Xin lỗi nha, nhưng mà tôi có ba câu hỏi ngu như sau.
Nếu bồ bị nghiêm trọng đến mức này thì:
- Khả năng sống sót của bồ là bao nhiêu?
- Nếu bồ bị đứt tay thì máu chảy ra trắng như thế này à? Cách máu chảy có khác gì không?
- Còn nước tiểu thì sao? Tôi tin là nó cũng không được lọc đúng cách?
>u/phagemid (285 points – x1 all-seeing upvote)
Cái túi này không phải là máu lấy trực tiếp từ bệnh nhân, mà là từ quá trình gạn bạch cầu, đó là lúc các tế bào bạch cầu được loại bỏ có chọn lọc. Sau đó, họ sẽ thay lại lượng tế bào hồng cầu tương đương cho bồ.
Khi nồng độ/số lượng tế bào bạch cầu tăng lên quá cao, nó có thể làm tắc nghẽn các mạch máu nhỏ (thường là ở phổi, thận và gan) và dẫn tới suy nội tạng.
Source: Tôi là nhà nghiên cứu bệnh học.
>u/genetic_patent (3.1k points – x1 silver – x2 helpful)
Khả năng sống sót rất thấp nếu bồ chỉ dùng hoá trị. Thường thì phải đòi hỏi thêm việc cấy ghép tế bào gốc nữa. Và bệnh nhân này cần có người hiến tặng phù hợp.
Edit: Hãy đăng ký giúp đỡ miễn phí tại trang bethematch chấm org nha.
>>u/nekokattt (1.2k points)
Vậy cơ bản là họ sẽ dùng hoá trị/xạ trị để tiêu diệt hết các tế bào gốc của bồ và thay cái mới vào hả (tế bào máu và mấy thứ tương tự ấy)?
>>>u/Hunterisgreat17 (1.3k points – x1 helpful)
Theo như tôi nhớ thì đúng là vậy. Anh trai tôi mắc bệnh bạch cầu khi mới 13 tuổi, ảnh gần như phải sống trong bệnh viện luôn và hoá trị đã làm tổn thương anh ấy. Phải nhìn anh trai bồ trải qua những điều đó khi còn nhỏ rất là đau đớn.
>>>>u/Trolltollgloryhole (489 points)
Chia buồn với bồ nha.
>>>>>u/Hunterisgreat17 (1.5k points – x1 helpful – x1 hugz)
Cảm ơn mấy bồ đã quan tâm, có lẽ tôi nên nói trước là ảnh đã đỡ hơn nhiều rồi. Bệnh có thuyên giảm và ảnh bây giờ 26 tuổi, còn tôi thì 22. Ảnh gân lắm. Chiến đấu với ung thư, trở thành lính cứu hoả, mà chán quá nên ảnh đổi qua chặt tỉa cây cho bang chỗ tụi tôi, sau đó thì cả hai đều làm ngành địa chất (công tác khoan và nổ mìn).
Giờ ảnh quay lại với nghề chặt cây rồi và kiêm lái xe đầu kéo nữa. Vãi luôn, anh chị lớn trong nhà hay đặt tiêu chuẩn cao cho mấy đứa em ghê ha. LOL.
>>>u/Splice1138 (56 points)
Tôi bị bạch cầu cấp tính dòng tuỷ khoảng 6 năm trước. Đầu tiên thì tôi phải hoá trị để chống ung thư trong lúc bác sĩ đang tìm người hiến tặng cho tôi. Khi chuẩn bị xong xuôi cho việc cấy ghép thì tôi đi hoá trị thêm lần nữa, lần này làm dữ lắm để diệt hết những gì còn sót lại và bắt đầu từ đầu. Bây giờ thì tôi có nhóm máu khác với trước đây.
Đối với tôi thì hai lần hoá trị đầu không đến nổi nào. Chỉ có lần cuối và lúc cấy ghép mới đau thấy tổ tiên.
>u/marilynyliram (594 points – x1 silver – x1 take my energy)
Mẹ tôi qua đời vì bệnh bạch cầu cấp tính dòng tuỷ. Máu của bà màu đỏ nhạt, bà luôn bị chảy máu cam hoặc nếu bị xước tay chân chút xíu thôi thì cũng không cầm máu được. Nếu lượng máu nhiều hơn thì cũng sẽ giống như hình ấy. Bác sĩ nói bà có khoảng 2 năm nữa sau khi chống chọi với bệnh, nhưng mà mới 4 tháng thì bà mất rồi. Kinh khủng lắm. Bà còn phải chạy thận nhân tạo, nhưng cũng không thành công vì thận đã hết sức chịu đựng. Bệnh bạch cầu cấp tính dòng tuỷ tàn phá toàn bộ cơ thể của bồ.
>>u/eggpspsps (110 points)
Anh họ tôi cũng bị. Đi khám ông bác sĩ đầu tiên thì được bảo ảnh bị sốt và sưng nú là do mọc răng khôn và họ kêu đi lấy tuỷ răng. Rồi ảnh trở nặng hơn nên đi thăm khám chỗ khác thì phát hiện là mắc bạch cầu cấp tính dòng tuỷ. Chỉ sau 2 tuần được chẩn đoán thì ảnh qua đời. Mọi chuyện diễn biến quá nhanh. Fuck ung thư.
_____________________
u/DerPanzerfaust (5.3k points – x7 silvers – x3 golds – x1 platinum)
Tôi sống sót khỏi bạch cầu cấp tính dòng tuỷ đây. Cần rất nhiều tế bào hồng cầu để tôi có thể vượt qua các ca điều trị. Họ nói tôi chỉ có 15% khả năng sống sót. Nhưng bệnh may mắn thuyên giảm mà không phải cấy ghép tuỷ xương. Ngày 21/12/21 vừa qua là kỷ niệm 20 năm tôi khỏi bệnh đó!
Cảm ơn vì bức hình nha. Nếu họ rút máu trong lúc trị liệu thì tôi cũng không biết được. Có vẻ họ truyền ngược vào còn nhiều hơn, mà đa số là tiểu cầu. Hoá trị khá kinh khủng và vợ tôi thì mém qua đời khi sinh đứa thứ 4, trong lúc tôi đang bệnh nữa. Nhưng mà tụi tôi đều vượt qua và tôi may mắn được thấy mấy đứa nhỏ trưởng thành. Đứa út thì 19 tuổi rồi, cả nhà đều rất khoẻ mạnh.
Thứ dễ quên nhất là tình cảm gia đình quý báu. Khi bồ bệnh sắp chết thì tình cảm gia đình là cái cho bồ nhiều sức mạnh nhất. Vợ tôi đã cứu sống tôi, nếu không có cổ thì chắc tôi đi lâu rồi. Sau khi khỏi bệnh thì bồ bắt đầu đi làm, chi trả hoá đơn các thứ và lại xem nhẹ gia đình lần nữa. Đó là bài học tôi cố gắng ghi nhớ nhưng mà hay quên lắm. Tới tối lúc cả nhà yên ắng hết thì nó mới đổ dồn về hay sao ấy. Ôm gia đình bồ đi nha.
>u/Milliganimal42 (534 points)
Nhắc nhở xíu thôi là mọi người nên đi hiến máu. Tôi cũng đăng ký hiến tặng tuỷ xương nè. Không ấy thì mấy bồ làm luôn nha!
>u/Tricky_Peace (112 points)
Lời khuyên tuyệt vời quá bồ ơi! Tôi mừng là bệnh tình bồ đã thuyên giảm!
_____________________
u/Dudarro (152 points – x1 wholesome)
Đây là kết quả của việc gạn bạch cầu. Đó là quá trình mà tế bào bạch cầu được loại bỏ khỏi máu nhờ vào máy móc. Chúng tôi làm thế với những bệnh nhân mắc bạch cầu cấp tính khi mà số lượng bạch cầu của họ tăng cao và có nguy cơ ứ đọng ở các mạch máu nhỏ trong cơ thể. Nếu bị tắc nghẽn thì máu không thể truyền tới cơ quan đích được.
Chúng tôi cũng làm với những người nhiễm mỡ máu cao nữa (tăng triglyceride máu – hypertriglyceridemia) và túi chứa sẽ giống như hình (trắng sữa). Có ai đó đề cập về khả năng vận chuyển Oxy, thì cơ bản đó là sản phẩm của độ bão hoà oxy và nồng độ hemoglobin (hemoglobin Hgb là thành phần tạo nên màu đỏ cho máu). Nếu lượng Hgb bình thường thì khả năng vận chuyển oxy cũng bình thường. Thông thường, người bệnh bạch cầu cấp tính sẽ bị suy tuỷ xương (là việc có quá nhiều bạch cầu mà không có hồng cầu hoặc tiểu cầu do các tế bào bạch cầu gây ung thư đã chiếm hết chỗ trong tuỷ xương rồi).
Tôi cố ý không nhắc đến bệnh bạch cầu cụ thể nào vì nó có quá nhiều loại khác nhau. Khi hoá trị và cấy ghép tuỷ xương/cấy ghép tế bào gốc ngoại vi, bồ sẽ bị mất bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. Sau đó, chúng tôi sẽ truyền lại rất nhiều các tế bào này.
Source: Tôi là bác sĩ ở đơn vị điều trị tích cực và tôi làm trong mảng ung thư. Mong mọi người hãy lên mạng tìm thử xem bồ có thể đăng ký hiến tặng tế bào gốc ngoại vi không. Hầu như sẽ không đau đớn gì đâu, bồ còn có thể tạo ra nhiều tế bào mới và cứu một mạng người.
_____________________
Dịch bởi Thái Hiền