LOBO – TỪ VỊ CHÚA TỂ VÙNG CURRUMPAW ĐẾN CON SÓI LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI

Con sói khét tiếng

Currumpaw là một vùng chăn thả gia súc lớn với nhiều núi đồi ở Bắc New Mexico. Tuy nhiên, nhân vật nổi tiếng nhất tại đây trong thời gian này không phải một chủ trại giàu có mà là một sinh vật họ Chó – con sói xám Lobo. Đáng tiếc thay, Lobo chẳng khoái việc làm nô cho con người như những anh em xa của nó. Ngược lại, nó ngồi lên đầu những người chăn gia súc và nô dịch đàn vật nuôi của họ, trở thành bá chủ tuyệt đối và thẳng tay trừng trị những ai cố gắng lật đổ ngai vàng của mình.

Lobo là một con sói xám già khổng lồ với trí thông minh và sự ranh mãnh tỉ lệ thuận với cơ thể to lớn của nó. Con sói đã thống lĩnh bầy của mình tàn sát những đàn vật nuôi ở thung lũng Currumpaw trong nhiều năm trời, đến độ người ta phân biệt được tiếng tru của Lobo với tiếng tru của cả ngàn con sói khác. Cái đầu và tài đánh hơi phi thường của Lobo đã giúp lũ sói đạo tặc sống sót hết từ cạm bẫy này đến bả độc khác. Duy chỉ có súng là Lobo không đối phó nổi; cũng vì thế mà nó lệnh cho bầy nhác thấy bóng người dù từ rất xa cũng phải chạy ngay – Lobo biết người chăn thả nào cũng mang theo súng.

Nhờ sự lãnh đạo của con đầu đàn, bầy sói ngày một béo tốt, no đủ và ăn uống cực kỳ kén chọn. Chúng chê những con thú chết vì già yếu bệnh tật, ngúng nguẩy bỏ qua những con thú bị người chăn gia súc giết và bỏ lại, cũng chẳng thèm đặt bò đực già hay bò cái vào thực đơn. Thông thường chúng chọn ăn phần ngon nhất của một con bê một tuổi do chính chúng giết, và theo những thống kê khiêm tốn nhất thì đám kẻ cướp này đã đánh chén mỗi ngày một con bê trong suốt ít nhất năm năm trời, tức khoảng hơn hai ngàn gia súc. Đấy là chưa kể những con cừu – dù đám Lobo không ưa cừu, nhưng chúng có một thú vui biến thái là giết cừu để tiêu khiển.

Có một câu chuyện về thói giết cừu cho vui của Lobo cũng như về tính xảo quyệt bất thường của con sói. Một bầy hàng ngàn con cừu được lùa vào bãi vây, và đám cừu dù nhát chết – một chuyện không đâu cũng đủ cho chúng chạy tán loạn – nhưng chúng có một thói quen là nhất lượt nghe theo con cầm đầu. Những người chăn thả lợi dụng điểm này để thả vào trong đàn cừu vài con dê. Vì một vài lý do, bọn cừu cho là đám dê thông minh hơn chúng, vì thế chúng hiểu rằng cứ có chuyện thì tập trung quanh lũ dê, để những người chăn cừu dễ bề bảo vệ.

Nhưng Lobo, vì một lý do nào đó, biết được thói này của đám cừu và biết luôn vai trò của những con dê trong đàn. Nó một mình nhảy xổ vào đàn cừu, kết liễu những “vị lãnh đạo” trong chớp mắt. Mất lũ dê, đám cừu chạy tán loạn, và đêm đó bầy của Lobo đã xé xác hai trăm năm mươi con cừu mà không ghé răng đến một miếng thịt nào.

Phần thưởng cho cái đầu của Lobo hay bất cứ con sói nào trong bầy của nó tăng dần. Lúc đầu là nhiều bê non, dần dần lên đến 1000 USD, tương đương với gần 32000 USD ngày nay, nhưng không thợ săn nào động nổi vào chót đuôi những tên kẻ cướp này. Lobo tách bầy chó săn ra khỏi các thợ săn và xé xác chúng, tránh được mọi thứ bẫy hay bả độc. Ngay cả khi người ta nghĩ nó là một con sói đã thành tinh và chuyển sang dùng bùa hay thần chú, con quỷ sói – như lời những người này – vẫn quá tài phép để có thể bị khuất phục.

Cuộc đụng độ với Ernest Thompson Seton

Câu chuyện về Lobo đã thu hút Ernest Thompson Seton, một nhà văn kiêm nhà tự nhiên học người Canada đến Currumpaw tìm cách diệt trừ nó, và ngay cả ông cũng sớm bị con sói cười vào mặt. Trong cuốn “Truyện Loài Vật”, Seton đã kể lại cuộc đối đầu của ông với Lobo.

Theo đó, một lần, ông nấu chảy pho mát cùng mỡ thận của một con bê vừa mổ; pho mát nấu trong bát sứ và cắt thành từng miếng nhỏ bằng dao xương để tránh mùi kim loại. Sau đó ông nhét vào mỗi miếng một lượng lớn thuốc độc được gói kín để không lọt mùi ra ngoài, rồi lấy pho mát bịt kín khe hở. Ông đeo găng tay nhúng máu bê trong lúc làm việc, và thậm chí cố không thở vào miếng mồi. Làm xong, Seton nhét mồi vào trong một túi da cũng đầy máu bê, và bắt đầu rải.

Sáng hôm sau, ông hoan hỉ khi thấy miếng mồi đầu tiên đã biến mất. Khi phát hiện miếng thứ hai cũng biến mất, ông sung sướng nghĩ chắc chắn không chỉ Lobo mà có lẽ vài con nữa trong bầy của nó cũng đã dính bả. Nhưng càng đi, niềm vui càng lịm dần khi các miếng mồi cứ lần lượt biến mất, mà chẳng có xác con sói nào cả.

Sau cũng, Seton vỡ ra rằng thực ra Lobo chẳng ăn miếng mồi nào hết, mà nó chỉ tha chúng đi thành một đống, rồi phóng uế vào đó và cũng phóng uế luôn vào mánh khóe của ông.

Đoạn kết của nhà vua

Có lẽ Lobo sẽ còn hoành hành lâu nếu Seton không phát hiện ra dấu chân của một con sói nhỏ hơn chạy vượt trước Lobo khi cả bầy đang di chuyển. Ông đoán ra ngay đây là một con sói cái – con Blanca – và rõ ràng nó là bạn đời của Lobo. Từ đó, ông nảy ra một kế hoạch mới. Ông nhắm vào Blanca thay vì Lobo, và nhờ tận dụng được thói tự ý làm theo ý mình của Blanca, ông đã bẫy được nó, tách nó ra khỏi Lobo và dồn được nó vào đường cùng, rồi giết chết. Trước khi bị thắt cổ chết bởi Seton và người chăn bò, Blanca hú lên một tiếng thê lương, và từ xa vọng lại tiếng hú của Lobo. Tiếng hú của con sói già vang vọng suốt cả ngày hôm đó.

Lobo mò đến trang trại của Seton và bạn ông vào buổi tối sau khi biết hết sự tình từ vết máu của Blance vương trên đất chỗ nó bị truy đuổi. Nó chạy quanh khu trại tìm con sói cái, hoàn toàn quên mất là phải đánh hơi, và xé xác con chó canh cửa của Seton. Ông liền đặt rải rác bẫy khắp trang trại, và sau đó Lobo sa bẫy, nhưng nó thừa khỏe để giằng ra khỏi bẫy và thoát đi. Cuối cùng Seton dùng chính xác của con Blanca làm mồi, và đặt bẫy rải rác khắp các hẻm núi. Khi thấy xác người bạn đời, Lobo chẳng nghĩ gì nữa mà lao đến, và sập bẫy. Nhưng lần này mỗi cái bẫy nặng đến 135kg.

Hai ngày sau khi Seton đến, Lobo tru lên một lần cuối cùng – tiếng tru lớn hơn tất thảy những tiếng tru mà người chăn gia súc từng nghe – nhưng chẳng con nào trong bầy của nó xuất hiện. Nó bỏ cuộc, và nằm im bất động cả khi người ta buộc mõm trói chân nó. Đêm đó, khi bị đưa về trại của Seton, nó có gọi bầy thêm một lần trong cơn tuyệt vọng, nhưng chẳng con nào đến. Nó chẳng thèm gọi nữa.

Sáng hôm sau, Lobo tắt thở. Người ta kéo xác nó vào dưới mái hiên, nơi còn một mẩu thịt sót lại của con Blanca. Người chăn bò thốt lên:

– Mày vẫn đi tìm nó ư? Đấy, bây giờ chúng mày lại được ở bên nhau!

Seton đã rơi nước mắt khi chứng kiến cái chết của Lobo. Trên thực tế, Lobo chỉ là một trong số rất nhiều những nạn nhân từ thói săn bắn bừa bãi của những người định cư; họ giết chết rất nhiều con mồi tự nhiên của sói và đẩy những con thú này đến cảnh phải săn gia súc chăn thả để ăn. Nhà văn dành phần đời còn lại của mình để đấu tranh cho những con sói hoang – trước đó vốn bị ghét bỏ và ghẻ lạnh. Ông viết: “Kể từ sau chuyện Lobo, mong ước chân thành nhất của tôi là khắc cốt ghi tâm mọi người rằng: những sinh vật hoang dã nơi đây là di sản quý giá mà chúng ta không có quyền hủy hoại, cũng không được tước chúng khỏi con cháu chúng ta.”

Câu chuyện của sói Lobo đã lay động con tim nhiều người trên toàn thế giới, góp phần thay đổi quan niệm toàn cầu về môi trường, và khởi phát những động thái bảo tồn đầu tiên. Cuộc đời của Lobo được Disney chuyển thể thành bộ phim “Huyền thoại Lobo” và thành bộ phim tài liệu năm 2007 của BBC.

Nguồn: phỏng theo chương Lobo, thuộc “Truyện Loài Vật” của tác giả Ernest Thompson Seton.

Lược dịch từ https://northernstar-online.com/the-story-of-lobo-the-wolf/

Lobo mắc bẫy
Blanca mắc bẫy
Tấm da của Lobo được trưng bày tại bảo tàng Philmont, thuộc thư viện tưởng niệm Seton

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *