MÀN THẦU – PHÁT MINH KINH ĐIỂN CỦA KHỔNG MINH GIA CÁT LƯỢNG

Màn thầu là món ăn chế biến bằng bột mì giống bánh bao. Đây là món ăn không thể thiếu trong hầu hết các mâm cỗ của người Trung Quốc.
Tương truyền rằng vào thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng – tể tướng của nước Thục đã dẫn quân tấn công Nam Man, bảy lần bắt Mạnh Hoạch, rồi lại tha cả bảy lần, cuối cùng cũng cảm hoá được y, khiến hắn phải đầu hàng, tâm phục khẩu phục. Sau khi Gia Cát Lượng chiến thắng trở về, trên đường đi phải qua sông Lô.
Khi đoàn xe ngựa chuẩn bị qua sông, bỗng có gió to từ đâu kéo đến, sóng đánh cao ngàn thước, quỷ khóc sói gào, khí thế hung hãn, đội quân không thể nào băng qua sông. Lúc này Gia Cát Lượng mới hỏi Mạnh Hoạch nguyên do. Thì ra khi hai quân giao chiến, tướng sĩ tử trận không kịp về quê đoàn tụ với gia đình nên đã làm sóng đánh trên sông, ngăn cản không cho quân lính trở về. Đội quân muốn qua sông thì phải tế sông 49 cái đầu, có như vậy thì sóng mới yên, biển mới lặng.
Khổng Minh tự nghĩ: Khi hai quân giao tranh, chết và bị thương là điều không thể tránh khỏi, há phải giết thêm 49 mạng người? Nghĩ đến điều này, ông ra lệnh cho đầu bếp dùng sợi mì làm da, bên trong bọc thịt trâu đen và dê trắng rồi tạo hình 49 đầu người. Sau đó lập bàn hương án và rưới rượu cúng tế xuống sông. Từ đó trong dân gian có cách nói “màn thầu” , Gia Cát Lượng cũng được tôn là ông tổ của nghề nặn bột.
Những chiếc bánh do Gia Cát Lượng tạo ra, sau cùng lại chứa đầy thịt trâu và thịt cừu, công đoạn chế biến vô cùng phức tạp và tốn kém. Về sau công đoạn làm nhân được bỏ qua và trở thành màn thầu. Những chiếc bánh có nhân thì gọi là bánh bao, một số loại có nếp gấp trông giống như những bông hoa thì được đặt tên là “hoa quyển” (bánh bao cuộn hoa).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *