ly-do-thuc-su-khien-lao-dong-khu-vuc-phi-chinh-thuc-tang,-lao-dong-khu-vuc-chinh-thuc-giam?

Lý do thực sự khiến lao động khu vực phi chính thức tăng, lao động khu vực chính thức giảm?

Khủng hoảng kinh tế và áp lực cách mạng khoa học công nghệ làm gia tăng lao động phi chính thức

Một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM  (HIDS) đã cho thấy: Trong những năm qua, lao động làm việc trong các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp trên địa bàn có xu hướng giảm (giai đoạn 2016 – 2020 giảm bình quân 3,29%/năm). Ở những ngành thâm dụng lao động, nhất là ngành may mặc, sản xuất da giày và sản phẩm có số lao động giảm mạnh nhất. Trong khi đó, lao động khu vực phi chính thức tăng nhanh. 

Lý giải về hiện tượng này ông Trương Minh Huy Vũ – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, nguyên nhân là những ngành này có sự dịch chuyển, từng bước di dời sang các địa phương khác hoặc bản thân DN cũng tăng cường đầu tư đổi mới máy móc thiết bị để tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản xuất, giảm lao động.

lao động phi chính thức

Áp lực từ khủng hoảng kinh tế, cách mạng khoa học công nghệ đang làm gia tăng lao động phi chính thức. Ảnh: Nguyệt Tạ

Cũng theo ông Vũ, một điểm nổi bật trong thị trường lao động tại TP. HCM đó là sự gia tăng ngày một lớn của lực lượng lao động phi chính thức. Sự gia tăng này, tuy tiếp tục đóng góp kinh tế cho thành phố nhưng lại tăng rủi ro an sinh xã hội đối với người lao động (NLĐ), khi không được pháp luật bảo vệ và thiếu các điều kiện phúc lợi xã hội…

Theo ông Lê Văn Thành, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội (Viện HIDS), về lâu dài cần “chính thức hóa” lao động khu vực phi chính thức để bảo vệ quyền lợi và bảo đảm an toàn cho NLĐ, tạo ra sự công bằng trong thị trường lao động. “Các giải pháp có thể tính tới là cung cấp những cơ hội chuyển đổi hoặc hợp đồng lao động, kèm theo đào tạo; hỗ trợ cộng đồng để cải thiện điều kiện sống của NLĐ khu vực phi chính thức”, ông Thành nói.

Ông Vũ cũng cho biết, tất cả những hiện tượng trên khiến cho diễn biến thị trường lao động trên địa bàn thành phố phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển chung của thành phố.

Thực tế thì không phải chỉ TP.HCM, ghi nhận tại nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng cho thấy thực trạng lao động khu vực phi chính thức đang có sự gia tăng. Nhất là khi đại dịch Covid-19 diễn ra. 

Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình lao động – việc làm trong quý II/2023 trong cả nước cũng cho thấy số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Số người có việc làm phi chính thức chung trong quý II/2023 là hơn 33 triệu người (tăng 301,9 nghìn người so với quý trước).

 Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý II năm 2023 là 65,1%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với quý trước và chủ yếu tăng ở khu vực thành thị và nữ giới. Tỷ lệ lao động phi chính thức tăng lên ở hầu hết các vùng kinh tế – xã hội, đặc biệt ở hai vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ.

Báo cáo cũng cho thấy trong quý 2, cả nước có hơn 940.000 lao động mất việc, thất nghiệp, tăng 54.900 người so với quý trước và tăng 58.900 người so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, khi lao động thất nghiệp tăng cao, việc làm mới tạo ra ít hơn thì đương nhiên lao động sẽ tìm tới khu vực lao động phi chính thức. 

Nâng cao kỹ năng, giảm thất nghiệp cho lao động

Báo cáo của Sở LĐTBXH TP.HCM cho thấy, trong gần 150.000 lao động thành phố mất việc năm 2022, có hơn 82.800 người là lao động phổ thông, không có bằng cấp chứng chỉ (chiếm 56,62%), có trình độ đại học trở lên là 45.543 người (31,14%). Trong khi đó, lao động có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp bị mất việc là 2.869 người (1,96%), có trình độ trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp là 6.816 người (4,66%). Có trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp là 8.218 người (5,62%).

Như vậy, có thể thấy đa phần lao động mất việc làm, thất nghiệp là lao động không có kỹ năng. Khi không có kỹ năng thì khả năng tìm kiếm công việc mới cũng gặp nhiều khó khăn vì thế, họ gia nhập thị trường lao động không chính thức, trở thành lao động tự do.

việc làm không chính thức

Nâng cao kỹ năng nghề được xem sẽ tăng sức cạnh tranh, giúp lao động giữ vững được việc làm, tăng thu nhập, tránh rơi vào mất việc làm, gia nhập khu vực việc làm không chính thức. Ảnh: NT

Kết quả nghiên cứu gần đây của HIDS cũng cho thấy những lao động được đào tạo và giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có khả năng được tuyển dụng, thu nhập và sự hài lòng trong công việc cao hơn so với những người không được đào tạo, GDNN. Nguyên nhân là do những lao động được đào tạo, GDNN được trang bị kỹ năng tốt hơn để thích ứng với các công nghệ kỹ thuật số mới, khả năng có việc làm và cạnh tranh với lao động khác được cải thiện.

Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội GDNN TP. HCM, nhận định xu hướng phát triển thị trường lao động Việt Nam trong những năm tới sẽ nổi lên 4 xu hướng là: gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; lao động “khởi nghiệp, tự tạo việc làm” gia tăng.

Theo ông Tuấn, việc đầu tư máy móc, tự động hóa sản xuất và ứng dụng công nghệ số sẽ dần phổ biến và làm thay đổi hình thức việc làm trên thị trường lao động. Xu hướng này bắt nguồn từ sự dịch chuyển sang thời kỳ chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam và sẽ trở thành xu thế chủ đạo trong thời gian tới.

Theo thống kê tại Việt Nam, 68% công việc hiện đòi hỏi kiến thức về kỹ năng số với những kiến thức cơ bản, 1/5 công việc cần các kỹ năng số chuyên sâu. “Vì vậy, việc đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số, sử dụng công nghệ trong việc làm cần được ưu tiên để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐTBXH) cũng từng cho biết, nhiều tổ chức quốc tế đã lấy kỹ năng nghề làm “đơn vị tiền tệ quốc tế mới”. Đây được xem là động lực để phát triển, tăng khả năng cạnh tranh của mỗi quốc gia, góp phần tăng năng suất lao động.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *