Vì sao không tăng lương cơ sở năm 2025?
Mới đây, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Theo đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết, quyết định chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.
Đồng thời, trung ương cũng giao các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định; cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội.
Trước đó, tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%). Đây là mức tăng lớn nhất kể từ khi nhà nước thực hiện chính sách về tiền lương cơ sở.
Để tăng lương cơ sở, ngân sách Nhà nước đã bố trí 562 nghìn tỷ đồng đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương (tăng lương hưu, tăng lương cơ sở) từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết 27/2018 của Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Đây là mức chi lớn, vì thế Quốc hội đã biểu quyết và quyết định không tăng lương lương cơ sở và tăng lương hưu nữa.
Hiện nay, Việt Nam duy trì 2 chế độ tiền lương. Tiền lương khu vực công và tiền lương ở khu vực tư. Theo đó, tiền lương ở khu vực công (công chức, viên chức, lực lượng vũ trang) được áp dụng với lương cơ sở. Mức lương là 2,34 triệu đồng. Bảng tiền lương thứ 2 áp dụng cho khu vực doanh nghiệp, gọi là tiền lương tối thiểu vùng, đang được áp dụng cho 4 vùng kinh tế.
Trước đó, chia sẻ với phóng viên Báo Dân Việt, ông Bùi Sỹ Lợi – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng: Năm 2024, Nhà nước vừa dành một khoản ngân sách rất lớn để tăng lương cơ sở, nếu năm 2025 tiếp tục tăng e ngân sách sẽ không gánh được.
Nhiều khả năng phải tới năm 2026 mới tăng lương khu vực công
Quốc hội đã thông qua nghị quyết không tăng lương cơ sở năm 2025, trước đó Bộ Chính trị ban hành Kết luận 83-KL/TW năm 2024 yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương chủ trì sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.
Như vậy có thể cải cách tiền lương và bảng lương mới của cán bộ công chức viên chức và lực lượng vũ trang sẽ diễn ra sau năm 2026.
Trong khi đó, khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở là mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; mức lương cơ sở dùng để tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; Tính các khoản trích và các chế độ trợ cấp, phụ cấp… được hưởng theo mức lương cơ sở.
Nghị định này cũng quy định rõ, Chính phủ sẽ điều chỉnh mức lương cơ sở sau khi báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Do vậy, trong năm 2025 mức lương cơ sở sẽ không tăng. Riêng năm 2026, tiền lương cơ sở có tăng hay không, mức tăng lương cơ sở (tiền lương của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang) bao nhiêu còn phụ thuộc vào 3 yếu tố về kinh tế cụ thể là: Khả năng ngân sách Nhà nước; Chỉ số giá tiêu dùng; Tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Chính phủ sẽ điều chỉnh mức lương cơ sở mới sau khi báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định (theo Khoản 4 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP).