Cuốn sách này viết về năm nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa; nhưng không chỉ dừng lại ở một tiểu luận về đánh giá năng lực hay bình công xét tội.
Cuốn sách này lấy bối cảnh của Tần Hán, Tam quốc, Đường, Minh, Thanh; nhưng hàm chứa nhiều vấn đề không chỉ bó hẹp trong thời kỳ phong kiến.
Cuốn sách này tên là “LUẬN ANH HÙNG”; nhưng cũng không thiếu gian hùng, cẩu hùng.
Cuốn sách này viết về những con người cụ thể, nhưng thật ra còn mang tham vọng đánh giá lại dòng chảy phát triển của các mô hình quản lý xã hội Trung Hoa.
Hạng Vũ, Tào Tháo, Võ Tắc Thiên, Hải Thụy, Ung Chính: Năm người này có đáng được coi là anh hùng không?
Với người đọc Việt Nam, Hạng Vũ là nhân vật quen thuộc nhờ “Hán Sở Tranh Hùng”, Tào Tháo được biết đến qua “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, Võ Tắc Thiên hay Ung Chính là chủ đề của các bộ phim điện ảnh Hoa ngữ nổi tiếng. Hải Thụy có lẽ ít nổi tiếng hơn, nhưng những ai từng nghe về cuộc “Đại cách mạng văn hóa” thời kỳ Mao Trạch Đông sẽ biết nó được khởi xướng từ việc phê bình một vở kịch mang tên “Hải Thụy bãi quan”.
Dẫu sao, họ đều là những nhân vật phong vân một thuở, có năng lực, có hoài bão, họ đều có sự nghiệp, có danh tiếng, có di sản để lại.
- Hạng Vũ để lại một hình tượng anh hùng bá đạo, uy vũ nhưng cũng tràn đầy cảm hứng và thẩm mỹ, trở thành một chuẩn mực mà hậu thế thường dùng để so sánh với các dũng tướng nổi tiếng đời sau như Lữ Phụng Tiên, Tôn Bá Phù.
- Tào Tháo là nhân vật được hậu thế tranh luận nhiều nhất với hình ảnh đa diện “trị thế năng thần, loạn thế gian hùng”, đã có những đóng góp quan trọng cho mô hình quản trị xã hội, chẳng hạn như chế độ tuyển tài.
- Võ Tắc Thiên càng không cần phải nói, lịch sử Trung Hoa chỉ có một nữ hoàng duy nhất là bà, hơn nữa bà còn là một hoàng đế xuất sắc, trị lý đất nước tốt hơn rất nhiều những ông vua khác.
- Hải Thụy, tên tuổi gắn liền với sự tích “bãi quan”, đã trở thành hình tượng quan viên thanh liêm nhất (chết rồi tài sản không đủ để làm tang lễ), dũng cảm nhất (suýt chết vì dám dâng sớ mắng thẳng vua), có trách nhiệm nhất (không bao giờ ngồi yên, luôn nêu ra các tệ nạn và tìm cách giải quyết).
- Ung Chính, vị hoàng đế tài ba đã xử lý được hai vấn nạn nhức nhối nhất cuối thời Khang Hy là lại trị hủ bại và quốc khố cạn kiệt, là người có những đóng góp kiệt xuất trong việc tạo ra giai đoạn thịnh trị bậc nhất của nhà Thanh mà đời sau thường gọi là “Khang Càn thịnh thế” kéo dài đến gần 150 năm.
Tuy vậy, lịch sử Trung Hoa vẫn còn đó bao nhiêu quân vương bá chủ, bao nhiêu danh tướng lương thần để lại công lao hãn mã, sự nghiệp bất thế. Không phải chỉ có năm người bọn họ là có tài năng có lý tưởng, dĩ nhiên cũng không chỉ năm người bọn họ mới xứng với hai chữ “anh hùng”. Vậy thì lí do nào đã khiến tác giả Dịch Trung Thiên lựa chọn Hạng Vũ, Tào Tháo, Võ Tắc Thiên, Hải Thụy, Ung Chính cho cuốn sách này?
Đó là câu hỏi đầu tiên mà mình đặt ra khi đọc “LUẬN ANH HÙNG”. Nếu bạn cũng có cùng thắc mắc ấy, hãy thử cùng tác giả Dịch Trung Thiên đi tìm câu trả lời. Mình tin đó sẽ là một hành trình thú vị ?
Và còn nhiều câu hỏi khác rất đáng suy ngẫm…
- Tại sao Hạng Vũ lại thua vào tay Lưu Bang?
- Tại sao Tào Tháo dù đã góp phần đưa thế cục phân rã cuối Đông Hán vào quỹ đạo thống nhất nhưng vẫn bị mắng chửi? Tại sao chính sách tuyển chọn nhân tài rất tiến bộ “Duy tài thị cử” (có tài là dùng) của ông ta về sau không còn, ngược lại còn bị Tào Phi thay bằng “Cửu phẩm trung chính chế” giúp giai tầng thế tộc tiếp tục lũng đoạn quan trường?
- Tại sao trong lịch sử Trung Hoa sau Võ Tắc Thiên không thể nào có thêm một nữ hoàng thứ hai?
- Tại sao tập đoàn quan văn và các hoàng đế Đại Minh không ủng hộ một viên quan thanh liêm ưu tú hết lòng vì dân như Hải Thụy?
- Tại sao những cải cách của Ung Chính không thể duy trì được sau khi ông ta qua đời?
Dịch Trung Thiên đưa ra một quan điểm khá mới lạ: “Trở thành nhân vật, là tố chất; ở vào thời nào lại là vận khí”. Đúng vậy, năm nhân vật của chúng ta, không ai là không có tố chất, nhưng cũng không ai là không sinh nhầm thời đại. Theo quan điểm của tác giả, họ đều đã trót “đắc tội” với xu thế phát triển của xã hội đương thời.
Vậy thì xu thế phát triển của xã hội Tần Hán, Tam quốc, Đường, Minh, Thanh là gì? Năm nhân vật lớn kia rốt cuộc đã “đi ngược dòng” ra sao? Với những trăn trở này, “LUẬN ANH HÙNG” của Dịch Trung Thiên đã vượt thoát ra khỏi một cuốn sách về hành trạng nhân vật, bước đầu chạm đến những phân tích, bình luận xã hội sâu sắc.
Không những vậy, bối cảnh rộng lớn, nhân vật đa dạng cũng là một điều khiến cuốn sách này có được sức cuốn hút mạnh mẽ. “LUẬN ANH HÙNG” không chỉ có Hạng Vũ mà còn có cả Hàn Tín, Lưu Bang; không chỉ nhắc mỗi Tào Tháo mà còn có cả Viên Thiệu, Lưu Bị. Cuốn sách ngoài luận về Võ Tắc Thiên thì còn có phân tích về Địch Nhân Kiệt, về chế độ “cáo mật”; trong thời đại của Hải Thụy thì còn chép lại hành trạng của Trương Cư Chính, Thẩm Thời Hành và các cải cách thời Vạn Lịch. Thành ra, đọc một nhân vật nhưng lại biết được cái hay cái dở của nhiều nhân vật khác, tìm hiểu về một cá nhân nhưng qua đó cũng hiểu được một thời kỳ, đọc về thời đại này thì cũng dễ so sánh bối cảnh thể chế của nó với thời đại kia, đó cũng là một cái hay của sách vậy…
(Thông tin về sách:
Tác giả: Dịch Trung Thiên
Dịch giả: Vũ Anh Quỳnh
Tặng kèm Phụ bản “Hành trạng nhân vật” – biên soạn: Trần Anh Đức)