“luoi”-kham-suc-khoe-tien-hon-nhan:-con-vua-sinh-ra-da-mac-benh-“nhay-cam”

“Lười” khám sức khỏe tiền hôn nhân: Con vừa sinh ra đã mắc bệnh “nhạy cảm”

Trẻ 3 tháng đã mắc bệnh giang mai bẩm sinh

Mới đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận 1 bệnh nhi 3 tuổi với những biểu hiện giang mai bẩm sinh.

Trẻ nhập viện vì để điều trị bong vảy ở lòng bàn chân và lòng bàn tay. Người nhà cho biết, trẻ là con đầu, đẻ mổ đủ tháng, cân nặng khi sinh là 3,5kg. Sau khi sinh, trẻ bị vàng da sơ sinh kéo dài 1 tháng. Tuy nhiên, cách đây 2 tuần, lòng bàn tay và bàn chân của trẻ bị bong tróc da nặng nề nên nghĩ con bị viêm da cơ địa.

Giang mai bẩm sinh khiến tay chân bệnh nhi 3 tháng tuổi bị bong tróc da nghiêm trọng. Ảnh BSCC

Tuy nhiên, sau khi thăm khám và loại trừ các bệnh lý viêm da thông thường như viêm da cơ địa, các bác sĩ đã nghi ngờ trẻ bị giang mai bẩm sinh nên đã chỉ định xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm khẳng định trẻ bị giang mai bẩm sinh vì lây truyền từ mẹ trong quá trình mang thai. 

Trong nghiên cứu mới đây nhất của mình, Tổ chức Y tế Thế giới đã chỉ ra rằng, riêng bệnh giang mai đã gây ra khoảng 200.000 thai chết lưu và tử vong sơ sinh vào năm 2016, khiến nó trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong thai nhi trên toàn cầu.

Bác sĩ khuyến cáo hai vợ chồng làm xét nghiệm, kết quả đều cho thấy cả vợ và chồng đều mắc giang mai.

Cặp vợ chồng trẻ khi biết tin đã cảm thấy sốc. Họ cho biết mình hoàn toàn mạnh khỏe, không hề có biểu hiện tổn thương nào trên cơ thể. Hai vợ chồng bắt đầu quay sang trách móc, nghi ngờ lẫn nhau về sự chung thủy, đổ bệnh cho vợ (chồng).

Vợ chồng chị Lê Thị M (27 tuổi, Hà Nội) cũng sốc lên sốc xuống vì con mới 5 ngày tuổi đã được chẩn đoán mắc bệnh lậu.

Theo chị M, khi con được 3 ngày tuổi thì mắt đỏ, chảy nhiều dịch mủ màu vàng, nhỏ thuốc không khỏi. Khi đi khám và làm xét nghiệm, các bác sĩ thông báo trẻ bị bệnh lậu vì lây từ mẹ trong quá trình mang thai.

Rất may bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nếu chậm chễ, trẻ có nguy cơ bị viêm, loét giác mạc gây mù vĩnh viễn.

Chị M lập tức lao vào chồng mắng mỏ, cấu xé. Qua câu chuyện được biết, chồng chị M đã từng có chuyện “đổi gió” bên ngoài khi vợ vừa mang thai. Chị M trách móc chồng đã đổ bệnh cho vợ rồi giờ lây sang con. Chị còn nằng nặc đòi ly hôn vì không muốn dây dưa với người chồng không chung thủy, “ăn tạp” như vậy.

Con “phải tội” vì cha mẹ chủ quan

Theo bác sĩ Nguyễn Doãn Tuấn, Khoa điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương, giang mai bẩm sinh là trường hợp mẹ mắc bệnh giang mai và truyền cho thai nhi trong khi mang thai. Sự lây truyền thường xảy ra từ tháng thứ 4 – 5 của thai kì. 

Tùy theo mức độ nhiễm xoắn khuẩn từ người mẹ vào thai mà có thể xảy ra các trường hợp: sẩy thai, thai chết lưu, trẻ đẻ non và có thể tử vong.

Phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục để điều trị sớm, dự phòng lây truyền sang con. Ảnh minh họa eehealth

Ngoài ra, bệnh nhi có thể bị viêm xương sụn, giả liệt Parrot (do viêm các đầu xương dài làm trở ngại vận động). Trẻ đẻ ra thường nhẹ cân, da nhăn nheo, bụng to, có tuần hoàn bàng hệ, gan, lách to.

Có nhiều trẻ có biểu giang mai bẩm sinh muộn thường xuất hiện sau sinh 3 – 4 năm với các biểu hiện như: viêm giác mạc kẽ thường xuất hiện lúc dậy thì, bắt đầu bằng các triệu chứng nhức mắt, sợ ánh sáng ở một bên. Về sau cả hai bên và có thể dẫn đến mù, lác quy tụ, điếc cả hai tai bắt đầu từ 10 tuổi, thường kèm theo viêm giác mạc kẽ. 

Ngoài ra còn có thể thấy các dị hình như: thủng vòm miệng, trán dô, xương chày lưỡi kiếm…

“Người dân Việt Nam còn chưa có khái niệm nhiều về việc đi khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Trong khi mọi người sẵn sàng bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để tìm lại tìm đến các thầy lang “tìm” con, đi soi trứng, thụ tính trong ống nghiệm để lựa chọn giới tính thai nhi, siêu âm con trai, con gái nhưng lại “lười” không đi khám sức khỏe tiền hôn nhân…”

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

“Nếu bệnh được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi và không để lại di chứng. Do đó, tốt nhất là các cặp vợ chồng nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn và muốn có con. Khi kết hôn cũng cần chung thủy với vợ (chồng).

Phụ nữ mang thai nên được sàng lọc bệnh giang mai ít nhất 1 lần để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, giúp phòng ngừa và loại trừ hiệu quả nhất bệnh giang mai bẩm sinh”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.

Theo các bác sĩ, có nhiều bệnh lây truyền tình dục có thể lây truyền từ mẹ sang con như giang mai, bệnh lậu, HIV, viêm gan B và C, nhiễm nấm chlamydia, sùi mào gà, bệnh herpes, nhiễm trùng roi trichomonas vaginalis…

Những bệnh này có thể gây sinh non hoặc những thương tổn từ nhẹ đến nặng cho trẻ sơ sinh, thậm chí gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Phạm Thuý Nga, Trưởng khoa hỗ trợ sinh sản và nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng cho biết, ngày càng nhiều các bạn trẻ quan tâm đến khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Tuy nhiên, cũng không ít bạn trẻ cho rằng mình khỏe mạnh, không ốm đau gì nên không đi khám.

Nhưng ngay sau kết hôn thì phát hiện hàng loạt vấn đề về sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống tình dục, hạnh phúc lứa đôi và xa hơn là sinh ra những đứa con dị tật, ốm yếu.

Theo bà Nga, mỗi tháng, khoa Hỗ trợ Sinh sản và Nam học đã thăm khám và điều trị cho hàng nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn.

Rất nhiều bạn trẻ không hề khám sức khỏe tiền hôn nhân, không hề biết mình có khiếm khuyết cơ thể hay bị bệnh lây truyền qua đường tình dục, dẫn đến vô sinh. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn, bế tắc trong cuộc sống.

“Nhiều cặp đôi đã gặp phải vấn đề này ngay sau kết hôn. Người chồng đang mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, không được điều trị dứt điểm và đã lây cho vợ sau khi cưới, kết quả là làm người vợ bị lây bệnh.

Điều này không những ảnh hưởng đến sức khỏe của người bạn đời mà còn gây lên một sang chấn về tinh thần.

Nếu cặp đôi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân đầy đủ, được bác sĩ chẩn đoán, đưa ra tư vấn và phương pháp điều trị phù hợp thì có thể tránh được câu chuyện đáng tiếc trên, không làm tổn hại đến tình cảm và hạnh phúc gia đình”, bác sĩ Nga chia sẻ.

Tỷ lệ bạn trẻ đi thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân còn rất thấp (Tư vấn sức khỏe tình dục tại Trung tâm sức khỏe sinh sản Hà Nội. Ảnh CTV)

Theo bác sĩ Nga, 6 tháng trước hôn nhân là “thời điểm vàng” để các cặp đôi tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Trường hợp không may phát hiện các dấu hiệu bất thường thì 6 tháng là thời gian đủ để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị dứt điểm các vấn đề sức khỏe đang tồn tại. 

Ngoài ra, 6 tháng là hết “giai đoạn cửa sổ”, nếu 1 trong 2 người hoặc cả 2 mắc bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B,…thì hết giai đoạn cửa sổ này xét nghiệm sẽ phản ánh chính xác nhất”, bác sĩ Nga khuyến cáo.

Các vấn đề cần quan tâm khi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân

Theo bác sĩ Nga, khi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân, các vấn đề cần quan tâm như:

Sức khỏe sinh sản:

– Nữ: Thăm khám, siêu âm đánh giá tình trạng của cơ quan sinh sản; Làm các xét nghiệm thăm dò chức năng sinh sản.

– Nam: Thăm khám, siêu âm; Xét nghiệm tinh dịch đồ và các xét nghiệm cần thiết khác

Sức khỏe tổng quát: Tầm soát 1 số bệnh toàn thân, cấp tính, mãn tính.

Tầm soát bệnh lý di truyền:

– Qua hỏi bệnh, khám bệnh;

– Qua xét nghiệm: Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cho các bạn làm xét nghiệm phù hợp. Nhưng sàng lọc gen Thalassemia là không thể bỏ qua vì tỷ lệ người Việt Nam mang gen này rất cao (10% người Việt Nam là người lành mang gen bệnh).

Xét nghiệm sàng lọc ban đầu của Thalassemia chỉ bằng 1 xét nghiệm Công thức máu đơn giản và rẻ tiền. Nếu có dấu hiệu nguy cơ mang gen Thalassemia, bệnh nhân sẽ được chỉ định điện di huyết sắc tố và nếu cần thiết sẽ được xét nghiệm xác định gen Thalassemia.

Rà soát các bệnh lây qua đường tình dục: Nếu phát hiện bệnh để kịp thời điều trị, tránh biến chứng và lây cho vợ/chồng.

Tư vấn các biện pháp tránh thai: Một số cặp vợ chồng chưa muốn có thai sau khi kết hôn cần được tư vấn các biện pháp tránh thai phù hợp, tránh tổn hại sức khỏe khi phải nạo, hút cũng như tránh biến chứng gây vô sinh. 

“Thực tế là hiện nay, nhiều bạn trẻ chưa có thông tin, kiến thức đầy đủ về việc đi khám tiền hôn nhân.

Nhiều bạn cũng còn e dè việc đi khám sức khỏe trước khi kết hôn, một phần vì tâm lý, một phần vì sợ nếu không may bản thân hoặc bạn mình có bệnh lý gì thì lại ảnh hưởng đến tình cảm của họ.

Do vậy số nam/nữ thanh niên chủ động đi khám sức khỏe trước khi kết hôn còn rất thấp. Trong khi đó, việc khám sức khỏe trước khi kết hôn được coi là bước sàng lọc đầu tiên vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số”

Bác sĩ Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Nguyên

Kỳ III: Gánh nặng “tiền tỷ” khi chạy chữa các bệnh di truyền 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *