Bạn có thường bắt gặp những bài viết kiểu như “Mình đã kiếm 1 tỉ đầu tiên ở tuổi 20 như thế nào?”, “Mình làm thế nào để kiếm 100tr/tháng từ viết lách”, “Nữ sinh Ngoại Thương kiếm 300tr/tháng ở tuổi 24”,vân vân và mây mây….
Phản ứng đầu tiên của bạn khi đọc được những bài viết như vậy là gì?
“Lại giật tít, câu view, lừa người chứ gì, nghĩ gì mà kiếm được từng đó. Tiền dễ kiếm như vậy thì cả thế giới đã giàu hết cả lượt rồi”
Hay bạn ở trường hợp “Kiếm được có từng đó mà cũng phải khoe, cứ làm như to tát lắm”
Hay là càng đọc những bài như thế, bạn càng cảm thấy bản thân bị áp lực bởi thành công của người khác, bạn tự ti về chính mình, thấy mình thật kém cỏi giữa một xã hội đầy rẫy những người giàu có tài giỏi. Và thậm chí, bạn thường tránh đọc những bài dạng như vậy, vì càng đọc, bạn càng cảm thấy bản thân mình không bao giờ bằng họ, không bao giờ đạt được những thành công như thế. Cho nên bạn khước từ việc đọc những bài viết kiểu vậy.
Bạn là ai trong 3 kiểu người trên?
Đối với mình, cả 3 loại trên đều không giúp ích được gì cho hành trình phát triển của mình cả.
Trường hơp 1: Nếu bạn không tin một người có thể kiếm được từng đó tiền, nếu bạn cảm thấy câu chuyện của người ta là hoàn toàn phi lí và bất khả thi, vậy thì làm sao mà bạn có thể kiếm được những số tiền như thế trong tương lai đây?
Có một điều mà bạn không biết, cuộc sống này thật sự rất trù phú, và con người hoàn toàn có đầy đủ khả năng đạt được bất cứ thứ gì mà họ muốn, thậm chí là những điều mà người khác nghĩ là không thể.
Việc bạn giới hạn niềm tin của bản thân vào cuộc sống trù phú này chỉ khiến cho tương lai của bạn ngày càng bị thu hẹp lại thôi.
Trường hợp 2: Đây là kiểu người thường xuyên coi thường thành công của người khác, luôn tìm cách hạ bệ người khác để tôn bản thân mình lên.
Ừ thì có thể người ấy kiếm được gấp nhiều lần số đó thật, nhưng bất cứ thành công nào dù là nhỏ bé hay khổng lồ đều được đáng được trân trọng, và thậm chí là đáng được học hỏi.
Và nhiều khi, việc họ coi thường người khác cũng phần nào thể hiện sự tự ti bên trong của họ, bởi vì họ luôn muốn tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài, luôn cố gắng thể hiện rằng mình hơn người, luôn muốn bộc bạch cái tôi của bản thân.
Kiểu tư duy này sẽ giới hạn khả năng học hỏi và phát triển của chính họ, khi mà họ luôn cho rằng mình giỏi hơn người khác.
Có 1 câu nói mà mình luôn nhắc nhở bản thân mình “Tất cả chúng ta đều có thể học được một điều gì đó từ nhau”.
Cho đến bây giờ, mình vẫn đọc blog của những bạn bắt đầu viết lách sau cả mình, các bạn ý có thể thường xuyên nhắn tin hỏi mình lời khuyên hay dành lời khen và sự ngưỡng mộ cho blog của mình, nhưng mình chẳng bao giờ vì thế mà tự kiêu rằng mình hơn các bạn, mình không thèm đọc blog của những bạn như thế.
Ngược lại, đối với mình, mỗi một câu chuyện của một ai đó đều đáng được trân trọng và mình đều học được điều gì đó khi đọc câu chuyện của các bạn ấy.
Nếu một ngày nào đó, bạn bỗng dưng thấy mình ở vị thế cao hơn người khác, và bạn coi thường họ, bạn sẽ không bao giờ học được những điều nhỏ bé nhưng tuyệt vời từ những người như thế đâu. Khi ấy bạn đang giới hạn cơ hội học hỏi của chính mình đấy!
Trường hợp thứ 3: Trường hợp phổ biến nhất, bạn đọc những bài viết về nhân vật thành công và thứ bạn nhận được chỉ là cảm giác tự ti, yếu kém và ngày càng hoang mang về chính cuộc đời của mình.
Bạn thậm chí tránh né những bài viết kể về thành công của một ai đó vì sợ nó khiến cho bản thân mình áp lực. Nhưng bạn có biết, bạn một lần nữa, không chỉ giới hạn niềm tin vào bản thân mình, mà còn giới hạn cơ hội học hỏi từ những người thành công như thế.
Vậy mình đã và đang định hướng bản thân ở kiểu người nào?
Kiểu người thứ 4, kiểu người sở hữu tư duy phát triển.
Thay vì áp lực bởi thành công của người khác, bởi những bài post show thu nhập, show thành tích – mình luôn xem liệu mình có thể học được gì từ họ.
Thay vì ganh tị, thay vì tự cho rằng mình kém cỏi không làm được như họ, thay vì nghĩ đó là pr trá hình, là ảo ko phải thật, thậm chí thay vì nghĩ người ta có mỗi thế mà phải khoe, mình tập trung học và rút ra bài học gì đó về cho mình từ câu chuyện của những người như thế.
Nếu như đó là những bài post giật tít, không có nội dung gì hữu ích, mình không bàn đến, mà nó cũng không đáng để chúng ta để tâm hay bình phẩm.
Nhưng cũng có những bài, họ show thành tích đấy, nhưng họ còn show cả quá trình, cả câu chuyện để dẫn đến thành công của họ. Thì thay vì áp lực, thay vì ghen tị, thay vì coi thường, tại sao chúng ta không đặt câu hỏi “Họ đã làm như thế nào để đạt được thành công ấy?”.
Khi bạn đặt được câu hỏi như thế, bạn đang thể được sự tò mò, ham học hỏi của bạn với thế giới muôn màu, muôn vẻ xung quanh.
Bạn tự tin vào năng lực của chính mình nên bạn mới muốn tìm hiểu cách thức để dẫn đến thành công của những người như thế, bởi bạn tin rằng, khi bạn học được điều gì đó từ họ, bạn cũng có thể áp dụng cho những mục tiêu riêng của bạn.
Mỗi một thành công đều không phải tự dưng mà đến, tất cả chúng đều được đúc kết từ cả một hành trình dài của sự nỗ lực và cố gắng.
Chính vì vậy, đừng bao giờ khước từ đi cơ hội được mở mang tầm nhìn, hiểu biết, mở rộng tư duy hạn hẹp của bản thân để không ngững học hỏi từ thế giới, từ những con người xung quanh bạn.
Đây chính là cách mà mình đã và đang học tập và phát triển từng ngày. Mình học từ thầy cô, từ những anh chị đi trước, những người thành công, những người giàu, những người lạ mặt trên mạng xã hội, thậm chí là cả những người em, những cô bé, cậu bé nhỏ tuổi hơn mình gấp nhiều lần. Ai ai cũng có gì đó để cho mình học hỏi.
Bài này được viết ra sau khi mình đọc được câu chuyện đầu tư tuổi 20 của một cô gái trẻ trong một cộng đồng tài chính.
Bên dưới bài viết cũng có những cmt kiểu ngưỡng mộ, xuýt xoa, nhưng cũng có khá nhiều cmt tiêu cực không tin, coi thường cô ấy.
Nhưng mình thì lại âm thầm học được vô số thứ từ bài viết, từ câu chuyện của cô gái ấy. Mình thậm chí đã nhấn follow và học được nhiều kiến thức bổ ích về tài chính từ những bài học mà cô ấy rút ra trong hành trình đầu tư của mình.
Chúng ta định vị tư duy của mình ở đâu, thì chúng ta sẽ như thế ấy. Thế giới này vô cùng rộng lớn và nó luôn có gì đó cho chúng ta học hỏi.
Theo: Nguyễn Quỳnhanh