Dì Nương này cùng chơi chung với mẹ từ thuở còn cởi truồng tắm mưa, thường rủ nhau chơi ma lon ma gáo. Sau này lớn lên chút thì học hành khác trường khác lớn, thành ra không còn thân thiết nữa. Sau này mẹ đi lấy chồng rồi chuyển về khu xóm nhà em sống nên cũng không còn bất kỳ liên lạc nào. Lần đó mẹ về thăm ông bà ngoại, thì gặp ngay bà Tám Thắm, là má của dì Nương. Lúc này mẹ mới vỡ lỡ ra, người bạn từng một thời thân thiết của mẹ giờ đã trở bệnh mà đâm ra tưng tửng, không còn bình thường như ngày xưa nữa. Hỏi bà ngoại thì được kể là dì này đi ra sông chơi với bạn, lóng ngóng kiểu gì thì bị té sông, chiếc lắc bạc đeo trên tay rớt xuống nước. Chẳng biết người âm nào ở dưới lụm được chiếc lắc của dì mà dì bị mắc đàng dưới, hành dì chết đi sống lại từ đó đến giờ. Ngày thì thơ thơ thẩn thẩn ngồi ru rú trên cái bộ đi văng đầu nhà, cứ hát hò luôn miệng, nhưng cũng hổng ai nghe rõ đang hát cái gì. Đầu tóc thì xõa rũ rượi. Chén bát xoang nồi trong nhà dì hết đập rồi phá, cũng không ăn uống gì nữa, người ốm tong ốm teo. Nhưng cái chuyện ghê rợn nhất là cứ chạng vạng khoảng sáu bảy giờ tối, dì tự dưng đi ra ngoài cái võng mắc ở giữa hai cái cây bông gòn trước nhà, cứ ngồi im ở đó, xổ tóc ra che hết mặt, rồi cứ chải, cứ chải. Ngày nào cũng như ngày đó, riết rồi dì Nương cũng như hồn ma bóng quế dị, không biết có còn lại được cái hồn vía nào không nữa. Mà bị cái nhà của dì này không tín, ba má không chịu đưa đi thầy cúng kiếng mà cứ để vậy, qua nhiều năm hồn phách chắc cũng không còn, sau mới quyết định đưa dì đó lên trại điên, rồi bặt vô âm tín luôn.