Nghe T. kể chuyện tình của em mà rơi nước mắt. Ngày ấy T. mười bảy tuổi…
Trong lúc đạn bay súng nổ, không sợ. Vậy mà di chứng chiến tranh mới khốn nạn làm sao! Ngày cha lên đường vào chiến trường, mẹ đang mang mầm sống của T.
Cha về em lên ba, hình ảnh người đàn ông què quặt, mặt cháy nám lòi hai con mắt trắng dã đã khiến em hoảng sợ khóc thét lên giấu mặt vào ngực mẹ, hai bàn tay nhỏ bé bấu cứng.
Người thương binh ấy sống lây lất với cây nạng gỗ, thân thiết hơn vợ con mình. Mẹ khóc hết nước mắt rồi thôi, lăn xả vào bất cứ nơi nào, công việc gì để có thể mưu sinh. Mẹ nhặt ve chai, mẹ ra ngoài đồng mò tôm bắt ốc, mẹ đi mót lúa…
Căn nhà cuối xóm bật lên tiếng khóc, em Hoan ra đời. Đầu em to như trái bưởi, đôi mắt lồ lộ tròn vo đen nhánh nhưng không kéo màu mây trắng đục như cha, mẹ chết điếng. Lớn thêm chút nữa em bò quanh nhà và không biết nói, lớn thêm chút nữa em ngô nghê cười nhưng em không biết khóc.
Mẹ bồng em Hoan, mẹ dắt cha con T. bỏ xứ. Đường xa vạn dặm đưa bước chân gia đình T. xuôi về phương Nam bạt ngàn rừng tràm, mênh mông sông nước.
Đất cũ trải lòng chở che người mới, rừng U Minh bao dung ấm đậm tình người. Chất phèn loãng pha trong dòng nước của sông Bồ Đề hai chiều lớn, ròng không chịu bám vào da em. Càng lớn, T. càng xinh đẹp và trắng hồng rực rỡ như bông súng, bông sen.
Mùa nước nổi ba khía bỏ hang, lìa xa gốc đước gốc mắm, cũng là mùa ba khía “hội”. Ba khía leo dần lên nhánh bần, rễ đước để giao hoan. Mẹ lại có thai.
Cu Lạc ngược lại với anh Hoan, không biết cười chỉ biết khóc. Đôi tay như hai càng ba khía nhưng đôi chân không giống chân người! Cha hân hoan sờ sẩm rồi nụ cười tắt lịm trên môi. Mẹ không còn nước mắt để xót thương cho giọt máu của mình, T. cuộn tròn nỗi buồn vào trong lòng, thả trôi theo dòng nước, thủy triều xuống thật nhanh vừa xuôi đã ngược.
Lòng T. choáng ngợp vì anh kỹ sư lâm nghiệp dễ thương trong đoàn điều tra quy hoạch rừng, anh chàng mang tên Vũ ấy. Vũ cũng không ngờ nơi căn nhà nhỏ lẻ loi, bên con đường đất nhão nhoẹt trong rừng tràm lại có người con gái xinh đẹp là T.
Thế rồi họ yêu nhau. Nhìn gia cảnh nhà T. Vũ xúc động vô cùng, ngoài thời gian làm việc Vũ luôn ở bên cạnh T. Những lần vào rừng tràm gác kèo ong lấy mật, sự nhanh nhẹn tháo vát lẫn niềm tin yêu cuộc sống và nụ cười luôn nở trên môi của T. đã khiến Vũ càng quý trọng và cảm phục nghị lực của cô gái.
Vũ là con trai duy nhất của ông Lê Trọng Lân, chủ hãng xe đò Vạn Phước. Ông đã bao lần vận động để con ông được công tác gần nhà, nhưng Vũ vẫn say mê với những cánh rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều loại cá, chim, cua, sò huyết, tôm, ốc, nghêu, hàu, sò huyết, chuột, khỉ, dơi… là nguồn sống của những người dân miền sông nước. Sinh vật phù du sống dưới rễ các cây ngập mặn là nguồn thức ăn dồi dào cho nhiều loại cá. Lá và thân cây ngập mặn bị phân hủy lại cung cấp nguồn thức ăn quý báu cho các loài thủy sinh.
Vũ đã ý thức rừng ngập mặn được thiên nhiên ưu đãi kia, đã cung cấp sinh kế cho loài người, giảm ô nhiểm, chống tác động của biến đổi khí hậu, giảm xói lở và bảo vệ bờ biển thân yêu trên đất nước này. Anh đã từ chối sự ưu ái vì đồng tiền của cha anh. Những ngày băng rừng khảo sát, quen với muỗi mòng, bao la sông nước, mênh mông tràm đước, sú, vẹt… đã gieo vào lòng anh tình yêu hồn hậu đất nước và con người Nam bộ.
………
Thương và mong con hạnh phúc với tình yêu của mình, ông bà Lân không ngại ngùng cùng thân tộc về Năm Căn xin chạm ngõ.
Mẹ T. ái ngại với gia cảnh tuềnh toàng của mình, nhìn hai con Hoan, Lạc bò ngang bò dọc đứa khóc, đứa cười ngô nghê trên nền nhà đất nện ẩm mốc, chị thở dài định đưa con sang gởi nhờ nhà hàng xóm.
Hôm nay T. mặc bộ bà ba lụa màu vàng bông điên điển thật đẹp, càng nổi bật làn da trắng mịn màng. Hai em đứa cười đứa khóc có nhận thức được ngày vui của chị?
Kể từ ngày quen Vũ, lần đầu tiên T. rơi nước mắt vì chuyện có liên quan đến số phận mình.
T. mặc cho Hoan, Lạc bộ đồ đẹp nhất. Cài lên ngực hai em chùm bông điên điển vàng tươi. Mẹ nhìn T. ngạc nhiên, không hỏi.
Họ nhà trai đã xôn xao ngoài ngõ, mẹ dìu ba ra tận ngoài sân đón khách. Ông bà Lân cũng đã hình dung gia cảnh của T. qua lời kể của Vũ, nhưng không ngờ sau bao nhiêu năm đất nước hòa bình vẫn còn những xóm nghèo xác xơ bên bìa rừng ngút ngàn tràm. Bên kia, ánh đèn rực rỡ của thị trấn Năm Căn phản chiếu những tia sáng lung linh trên mặt nước êm đềm của dòng sông đang thì nước đứng.
……..
Ông bà Lân không chê cái nghèo cái khổ của T., thậm chí họ có thể giúp đở cho gia đình em qua cơn khốn khó, bà Lân thở dài:
– Anh nói cho con hiểu, mình chỉ có nó để nối dõi tông đường…
Ông Lân thừ người, nếu không có tấm lòng bao dung và hào hiệp của bà con nơi xóm nghèo Ngã Ba Tam Giang trên sông Bồ Đề ngày ấy, ông đâu có ngày hôm nay. Sự giàu nghèo do số mệnh, thiện căn ở tại lòng người, ông nguyện sống đời đạo hạnh, ăn chay trường để phúc cho con, nhưng trời chỉ cho ông một đứa con duy nhất trên đời. Ông không thể nói gì với Vũ…
Chú Tám và cô Năm kéo Vũ ra bờ sông, gió hiu hiu đong đưa những cành lá bần xanh ngát, chú Tám mở lời:
– Con thấy hoàn cảnh gia đình T. ra sao?
– Con quý trọng nghĩa tình và nghị lực của cô ấy. Con chấp nhận tất cả!
Cô Năm sụt sùi than thở:
– Gia cảnh cô ấy thật đáng thương, chiến tranh đã để lại hậu quả khủng khiếp, bao nhiêu đời nữa sẽ còn mang di chứng của nó?
– Không ai nghèo ba họ, không ai khó ba đời! Tuy nhiên con là cháu đích tôn, anh chị Hai chỉ có mình con. Con có nghĩ rằng rồi đây khi thành vợ thành chông, T. sẽ sinh cho dòng họ nhà mình… Chú Tám bỏ lửng nửa chừng.
Ngày hẹn hỏi cưới đã không được nhắc lại, mẹ xót xa nhìn T. đang ôm hai em Hoan – Lạc vào lòng. Mẹ chỉ cầu mong Trời, Phật ban cho gia đình ta hoan lạc, niềm mong mỏi dung dị của bao người. T. không buồn, không khóc. Hạnh phúc của gia đình T. dù đơn sơ nhưng ấm tình người, mẹ đã chịu cam khổ cả cuộc đời mình. Trào dâng trong lòng T. nghị lực sống mạnh mẽ và tin yêu cuộc đời này.
Mặt trời lặn dần phía rừng U Minh, đàn cò trắng bay về từ cánh đồng xanh um màu lúa.
Nguyễn Châu