martin-rama-va-noi-tran-tro-ve-bao-ton-di-san-thu-do-(bai-2)

Martin Rama và nỗi trăn trở về bảo tồn di sản Thủ đô (bài 2)

Martin Rama và nỗi trăn trở về bảo tồn di sản Thủ đô (bài 2) - Ảnh 1.

 Martin Rama gọi Hà Nội theo cách đầy yêu thương và ái mộ – “nàng”. Năm 1998, vị chuyên gia kinh tế người Uruguay đã phải lòng “nàng” ngay lần gặp gỡ đầu tiên, khi nhận nhiệm vụ chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam.

“Trước khi đặt chân tới đây, tôi đã cứ nghĩ mình sẽ nhìn thấy một thành phố bị tàn phá nặng nề sau nhiều thập kỷ chiến tranh, với những người dân cay đắng và phẫn nộ. Thế nhưng, thứ tôi bắt gặp lại là một thành phố đang phát triển hội nhập và hoàn toàn quyến rũ, con người nơi đây ấm áp, lạc quan, luôn mong muốn thịnh vượng, có một cuộc sống tốt hơn cho con cái họ. Kể từ đó 25 năm đã trôi qua, sự gắn bó của tôi với thành phố chưa bao giờ nguôi ngoai. “Nàng” đông hơn và ồn ào hơn, nhưng “nàng” vẫn tuyệt đối ấm áp quyến rũ”, Martin chia sẻ với PV Dân Việt khi mở đầu câu chuyện.

Martin Rama và nỗi trăn trở về bảo tồn di sản Thủ đô (bài 2) - Ảnh 2.

Martin Rama tại buổi ra mắt cuốn sách “Vì tình yêu Hà Nội”

Martin Rama và nỗi trăn trở về bảo tồn di sản Thủ đô (bài 2) - Ảnh 3.

Với Martin Rama, không giống như các đô thị khác trên thế giới, “Hà Nội là một ngoại lệ”. Ông nhận định: “Nàng có cá tính mạnh mẽ, điều mà du khách có thể ngay lập tức nhận ra và hầu hết những người dân ở đây đều yêu thích. Nàng có sự đặc sắc trong kiến trúc với sự giao thoa gần như độc đáo giữa các phong cách truyền thống, Pháp và Xô Viết.

Những hồ nước và những con đường rợp bóng cây của “Nàng” thật quyến rũ. Cùng với cách mà cư dân ở đây giao lưu, ăn uống và buôn bán chủ yếu trên vỉa hè đông đúc đã khiến Hà Nội trở nên sinh động lạ thường…

Kết thúc công việc tại Ngân hàng Thế giới, Martin Rama vẫn không nỡ rời xa mảnh đất đáng sống này. Ông yêu thích tính cách, nét đẹp thanh lịch, văn minh và luôn hiếu khách của người Hà Nội. Chính vì thế cũng dễ hiểu những năm qua du khách nước ngoài đã lựa chọn đến Hà Nội, tận hưởng không khí, món ăn, trải nghiệm văn hoá ở Thủ đô.

Ông mua một căn hộ xinh xắn trong khu tập thể cũ nằm tại trung tâm thành phố và đi về giữa Mỹ và Việt Nam trong hơn 10 năm qua, tham gia vào một loạt hoạt động liên quan đến bảo tồn di sản phát triển đô thị ở Hà Nội, với các đối tác trong chính phủ, xã hội dân sự và khu vực tư nhân.

Martin Rama yêu Hà Nội qua từng chi tiết nhỏ.

Năm 2014, Martin Rama xuất bản cuốn sách “Hà Nội một chốn rong chơi” – tại đó, ông mang đến người đọc những trải nghiệm rất riêng về kiến trúc, món ăn của Hà Nội như “Công trình công cộng”; “Kiểu Pháp”; “Kiểu Xô Viết”; “Những khung cửa”; “Vườn hoa và công viên”; “Phở”… Cuốn sách sau đó đã nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái: Vì tình yêu Hà Nội.

Năm 2020, trong vai trò giám đốc Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khi nghe tin bức tranh cổ động cuối cùng sau thống nhất đất nước tại ngã tư Chợ Mơ nhiều khả năng bị dỡ bỏ, ông ngay lập tức huy động bạn bè Việt Nam để cùng hợp tác bảo tồn tác phẩm, tài trợ tất cả kinh phí cho việc di chuyển bức tranh đặc biệt này.

Martin Rama và nỗi trăn trở về bảo tồn di sản Thủ đô (bài 2) - Ảnh 5.

Mới đây nhất, sau gần một thập kỷ, Martin Rama cho ra mắt cuốn sách thứ hai của ông về “nàng” – “Vì tình yêu Hà Nội”. Tác phẩm được bố cục làm 5 chương: Hà Nội thật đặc biệt; Di sản là gì; Các chiến dịch bảo tồn; Thiên sử ca Bùi Chu; Một dự án cho Hà Nội. Tại đó, ông đưa ra đề xuất về các cơ chế tài chính có thể tận dụng để thu hút khu vực tư nhân tham gia bảo tồn di sản; một số sáng kiến đề cập đến các quy định đô thị (về các vấn đề như sử dụng đất hoặc tiêu chuẩn xây dựng); nhu cầu nâng cao nhận thức về giá trị của di sản Hà Nội và những rủi ro mà Hà Nội đang phải đối mặt hiện nay.

Martin khẳng định, không có mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị.Ở cuốn sách này, ông thể hiện những quan điểm về vấn đề bảo tồn di sản và phát triển đô thị, về tình yêu và trách nhiệm. Một hành trình bền bỉ đã cho thấy ông yêu Hà Nội bằng cả trái tim nhưng quyết tâm bảo vệ Hà Nội bằng lý trí.

Martin Rama và nỗi trăn trở về bảo tồn di sản Thủ đô (bài 2) - Ảnh 6.

Với Martin Rama, Hà Nội mang một bầu không khí độc đáo khó trộn lẫn, đó là thứ được tạo thành không chỉ bởi một hoặc hai đặc điểm. Kiến trúc của Hà Nội là sự trộn lẫn của đền chùa truyền thống, tòa nhà công cộng và biệt thự kiểu Pháp, tòa nhà xã hội chủ nghĩa, hồ và thảm thực vật rất phong phú, sự sôi động xã hội có thể tìm thấy ở vỉa hè, sân tập thể… Tất cả cho ông thấy sự thân thuộc, gần gũi vô ngần.

Là một nhà kinh tế, Martin Rama hiểu rằng các thành phố là động cơ quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế, đó là nơi những ý tưởng mới xuất hiện, các doanh nghiệp tạo lập sự thành công, nơi nghệ thuật thăng hoa và có môi trường sáng tạo…

Ông cũng tin rằng Việt Nam sẽ sớm trở thành một quốc gia có thu nhập cao với tài sản chính là tài năng chứ không phải lao động giá rẻ. Và cũng bởi vậy, với ông, việc bảo tồn những di sản văn hoá làm nên nét độc đáo của Hà Nội là một ưu tiên lớn trong quá trình phát triển.

Martin Rama khẳng định, ông không hoài niệm cổ xúy cho sự quay trở lại một Hà Nội nhỏ bé và bình lặng hơn của quá khứ một cách viển vông. Việt Nam cần phát triển và đảm bảo sự thịnh vượng của người dân. Và để làm được điều đó, Hà Nội cần phải đô thị hóa hơn nữa. Ông cũng không muốn mình truyền tải tới mọi người cảm giác tiếc nuối, mà đơn giản chỉ là kêu gọi sự chú ý đến những rủi ro nghiêm trọng mà mảnh đất Thủ đô phải đối mặt khi Việt Nam phát triển nhanh chóng.

Martin Rama và nỗi trăn trở về bảo tồn di sản Thủ đô (bài 2) - Ảnh 7.

Bức tranh cổ động cuối cùng của hoạ sĩ Trường Sinh được Martin Rama cùng những người bạn di dời, bảo quản.

Martin Rama và nỗi trăn trở về bảo tồn di sản Thủ đô (bài 2) - Ảnh 8.

“Nếu nhìn sang các nước châu Âu, dễ thấy nhận thức về giá trị của di sản rất rõ ràng. Nhưng tại các nước đang phát triển, những quy định chính thường không có hoặc có nhưng không được thực thi. Cũng bởi vậy, trong nỗ lực phát triển thịnh vượng nhanh hơn, những quyết định tồi tệ có thể được đưa ra – đó là những quyết định thường không thể làm lại được”. – Martin Rama chia sẻ.

Đưa ra dẫn chứng về những biệt thự Pháp, Martin Rama cho rằng việc phân chia chúng thành 3 nhóm khác nhau theo giá trị kiến trúc và lịch sử là điều cần thiết, tuy nhiên việc thực hiện các chính sách này lại đặt ra nhiều câu hỏi.

“Ví dụ, chủ sở hữu của một số biệt thự hoàn toàn có thể để chúng mục nát cho đến khi chúng trở nên không an toàn, nhờ vậy họ có thể thay thế chúng bằng các tòa nhà cao hơn, có lợi hơn.

Với tôi, điều này cần bị cấm. Sẽ tốt hơn nếu một biệt thự bị phá hủy chỉ có thể được thay thế bằng một biệt thự giống hệt hoặc tương tự, tùy thuộc vào nhóm mà nó thuộc về. Biết rằng một biệt thự cổ không thể thay thế bằng một toà nhà cao tầng”, chủ sở hữu có thể có động lực mạnh mẽ hơn để bảo tồn biệt thự và tận dụng tối đa vẻ đẹp mang tính văn hoá của nó” – Martin khẳng định.

Martin Rama và nỗi trăn trở về bảo tồn di sản Thủ đô (bài 2) - Ảnh 9.

Nói về những đóng góp của mình với việc bảo vệ di sản tại Hà Nội, Martin Rama cho rằng, chúng rất ít ỏi và khiêm tốn. “Có rất nhiều người khác (kiến trúc sư, trí thức, họa sĩ, thậm chí chính phủ nước ngoài…) đang góp phần bảo tồn di sản Việt Nam, trong đó có thủ đô Hà Nội. Những gì tôi làm không thể nói là quá nhiều. Tôi gắn bó với thành phố này theo rất nhiều cách khác nhau”.

Là một nhà kinh tế học, Martin Rama tích cực nghiên cứu về sự phát triển của nó và chia sẻ cách tiếp cận cũng như những phát hiện của mình với các chuyên gia khác. Là một trí thức của công chúng, với sự giúp đỡ của nhiều nhà báo, ông vận động bảo tồn khi có di sản quý giá đang bị đe dọa. Và với tư cách là một cư dân của thành phố, Martin Rama sử dụng nguồn lực của mình để giải cứu những di sản có giá trị, khám phá các giải pháp đô thị sáng tạo, như chính tại căn hộ tập thể ông đang sinh sống.

Cuốn sách “Vì tình yêu Hà Nội” và một số minh họa trong sách

Martin Rama và nỗi trăn trở về bảo tồn di sản Thủ đô (bài 2) - Ảnh 11.

Martin Rama khẳng định, có bốn yếu tố nhằm đảm bảo việc bảo vệ di sản không mâu thuẫn với phát triển đô thị tại Hà Nội: “phân vùng”, “mục tiêu sử dụng đất”, “quy định” và “khuyến khích”. Thế nhưng, để các chính sách đúng đắn được thông qua, cần phải có sự đồng thuận của xã hội về những việc cần làm.

“Tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất và là yếu tố làm nền tảng cho bốn yếu tố trên chính là nhận thức của công chúng về giá trị của di sản Hà Nội. Hiểu được điều gì khiến Hà Nội trở nên độc đáo và có thể làm gì để bảo vệ sự độc đáo đó khi thành phố phát triển – đó mới chính là thứ mà mỗi người Hà Nội cần tâm niệm”, Martin Ramar bày tỏ.

Với Martin Ramar, Hà Nội mãi là nàng thơ trong ông. Ở đó, có những câu chuyện buồn vui, có những điều đẹp và cả những điều chưa đẹp. Nhưng, cũng như khi đẹp lòng yêu một người, ta yêu thương tất cả những gì thuộc về “nàng” là luôn mong “nàng” sẽ đẹp đẽ hơn, hạnh phúc hơn. Với vị chuyên gia kinh tế ấy, hành trình lan toả tình yêu dành cho “nàng” sẽ còn tiếp tục…

Martin Rama là Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, hiện sống tại Mỹ. Martin Rama cũng có một căn hộ tại Việt Nam và mỗi năm đều đi lại giữa hai nước để thực hiện các dự án về bảo tồn di sản. Ông cũng là Giám đốc dự án tại Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Ông có thời gian dài sống tại Hà Nội trong vai trò kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và có sự gắn bó đặc biệt với mảnh đất này. Marin Rama đã xuất bản 2 cuốn “Hà Nội – một chốn rong chơi; Vì tình yêu Hà Nội” để bày tỏ những cảm nhận của ông trong thời gian sống tại Việt Nam.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *