mang-tinh-yeu-vao-cac-tac-pham-nghe-thuat

Mang tình yêu vào các tác phẩm nghệ thuật

Mang tình yêu vào các tác phẩm nghệ thuật - Ảnh 1.

Tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế chính trị tại Viện Đại học California – Berkeley (UC Berkeley) – một trong những trường đại học hàng đầu tại Mỹ, chàng trai Charlie Win từng có cho mình một công việc tốt với nhiều cơ hội phát triển rộng mở.

Thế nhưng, vào năm 2010, anh quyết định tới Hà Nội làm việc cho một tổ chức phi Chính phủ về rà phá bom mìn. Từ ý định rời quê hương để “chạy trốn nỗi buồn tình yêu”, “tìm cho mình một khởi đầu mới”, Charlie Win đã gắn bó với Việt Nam 12 năm, có một cô con gái 10 tuổi tại đây và bắt đầu mối nhân duyên đặc biệt với mảnh đất Thủ đô.

Charlie Win và Thuỳ Anh trong bộ phim truyền hình “Đừng nói khi yêu”.

Văn hoá Việt đã dần thấm sâu vào trong con người Charlie Win – như cách anh thừa nhận. “Tôi bị ảnh hưởng bởi cách tư duy, văn hoá, cách giao tiếp, quan hệ. Tôi học tiếng Việt và nói thứ tiếng này thành thạo đơn giản bởi thấy yêu nó và muốn học. Đôi khi tôi tự hỏi, liệu có khi nào mình sẽ không rời bỏ được mảnh đất này?”, Charlie Win chia sẻ.

Với Charlie Win, người Hà Nội sâu sắc, tình cảm, tỉ mỉ, họ văn minh từ việc sử dụng ngôn ngữ tới thái độ, cách tư duy, đặc biệt là những người ở thế hệ xưa cũ. Thi ca Việt Nam hàm súc, ngắn gọn nhưng giàu ý nghĩa, đôi khi chỉ một từ đã thể hiện được những cảm xúc mà con người cần diễn đạt. Anh đam mê nghiên cứu, chắt lọc những nét đẹp đó để mang vào những dự án nghệ thuật mà anh theo đuổi.

Năm 2018, khi đang tham gia một tổ chức phi chính phủ về rà phá bom mìn, Charlie Win được đạo diễn Trần Vịnh mời tham gia vai sĩ quan quân đội Pháp tên Le Jean trong phim “Giọt nước của dòng sông” (11 tập), kể về chiến tranh tại Việt Nam năm 1945. “Vai diễn của tôi có 30 phân đoạn với rất nhiều lời thoại, nhiều từ khi đó mình không hiểu hết. Những ngày tháng đó, tôi đã thức tới 4 giờ sáng để dịch thoại rồi cố gắng luyện nói, luyện diễn xuất và biểu cảm. Tôi nhận ra đam mê nghệ thuật trong con người mình, thấy mình phù hợp và quyết định tập trung theo đuổi nghệ thuật”.

Charlie Win hiện là MC, diễn viên đang được nhiều khán giả Việt Nam yêu quý.

Mang tình yêu vào các tác phẩm nghệ thuật - Ảnh 4.

Charlie Win sau đó gây ấn tượng trên sân khấu kịch Thủ đô, khi vào vai chính trong vở kịch nói “Duyên định”, do NSND Lê Hùng đạo diễn; Nhà hát Công an Nhân dân dàn dựng. Nội dung xoay quanh câu chuyện một tù binh Mỹ (Joe Louis) bị thương và cảm động trước sự chăm sóc tận tình, trước tấm lòng bao dung của một nữ y tá người Việt Nam. Từ đó, anh nảy sinh tình yêu đơn phương với cô, rồi gặp lại cô nhiều năm sau đó. Charlie Win tâm sự, đó là vai diễn anh tâm đắc nhất.

“Tôi phải trải qua nhiều cảm xúc nặng nề khi hoá thân vào nhân vật, đặc biệt là cảm xúc tội lỗi khi đặt bom giết chết dân làng, dù là làm theo nhiệm vụ. Có những hôm tôi ngồi yên lặng ở nhà, không thể chơi với con gái nhỏ. Mình luôn có cảm giác tội lỗi, buồn bã, sau 1 tháng vở kịch công diễn tại Nhà hát Lớn, tôi vẫn không xả vai được”, anh nói.

Đến nay, nghệ sĩ người Mỹ đã thành công với hàng loạt vai diễn trên sân khấu và truyền hình, có thể kể tới các bộ phim như Giọt nước của dòng sông, Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, Tổ quốc nơi cuối con đường… các vở kịch của nhà hát Tuổi trẻ. Từ một người không biết đến “loa phường”, không hiểu phát thanh viên đang nói gì, anh trở thành diễn viên, MC, đại sứ của CLB Du lịch Thủ đô (thuộc Hiệp hội Du lịch Hà Nội), tích cực truyền bá văn hoá Hà Nội, tham gia các hoạt động giao lưu, gặp gỡ giữa đại diện hai nước Việt – Mỹ, lan toả văn hoá đọc tới cộng đồng… Chia sẻ với PV Dân Việt, anh tâm sự anh đang hạnh phúc khi được sống đúng với những điều mình đam mê và khao khát.

Mang tình yêu vào các tác phẩm nghệ thuật - Ảnh 5.

Sonya sinh ra tại Saint Petersburg (Nga) trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Sau khi theo học thanh nhạc tại London (Anh), cô theo đuổi nhiều dự án nghệ thuật tại Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia…

Đặt chân tới Hà Nội vào cuối năm 2017, Sonya ngạc nhiên trước tình cảm của những người Việt Nam dành cho mình, họ chia sẻ với cô bằng tiếng Anh và luôn nhắc tới mối kết nối đặc biệt giữa hai đất nước. “Không khí nơi đây thật cởi mở, gần gũi. Tôi luôn được họ đối xử một cách thân thiện và tôn trọng” – cô chia sẻ.

Sonya với tình yêu nồng nàn Hà Nội và một số lần biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội

Bằng tình yêu dành cho Việt Nam, Sonya đã quyết định học hát tiếng Việt. Cô thể hiện nhiều ca khúc như Nhật ký của Mẹ, Bèo dạt mây trôi, Hoa thơm bướm lượn, Xin chào Việt Nam, Hơn cả yêu… và từng nhiều lần biểu diễn tại Hà Nội, TPHCM, Thái Nguyên, Thái Bình, Ninh Bình, Cao Bằng…

Năm 2020, cùng với em gái, Sonya Firsova đều đặn có mặt tại phố đi bộ Hồ Gươm vào 21-23h tối các ngày cuối tuần, họ vừa chơi đàn vừa hát những giai điệu Việt Nam quen thuộc và được công chúng hào hứng đón nhận. Ở đây cô cảm nhận được tình cảm, sự chân thành và hiếu khách của những người con Hà Nội cũng như những du khách thập phương đến đây.

Sonya biểu diễn tại Hà Nội.

Mang tình yêu vào các tác phẩm nghệ thuật - Ảnh 8.

Với Sonya, khán giả Việt vô cùng đáng yêu và thân thiện. “Họ cổ vũ chúng tôi rất nhiệt tình dù đôi khi chúng tôi hát chưa thực sự rõ tiếng Việt lắm. Họ luôn khen: “Không sao đâu, chúng tôi rất thích”. Được khán giả ủng hộ, tôi thấy mình có thêm động lực sáng tạo và theo đuổi con đường nghệ thuật”.

Bên cạnh công việc ca hát, Sonya cũng dành thời gian đăng tải những trải nghiệm văn hóa đời thường của mình để chia sẻ lên mạng xã hội. Đó là những khác biệt khi đi đám cưới, ăn nhà hàng giữa người Nga và người Việt… được mô tả dí dỏm, vui nhộn. Các video của Sonya đều thu hút từ vài trăm ngàn đến vài triệu lượt xem với nhiều bình luận tích cực.

Đã từng đi qua 19 quốc gia khi có cha là nghệ sĩ du ca, Sonya từng không ngờ cô gắn bó và yêu Hà Nội tới vậy. “Với tôi, Hà Nội đã thực sự là quê hương thứ hai. Tôi quen thuộc với nơi này và mong muốn sẽ làm được nhiều hơn nữa” – cô gái Nga chia sẻ.

Mang tình yêu vào các tác phẩm nghệ thuật - Ảnh 9.

Ian Paynton sinh ra tại London, Vương quốc Anh. Trước khi sinh sống tại Hà Nội, anh từng tới Việt Nam du lịch 2 lần vào năm 2007 và 2010. Đến năm 2016, Ian Paynton nhận ra mình thực sự muốn gắn bó với mảnh đất này và quyết định ở lại. “Hà Nội là một thành phố vừa quyến rũ, lãng mạn nhưng cũng vô cùng kỳ lạ” – Ian chia sẻ.

Để miêu tả vẻ đẹp của Hà Nội, Ian Paynton cho ra mắt bản Rap với tựa đề “The Charming Beast” (Quái vật quyến rũ). Qua đó, anh thể hiện tình yêu đặc biệt anh dành cho Hà Nội, một nơi mà theo chia sẻ của Ian – anh đã gắn bó tới mức không thể rời xa.

Ian Payton cho ra mắt bản Rap với rụa đề “The Charming Beast” (Quái vật quyến rũ). Qua đó, anh thể hiện tình yêu đặc biệt anh dành cho Hà Nội

MV bao gồm nhiều cảnh quay chân thực tại những địa điểm của Hà Nội. Đó là góc phố cổ quen thuộc, chiếc thuyền trôi giữa sông Hồng, những góc nhìn từ những tòa nhà cao tầng, thể hiện những cảm xúc mạnh mẽ của anh dành cho thành phố.

Trước “The Charming Beast”, Ian Paynton cũng từng cho ra mắt bản rap “Ối giời ơi’ vào năm 2012. Năm 2019, Ian hợp tác với beatboxer Việt Nam TuanSS và cho ra mắt video thứ hai “Find Me In The Mountains”. 3 tác phẩm nằm trong chuỗi dự án anh dành riêng  cho mảnh đất hình chữ S.

Rapper người Anh trong MV – The Charming Beast” (Quái vật quyến rũ).

Bên cạnh tình yêu dành cho dòng nhạc Rap, Ian Paynton cũng dành tâm huyết cho các hoạt động nghệ thuật, những dự án cộng đồng. Anh chia sẻ nhiều kiến thức, thông tin, kinh nghiệm nhằm giúp người nước ngoài dễ dàng làm quen với văn hoá Việt Nam. Với anh, đây là một trong những nơi có mức chi phí hợp lý nhất để tham quan, du lịch khi tới khu vực Đông Nam Á. “Mỗi năm, ngày càng nhiều người nước ngoài tới đây sinh sống lâu dài và gọi là nhà” – Ian Paynton khẳng định.

Với những người nước ngoài họ có cơ duyên sinh sống và làm việc tại Hà Nội đã đón nhận được những “thứ quà” tình cảm, sự chân thành, hiếu khách của người dân và chính quyền nơi đây. Họ cảm nhận được Hà Nội – trái tim của cả nước ngày một phát triển nhưng những nét văn hoá đặc trưng thanh lịch văn minh vẫn được gìn giữ và không ngừng phát triển. Hà Nội giúp họ có công việc, sự nghiệp và bằng cách nào đó họ muốn “trả ơn” nơi đây bằng tình cảm, chút công sức nhỏ bé của mình hoà vào nét văn hoá ấy với mong muốn cuộc sống văn hoá tốt đẹp hơn…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *