĩ, Minh Mạng chấp nhận với đề nghị của Lê Văn Duyệt và nhân nhượng với những thành phần chống đối ở trấn Thuận Thành là vì trong lúc này, quyền lực của Lê Văn Duyệt rất lớn, trong khi vị tân vương vừa mới cầm quyền, quyền lực chưa đủ mạnh để so với vị Tổng trấn ở Gia Định.
Sự kiện này cũng là đánh dấu sự góp mặt của Lê Văn Duyệt vào việc giải quyết các mâu thuẫn ở trấn Thuận Thành. Từ đây Lê Văn Duyệt với tư cách là Tổng trấn Gia Định thành sẽ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến nội tình trấn Thuận Thành và điều đó sẽ làm cho tầm ảnh hưởng của ông ngày càng rõ nét trong đời sống chính trị của trấn Thuận Thành. Nhưng chắc hẳn rằng, sự can dự của Lê Văn Duyệt sẽ tạo nên một ấn tượng không tốt của nhà vua, Minh Mạng, trong thâm tâm, sẽ cho rằng Lê Văn Duyệt không xem triều đình ra gì, ông đang không ngừng mở rộng quyền lực của mình, những điều đó sẽ làm phương hại đến uy quyền của nhà vua, ít nhất là trong các vấn đề ở trấn Thuận Thành.
Cũng chính từ đây, trấn Thuận Thành sẽ vô tình bị cuốn vào vòng tranh chấp quyền lực giữa triều đình Minh Mạng và Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt. Những tranh chấp này bắt nguồn từ những mâu thuẫn trong thái độ của đôi bên đối với trần Thuận Thành, trong khi Lê Văn Duyệt muốn giải quyết các mâu thuẫn ở Thuận Thành một cách ôn hòa, đồng thời chủ trương duy trì các đặc quyền mà vua Gia Long đã ban cho trấn. Thì Minh Mạng, một vị vua luôn chú tâm đến việc thống nhất quyền hành vào trong tay mình, lại chủ trương hạn chế những đặc quyền đó, can thiệp trực tiếp vào tất cả những công việc của trấn. Đối với Minh Mạng, sự dính líu của Lê Văn Duyệt, sẽ làm “xói mòn” tầm ảnh hưởng và mục đích của ông tại trấn Thuận Thành.
3. Tình hình trấn Thuận Thành trong thời kỳ Nguyễn Văn Vĩnh
Trở lại với tình hình ở trấn Thuận Thành, sau khi bình định xong các cuộc nổi dậy vào năm 1823, vùng đất này trải qua một thời kỳ yên bình ngắn ngủi, trước khi xảy ra các xung đột lớn hơn. Dưới triều Minh Mạng và sự cầm quyền Nguyễn Văn Vĩnh, các cư dân Thuận Thành phải chịu thuế khóa và lao dịch nặng nề, triều đình ra lệnh cho người dân phải nộp thêm gỗ, lúa, sản vật, họ phải thực hiện nhiều nghĩa vụ lao dịch xây dựng đình trạm, mương đập và đóng tàu bè… Họ còn bị sự nhũng nhiễu và ức hiếp của các quan lại địa phương do triều đình bổ nhiệm, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, họ không ngừng than vãn về số phận của mình[7]…
Hiện tình này không chỉ được miêu tả trong các văn bản Chăm mà còn được đề cập phổ biến trong các sử liệu của nhà Nguyễn. Minh Mạng chính yếu ghi nhận (năm 1825): “…Dân Mọi sách trà Nương thuộc hạt Bình Thuận năm ngoái, phải gặp tai ách thương vọng, không nạp được thủ…”. Cũng theo tài liệu này, vào năm 1826, Quan trấn Bình Thuận tâu rằng: “…Đám người Mọi ở Thuận Thành bị ôn hoàng dịch lệ hoành hành, phải bỏ đất mà đi, xin triều đình giảm thuế…”[8].
Đây không phải là hiện tượng cá biệt ở trấn Thuận Thành, nạn thuế khóa, lao dịch nặng nề, cộng với những thiên tai, nhân tai (sự tùy tiện, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân của quan lại và cường hào) khiến cho đời sống của nông dân cả nước lâm vào cảnh bần cùng, nghèo đói… Trong bối cảnh đó, người nông dân chỉ còn biết nổi dậy, tính riêng trong thời Minh Mạng có 234 cuộc khởi nghĩa (trung bình 11 vụ một năm), các cuộc tiêu biểu có Phan Bá Vành ở Nam Định, Lê Duy Lương ở Ninh Bình, Nông Văn Vân ở Tuyên Quang[9]…
Tại trấn Thuận Thành vào năm 1826 cũng diễn ra một cuộc nổi dậy của cư dân bản địa. Theo các văn bản Chăm cuộc khởi nghĩa này do một người có tên là Nduai Kabait lãnh đạo, phạm vi bùng nổ của cuộc khởi nghĩa chính là vùng miền núi giáp với khu vực Đồng Nai, ngay lập tức quân đội của trấn Thuận Thành được cử đến để trấn áp phong trào khởi nghĩa, khôi phục sự thanh bình trong nội trấn[10].
Liên hệ với sử liệu của nhà Nguyễn, vào năm 1826, cũng nổ ra các cuộc khởi nghĩa của người thiểu số ở quy mô lớn, bao gồm cả Phú Yên và Bình Hòa (Khánh Hòa, Bình Thuận). Triều đình phải cử Trấn thủ Bình Hòa Nguyễn Văn Quế, Trấn thủ Phú Yên Trương Văn Chính và Trấn thủ Thuận Thành Nguyễn Văn Vĩnh chia làm ba đạo quân để tấn công quân nổi dậy, quân triều đình cũng nhanh chóng dập tắt cuộc khởi nghĩa và xử tử những người cầm đầu cuộc khởi nghĩa[11].
Rất có thể cuộc khởi nghĩa của Nduai Kabait ở Thuận Thành và các cuộc khởi nghĩa ở Bình Hòa, Phú Yên có mối liên hệ với nhau, vì sự tham gia của Nguyễn Văn Vĩnh trong hàng ngũ đoàn quân đi đàn áp cuộc nổi dậy và đa phần người thiểu số ở Bình Hòa cũng có nhiều liên hệ với các tộc người Thuận Thành. Thậm chí nó cũng có thể là một cuộc khởi nghĩa, như nhận định của Po Dharma, theo ông phong trào khởi nghĩa của Nduai Kabait không chỉ giới hạn ở trấn Thuận Thành mà còn ra đến tận vùng Khánh Hòa và Phú Yên ngày nay[12]. Những khác biệt về tài liệu không cho phép chúng tôi có một kết luận cuối cùng về những giả thuyết này.
Sau khi ổn định lại tình hình trấn Thuận Thành, vua Minh Mệnh ra lệnh cho trấn thủ phủ Bình Thuận phải cung cấp những tư liệu liên quan đến phong tục tập quán của dân tộc Chăm. Nhằm thực hiện chỉ thị của triều đình Huế, phủ Bình Thuận triệu tập các chức sắc tôn giáo Chăm, yêu cầu họ phải khai báo những gì có mối liên hệ đến phong tục và tập quán của người Chăm. Sau khi đã thu thập và ghi chú tất cả những tập tục cổ truyền của Champa, trấn thủ Bình Thuận ra Huế để đệ trình bản báo cáo công tác mà vua Minh Mệnh đã yêu cầu[13].
Xuất phát từ nguyên nhân và mục đích nào mà vua Minh Mạng cho tiến hành cuộc điều tra về phong tục người dân Thuận thành cho đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Có chăng sự kiện này cho thấy vua Minh Mạng muốn điều tra phong tục dân cư bản địa để đưa ra chính sách phù hợp với đời sống người dân hay vì một lý do gì khác? Một điều đáng chú ý là tại sao vua không giao công việc điều tra này cho trấn Thuận Thành mà lại giao cho các quan trấn Bình Thuận?
4. Sự can thiệp sâu của Lê Văn Duyệt vào vấn đề trấn Thuận Thành
Năm 1828, Nguyễn Văn Vĩnh qua đời, triều đình Huế yêu cầu triệu tập một hội đồng để chọn ra người lãnh đạo trấn Thuận Thành thay thế. Chính lúc này, Lê Văn Duyệt một lần nữa khẳng định tầm ảnh hưởng của mình ở trấn Thuận Thành, ông tiến cử Nguyễn Văn Thừa (Phó trấn Thuận Thành), là con của Nguyễn Văn Chấn, vào chức vụ Trấn thủ Thuận Thành như đúng truyền thống. Dù chưa được sự đồng ý, Nguyễn Văn Thừa vẫn lên cầm quyền ở trấn Thuận Thành, dưới sự hậu thuẫn của Lê Văn Duyệt và các vị quan trong trấn Thuận Thành. Lần này, trước sự can thiệp quá mức của Lê Văn Duyệt, Minh Mạng đã bày tỏ sự tức giận trước hành động của Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thừa, nhưng ông không có hành đồng gì để trừng phạt mà chỉ ngấm ngầm theo dõi tình hình trấn, chờ thời cơ thích hợp[14].
Dưới sự hậu thuẫn của Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt, Trấn thủ Nguyễn Văn Thừa không còn tuân lệnh Minh Mạng như Nguyễn Văn Vĩnh trước đây nữa, ông nộp thuế và cống cho triều đình rất ít, trong khi nộp cho Gia Định thành nhiều hơn. Dân chúng Thuận Thành thời điểm đó – sau bao nhiêu năm sống khổ sở dưới thời Nguyễn Văn Vĩnh, một mặt bị triều đình Huế áp đặt chế độ thuế khóa và lao dịch nặng nề, mặt khác bị quan lại ở Bình Thuận nhũng nhiễu, chèn ép – nay ủng hộ Nguyễn Văn Thừa và quy thuận theo Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt. Trong quan điểm của hầu hết người Thuận Thành lúc ấy, nếu như Gia Định đã là “thiên đường” của người Thiên chúa, của các “phạm nhân” miền Bắc, của Hoa kiều, của những cư dân bản địa như Khmer, Stiêng, Mạ… Thì dưới sự bảo hộ của Lê Văn Duyệt họ cũng sẽ được sống những ngày tháng trên “thiên đường” tương tự như dưới thời Gia Long.
Trong quan điểm của Minh Mạng, trấn Thuận Thành đang bị thanh thế của Lê Văn Duyệt bao trùm, ở nơi đó Lê Văn Duyệt đang mở rộng quyền lực của mình, biến trấn Thuận Thành trở thành một nơi đối địch với phủ Bình Thuận (do vua Minh Mạng kiểm soát). Đó cũng chính là “tiền đồn” của Gia Định trong cuộc đối đầu với chính quyền trung ương. Hầu từ đó ngăn chặn việc xóa bỏ Gia Định thành và tái cơ cấu lại miền Nam theo hướng tập quyền về tay nhà vua. Nếu quả vậy, những động thái của Lê Văn Duyệt ở trấn Thuận Thành và Gia Định thành luôn in hằn trong tâm thức nhà vua như là một âm mưu phản nghịch, không thể dung tha trong thời phong kiến, nhất là đối với vị vua chuyên chính như Minh Mạng. Đó cũng là lý do tại sao Minh Mạng lại kết tội và trừng phạt Lê Văn Duyệt, cũng như những người theo phe ông một cách tàn bạo sau khi ông qua đời (1832).
Cũng trong quan điểm và tâm thức đó, ông xem Nguyễn Văn Thừa, các quần thần thân tín và đại bộ phận cư dân Thuận Thành là một tập thể phản nghịch. Không chịu quy thuận theo triều đình, đứng về phía Gia Định thành để chống đối lại quyền lực của Hoàng đế, không chịu thực hiện nghĩa vụ với trung ương mà lại nộp cống cho Lê Văn Duyệt, đó là hành động không thể dung thứ. Nhưng trong thời điểm trước năm 1832, ông không thể áp đặt sự trừng phạt trấn Thuận Thành được, lúc này thanh thế của Lê Văn Duyệt vẫn còn rất lớn, quá trình làm tan rã quyền lực của Lê Văn Duyệt lại là một quá trình lâu dài. Do đó, Minh Mạng vẫn chưa công khai áp đặt các chính sách để trừng trị Nguyễn Văn Thừa và người dân Thuận Thành như sau này, khi Lê Văn Duyệt đã qua đời.
Chính vì những lẽ đó, trong thời điểm trước năm 1832, số phận của trấn Thuận Thành hoàn toàn tùy thuộc vào số phận của Lê Văn Duyệt và trấn Thuận Thành. Một khi Lê Văn Duyệt qua đời, hay Gia Định thành bị xóa bỏ, Minh Mạng cũng sẽ hủy bỏ quy chế đặc biệt của trấn Thuận Thành đã tồn tại hơn trăm năm nay.
5. Minh Mạng giải thể trấn Thuận Thành
Năm 1832, Lê Văn Duyệt qua đời ở Gia Định, Minh Mạng liền xóa bỏ Gia Định thành, tái cơ cấu 5 trấn thành 6 tỉnh[15]. Tiếp theo đó, chính quyền trung ương tấn công vào các nhóm được Lê Văn Duyệt bảo trợ như người Thiên chúa giáo, phạm nhân miền Bắc và Hoa kiều[16]. Đối với trấn Thuận Thành, trước khi Lê Văn Duyệt mất vài tháng, Minh Mạng ra lệnh cho phủ Bình Thuận bắt giam Trấn thủ Nguyễn Văn Thừa và cấp phó của ông là Cai đội Nguyễn Văn Nguyên vì tội không chịu đóng thuế và nạp cống cho triều đình. Sau ngày từ trần của Lê Văn Duyệt, vua Minh Mạng cũng giải thể trấn Thuận Thành và tiến hành tái cơ cấu lại các vùng có người bản địa sinh sống.
Các sử liệu của nhà Nguyễn đồng loạt ghi lại sự kiện sát nhập trấn Thuận Thành vào phủ Bình Thuận, trong đó Minh Mạng chính yếuĐại Nam thực lục mô tả cụ thể nhất. Theo các tài liệu này, vua Minh Mạng cử Tả thị lang bộ Lễ Lê Nguyên Trung đến điều tra tình hình trấn Thuận Thành[17], giải thể cơ cấu Thuận Thành, sát nhập vào phủ Bình Thuận sau là tỉnh Bình Thuận. Đặt lại các phủ Ninh Thuận (gồm 2 huyện An Phước và Tuy Phong) và Hàm Thuận (gồm 2 huyện Tuy Định, Hòa Đa), đặt các chức Tri phủ, Tri Huyện. Dưới huyện có các tổng, đặt chức Cai tổng, tổng Kinh dùng người Kinh, tổng Thổ dùng người Thổ. Theo các văn bản này, triều đình còn miễn thuế cho người dân trong vòng ba năm, sau đó còn tiến hành đặt các họ Đào, Mai, Trúc, Tùng… cho người bản địa, trước là để ghi vào sổ bộ của chính quyền, sau là phân biệt các họ người Thổ với họ người Kinh[18].
Theo cơ cấu hành chính mới, nếu như trước đây phủ Bình Thuận có hai huyện An Phước và Hòa Đa, thì nay tỉnh Bình Thuận (sát nhập thêm trấn Thuận Thành) ra đời bao gồm hai phủ Ninh Thuận và Hàm thuận. Trong đó, phủ Ninh Thuận có hai huyện An Phước và Tuy Phong, phủ Hàm Thuận bao gồm 2 huyện Hòa Đa và Tuy Định[19]. Với cơ cấu này, khu vực trước đây là trấn Thuận Thành ra làm ba phần khác nhau và sát nhập vào các huyện do người Việt đứng đầu: 3 tổng (Trà Dương, Ý Lân, Tà Hoa) thuộc huyện An Phước (phủ Ninh Thuận)[20]; 1 tổng (La Bá) thuộc huyện Tuy Phong (Ninh thuận)[21]; 8 tổng (Ninh Gia, Bố Tuân, Tú Trà, Dinh Văn, Trà Nang, Di Trang, Tinh Túc, Đăng Gia) thuộc huyện Hòa Đa (phủ Hàm Thuận)[22].
Từ những chi tiết trên chúng ta nhận thấy rằng: chính quyền đã tạo ra một thay đổi đáng kể trong hệ thống hành chính của người bản địa. Từ nay, các cư dân thiểu số sẽ chịu sự quản lý trực tiếp của các quan lại người Việt từ cấp độ huyện, lớn hơn là các cấp độ phủ, tỉnh và cuối cùng là trung ương. Họ chỉ còn tự trị ở cấp độ tổng, có thể tương đương xã, phường ngày nay, nhưng việc Cai tổng có một quyền lực hạn chế, phải chịu sự chi phối của cấp trên và chỉ là người thừa hành tất cả các mệnh lệnh, mà chính quyền từ trung ương đến phủ ban xuống. Từ đây, những cư dân bản địa sẽ trở thành “công dân” chính thức của nước Đại Nam, họ chỉ có một vị Hoàng đế duy nhất là những người nắm ngai vàng ở Huế.
Đồng thời với những thay đổi về cơ cấu hành chính là những biến đổi về cơ cấu nhân sự, Minh Mạng đã thiết lập một chương trình cải thổ quy lưu trên toàn địa hạt tỉnh Bình Thuận (bao gồm cả trấn Thuận Thành trước đây). Với chương trình này, Minh Mạng đã tiến hành thay thế tất cả các quan chức người bản địa, từ phủ đến huyện bằng những quan lại người Việt do triều đình trực tiếp bổ nhiệm ngay cả trên những địa bàn có đông người bản địa sinh sống như huyện Hòa Đa của phủ Hàm Thuận chẳng hạn. Tại cấp tổng, chương trình cải thổ quy lưu không được áp dụng, nhưng triều đình lại bổ nhiệm những người có thái độ trung thành hoặc chấp nhận phục tùng chính quyền nhà Nguyễn, trong số những người bản địa vào chức vụ Cai tổng…
Ngược lại, đối với những người trước đây từng tham gia trong cơ cấu lãnh đạo trấn Thuận Thành, triều đình phân loại xem ai không chấp nhận quy thuận triều đình ai quy thuận triều đình. Đối với những người chống đối, triều đình sẽ cách chức, thậm chí trừng phạt họ, đối với những người quy thuận họ sẽ được giữ lại trong hệ thống quan lại, với những chức vị có tính chất tượng trưng. Theo sử liệu nhà Nguyễn, Nguyễn Văn Thừa được thả và quy thuận Minh Mạng, ông được phong chức Quản cơ (hàm tứ phẩm) coi đốc các tổng, các sách của người bản địa, các thuộc hạ như Nguyễn Văn Giang, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Văn Thanh đều phong Cai đội hàm lục phẩm để giúp việc cho Thừa. Nhưng trong thực tế, những chức vụ này chỉ mang tính chất vỗ về hơn là có thực chất quyền lực, đó cũng là lý do mà sau này Nguyễn Văn Thừa đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi ở Gia Định để chống lại vua Minh Mạng[23].
….
(Hết phần 1:
Nguồn:
(Theo dõi phần tiếp theo và các bài liên quan tại trang)
https://chamblogger.wordpress.com/2020/06/22/mau-thuan-chinh-tri-giua-minh-mang-va-le-van-duyet-voi-van-de-tran-thuan-thanh/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *