Lời khuyên của Machiavelli dành cho những gã trai ngoan

Những tư tưởng và triết lý của Machiavelli chủ yếu xoay quanh một trọng điểm, đồng thời cũng là một góc nhìn đầy quan ngại: đó là những kẻ độc ác thường là những kẻ chiến thắng. Và việc họ có thể “trên cơ” người khác bởi vì họ có những lợi thế của riêng mình, những vũ khí giúp họ triệt tiêu những người tốt: họ sẵn sàng bất chấp thủ đoạn, tận dụng vẻ nham hiểm tăm tối của mình cùng với sự giảo hoạt để có thể đẩy mục đích tiến xa hơn.

Machiavelli
Machiavelli

MACHIAVELLI LÀ AI?

Niccolo Machiavelli, là một triết gia, một nhà tư duy chính trị người Florence sống vào thế kỷ 16. Ông ta được biết đến như một người đưa ra những lời khuyên đầy ma lực dành cho các “thánh nhân” – những kẻ tốt bụng dường nhưng không có khả năng để tiến xa trong cuộc sống.

David M. Brinley for The Washington Post

Những tư tưởng và triết lý của Machiavelli chủ yếu xoay quanh một trọng điểm, đồng thời cũng là một góc nhìn đầy quan ngại: đó là những kẻ độc ác thường là những kẻ chiến thắng. Và việc họ có thể “trên cơ” người khác bởi vì họ có những lợi thế của riêng mình, những vũ khí giúp họ triệt tiêu những người tốt: họ sẵn sàng bất chấp thủ đoạn, tận dụng vẻ nham hiểm tăm tối của mình cùng với sự giảo hoạt để có thể đẩy mục đích tiến xa hơn. Họ dường như không bị kìm hãm bởi những nghịch lý cứng nhắc của sự thay đổi : đạo đức. Những kẻ độc ác đó, họ sẽ âm thầm chuẩn bị cũng như sẵn sàng nói dối, đổi trắng thay đen, đe doạ hoặc thậm chí là dùng đến bạo lực. Và họ cũng sẽ – tùy vào tình huống – biết cách dụ dỗ, quyến rũ, nói những lời đường mật, đồng thời gây ấn tượng mạnh cũng như tung hoả mù để người khác bị sao nhãng. Bằng những khả năng đó, có thể nói, những kẻ độc ác đã nắm quyền kiểm soát thế giới của chúng ta. 

Một trong những yếu tố để tạo nên một người tốt, phần lớn đến từ cách người đó thực hiện ý đồ của mình. Rằng người tốt không chỉ có mục đích tốt, mà những cách họ thực hiện nó cũng phải rất tốt đẹp. Vậy nên, nếu một người muốn thiết lập một thế giới nghiêm túc hơn, người đó phải thu phục mọi người thông qua việc tranh luận công bằng, chứ không phải là bằng mồi câu hay chiêu trò. Nếu như ai đó muốn thiết lập một thế giới công bằng, họ phải cực kỳ cẩn trọng và nhẹ nhàng trong cách khuyên nhủ những kẻ cổ xúy cho sự bất công, thuyết phục họ tự nguyện quy phục, chứ không bằng bạo lực hay đe doạ. Và nếu như một người muốn mình thực sự tốt đẹp, người đó phải dung thứ với kẻ thù khi họ thất thế ngã ngựa, chứ không tàn nhẫn đến mức phải diệt cỏ tận gốc.

Những định nghĩa về “người tốt”, nghe thì rất hoành tráng. Thế nhưng, Machiavelli không bỏ qua những vấn đề không thể tránh khỏi. Đó là những cách làm ấy, chúng không hề hiệu quả. Và điều đó càng được chứng minh khi ông nhìn lại quãng thời gian lịch sử đầy biến động và thăng trầm của Florence nói riêng và toàn thể thành bang nước Ý nói chung, đó là những đấng quân vương, các lãnh đạo, chính khách hay các thương gia tốt tính đều khổ sở vật lộn, bị chèn ép và dậm chân tại chỗ đến đáng thương.

Và đó cũng chính là quãng thời gian mà ông đã ngậm ngùi viết lên tác phẩm mà chúng ta biết đến ngày nay: Quân Vương – một tác phẩm ngắn tổng hợp những lời khuyên, “chiêu thức” độc nhất vô nhị dành cho những đấng quân vương đầy hảo tâm, về cách làm sao để họ không phải là người cuối cùng giành lấy miếng mồi ngon. Và câu trả lời rất ngắn gọn, đó là một đấng quân vương có thể trở nên tốt bụng đến bất cứ khi nào mà họ muốn, miễn là đừng quá trở nên lệ thuộc vào nó và quên mất rằng mình cũng cần phải học và vay mượn những chiêu trò, chiêu thức chơi khăm từ những thủ lĩnh đa nghi, đê tiện, chuyên ném đá giấu tay, bất chấp thủ đoạn và ghê gớm nhất đã từng sống trên thế giới này.

Là một người thức thời với trí óc sắc sảo cùng sự quan sát vô cùng thông suốt, Machiavelli đã khám phá ra được nguồn gốc của việc chúng ta bị ám ảnh tột độ với ý nghĩ trở thành một người tốt. Nó được hình thành từ một câu chuyện về Thiên Chúa của phương Tây, kể về người cha Jesus xứ Narazeth, một người đàn ông đến từ vùng Galilee, ông ta được miêu tả như một người với đức tính thánh thiện, lúc nào cũng đối xử tốt với đồng loại và cuối cùng trở thành một vị vua của những vị vua, và đồng thời là lãnh chúa của thế giới vĩnh hằng. 

Thế nhưng, Machiavelli chỉ ra một chi tiết bất hợp lý đến từ câu chuyện đầy tính nhân văn về lòng tốt này, thông qua mặt trái của nó : sự nhu nhược và yếu mềm. Đứng từ một góc độ thực tế nhất, cuộc đời của Jesus là một thảm họa. Linh hồn thánh thiện này đã bị vùi dập và sỉ nhục, không được trọng vọng, thường xuyên bị mỉa mai và xỉa xói. Đánh giá một cách khách quan từ góc độ này, dựa trên quãng thời gian mà ông ta sinh sống, tất nhiên là không tính đến sự phù hộ từ đấng thần linh, thì Jesus, là một trong những kẻ thua cuộc vĩ đại nhất trong lịch sử của thế giới

Và, cũng theo như Machiavelli, bí quyết để trở nên hiệu quả đó là nằm ở việc chúng ta phải đi ra khỏi đống tàn dư cao cả của câu chuyện cổ này. Tác phẩm “Quân Vương” – hiểu theo một cách thấu đáo nhất – không phải là một bộ sưu tập những lời răn dạy để biến người ta trở thành “bạo chúa” ( mặc dù nó thường hay được nghĩ đến như thế) mà thay vào đó, nó khuyên nhủ người ta nên tự rút ra và tham khảo những bài học giá trị đến từ những tay bạo chúa từng tồn tại trong lịch sử. Đây là một tác phẩm, không chỉ là về đức tính tốt đẹp mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trở nên hiệu quả. Và hơn hết, nó còn là một quyển sách bị ám ảnh bởi sự bất lực của những người trong sạch.

Một đấng quân vương xuất chúng, một anh hào được ái mộ – ở thời buổi hiện tại, chúng ta có kể thêm vào như các CEO điều hành một tập đoàn, những nhà hoạt động chính trị hay nhà tư duy – tất cả đều nên học một chút gì đó từ những tay quản trị bóng bẩy và quỷ quyệt nhất. Bọn họ cũng nên biết cách để làm cho người khác thấy kinh sợ và đe dọa, vỗ về và bắt nạt, gài bẫy hay lừa gạt. Những chính khách giỏi là những người biết mình cần nên học theo những gã mị dân ; những nhà kinh doanh máu mặt mang gốc gác lừa đảo. 

Có thể thấy được rằng, suy cho cùng, tất cả chúng ta đều là thành phẩm đúc kết từ những gì mà chúng ta đạt được, hơn là từ những mong muốn, ý định của chúng ta. Nếu như chúng ta thực sự quan tâm đến những vấn đề như sự thông thái, bao dung hay vị tha, đoan chính hay đức hạnh, chúng ta không nên gói gọn bản thân mình bằng cách thực hiện nó theo nghĩa thông thái, bao dung và đức hạnh nhất, vì như vậy nó sẽ chẳng giúp ích được gì cho chúng ta cả. Chúng ta cũng nên tiếp thu từ những nguồn ít ngờ đến nhất : đó là những kẻ mà chúng ta khinh bỉ một cách nửa mùa. Những kẻ đó chỉ dạy chúng ta biến khao khát của mình thành hiện thực – và trớ trêu là những khao khát đó cũng chính là thứ mà bọn chúng chống lại.

Chúng ta cần mang theo mình thứ vũ khí với độ đanh thép tương đương với sự quỷ quyệt của chúng. Điều tối quan trọng, đó là chúng ta nên để tâm đến cách thực hiện nó một cách hiệu quả hơn là chỉ giữ khư khư những ý định tốt đẹp. Vì rõ ràng, nếu chúng ta chỉ biết mơ mộng không thôi thì chưa đủ, chúng ta cũng cần phải ý thức, đó là những gì mà chúng ta đạt được chính là thước đo duy nhất về giá trị con người ta. Mục đích là để biến thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, chứ không phải là ngồi một chỗ mát mẻ với sóng yên biển lặng, an nhàn với những ý định, hoài bão tốt đẹp và một trái tim ấm áp nhưng thụ động, yếu ớt.

Những điều này Machiavelli đều biết hết cả.

Machiavelli đã làm phiền chúng ta vì một mục đích tốt đẹp; bởi vì ông ấy đã nhìn thấu được rằng chúng ta sẽ đứng ở vị trí nào khi chúng ta trở nên vụ lợi nhất. Chúng ta đã tự huyễn hoặc bản thân mình rằng chúng ta sẽ không đạt được những điều đó, bởi vì chúng ta quá thuần khiết, quá ngoan ngoãn và tốt bụng. Machiavelli đã cứng rắn nhắn nhủ với chúng ta rằng, việc chúng ta dậm chân tại chỗ là bởi vì tầm nhìn của chúng ta không đủ rộng lớn để mà chịu học hỏi từ những “bậc thầy”: là kẻ thù của chúng ta. 

Điền Nguyên | The School of Life

Bài viết có sử dụng hình ảnh của :

[1] : David M.Brinley for The Washington Post

[2] : History Hit

[3] : Gutenberg.org

[4] : The Star-Co

[5] : The Telegraph UK

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *