“Lý thuyết về động lực thúc đẩy của tôi được xuất bản cách đây 20 năm trước và trong suốt quãng thời gian đó, không hề có lấy một ai lặp lại nó, kiểm chứng nó, hay thực sự phân tích hoặc phê bình nó. Họ chỉ đem ra xài, tin ngay lập tức và hầu như không cải biên gì cả” – Maslow
Con người là tạo vật của thói quen. Chúng ta không thích thay đổi vì những sự khó khăn mà nó mang lại. Trong thực tế, chúng ta thường quá lười để thay đổi. Và điều này cũng áp dụng với khoa học. Không thiếu những chuyện hoang đường về giáo dục vẫn được chấp nhận rộng rãi và có mặt ở trong các công trình khoa học.
Cách đây 4 năm trước, trong một buổi hội thảo về “Quản lý cấp trung” (Middle Management) được thực hiện bởi Tổng Giám Đốc của công ty tớ, tớ đã mắt chữ a, mồm chữ o khi thấy chị ấy nêu ra mối quan hệ biện chứng trong vấn đề suy nghĩ và tư duy của nhân viên cấp dưới, quản lý tầm trung và ban lãnh đạo then chốt công ty trong sự tương quan với tháp Maslow. Và tất nhiên, sau đó tớ cảm thấy trách nhiệm của một người trainer như mình là phải “rao giảng tin mừng” này với nhiều người khác trong công ty mà tớ đào tạo. Mỗi lần tớ nói về tháp Maslow, trong mắt tớ lại sáng rực lên sự viên mãn của tri thức được đặt trong một chỉnh thể “không chê vào đâu được”. Nhưng mọi thứ thay đổi khi tớ tìm thấy được những dẫn chứng và biện cớ cụ thể không-mấy-tươi-sáng về cái tháp này. Và như đã nói ở trên “con người là tạo vật của thói quen”, tớ đã mất khá nhiều thời gian để tinh chỉnh lại nhận thức của mình.
Giờ chúng ta thử làm một cuộc thí nghiệm nhỏ để thấy một sự bất hợp lý ở đây nhé. Các bạn hãy chạy xuống thư viện, ra hiệu sách hoặc lên mạng để đọc và tìm các tác phẩm và bài báo gốc được viết bởi Maslow. Và thứ bạn sẽ không tìm thấy chính là cái kim tự tháp này. Maslow dành nhiều thời gian nghiên cứu để mô tả thứ tự cấp bậc của nhu cầu con người nhưng ông ấy chưa bao giờ đặt trong chỉnh thể cái kim tự tháp “đại chúng” mà chúng ta hay nhìn thấy ở dưới. Nhưng chúng ta thì không ngừng nói về mô hình 5 cấp bậc của tháp Maslow không biết từ bao giờ, dù cho vào năm 1970 Maslow đã có mở rộng thêm 2 yếu tố trong sự phân cấp tôn ti nhu cầu của con người với “biết và hiểu biết” (knowing and understanding) và “mỹ học” (aesthetic).
Vậy thì cái tam giác kia có thực sự đúng không? Xin thưa rằng, chính “chủ nhân” của cái tháp kia, vào năm 1962 đã phải thốt lên trong ngạc nhiên rằng tại sao người ta lại có thể chấp nhận lý thuyết của mình dễ dàng đến thế.
“Nếu một người bị bệnh nhưng cùng lúc ấy cũng cảm thây có nhu cầu cho cái đẹp và trí tuệ thì sao?”
Maslow nghĩ rằng những người khác sẽ sử dụng phát kiến của mình để thực hiện thử nghiệm của riêng họ, nhưng điều này thì không hề xảy ra trước khi Maslow chết vào năm 1970. Tại sao? Bởi vì nhiều khi chúng ta quá lười để kiểm chứng xem thứ gì đó có thực sự là đúng hay không. Sự lười biếng này quả thật rất nguy hiểm.
Sau tất cả, cái tháp không có thật và không được kiểm chứng này vẫn được xuất hiện trôi nổi nhan nhản trên mạng, trong các sách báo, và đặc biệt là những buổi hội thảo dành cho “đa cấp”.
Theo: Spiderum
