LỜI YÊU

(Nguyễn Ngọc Tư)

.

Nhí quay lại Nhơn Thành, người trong xóm ra trước nhà chờ đón. Mẹ Nhí đi cùng con cả một đoạn đường dài, không biết trên máy bay có khóc, nhưng đến đầu xóm mặt giăng một màn nước mắt, chân bước hụt bước hao.

Ai cũng kêu mau quá, đám gả Nhí như mới đây thôi, bữa đó nó còn giòn rụm nói cười, hát 60 năm cuộc đời giờ thành tro nguội bụi lạnh.

Nhí lấy chồng đúng đợt mưa dầm tháng bảy, truyền hình nói ngoài biển có hai cơn áp thấp nhiệt đới đang rượt đuổi nhau. Người trong xóm rũ nước mưa lúc bước qua cổng vòng nguyệt, càm ràm riết rồi cưới gả cũng không chờ nắng cho vui.

Nhưng chờ gió chướng lùa nắng về lại Nhơn Thành thì cũng phải vài ba tháng nữa. Chú rể chỉ được ở lại tròn tháng. Ba mươi ngày cho tất cả những chuyện từ coi mắt cho đến lễ cưới, từ dòm coi chân Nhí có cong không cho đến da có bị chàm hay nấm mốc không. Làm lễ chào hai họ xong, chú rể sẽ bay ngay về nước không kịp thở.

Đi Sài Gòn bữa trước, vài tối sau Nhí dắt chồng tương lai về, sửa soạn đám cưới trong lúc đợi làm giấy tờ hôn thú. Tên chồng mỗi chữ Hi-ếc trên cái thiếp mời viết đổ tháu hệt cua bò trong giỏ. Ai nhận thiệp cũng kêu ui trời mau quá, con nhỏ mới đây còn bưng thau đi dài xóm mượn gạo mà giờ đã lấy chồng rồi.

Trong lằn rãnh nhớ của người Nhơn Thành chỉ có Nhí kéo tép rong, Nhí vớt bèo, Nhí chạy quắn trước ngọn roi cha mẹ nó, Nhí xin nước mắm thì kèo thêm tóp mỡ. Không có Nhí cô dâu.

Mát trời Nhí kéo Hi-ếc ra đứng trước rào, chờ hàng xóm ngang qua níu lại khoe chồng sắp cưới. Thợ cơ khí, con một, cha mẹ chết hết rồi Nhí khỏi phải làm dâu. Nhà bên đó rộng lắm, có sân vườn. “Coi mặt già chát vậy chớ chưa lấy vợ lần nào”, bằng cái giọng như hiểu biết sâu sắc người mình sắp cưới, Nhí quả quyết “thằng chả không điên”.

Trên giấy tờ ghi vậy, rõ ràng. Nhưng người ta vẫn thấy con đường Nhí sắp nắm tay thằng Hi-ếc đi cứ lẫn trong những giồng khói đốt đồng mù đặc. Lơ mơ một bầy con gái xếp hàng, đeo số cho người ta coi mắt. Chú rể gật đầu chọn cô Hai Mươi Sáu lấy làm vợ mà không biết nết na con nhỏ sao, bếp nhà nó có sạch, cơm nó nấu có ngon.

Sau này chồng Nhí nói thích nó cao nhứt đám, bù cho anh chưa đầy thước sáu, hi vọng sinh con cao ráo. Mẹ Nhí hỏi chàng rể bao nhiêu tuổi, nghe xong gật gù “vậy là con lớn hơn mẹ hai tuổi”.

Nhí thường kéo bạn bên xóm lại, ngồi đưa chuyện trên rễ cây hoàng thổ mọc gồ bên mé sông, lâu lâu sực nhớ ngó chồng đang tha thẩn cách đó mấy bước chân, Nhí kêu “Hi-ếc! Bà cố nội cha mày!”. Mắt anh kia sáng lên bởi thứ tiếng ngôn ngữ bí hiểm như phù thủy yểm bùa của một dân tộc xa lạ. Tưởng Nhí nói yêu mình, miệng anh nhếch cười hệt cỏ mọc trên ruộng nẻ.

“Thằng chả mà cười hết cỡ thì mặt dúm như đít dừa khô – chồng sát một bên mà giọng Nhí vẫn giòn rụm không chút dè chừng – Thấy ghê. Đã vậy mà còn gãy hết mấy cái răng. Nhưng tắt đèn, tưởng tượng đang ôm Lương Triều Vỹ thì cũng xong thôi”.

Tưởng tượng thì Nhí quá giỏi.

Không chút đất nhét móng tay, nhà gá hờ ven đám lá mé sông, cha mẹ lay lắt gặt mướn làm cỏ thuê, chị em Nhí vẫn có cách đi qua mùa thơ dại khô cằn. Củ chuối luộc hóa bánh mì kẹp thịt quay, áo vá thành áo đầm, vạt tre là giường nệm, chỉ cần rắc chút xíu bột ảo tưởng lên.

Giàu tưởng tượng, con Nhí nghèo rã chẳng bao giờ tỏ ra mặc cảm, tủi thân. Mặt nó vẫn ngời mỗi khi qua hàng xóm xin tương tàu về kho quẹt, ai mà đoán nổi nó nghĩ tới gà xé phay hay vịt rang gừng. Vách nhà thưa lọt gió, không ngăn cản được Nhí tưởng đang ngủ nhà lầu.

Chỉ hôm cưới, đầu đội bông đứng trước cổng vòng nguyệt chụp ảnh, dưới những bó chớp giãy ngùng ngoằng như bị bóp cổ của tháng Ngâu, không biết Nhí tưởng tượng gì mà xụ mặt. Mụ nội mày Hi-ếc, nó gượng nói với chồng khi ông thợ ảnh kêu hai đứa kém tươi.

Đàn bà Nhơn Thành vẫn thường nói cụt lủn vậy, và nhận lại từ chồng một cú đạp vào bụng hoặc cái tát cháy má, bị nắm đầu vặt tóc như nhổ mạ. Chỉ chồng Nhí là hí hửng cười khoái chí mỗi khi vợ buông lời hờn giận cuộc đời. Không biết tiếng nhau hay ở chỗ đó.

Nên lời yêu vẫn vang trong ngôi nhà nhỏ xóm núi Busan, nơi Nhí – đàn – bà sống trong hai năm rưỡi. Những buổi tối anh chồng tài tử xinê nồng rượu gạo trở về, đôi lúc dịu dàng nựng nó bằng mấy cú thoi. Quê chồng mà Nhí gửi về qua những cuộc gọi không phân biệt được đâu là thực đâu là tưởng.

Làng đầy hoa và bướm bay, bữa tối thơm phức thịt nướng, ăn xong nó ngồi giũa móng tay ngó anh chồng đang rửa chén kêu “nhẹ tay thôi, bà cố nội mẹ mày, Hi-ếc”. Chồng cười toe kêu cưng nói nữa đi. Hi-ếc, mồ tổ cha mày.

Thiên đường được dệt lại qua đôi môi mẹ Nhí vừa xăm đỏ màu như cháy, trong tiếng vòng vàng xủng xẻng cổ tay bà và tiếng mấy anh giao tủ lạnh, tivi ghé dọc đường hỏi thăm nhà Nhí, tiếng mấy đứa em nó mở dàn máy ca rền cuối xóm làm Nhơn Thành rạo rực. Tụi con gái trong xóm rủ nhau đi tìm những anh Hi-ếc khác.

Ngay cả Nhí, người ra đi đầu tiên đã trở về, trong giỏ mẹ. Bà vẫn băn khoăn con nhỏ bốn mươi bảy ký, giờ sao chỉ còn vài nắm, không biết người ta có đốt sót mẩu nào không.

Giây phút bị chồng nắm tóc dìm đầu vào bồn tắm đầy nước cho đến lúc thôi sủi tăm, Nhí có nghĩ mình đang lặn vào sông Muống như hồi nhỏ đua với bạn coi ai nhịn thở lâu, hay ngắm san hô vịnh Nha Trang, không ai biết.

Nghe cảnh sát kể lúc còng tay Hi-ếc, anh ngọng nghịu xổ những lời (tưởng đâu) yêu thương học lóm tiếng nước vợ. Tổ cha mày, Nhí. Tao say quá nên lỡ tay thôi. Tao xin lỗi Nhí ơi, mụ nội mày.

(Truyện 1.193 chữ)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *