LÝ VĂN PHỨC: “NƯỚC TA KHÔNG PHẢI LÀ MAN DI”Dưới triều Minh Mạng, vào năm 1832, quan …

LÝ VĂN PHỨC: “NƯỚC TA KHÔNG PHẢI LÀ MAN DI”

LÝ VĂN PHỨC: “NƯỚC TA KHÔNG PHẢI LÀ MAN DI”
Dưới triều Minh Mạng, vào năm 1832, quan nhà Thanh là Trần Khải cùng binh lính bị bão đánh giạt thuyền vào vùng biển nước ta. Họ đã được các quan lại địa phương giữ lại và chu cấp cho ăn uống đầy đủ. Để giữ quan hệ hữu hảo với nhà Thanh, triều đình đã phái Lý Văn Phức làm trưởng đoàn sứ thần Việt Nam sang tỉnh Phúc Kiến để trao trả quân lính Thanh. Khi lên bờ, đến nơi trao đổi, Lý Văn Phức cùng đoàn công cán nước ta thấy quan nhà Thanh đã treo bảng đề tại sứ quán, nơi sứ bộ ta ở là “Việt Nam di sứ quán”. Ông cùng các quan tùy tùng nhất định không vào. Ông nói với quan nhà Thanh: “Nước ta không phải Man Di nên ta không vào chổ này”. Quan nhà Thanh đã phải sai xóa dòng chữ đó. Quan sở tại là Hoàng Trạch Trung đã phải tới xin lỗi và cho thay bằng hàng chữ “Việt Nam Quốc sứ công quán”. Khi đó ông mới chịu vào và bàn bạc, trao cho nhà Thanh các danh sách các quan lại và binh lính đã bị bắt giữ vì bão đánh trôi dạt vào vùng biển nước ta. Ông đã làm một bài luận “Di Biện” nói rõ thế nào là Man Di và nước Việt Nam không thể gọi là Man Di. Quan nhà Thanh đã phải nghe theo, công nhận, bỏ thái độ coi khinh nước ta.
Xoay quanh câu chuyện người phương Bắc gọi nước ta là “Man Di” thì ở triều vua nào cũng đã xảy ra. Lê Quý Đôn, Vũ Huy Tấn đã bác bỏ việc dùng chứ Di, “Di quan, Di sứ…” Đến đời Nguyễn, quan nhà Thanh lại vẫn dùng chữ Di để gọi nước ta. Đó là thái độ khinh mạn của người theo chủ nghĩa nước lớn sẵn có từ xưa.
(Trích: Chuyện đi sứ – Tiếp sứ đời xưa, Nguyễn Thế Long).
Nguyên văn Biện Di luận của Lý Văn Phức (Bản dịch từ Hán văn của Trần Quang Đức, in trong sách Ngàn năm áo mũ):
“Từ xưa, có Trung Hoa thì có di địch, ấy là sự ngăn cách tự nhiên của trời đất. Hoa là Hoa mà di là di, cũng là sự phân biệt nghiêm minh của thánh hiền. Hoa là Hoa, bất kể bản thân văn minh không man mọi, hay không man mọi nhưng lại bị coi là man mọi, đều không thể không biện luận cho rõ ràng được. Xét, di được gọi là di, kinh truyện thánh hiền coi là kẻ khác (không phải giống nòi ta – TG chú) nên Chu công phải thảo phạt. Cớ sao vậy ? Có bọn chuyên làm việc bạo ngược không biết lễ nghĩa danh phận, như Kinh Sở thời xưa ; cũng lại có bọn đem cả nước ra làm trò dị hợm, bất chấp cương thường đạo nghĩa của người ta, như bọn man di giảo quyệt Đông Tây Dương thời nay vậy ; gọi chúng là di vì cách làm của chúng.
Nước Việt ta là phường ấy chăng ? Nước Việt ta không phải chúng vậy, mà là hậu duệ của Viêm Đế, họ Thần Nông, bậc thánh Trung Quốc thời cổ vậy. Thời cổ là vùng hoang viễn, chưa khai hóa, bấy giờ coi là di thì được. Nhưng đến thời Chu đã là Việt Thường, coi là thị tộc, các đời sau là Giao Chỉ, coi là quận huyện, chưa bao giờ gọi là di cả. Huống hồ, từ thời Trần Lê, quốc thổ An Nam ngày càng mở rộng, đến nay đã gấp bội lần, phía Bắc giáp ba tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam của Trung Châu ; phía Tây khống chế các tộc man di, tiếp với các nước Nam Chưởng, Miến Điện ; phía Đông trông ra bể lớn, ôm bọc các đảo ; phía Nam cũng chạm tới biển, vòng qua phía Tây Nam sát vách Xiêm La, các thuộc quốc còn lại và tộc man di khác nhau nội phụ đều đủ cả, thật là một đại quốc sừng sững giữa trời đất. [Lúc này] coi là thị tộc cũng không được, coi là quận huyện càng không được, huống hồ có thể coi là di sao ? Song ở đây tạm có vài lời nông cạn như vậy đã.
Bàn về phép trị nước thì noi nhị đế tam vương, bàn về đạo thống thì noi lục kinh tứ sử, coi Khổng Mạnh là nhà, coi Chu Trình là cửa. Về học vấn thì coi Tả Quốc là nguồn, coi Ban Mã là nhánh. Về văn chương thì thơ phú noi Chiêu Minh, Văn Tuyển, xem Lý Đỗ là tấm gương ; thư họa theo Chu lễ, Lục thư, coi Chung Vương là mô phạm. Chiêu hiền đãi sĩ, ấy khoa cử Hán Đường vậy. Đai rộng mũ cao, ấy y phục Tống Minh vậy. Cứ vậy mà suy, đại để như thế. Xét, đến vậy mà vẫn gọi là di thì ta cũng chẳng biết thế nào mới là Hoa vậy. Có kẻ nghị luận cao minh nói rằng : Thuấn là người Đông di, Văn vương là người Tây di, trong kinh truyện có nói đến, nhưng di ấy tổn hại gì ? Há không biết đó chỉ là lời nói chỉ nơi các ngài sinh ra thôi. Thuấn vẫn là Thuấn, Văn vương vẫn là Văn vương, từ khi có thư tịch đến giờ có thư tịch nào gọi Thuấn là di đế chăng, gọi Văn vương là di vương chăng ? Cũng có kẻ luận bàn thô thiển rằng : Chắc là do tiếng nói, trang phục khác lạ nên coi là di đó thôi. Như vậy càng không đúng. Cứ nói chuyện trước mắt, như một tỉnh Phúc Kiến, là nơi còn di giáo của thầy Chu Khảo Đình, riêng ở vùng Tuyền Chương, người ở đây thường đội khăn thay mũ, vậy là trang phục khác lạ chăng, có thể vì thế mà coi là di chăng ? Lại như mười tám tỉnh ngôn ngữ khác nhau, tiếng nhà quê và tiếng nhà quan cũng khác nhau, vậy là tiếng nói khác lạ chăng, có thể vì thế mà coi là di chăng ?
Để thấu hiểu cái nghĩa Hoa di, nên tìm trong văn chương lễ nghĩa, vậy thì lời luận biện của tôi cũng chẳng cần viết ra, tôi đâu có ưa biện luận, là do tôi bất đắc dĩ mà thôi.”
Lời bàn luận này sau khi viết ra, đến tay Tôn tổng đốc, ông tuyên bố tại chỗ : Quý sứ lần này đến đây, bản đốc tự dùng lễ sứ thần để đối đãi, không dám coi là ngoại di nữa. Sau đó sĩ phu Trung Châu nối nhau sao chép, có nhiều người viết thêm lời bình phẩm ngợi ca. Có ông Lý Chấn Nhân là Nho học huấn đạo, tính cực khẳng khái, sau khi thấy áo mũ nước ta liền ném mũ của mình xuống đất nói rằng : Ta là di rồi, sao lại coi người ta là di đây ?
Ảnh minh họa: “Di nhân” trong quan phục của “Man nhân” và “Hồ nhân” – Chưa biết ai hoa ai di.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *