“luoi”-kham-suc-khoe-tien-hon-nhan-(ky-iv):-dung-lo-“giu-mat-hon-giu-mang”

“Lười” khám sức khỏe tiền hôn nhân (kỳ IV): Đừng lo “giữ mặt hơn giữ mạng”

Bệnh lây truyền qua đường tình dục tăng lên và “trẻ hóa”

Trao đổi với PV Dân Việt, TS, bác sĩ Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho rằng, các bạn trẻ không những phải đi khám sức khoẻ tiền hôn nhân mà ngay khi quan hệ tình dục cũng phải đi khám.

Lý giải về việc này, bác sĩ Thành cho biết, trước đây, người Việt có văn hoá sau khi kết hôn mới quan hệ tình dục nhưng cuộc sống hiện đại hiện nay rất nhiều bạn trẻ đã quan hệ đều, đôi khi sống với nhau như vợ chồng dù chưa cưới.

“Khám tiền “quan hệ tình dục” quan trọng là vì ân ái đem lại cho các cặp đôi nhiều cảm xúc, thăng hoa nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đó là mang thai ngoài ý muốn, là nguy cơ mắc bệnh lây truyền quan hệ tình dục, là bạo lực tình dục gây tổn thương đến cả thể xác lẫn tinh thần.

TS, bác sĩ Phan Chí Thành cho rằng, các bạn trẻ không những phải đi khám sức khoẻ tiền hôn nhân mà ngay khi quan hệ tình dục cũng phải đi khám. (Bác sĩ Phan Chí Thành tư vấn về sức khỏe tình dục cho một bạn trẻ. Ảnh BSCC)

Nhiều bạn trẻ cho rằng “nhìn” người yêu khỏe mạnh, cơ thể, đặc biệt là “chỗ ấy” không hề có bất thường nên chắc là “khỏe mạnh” nên quan hệ tình dục mà không sử dụng các biện pháp an toàn.

Tuy nhiên, 80-90% các bệnh lây truyền tình dục không có biểu hiện lâm sàng, rất là ở giai đoạn đầu mới mắc.

Quan điểm “ngây thơ” này khiến bệnh lây truyền tình dục có nguy cơ tăng theo cấp số nhân nếu như một người có nhiều bạn tình, không chung thủy…”, bác sĩ Thành phân tích.

Theo bác sĩ Thành, theo các nghiên cứu hiện nay, bệnh lây truyền qua đường tình dục tăng lên ngày càng nhiều và càng trẻ hoá. Các bạn còn trẻ quan hệ tình dục sớm, mắc bệnh lây qua đường tình dục càng cao. 

Điều này có 2 yếu tố, một là các bạn trẻ cơ thể chưa phát triển toàn diện, kỹ năng quan hệ tình dục chưa tốt gây tổn thương, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, khi các em còn trẻ, chủ quan và e ngại dùng các biện pháp tránh thai nên tỷ lệ quan hệ tình dục không an toàn cao hơn, dễ mắc bệnh hơn.

“Ngay cả khi mắc bệnh lây qua đường tình dục, do chưa tự chủ kinh tế, còn là học sinh, sinh viên nên các em cũng đi khám muộn hơn. Đó là lý do tại sao bệnh lây truyền qua đường tình dục chủ yếu là mắc ở các bạn trẻ. Vì vậy, khi bắt đầu có quan hệ tình dục, các bạn trẻ nên quan tâm đến việc khám và chăm sóc sức khỏe bản thân nhiều hơn”, bác sĩ Thành khuyến cáo.

Con cái không phải sự nhỡ nhàng…

Về việc khám sức khỏe tiền hôn nhân và sàng lọc các bệnh di truyền, bác sĩ Thành cũng cho rằng, điều này là vô cùng cần thiết.

“Đối với người Việt, kết hôn, sinh con là điều vô cùng quan trọng, là sự mong chờ không chỉ của hai vợ chồng mà còn cả gia đình, dòng họ.

Hiện nay, có rất nhiều bệnh di truyền cần phải được sàng lọc kỹ. Ví dụ như bệnh tan máu bẩm sinh là bệnh di truyền khá phổ biến. Những người mắc bệnh phải truyền máu cả đời, sống ốm yếu, bệnh tật, gia đình tốn tiền của, cả gia đình “xoay như chong chóng” quanh bệnh viện.

Các bạn trẻ cần xác định việc mang thai không chỉ 9 tháng 10 ngày mà phải là 12, 15 tháng. (Tư vấn cho bạn trẻ tại Trung tâm sức khỏe sinh sản Hà Nội. Ảnh CTV)

Do đó, các bạn trẻ trước khi kết hôn cần xét nghiệm để kiểm tra xem mình có mang gen bệnh tan máu bẩm sinh hay không.

Với những gia đình, dòng họ có những bệnh lý di truyền, khi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân, các bác sĩ cũng sẽ tư vấn và đưa ra lời khuyên hợp lý để tầm soát, sàng lọc chuyên sâu…

Việc sinh ra những đứa con khỏe mạnh để gia đình hạnh phúc, dân tộc khỏe mạnh là điều vô cùng quan trọng”, bác sĩ Thành nhấn mạnh.  

Trao đổi với PV Dân Việt, GS.TS Nguyễn Đình Cử, Nguyên Viện trưởng Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) khẳng định, khám sức khỏe tiền hôn nhân là điều rất cần thiết.

GS Cử cho biết, hiện nay hàng năm, nước ta có khoảng 1,5 triệu người đăng ký kết hôn. Việc khám sức khỏe trước kết hôn nhằm phát hiện có hay không những bệnh, tật ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cặp đôi.

Cụ thể các bệnh như: HIV, viêm gan B, C hay các bệnh di truyền, bệnh tim … cũng như phát hiện các bất thường về cấu tạo giải phẫu, hay chức năng hoạt động của cơ quan sinh dục, các bệnh viêm nhiễm, các bệnh về đường tình dục…

Trên cơ sở đó, tìm ra các giải pháp chữa trị kịp thời các bệnh, tật (nếu có) để cặp đôi sinh ra những đứa con khỏe mạnh, nâng cao chất lượng giống nòi, chất lượng cuộc sống, đảm bảo hôn nhân hạnh phúc.

Theo bác sĩ Thành, khi các cặp đôi phát hiện bản thân hoặc người yêu có gen bệnh thì cũng cần xem xét có nên kết hôn hay không, nếu kết hôn có nên có con hay không, nếu có con thì làm cách nào để sinh ra những đứa con bị bệnh…

“Với trình độ y học hiện nay, nhiều cặp vợ chồng dù mang gen bệnh vẫn có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Quan trọng là các bạn phải biết mình có mang gen bệnh hay không để vạch ra lộ trình “sinh con khỏe mạnh” rõ ràng.

Đừng “nhắm mắt làm liều” để rồi nặng gánh cả đời. Không chỉ cha mẹ vất vả, cực khổ mà cuộc đời của những đứa con dị tật, bệnh nặng cũng vô cùng bất hạnh. Các bạn trẻ muốn có một cuộc sống hạnh phúc, sinh con khỏe mạnh thì cần phải ý thức rõ điều này”, bác sĩ Thành nói.

Theo bác sĩ Thành, các bạn trẻ cần xác định việc mang thai không chỉ 9 tháng 10 ngày mà phải là 12, 15 tháng. Có nghĩa là trước khi quyết định có con từ 3-6 tháng, các bạn trẻ cần có sự chuẩn bị như đi khám sức khỏe để xem vợ chồng có bị bệnh lây truyền qua đường tình dục hay không, cơ quan sinh sản có tốt không, có mang gen bệnh nào không?

Hơn nữa, trước khi có con, việc hút thuốc, uống rượu phải được dừng hoàn toàn. Vì nam giới hút thuốc, uống rượu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, sinh con ra không tốt. Còn phụ nữ hút thuốc, uống rượu thì có thể gặp hội chứng uống rượu khi mang thai.

“Sau khi uống rượu say xỉn, quan hệ tình dục và mang thai thì nguy cơ sảy thai lớn, thai chậm phát triển, nguy cơ trẻ sa sút trí tuệ cũng tăng lên. Con cái là sự chuẩn bị kỹ càng, chào đón của cha mẹ chứ không phải sự nhỡ nhàng của cha mẹ. Việc khám sức khoẻ trước khi chuẩn bị mang thai để có sự chủ động, chào đón con là rất quan trọng”, bác sĩ Thành phân tích.

Nhiều người Việt đang chú trọng “giữ mặt”…

Bác sĩ Thành chia sẻ, ngày nay, đa số người Việt yêu là cưới, cưới là lo mâm to cỗ đầy mà coi nhẹ việc khám sức khoẻ tiền hôn nhân. Đến khi sinh những đứa con ốm yếu, mắc bệnh mới quay sang trách móc, oán hận nhau.

“Nhiều người Việt đang lo giữ mặt hơn giữ mạng, thích phô diễn ra ngoài cho mọi người thấy mà lại coi nhẹ “chất lượng” bên trong.

Thực ra việc mời mọi người đến chứng kiến cho hạnh phúc cặp đôi là quan trọng chứ không cứ phải là mâm cao cỗ đầy. Có lẽ, chúng ta nên dành một phần cho việc làm cỗ to, chụp ảnh cưới đẹp để đi khám sức khỏe tiền hôn nhân, lo cho tương lai lâu dài và hạnh phúc của những đứa con thì tốt hơn rất nhiều”, bác sĩ Thành nhấn mạnh.

Đi khám sức khỏe tiền hôn nhân là để có cuộc sống lứa đôi hạnh phúc và sinh những đứa con khỏe mạnh. Ảnh minh họa nationalelfservice

Bác sĩ Thành cũng cho biết, không phải cặp vợ chồng trẻ nào cũng cần khám “tuốt tuồn tuột” và làm các xét nghiệm gen đắt tiền.

“Đi khám sức khỏe tiền hôn nhân, việc thứ nhất cần làm là xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Sau đó cần khám cơ quan sinh sản có tốt hay không, tinh trùng có khỏe không, vòi trứng có thông hay không… có nguy cơ vô sinh hay không.

Ngoài ra, sau khi hỏi về tiền sử gia đình, dòng họ, các bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn nên xét nghiệm gen hay không. Những gia đình đã từng sinh con bị bệnh và dòng họ có một hoặc nhiều người mắc cùng một bệnh sẽ được tư vấn đề tầm soát bệnh đó.

Do đó, các bạn trẻ không lo “tiền đâu” mà đi khám sức khỏe tiền hôn nhân hoặc vội vã làm “tứ tung” các xét nghiệm không cần thiết gây tốn kém”, bác sĩ Thành tư vấn.

Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Cao Hồng Chi, Giám đốc Trung tâm sức khoẻ sinh sản và Tư vấn cộng đồng (Hội Kế hoạch hoá gia đình Việt Nam) khẳng định, việc khám sức khoẻ tiền hôn nhân là điều nên làm và rất quan trọng.

Theo bác sĩ Chi, việc này giúp loại trừ được những bệnh di truyền mà bản thân không biết, nhiều khi bố mẹ mang gen lặn, không biểu hiện ra bệnh. Có thể bố mẹ bình thường nhưng đẻ con ra bị bệnh. Cụ thể như bệnh tan máu bẩm sinh cũng là bệnh di truyền mà mình hoàn toàn có thể phát hiện sớm.

“Tôi nghĩ khám tiền hôn nhân loại trừ được bệnh, nâng cao chất lượng dân số. Sinh ra đứa trẻ khoẻ mạnh không những đỡ gánh nặng cho gia đình mà còn giúp xã hội có những con người khoẻ mạnh”, bác sĩ Chi nói.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *