Lương thấp hơn công nhân (!)
Tròn 13 năm công tác với vị trí văn thư trường học, chị Ngọc Anh (35 tuổi), nhân viên văn thư một trường THCS tại huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đang nhận mức lương chưa đủ 4 triệu đồng/tháng.
Để trang trải cuộc sống, chị Ngọc Anh phải “thắt lưng buộc bụng”, dè sẻn chi tiêu từng chút một nhưng vẫn không đủ lo cho gia đình và việc học tập của con cái.
“Nhận lương về, đóng tiền học cho con, tiền chợ búa, xăng xe là hết sạch. Tháng nào có đám cưới hay bị đau ốm là sợ và lo lắm vì tôi không có thêm bất kỳ khoản thu nhập nào nữa”, chị Ngọc Anh than thở.
Trước cảnh con cái lớn phải chi tiêu nhiều khoản, giá cả thị trường leo thang, chị Ngọc Anh đã nghĩ đến chuyện nghỉ việc để tìm nghề khác mưu sinh.
“Việc ở trường thì tôi vẫn rất yêu thích và muốn gắn bó lâu dài nhưng lương như vậy không đủ sống, không đủ trang trải dù ở mức tối thiểu. Tháng trước, tôi viết đơn xin nghỉ phép 15 ngày để ra chợ phụ bán hàng, thu nhập 400.000 đồng/ngày, kiếm được khoản tiền cao hơn cả tháng lương ở trường. Sắp tới, tôi dự định xin nghỉ luôn để tìm việc khác lo cho cuộc sống”, chị Ngọc Anh trăn trở.
Cũng theo chị Ngọc Anh, mặc dù đều làm việc trong trường học nhưng dịp lễ tết, các thầy cô giáo đều được tôn vinh, được nhớ đến, còn những nhân viên không trực tiếp làm công việc giảng dạy thì hầu như bị “lãng quên” nên rất chạnh lòng.
Chị Kiều Trang (42 tuổi, nhân viên kế toán trường THCS Hòa Phong, huyện Krông Bông) có thâm niên 19 năm công tác. Gần 2 thập kỷ miệt mài, mức lương hàng tháng của chị Trang giờ cũng chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng.
Nói về công việc của mình, chị Trang cho biết khối lượng công việc của kế toán rất nhiều, trách nhiệm cao nhưng mức lương khiến chị đau đáu nỗi lo.
“Kế toán trường học ngoài lương ra thì không có thêm bất kỳ một khoản thu nhập nào khác. Là giáo viên thì còn có thêm các khoản phụ cấp, đứng lớp… còn chúng tôi công việc nhiều, ngày làm 8 tiếng xuyên suốt ở trường nên không có thời gian để làm thêm các công việc khác để cải thiện thu thập”, chị Trang bộc bạch.
“Dài cổ” chờ chuyển ngạch
Bên cạnh đó, điều khiến chị Trang băn khoăn suốt thời gian qua, đó là việc chị ra trường đi làm với tấm bằng hệ trung cấp và sau đó đã bỏ nhiều chi phí để học liên thông lấy bằng đại học được 7 năm nay. Tuy nhiên, hiện tại chị Trang vẫn chỉ được hưởng mức lương theo hệ số của hệ trung cấp.
“Tôi có bằng đại học, có các văn bằng chứng chỉ đầy đủ nhưng bao năm qua chưa được chuyển ngạch và vẫn đang nhận lương hệ trung cấp. Do đó, nguyện vọng của chúng tôi mong cấp trên xem xét cho chuyển ngạch để được nhận mức lương tương xứng”, chị Trang kiến nghị.
Ông Huỳnh Viết Trung – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Krông Bông cho biết, nhân viên trường học tâm tư về mức lương rất thấp là thực trạng hiện nay.
Theo ông Trung, nhân viên trường học chỉ có lương và không có phụ cấp. Mức lương chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng, nhiều người không đủ trang trải cuộc sống. Ông Trung cho biết, trường Tiểu học – THCS Hòa Lễ khuyết vị trí văn thư gần 2 năm nay mà không tuyển được người.
“Dù vị trí này có sẵn chỉ tiêu biên chế, sẽ nhận vào làm việc ngay nhưng đến nay vẫn chưa có người đăng ký do lương quá thấp. Do đó, ngoài việc cần quan tâm đến đời sống, tâm tư của các giáo viên, cũng đừng lãng quên đội ngũ nhân viên trường học vì họ đảm nhận những vị trí rất quan trọng trong nhà trường”, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Krông Bông cho hay.
Một lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk cho rằng, nhiều năm qua tỉnh chưa xét chuyển ngạch cho nhân viên trường học là do người lao động không nắm thông tin để kiến nghị và có thiếu sót do trách nhiệm từ các cấp cơ sở “quên” tham mưu thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động.
Sau nhiều năm chưa chuyển ngạch, mới đây, Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đôn đốc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức từ hạng 4 lên hạng 3, từ hạng 3 lên hạng 2 đối với viên chức ngành giáo dục năm 2023.
*Tên nhân viên trường học được thay đổi.