Lỗi lầm lớn nhất của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán là gì?

Theo kinh nghiệm của tôi thì, lỗi lầm lớn nhất mà các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán mắc phải đó là không biết định giá một loại cổ phiếu.

Lý do khiến hầu hết các nhà đầu tư cá nhân (theo ước tính có thể lên đến +90%) mất tiền ấy là họ không hiểu được những thứ cốt lõi của cái mà mình đang đầu tư vào. Người ta dành nhiều thời gian nghiên cứu cho việc tìm mua một chiếc xe mới hơn là cho việc mua cổ phiếu. Họ chỉ mua cổ phiếu của các hãng có tên tuổi dễ nhận biết, những thương hiệu mà họ yêu thích hoặc những mẹo mua chứng khoán mơ hồ mà họ thấy được trên TV hoặc đọc được online. Họ cố gắng bắt kịp những xu hướng đầu tư và những loại cổ phiếu đang “hot” bởi lẽ họ sợ rằng mình sẽ bỏ lỡ mất điều gì đấy. Có cảm giác như thể, họ đang đánh bạc vậy: chọn ra khoản đặt cược của mình và hi vọng rằng giá cổ phiếu sẽ tăng lên mà chẳng biết một chút gì về lý do khiến việc đầu tư này sẽ thành công hay không.

Ngay cả khi thực hiện việc phân tích sơ lược, họ cũng dùng cách tiếp cận “bottom up”: Đau đầu vì có hàng ngàn hãng khác nhau để lựa chọn nên, đầu tiên họ chọn một mã cổ phiếu, và rồi sau đó nhìn vào những điểm dữ liệu duy nhất khá vô nghĩa như tỷ suất giá/lợi nhuận và giá trong quá khứ để biện minh cho sự lựa chọn của mình. “Nó đã được giao dịch ở mức 50$ một cổ phiếu, giờ chỉ là 35$ mà thôi – rồi nó sẽ tăng trở lại!” Hoặc tệ hơn thì, họ có thể làm việc ngược lại: “Giá cổ phiếu đã nhân đôi trong vòng 3 tháng qua, giờ mình nên mua ngay trước khi nó tăng lên tiếp còn mình lại bỏ lỡ!”

Thay vì “chọn một loại cổ phiếu” và cố gắng tìm hiểu xem liệu đầu tư vào nó có trở thành một khoản đầu tư tốt hay không, các nhà đầu tư cần tư duy “top down”, bắt đầu từ nền kinh tế, ngành công nghiệp, cùng các công ty trong ngành đó, và cả những triển vọng của công ty nữa. Các cổ phiếu không sống trong bong bóng của riêng mình đâu: Chúng là một phần của hệ sinh thái cực kỳ biến động, và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào khác nhau.

Cách tiếp cận top-down sẽ như sau:

· Dự đoán về tình hình kinh tế là gì? Nền kinh tế đó sẽ phát triển hay bị thu hẹp đi? Tiền đang được đổ vào hay rút ra khỏi thị trường? Khi nền kinh tế chung đang phát triển, sẽ dễ kiếm tiền hơn, nhưng khi nó thu hẹp đi thì lại có các cơ hội về thị trường đấy.

· Các ngành nào đang tăng trưởng hoặc suy giảm? Triển vọng của các ngành đó là gì? Ngành đó đang phát triển tột đỉnh hay tụt tới mức chạm đáy? Nếu nhu cầu nhà ở đang có xu hướng giảm thì, việc mua cổ phiếu của một công ty xây dựng sẽ là một ý tưởng thực sự tồi tệ dù các tỷ số tài chính của họ có ra sao đi chăng nữa.

· Những lực lượng nào ảnh hưởng tới ngành đó? Yếu tố nào cho thấy ngành đó đang phát triển? Ví dụ, nhu cầu mua đồng tăng lên thường là dấu hiệu cho thấy đang có nhiều công trình được xây dựng. Ngành hoặc công ty nào sẽ ăn nên làm ra hoặc mất tiền khi những mặt hàng nhất định như dầu, nhôm, hoặc vàng tăng hay giảm giá?

· Những hãng hàng đầu trong ngành đó là gì? Công ty nào mạnh về tài chính nhất? Công ty nào có lợi thế cạnh tranh ổn định so với các đối thủ khác? Công ty nào sẽ chịu được một cú biến động thị trường? Các công ty sáng tạo mới có đe dọa tới cách hoạt động cũ hay không?

· Giờ hãy đánh giá một vài công ty hàng đầu nào. (Nasdaq đưa ra quy trình 12 bước để đánh giá cổ phiếuđó.) Triển vọng của công ty này là gì? Bạn có tin vào chiến lược được nêu ra trong báo cáo thường niên không? Điều gì sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng và lợi nhuận trong tương lai? Liệu họ có thể nhân đôi số cửa hàng, hoặc doanh số bán hàng trong một năm không? Sự tăng trưởng gần đây có phải chỉ là xu hướng được dựa trên những nhu cầu ngắn hạn hay không? Giá trị vốn hóa thị trường (market cap) của công ty là 36 tỷ $, doanh số bán hàng hiện tại là 4 tỷ $, và hãng vừa mất 900 triệu $ năm ngoái, họ cần có doanh thu mức nào để hợp thức được giá cổ phiếu của mình?

Đa phần các nhà đầu tư không có một chiến lược hay phương pháp nhằm tìm ra những cổ phiếu chất lượng. Cùng lắm chỉ là toán lớp 8 mà thôi, nhưng đa phần mọi người sẽ thích nhìn vào biểu đồ chứng khoán và cố gắng “đọc lá chè” hơn là thực sự tìm ra giá trị sổ sách tường minh của một công ty. Nhìn vào những dữ liệu mà một công ty đưa ra, họ cảm thấy đau đầu và chán nản, rồi chỉ chọn lấy thứ gì đó mà thôi. Họ ngồi xem bảng báo giá chứng khoán cả ngày liền như thể một cuộc đua ngựa vậy, rất băn khoan về những lần lên và xuống mà chẳng hề biết rằng khi nào thì nên bán đi.

Những nhà đầu tư thành công có một chiến lược và cả một checklist để đánh giá các cổ phiếu. Họ biết giá trị hợp lý của một loại cổ phiếu nào đó, đồng thời sẽ mua khi giá hạ xuống dưới giá trị đó và bán đi khi nó tăng lên quá mức so với con số đó. Họ tránh các trào lưu quá mức và mua khi những người khác đang hoảng loạn. Các công cụ sàng lọc chứng khoán hiện đại khiến công việc này còn trở nên dễ dàng hơn, từ đó giúp cho những nhà đầu tư hạng xoàng tiếp cận được với những dữ liệu mà các chuyên gia sử dụng. Bạn không cần có bằng TS để trở thành một nhà đầu tư thành công đâu, chỉ cần đủ dũng cảm làm chút bài tập về nhà là được rồi.

Hi vọng bài viết sẽ giúp ích phần nào!

Theo: Vũ Cường

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *