LỜI KHUYÊN THIẾT THỰC ĐỂ CẬU GIÚP ĐỠ NGƯỜI BẠN TRẦM CẢM (CÓ NGUY CƠ TỰ S.Á.T) CỦA MÌNH.
Tác giả: Caroline Madden, PhD.
Robin Williams. Kate Spade. Và giờ đây là Anthony Bourdain.
Ba trong số vô vàn người nổi tiếng đã tự s.á.t gần đây.
Trong lúc chúng ta đang đau lòng thay cho những người mình yêu quý từ nơi xa, thì tự s.á.t không còn là vấn đề giới hạn trong giới giàu sang và nổi tiếng nữa. Theo thống kê, tỉ lệ tự s.á.t đã tăng 25% kể từ năm 1999, và trở thành một trong top 10 nguyên nhân tử vong tại Mỹ. Cứ như bệnh dịch vậy.
Là một nhà trị liệu, tôi quan ngại sâu sắc về sự leo thang chóng mặt của cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần này. Nếu bản thân cậu không phải chiến đấu với trầm cảm, tôi khá chắc cậu sẽ biết một ai đó đang nằm trong hoàn cảnh tương tự. Đó là lý do tôi chia sẻ những lời khuyên thiết thực này để cậu biết mình phải làm gì khi một người mình quý mến trầm cảm.
ĐỪNG VỜ NHƯ THỂ CẬU THẤU HIỂU.
Đương nhiên, cậu đã từng thấy buồn, nhưng buồn bã không phải là trầm cảm. Trầm cảm không phải là đau buồn. Nếu cậu không phải chiến đấu với trầm cảm, cậu không hiểu được đâu. Cậu chỉ nghĩ rằng cậu hiểu vì cậu cũng biết buồn, rồi dựa trên kinh nghiệm của cậu với nỗi buồn rồi cho rằng trầm cảm cũng tương tự thế mà thôi. Những lời khuyên cậu đưa ra chỉ khiến bạn mình rơi sâu hơn vào trầm cảm bởi vì đơn giản, họ không thể nào thực hành những lời khuyên đó của cậu – thứ chỉ giúp cậu vượt qua nỗi buồn ngắn hạn. Giống như bị ung thư và nỗ lực giải thích ung thư là gì với một đứa trẻ năm tuổi chỉ bị cảm lạnh vậy. “Dùng vitamin C đi rồi sẽ thấy ổn hơn đó,” đứa trẻ năm tuổi sẽ trả lời thế. “Ăn một chút súp phở gà đi.”
Trầm cảm còn sâu hút và thăm thẳm hơn cả nỗi buồn, và sẽ không bao giờ hưởng ứng lại những lời khuyên thông thường như “sẽ thấy ổn hơn”. Ví dụ, trầm cảm được định nghĩa như sự bất lực đối với “khả năng kiểm soát những cảm xúc tiêu cực.” Nếu cậu buồn, cậu sẽ ý thức rằng cảm xúc bản thân đang tuột dốc và sẽ tìm cách để điều chỉnh. Còn người trầm cảm, họ cũng biết rằng mình đang trầm uất, nhưng họ không có sức lực, năng lượng, hay động lực để làm bất cứ điều gì giúp bản thân mình tốt hơn cả. Trong phần lớn trường hợp, sự suy nhược thờ ơ (T/N: Apathy là một hành vi rối loạn suy nhược khi người đó khuyết thiếu cảm giác, cảm xúc, sự quan tâm về điều gì đó) thường đi kèm với trầm cảm. Họ không bận tâm; cũng chẳng thể bận tâm. Họ chẳng cảm nhận được hạnh phúc khi làm những việc thường mang đến hạnh phúc cho mình. Giờ đây họ còn thấy khó khăn khi kiếm tìm lý do để tồn tại.
Tóm lại: nếu cậu chưa bao giờ thực sự trải nghiệm trầm cảm lâm sàn, đừng cố liên hệ nó với bản thân. Chỉ cần lắng nghe và ủng hộ.
ĐIỀU QUAN TRỌNG CẦN BIẾT VỀ TỰ S.Á.T.
Tự s.á.t là khuynh hướng của sự thôi thúc. Nếu cậu có thể níu giữ một người vượt qua khoảnh khắc thôi thúc đó, cậu có thể cứu cả cuộc sống của họ.
Một người có khuynh hướng tự s.á.t cần những lời nhắc nhở về thực tại. Không phải là kiểu “bạn cần phải sống vì nhiều thứ mà” (T/N: HOẶC, bạn còn nhiều thứ chưa làm/chưa trải nghiệm mà) vì chúng sẽ thất bại thôi. Thay vào đó, hãy dấy lên cảm giác tội lỗi trong họ. “Cậu sẽ làm mẹ mình buồn ch.ế.t mất. Cậu không thể để con mình không có cha. Bạn bè cậu sẽ đổ lỗi cho bản thân vì không thể làm gì để giúp cậu.” Thật kỳ lạ làm sao, nhưng những câu nói đó lại có hiệu quả, bởi vì cậu không hề nói rằng họ có lý do để tiếp tục sống. Những câu nói ấy hữu hiệu bởi vì người trầm cảm vẫn còn yêu gia đình và bạn bè của mình và họ không muốn tổn thương những người đó.
Hãy dọn hết súng (và vũ khí) khỏi nhà và ở đó bên cạnh bạn của mình. Khi một người muốn tự s.á.t, cậu cần ở bên họ vượt qua khoảnh khắc đơn độc đó. Và khi các cậu trải qua được lần đầu, cậu cần tiếp tục cho lần sau, và cứ thế liên tục đến khi người trầm cảm bắt đầu nhìn nhận giá trị của bản thân một lần nữa hoặc sẵn lòng nhận lấy sự giúp đỡ.
Khi phát hiện ra bạn của mình có ý định tự s.á.t, cậu cần có được số liên hệ của chuyên gia sức khỏe tâm thần của bạn mình. Nếu người bạn đó có bác sĩ trị liệu hoặc bác sĩ tâm thần, hãy để những người có chuyên môn đó biết được chuyện gì đang xảy ra. Bạn bè/bạn đời của các bệnh nhân thường lo lắng rằng nếu họ làm thế, thì tôi sẽ nghĩ rằng họ chỉ đang làm quá vấn đề hoặc lừa dối mà thôi. Không đâu. Tôi chỉ muốn biết rõ mọi chuyện đang xảy ra.
Tôi có một bệnh nhân đã cố tự s.á.t. Thực lòng, tôi cảm giác như mình thất bại vô cùng. Thông thường nếu tôi hỏi bệnh nhân của mình vì sao họ không liên hệ tôi để tìm kiếm sự giúp đỡ, họ sẽ luôn nói “Vì cô sẽ tìm cách ngăn cản tôi.” Những bệnh nhân trầm cảm cố ý không liên hệ với tôi bởi vì họ biết tôi chắc chắn sẽ tìm cách giúp họ. Vậy nên là bạn bè của họ, CÁC CẬU PHẢI GỌI CHO TÔI. Hãy liên hệ với những chuyên gia để nhờ họ giúp đỡ bạn bè mình!
Nếu họ chưa có một nhà trị liệu nào, hãy đưa họ đến bác sĩ và yêu cầu thuốc chống trầm cảm. Giúp họ tìm một bác sĩ tâm lý. Có thể họ không thể tự mình làm việc đó hoặc cho rằng bản thân mình chẳng cần thiết phải làm thế. Hãy nhớ rằng: một trong những dấu hiệu của trầm cảm chính là kiệt quệ và mất khả năng làm những thứ giúp bản thân mình tốt hơn. Hãy là một người bạn thực sự và giúp họ vượt qua những bước đầu tiên của việc chữa trị.
TÌM HIỂU XEM HỖ TRỢ TRẦM CẢM LÀ GÌ
Hỗ trợ một người trầm cảm khó hơn việc hỗ trợ một người không-trầm-cảm nhiều. Ví dụ, khi cậu hỏi một người trầm cảm xem tình trạng của họ thế nào, cậu cần chuẩn bị tâm lý rằng sẽ nghe thấy họ đang chật vật đấu tranh. Chắc chắc là cậu muốn họ trở nên ổn hơn, đương nhiên cậu sẽ muốn như thế, nhưng họ sẽ cảm thấy mình như một sự thất bại nếu cậu tỏ ra thất vọng/chán ngán đối với cảm xúc trầm cảm mà họ đã kể cùng cậu.
Lại một lần nữa, tưởng tượng như cậu bị ung thư. Ai cũng muốn cậu khỏi bệnh. Họ muốn cậu chống lại ung thư. Nhưng khi họ hỏi cậu, “Cậu thế nào rồi?” cậu sẽ cần dũng khí để bộc lộ cả cảm xúc của mình khi mắc phải ung thư đúng chứ? Cậu cần dũng khí để nói rằng, “Bệnh của tôi vẫn còn đó, nhưng tôi đang điều trị và chuẩn bị cho xạ trị, hy vọng rằng mọi thứ sẽ ổn hơn.” Cậu cần được phép buồn khi mắc phải ung thư.
Vậy nên một người trầm cảm không nên cảm thấy tội lỗi khi vẫn còn trầm cảm. Tôi gặp quá nhiều cái cảnh một người bạn có-ý-tốt đáp lời người bị trầm cảm rằng, “Ôi thôi nào! Cậu vẫn cảm thấy tồi tệ à? Đừng buồn, vui lên đi!” Và đấy là khi người trầm cảm bắt đầu cho rằng, “Tình bạn này không thể chịu đựng nổi những vấn đề tâm lý của mình. Cậu ấy sẽ thấy vui hơn nếu không có mình. Mình chỉ là một gánh nặng.” Đó là khi tự s.á.t vượt ngưỡng rủi ro thông thường.
Hỗ trợ cho một người trầm cảm là thế này:
- Đưa ra những hỗ trợ vô điều kiện. Để họ biết rằng cậu sẽ ở bên họ bất kể bao lâu đi nữa để họ có thể thấy tốt hơn.
- Hỏi. Lắng nghe. Đừng khuyên bảo.
- Hãy đồng hành cùng họ. Phần lớn người trầm cảm sẽ trở nên tốt hơn nếu có một người bạn cạnh bên. Sự cô lập/cách ly/xa cách có thể trở thành nguy hiểm.
Thể hiện rõ rằng cậu quan tâm đến họ. Cậu có thể chính là mũi neo buộc họ lại với cuộc sống tại những thời điểm quan trọng nhất.
LUÔN ỦNG HỘ VIỆC SỬ DỤNG THUỐC CHỐNG TRẦM CẢM
Cậu có thể chống đối việc sử dụng dược phẩm, hoặc là fan hâm mộ của những phương pháp thuần-tự-nhiên, hoặc cho rằng bạn mình chỉ cần chạy bộ thay vì dùng thuốc, nhưng là một nhà trị liệu, tôi ở đây để nói cho cậu biết rằng thuốc hướng thần thật sự là cứu rỗi cuộc đời của một vài người.
- Cậu cho rằng họ không cần “thuốc hạnh phúc” làm gì vì họ chỉ cần đối mặt với “nguyên nhân thực sự” khiến họ rơi vào trầm cảm. Là một nhà trị liệu tôi cần phải chỉ ra những người có quan điểm này đã gây hại thế nào đến những bệnh nhân của tôi. Trời ạ, bệnh nhân của tôi lâm vào u uất và chỉ muốn tự s.á.t thôi… để tôi cho bạn biết từ những kinh nghiệm của bản thân, rằng gợi nhắc về tuổi thơ bị lạm dụng sẽ không khiến người trầm cảm thấy tốt hơn chút nào. Làm ơn dừng lại đi. Tôi sẽ không chạm đến khía cạnh nào của “nguyên nhân thực sự” đó cho đến khi bệnh nhân của mình sẵn sàng, và thuốc chống trầm cảm chính là nền tảng cơ bản mà họ cần để bắt đầu đối mặt với những vấn đề mà họ có thể có hoặc không.
- Ngưng việc hỏi đi hỏi lại nếu họ “có thực sự cần” những liều “thuốc hạnh phúc” đó không. Nếu một bác sĩ tâm lý/trị liệu kiến nghị sử dụng thuốc chống trầm cảm, thì phải có lý do nào đó. Tôi được huấn luyện để giúp bệnh nhân thay đổi những suy tưởng vặn vẹo. Cậu thì không. Thông thường sẽ mất đến hàng tuần, hàng tháng trời thậm chí nhiều năm liền chỉ để bệnh nhân cân nhắc đến việc sử dụng thuốc chống trầm cảm. Nhưng chỉ một câu nói có thiện ý nhưng mang ý nghĩa đổ lỗi kinh khủng từ cậu và tôi sẽ phải bắt đầu lại từ đầu.
- Bình thường hóa thuốc chống trầm cảm như một liều pháp y học. Hãy nghĩ như này, “Mỗi một bệnh lý khác sẽ có cách điều trị khác nhau. Nếu bạn bị tiểu đường, bạn có phán xét bản thân vì đã dùng insulin không?” Thay vì dồn dập phê bình, hãy ủng hộ họ. Nếu họ đang tìm kiếm sự giúp đỡ, điều đó có nghĩa là các cậu đã đi đúng hướng. Hãy khích lệ họ tìm kiếm giải pháp chữa trị. Nếu cậu không thể nói rằng “mình tự hào vì cậu” thì đừng nói gì nữa cả.
CHẤP NHẬN SỰ THẬT: CẬU CHỈ CÓ THỂ LÀM ĐẾN THẾ THÔI
Bệnh nhân của tôi thường lo lắng đến mức nói với tôi rằng họ “không muốn ở lại thêm chút nào nữa.” Không hẳn là họ muốn chủ động tự s.á.t, nhưng họ cũng sẽ chẳng phiền nếu có chiếc xe bus đâm vào mình. Họ không muốn ai biết mình sẽ tự s.á.t bởi vì họ biết rằng những người yêu quý mình sẽ cảm thấy tồi tệ khi chẳng làm được gì để giúp những bệnh nhân đó.
Câu đó có nghĩa là họ đã mệt mỏi bởi việc cố gắng. Họ sợ rằng trầm cảm sẽ không bao giờ chấm dứt. Nỗi đau từ trầm cảm quá mức đau đớn và luôn luôn hữu hiện đến mức họ không muốn phải chịu đựng chúng nữa. Họ cảm giác như thể căn bệnh của mình đã kéo tinh thần mọi người xuống, và cảm thấy tội lỗi vì phải chống chọi với trầm cảm.
Nhưng suy nghĩ tiêu cực “không muốn ở lại thêm chút nào nữa” có thể biến thành một ý định khác vô cùng nhanh chóng. Chiến đấu cùng trầm cảm vô cùng kiệt sức. Sau một thời gian, họ có thể sẽ thực sự tin rằng những người mình yêu thương sẽ sống tốt hơn nếu họ biến mất. Họ chỉ muốn bỏ cuộc. Họ có thể sẽ cảm thấy nản lòng vì quá đau buồn và quá mệt mỏi đến mức tìm cách c.h.ế.t đi. Đấy là cách trầm cảm làm suy nhược con người.
Nếu bệnh nhân của tôi nói những lời dưới đây, tôi chắc chắn sẽ chuyển họ vào bệnh viện:
- “Mẹ tôi sẽ chẳng quan tâm nếu tôi tự s.á.t”
- “Con tôi sẽ sống tốt hơn nếu không có tôi.”
Đây là khi một con người hoàn toàn mất kết nối với thực tại và cảm thấy hoàn toàn vô dụng. Đây là một dấu hiệu khi tự s.á.t không còn là “nếu” nữa mà trở thành “khi nào.”
Nếu bạn bè/người thân yêu của cậu nói những điều ấy, cậu cần đưa họ tới bệnh viện ngay. Đừng bỏ qua, đừng tiếc rẻ $200. Đây là một tình trạng vô cùng nghiêm trọng. Mọi thứ đã vượt khỏi tầm khả năng của cậu rồi. Đưa họ tới bệnh viện dẫu cho họ sẽ tức giận với cậu đi nữa, nhưng cô ấy hoặc anh ấy sẽ được cứu sống. Sau cùng, họ có thể lúng túng, nhưng tôi chắc họ sẽ tha thứ cho cậu vì cậu đã cứu mạng mình.
(Tôi không gợi ý gọi 9-1-1 vì các sĩ quan cảnh sát có những chế độ huấn luyện khác. Tôi từng chứng kiến cảnh một ai đó khiến mọi thứ tồi tệ hơn khi gọi báo cảnh sát. Nhưng, nếu người trầm cảm từ chối đến bệnh viện, thì cậu cần gọi 9-1-1 thật đấy. Đúng vậy, việc này nghiêm trọng đến thế đấy. Đừng để họ thuyết phục bạn từ bỏ việc đó.)
CẬU CÓ NHIỀU SỨC MẠNH HƠN CẬU NGHĨ
Khi phải chiến đấu với trầm cảm, sự quan tâm của cậu mang đến sức mạnh một cách vô cùng thần kỳ. Là một nhà trị liệu, tôi chỉ yêu cầu cậu trở thành người đủ quan tâm để tham gia vào việc điều trị. Hãy trở thành người hỏi thăm, “Cậu thực sự cảm thấy như thế nào?”, trở thành người xem chung một bộ phim với họ và đề nghị ngủ lại qua đêm để họ không phải cô đơn với những suy nghĩ nguy hiểm vào nửa đêm. Trở thành người bạn lên tiếng rằng, “Đã đến lúc chúng ta tìm sự giúp đỡ cho cậu.”
Sự lựa chọn của cậu có thể cứu một cuộc đời.
___
Chia sẻ bài dịch này ở đây.
Để đọc thêm những bài dịch khác của mình.