Bạn có bao giờ tập, thay đổi rất nhiều, to đẹp nét hơn, nhưng vẫn luôn tự thấy mình càng tập càng “bé”? Thật ra cái này nhiều người gặp, và mình thấy là hết sức bình thường, vì mỗi khi đẹp lên, tiêu chuẩn của chúng ta lại tăng.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra vấn đề này phát triển quá mức sẽ trở thành một loại bệnh lý, được gọi là muscle dysmorphia. Cùng đọc tiếp dưới nhé.
1. ĐỊNH NGHĨA
– Rối loạn khiếm khuyết cơ thể/Mặc cảm ngoại hình cơ bắp là một hội chứng được xác định đặc trưng bởi những người có lượng cơ bắp cao (thường là nam giới) có niềm tin bệnh lý rằng họ có cơ bắp rất nhỏ.
– Pope và cộng sự (1997) lần đầu tiên đặt ra cụm từ này và định nghĩa nó là mối bận tâm hoặc không hài lòng về kích thước và cơ bắp của cơ thể một cách mãnh liệt và quá mức.
– Rối loạn khiếm khuyết cơ thể/Mặc cảm ngoại hình cơ bắp còn được gọi là chứng chán ăn tâm thần ngược hoặc bigorexia vì nó được đặc trưng là coi bản thân mình nhỏ bé hoặc yếu ớt, trong khi thực tế thì cá nhân đó to lớn và cơ bắp.
– Các vận động viên/người tập bị rối loạn cơ bắp thể hiện một động lực mạnh mẽ cho việc tăng cơ bắp. Họ tự ép buộc phải dành hàng giờ để tập luyện resistance training, mua rất nhiều thực phẩm bổ sung và tuân theo các chế độ ăn được cho là giúp tăng khối lượng cơ bắp. Tương tự như những người mắc chứng chán ăn tâm thần và cuồng ăn, họ có mối quan tâm đến kích thước và trọng lượng cơ thể và thể hiện các hành vi và cách ăn uống có xu hướng bệnh lý.
Muscle dysmorphia: Một loại hình ảnh cơ thể bị bóp méo trong đó các cá nhân có mối bận tâm và/hoặc không hài lòng với kích thước và cơ bắp của cơ thể. Bệnh lý phổ biến nhất ở nam giới bodybuilder và vận động viên/người tập tạ.
2. DẤU HIỆU CỦA RỐI LOẠN KHIẾM KHUYẾT CƠ THỂ/MẶC CẢM NGOẠI HÌNH CƠ BẮP
2.1. Mối quan tâm đến hình dạng và kích thước cơ thể.
– Cảm thấy không đủ nét và/hoặc cơ bắp.
– Kiểm tra ngoại hình và cân nặng thường xuyên; tự phê bình về trọng lượng, kích thước và hình dạng; che giấu cơ thể bằng quần áo rộng thùng thình.
2.2. Mối quan tâm đến cơ bắp gây ra sự đau buồn hoặc suy giảm đáng kể các chức năng xã hội, nghề nghiệp hoặc cuộc sống khác, chẳng hạn như các mối quan hệ cá nhân. Điều này được chứng minh bởi hai hoặc nhiều điều sau:
– Tránh các hoạt động xã hội, nghề nghiệp hoặc giải trí để duy trì chế độ tập luyện bắt buộc hoặc chế độ ăn rất khắt khe
– Tránh các tình huống tiếp xúc với cơ thể (hồ bơi, bãi biển) hoặc rất lo lắng trong những tình huống này
– Mối bận tâm đối với sự không tương xứng về kích thước/cơ bắp gây ra đau buồn hoặc suy giảm nghiêm trọng về mặt lâm sàng trong hoạt động xã hội, nghề nghiệp và cá nhân
– Tiếp tục tập luyện, ăn và sử dụng các loại thuốc/thực phẩm bổ sung nâng cao hiệu suất mặc dù đã biết hoặc có kinh nghiệm về các hậu quả bất lợi về thể chất hoặc tâm lý
2.3. Tập luyện quá mức, tuân theo chế độ ăn nghiêm ngặt hoặc lạm dụng steroid hoặc các thực phẩm bổ sung khác
2.4. Không bao giờ công nhận về cơ thể mình/niềm tin rất mạnh rằng mình quá nhỏ bé dù mình cơ bắp.
3. NGUYÊN NHÂN
– Chưa rõ, vẫn đang trong quá trình nghiên cứu sâu rộng.
– Do áp lực trong một xã hội đang rất phát triển về truyền thông và hình mẫu lý tưởng. Cung cấp thêm thông tin cho cả nhà, Tiggemann & Zaccardo đã nghiên cứu và phát hiện rằng tỉ lệ mặc cảm ngoại hình/tự ti về cơ thể ngày càng gia tăng và rất nhanh chóng với người dùng Instagram.
Lên Instagram, một bầu trời fitness, từ các top model, top tier của các môn thể thao, với những clip tập rất “hard”. Do điều này mà người ta có xu hướng tự trách bản thân không được như vậy, nhìn lại mình và tự phê bình bản thân, thậm chí quá mức.
– Ngoài ra, Mayoclinic đưa thêm thông tin có thể do nguyên nhân “chẳng hạn như tiền sử gia đình về chứng rối loạn này, những bất thường trong não và những đánh giá hoặc trải nghiệm tiêu cực về cơ thể hoặc hình ảnh bản thân của bạn.”
4. ĐIỀU TRỊ
– Rối loạn này có thể ảnh hưởng đến rất nhiều mặt xã hội, thậm chí là hành vi sai lệch. Bạn sẽ cần tìm tới một chuyên gia sức khỏe tâm thần (mental health professional) hoặc bác sĩ điều trị tâm lý kết, hoặc hơn nữa là kết hợp với RD (registered dietitian) để điều trị.
– Thảo luận cởi mở về hình ảnh cơ thể, khuyến khích thảo luận nhóm, có sự góp mặt của nhóm y tế/thể thao liên quan để giúp đỡ tư vấn và giải quyết tâm lý.
– Kết hợp các loại thuốc chống trầm cảm/steroid điều trị. Phải có sự can thiệp của bác sĩ nội tiết vào nhóm y tế/thể thao.
– Ở cấp độ cá nhân hoặc “tự thân vận động”, mình thấy chỉ có việc thảo luận cởi mở về hình ảnh cơ thể, cố gắng thay đổi suy nghĩ và tâm trí về tiêu chuẩn ngoại hình, công nhận bản thân là có thể làm được. Còn lại đều cần tới chuyên gia y tế. Nếu có vấn đề, nhất định hãy điều trị y tế thay vì bất kỳ một điều gì khác, sẽ gây nguy hiểm cho bạn.
5. TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
– Fink (2018), Practical Application in Sports Nutrition, 5th book
– Kuss (2019), The use of social networking sites, body image dissatisfaction and Body Dysmorphic Disorder: A systematic review of psychological research, 2019
– Pope HG, Gruber AJ, Choi P (1997), Muscle dysmorphia: an unrecognized form of body dysmorphic disorder.
– Mayoclinic
– James E Leone (2005), Recognition and Treatment of Muscle Dysmorphia and Related Body Image Disorders
Ảnh: BDD Foundation