TỔNG QUAN VỀ LỰC LƯỢNG NHẢY DÙ CỦA ĐẾ QUỐC NHẬT BẢN.
Việc thành lập lực lượng nhảy dù của Nhật một phần là do quân đội nước này ấn tượng trước những thành công của lực lượng Fallschirmjäger của Đức tại Hà Lan và Bỉ năm 1940. Một trong những ngộ nhận nhiều người mắc phải là nghĩ rằng Đức giúp Nhật phát triển lực lượng nhảy dù. Quân Đức không hề giúp Nhật trong việc trong việc đào tạo binh lính, xây dựng học thuyết và chiến thuật cũng như phát triển các thiết bị chuyên dụng (dù + vũ khí). Nhật có học hỏi và phát triển quân nhảy dù từ các trận đánh ở châu Âu, nhưng tất cả đều do họ tự xây dựng.
Do sự cạnh tranh và mâu thuẫn nội bộ giữa Lục quân Đế quốc Nhật Bản (IJA) và Hải quân Đế quốc Nhật Bản (IJN), mỗi bên đã tự xây dựng lực lượng nhảy dù cho riêng mình. Việc thành lập lực lượng nhảy dù cho IJA được Hideki Tojo quyết định, sau khi ông ấn tượng trước những thành công vang dội của Đức tại châu Âu. Vào tháng 12 năm 1940, Đơn vị Huấn luyện Đột kích của Nhật được thành lập tại sân bay Hamamatsu trên đảo Honshu để huấn luyện lính nhảy dù cho IJA. Các sĩ quan trong đơn vị đã nghiên cứu rất kỹ các thông tin liên quan đến chiến thuật, học thuyết, thiết bị, vũ khí và soạn thảo một tập tài liệu hướng dẫn đơn vị của họ. Hầu hết các tân binh đều là lính tình nguyện, có đủ sức khoẻ giống như bên phía Đức.
Song song và độc lập với với IJA, IJN cũng thành lập binh chủng nhảy dù cho riêng mình. Đơn vị đầu tiên được thành lập tại căn cứ không lực hải quân Yokosuka ở Tokyo. Một số đơn vị nhảy dù trực thuộc Hải quân Đặc biệt Lục chiến tổ (Kaigun Tokubetsu Rikusentai, hay Lính thủy đánh bộ phiên bản Nhật). Giống như phía lục quân, hầu hết binh lính nhảy dù của Hải quân Nhật cũng là lính tình nguyện.
CÁC CHIẾN DỊCH NHẢY DÙ CỦA NHẬT.
Các thông tin liên quan đến lực lượng nhảy dù của Nhật rất hạn chế do Nhật muốn giữ bí mật về các đơn vị này cũng như đưa ra những thông tin sai để lừa phe Đồng Minh. Mặc dù giữ bí mật như vậy nhưng cũng có một số thông tin bị rò rỉ và một số nhà sử học cũng nghiên cứu khá kỹ về việc này sau chiến tranh. Các thông tin cho thấy quân Nhật không sử dụng rộng rãi lực lượng nhảy dù trên chiến trường. Tất cả các chiến dịch nhảy dù của Nhật cũng chỉ nhằm để đột kích chiếm giữ các sân bay và vị trí trọng điểm chiến lược (như các nhà máy lọc dầu).
Quân Nhật sử dụng lực lượng nhảy dù lần đầu tiên trong các chiến dịch xâm lược thuộc địa châu Âu ở Đông Nam Á năm 1941-1942. Chiến dịch nhảy dù đầu tiên Nhật thực hiện – trận Manado – được Nhật tổ chức vào tháng 1 năm 1942 để chiếm sân bay Langoan của Hà Lan tại Manado, Celebes thuộc Indonesia.
Từ ngày 14 đến ngày 15 tháng 2 năm 1942, chiến dịch nhảy dù thứ hai đã được thực hiện để chiếm giữ sân bay Pangkalanbenteng + 2 nhà máy lọc dầu quan trọng của Hà Lan tại Palembang thuộc Indonesia. Chiến dịch nhảy dù ở Palembang là chiến thắng lớn nhất của quân nhảy dù Nhật Bản trong Thế chiến 2.
Ngày 20 đến 22 tháng 2 năm 1942, chiến dịch nhảy dù thứ 3 được tổ chức tại Koepang thuộc Indonesia. Mục đích là chiếm giữ căn cứ không quân Penfui khiến quân Đồng Minh không còn sân bay phòng thủ Indonesia.
Vào ngày 29 tháng 4 năm 1942, chiến dịch nhảy dù lần thứ 4 được thực hiện tại Lashio – con đường rút lui chính của Tập đoàn quân số 66 của ra Trung Quốc vào Miến Điện. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết xấu nên bộ chỉ huy Nhật quyết định huỷ chiến dịch. Đây là chiến dịch nhảy dù cuối cùng của Nhật trong năm 1942.
Sau đó, mặc dù số lượng đơn vị nhảy dù mới của họ được tăng lên, có rất ít cơ hội để Nhật triển khai do phải chuyển sang thế phòng thủ kể từ cuối năm 1942 sau thất bại liên tiếp ở Midway và Guadalcanal.
Đến cuối năm 1944, lính nhảy dù của Nhật được hoạt động trở lại để chống lại cuộc đổ bộ của Mỹ vào Leyte trong tháng 10. Nhật có tổ chức một số chiến dịch nhảy dù nhằm vào căn cứ không quân để phá hủy máy bay, kho dự trữ hậu cần và nhiên liệu của Mỹ. Mặc dù gây ra thiệt hại lớn lên quân địch nhưng thất bại do hỏa lực và không quân áp đảo của Mỹ.
Gần cuối cuộc chiến, quân Nhật dự định thực hiện một số chiến dịch nhảy dù vào các sân bay của Mỹ ở Okinawa và quần đảo Marianas. Nhưng kế hoạch bị hủy bỏ sau khi chính phủ Nhật Bản đầu hàng vào tháng 8 năm 1945.