Dịch từ: Serious Trivia
PHẦN 1: TƯ MÃ VIÊM VÀ NHÀ TẤN.
Loạn Bát Vương là một giai đoạn trong lịch sử Trung Hoa xảy ra vào cuối thời nhà Tấn, còn được gọi là Bát Vương Chi Loạn (八王之亂), tức loạn do 8 vị Vương khác nhau. Từ “Vương” (王) ở đây tức là “Vua,” nhưng chỉ cai quản một vùng và vẫn phải phục vụ cho “Đế” (帝) tức “Hoàng đế.” Thời kỳ loạn lạc này diễn ra trong 16 năm kể từ năm 291 đến năm 306 sau Công nguyên, tức hơn 100 năm sau khi thời loạn Tam Quốc bắt đầu.
Để hiểu rõ về giai đoạn này, chúng ta trước tiên phải nói đến việc nhà Tấn thành lập như thế nào, và người sáng lập ra triều đại này, Tư Mã Viêm (司馬炎), cha của 2 trong số 8 vị Vương tham gia Loạn. Vậy Tư Mã Viêm là ai? Nếu mọi người đã quen thuộc với thời Tam Quốc thì không thể không biết tới Tư Mã Ý (司馬懿), Tư Mã Viêm là cháu ruột của của Tư Mã Ý.
Có một số ngộ nhận nhiều người mắc phải là nghĩ Tư Mã Ý là người cướp ngôi nhà Nguỵ và xưng làm Hoàng đế, tuy nhiên, mặc dù sống đến năm 73 tuổi, Tư Mã Ý vẫn dành cả đời của mình để phục vụ dưới trướng Tào Nguỵ, ông có mở một cuộc đảo chính 2 năm trước khi mất, nhưng mục đích là để tự vệ và chỉ giết được nhiếp chính Tào Sảng (曹爽) chứ không ảnh hưởng đến Hoàng đế Tào Phương (曹芳). Tuy sau khi ông qua đời, hai con là Tư Mã Sư (司馬師) và Tư Mã Chiêu (司馬昭) tiếp tục mở rộng quyền lực chính trị và quân sự của họ Tư Mã nhằm mục đích cướp ngôi nhà Nguỵ từ họ Tào. Nhưng phải tận đến khi Tư Mã Chiêu mất, thì con cả của ông là Tư Mã Viêm mới tiến hành lật đổ Hoàng đế Tào Hoán (曹奐) lúc đó mới 19 tuổi và thành lập nhà Tấn.
Năm 265 là một năm quan trọng đối với họ Tư Mã, khi Tư Mã Chiêu qua đời và gia tộc phải chọn ra người kế vị làm Tấn Vương. Theo truyền thống và văn hoá của Trung Hoa, người kế vị sẽ là con cả trong gia đình, khi con cả đã mất trước đó, thì người con thứ lớn nhất lên thay, trong trường hợp hy hữu không có người con nào thì ngôi vị sẽ được truyền cho em trai. Như mọi người thấy trong hình dưới (thật ra là tóm gọn thôi, phả hệ thật của nhà Tư Mã rối hơn nhiều), Tư Mã Sư là con cả của Tư Mã Ý, khi Tư Mã Ý mất thì Tư Mã Sư là người lên thay.
Nhưng tuy nhiên, Tư Mã Sư lại không có con trai, ông và vợ là Hạ Hầu Huy (夏侯徽), có tận 5 người con nhưng đều là nữ, thấy vấn đề này, Tư Mã Sư xin Tư Mã Chiêu cho ông một người con trai làm con nuôi để nối ngôi. Tư Mã Chiêu đồng ý và cho anh trai nhận nuôi người con thứ 2 của mình là Tư Mã Du (司馬攸), có nghĩa Tư Mã Du thật tế chính là em trai của Tư Mã Viêm. Một điều thú vị khác là mẹ của Tư Mã Viêm và Tư Mã Du là Vương Nguyên Cơ (王元姬) cháu ruột của Tư đồ Vương Lãng (王朗) (cái ông mà trong Tam Quốc Diễn Nghĩa bị Gia Cát Lượng (諸葛亮) chửi chết ấy ?). Sau khi Tư Mã Sư mất sớm ở tuổi 48, họ Tư Mã quyết định trao chức Tấn Vương cho Tư Mã Chiêu, vì Tư Mã Du lúc đó chỉ mới 8 tuổi, và Tư Mã Chiêu cũng hứa sẽ nhường ngôi Tấn Vương cho Tư Mã Du sau khi ông mất, vì dù sao Tư Mã Du cũng là con ruột của ông.
Nhưng như đã nói, 10 năm sau vào năm 265, Tư Mã Chiêu qua đời lúc 55 tuổi và lại trao quyền kế vị cho con cả là Tư Mã Viêm, người vào cùng năm đó mở cuộc đảo chính lật đổ nhà Tào. Phần này của câu chuyện vô cùng quan trọng, bởi đây chính là mở đầu cho cuộc mâu thuẫn nội bộ trong gia tộc Tư Mã, và dần dẫn đến cuộc nội chiến sau này gọi là Loạn Bát Vương.
Có rất nhiều lý do giải thích việc tại sao Tư Mã Chiêu lại thất hứa và trao ngôi vị lại cho Tư Mã Viêm. Thứ nhất, sau nhiều năm mở rộng ảnh hưởng, họ Tư Mã đã trở thành gia tộc quyền lực nhất trong nhà Nguỵ và đã đến lúc giành ngôi Đế, nếu chúng ta so sánh hai người con này lúc Tư Mã Chiêu mất, cả hai đều là những lãnh đạo giỏi, tuy Tư Mã Du lúc đó 18 tuổi và chứng tỏ mình là một nho sĩ cai trị tốt nhưng ông không có kinh nghiệm chỉ huy quân đội, còn Tư Mã Viêm lúc đó đã 30 tuổi và lại một tướng quân chỉ huy rất tốt, chúng ta phải nhớ rằng vào thời bấy giờ Đông Ngô vẫn còn tồn tại và thời kỳ Tam Quốc vẫn chưa kết thúc, nên gia tộc lúc đó cần phải có người con lớn tuổi và có kinh nghiệm quân sự hơn dẫn dắt.
Ngoài ra, Tư Mã Chiêu cũng có thể còn có một số lý do tư hơn, biết rằng họ Tư Mã sau này giành ngôi Đế, nếu Tư Mã Du lên làm Hoàng đế thì sẽ truy hiệu cho cha nuôi mình là Tư Mã Sư làm Thái Tổ (太祖), còn Tư Mã Chiêu sẽ bị sử sách coi như một vị Vương bình thường và bị quên lãng. Một điều ông lo lắng khác là nếu Tư Mã Du được lập làm Hoàng đế thì người anh trai Tư Mã Viêm lớn hơn 12 tuổi chắc chắn sẽ không muốn cuối đầu trước em trai cùng cha mẹ và có thể dẫn đến nội chiến.
Vì vậy Tư Mã Viêm lên thay, cùng năm đó ông lật đổ nhà Nguỵ như Tào Phi (曹丕) từng làm với nhà Hán và lên ngôi làm Tấn Vũ Đế. Làm Hoàng đế, Tư Mã Viêm đưa ra rất nhiều quyết định, nhưng trong số đó quan trọng nhất là chia Trung Hoa làm nhiều khu vực và sử dụng lại chế độ phong kiến của nhà Hán, sau đó trao tước “Vương” cho hơn 30 thành viên tộc Tư Mã để cai quản các vùng, nhằm mục đích gia tăng quyền lực cho họ Tư Mã và đảm bảo không một ngoại thích nào có thể cướp ngôi Đế như Tào Phi và chính ông đã làm.
Biết được có một cuộc nội chiến sắp tới, chúng ta có thể nghĩ Tư Mã Viêm đã đưa ra một quyết định ngu ngốc, nhưng nếu đặt mình vào hoàn cảnh của ông, chúng ta có thể thấy là ông đang học hỏi từ lịch sử tiền nhân. Nếu nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy nhà Tần sau khi thống nhất Trung Hoa thời Chiến Quốc, đã bãi bỏ chế độ phong kiến và thay vào đó với bộ máy chính quyền tập trung, quan liêu và chia đất nước ra làm nhiều quận cho dễ quản lý. Nhưng mô hình chính quyền tập trung đó thất bại, và nhà Tần chỉ tồn tại 15 năm. Nhà Hán sau đó vẫn chia đất nước thành nhiều quận như nhà Tần, nhưng lập lại chế độ phong kiến và đưa đất cho các thành viên gia tộc Lưu cũng như các quý tộc khác quản lý, mặc dù suy vong vào đầu thời Tam Quốc, nhà Hán đã tồn tại 400 năm và đây được coi là thể chế thành công nhất cho đến hiện tại. Tiếp theo là triều đại mà Tư Mã Viêm quen thuộc nhất: nhà Nguỵ. Tào Phi, con trai của Tào Tháo (曹操), cũng là Hoàng đế đầu tiên của nhà Nguỵ, cũng bắt chước mô hình chính phủ giống nhà Hán, nhưng lại không muốn đưa các thành viên gia tộc mình lên nắm giữ nhiều quyền lực, bởi sau khi Tào Tháo mất, Tào Phi nắm rất ít binh quyền, đa phần là do họ hàng của mình nắm giữ như Tào Chân (曹真) Tào Hồng (曹洪), Tào Nhân (曹仁), Hạ Hầu Đôn (夏侯惇),… Tào Phi do muốn nắm binh quyền mà họ hàng mình không muốn trao trả nên phải nhờ cậy ngoại thích như Tư Mã Ý làm giảm quyền lực của chú, bác mình, kết quả ra sao thì ai cũng biết rồi, Tào Phi chết sớm ở tuổi 39, để lại những hậu duệ nhỏ tuổi và không có ai trong gia tộc có quyền lực để ngăn được dòng họ Tư Mã cướp ngôi, và nhà Tào Nguỵ chỉ tồn tại được 46 năm.
Như vậy Tư Mã Viêm muốn học được từ tất cả những sai lầm này và quyết định làm theo chế độ nhà Hán, với một số thay đổi nhỏ để phù hợp với hoàn cảnh thời bấy giờ, dưới chế độ nhà Hán, mặc dù các quý tộc họ Lưu được phong đất để cai trị, họ không được quyền xây dựng quân đội. Tuy nhiên, nhà Tấn lúc này vẫn còn trong chiến tranh giai đoạn Tam Quốc, ông cần phải cho các quý tộc Tư Mã này có quân đội riêng để bảo vệ vùng đất họ cai trị và hỗ trợ Hoàng đế khi cần. Việc này khá hợp lý vào thời điểm đó, nhưng chúng ta sẽ nhanh chóng thấy, đây cũng là một trong những nguyên nhân mở ra thời Loạn Bát Vương, khi mà các thành viên trong dòng họ Tư Mã này đem quân ra giết lẫn nhau.
Một sự kiện khác cũng quan trọng đối với nhà Tấn xảy ra vào năm 279, khi nhà Ngô cuối cùng cũng đầu hàng trước nhà Tấn, và thiên hạ tan lâu phải hợp, thời kỳ Tam Quốc đã đi đến hồi kết. Sự kiện này để lại rất nhiều ảnh hưởng, nhưng có 2 ảnh hưởng quan trọng nhất đối với thời Loạn Bát Vương. Thứ nhất là do cuộc chiến đã kết thúc, không có lý do gì tiếp tục để lại một đội quân lớn như vậy cả, vì vậy Tư Mã Viêm quyết định cho giải thể hầu hết quân đội TRỪ các đội quân địa phương của các Vương họ Tư Mã, nghĩ rằng nếu phần lớn binh quyền khắp nơi đều thuộc về dòng họ Tư Mã thì không ngoại thích nào có thể cướp ngôi cả, vì đã từng có rất nhiều cuộc nổi loạn do các tướng quân trung thành với nhà Tào nổ ra sau khi Tư Mã Viêm cướp ngôi. Tuy nhiên, bước đi này đã làm suy yếu chính quyền trung ương khi đa phần quân đội của chính quyền bị giải giáp, nhưng trong thời bình, không ai để ý đến việc đó cả.
Vấn đề thứ 2 là sau khi đã thống nhất đất nước xong, Trung Hoa đã được thái bình, bắt đầu hồi phục sau chiến tranh, nền kinh tế phát triển và của cải ngày càng tăng. Nhưng chính quyền mới bắt đầu trở nên tham nhũng, vơ vét của cải, dẫn đầu bởi chính Tư Mã Viêm, người ban đầu là một Hoàng đế tài giỏi và anh minh, giờ lại chỉ biết đắm mình trong tửu sắc và cung nữ. Với hơn 10,000 phi tần trong hậu cung, Tấn Vũ Đế không biết nên ngủ với ai nên đành dùng dê để kéo xe đi khắp chốn hậu cung, nếu xe dừng ở đâu, Hoàng đế sẽ ngủ với cung nữ ở đấy. Vì vậy các cung nữ đều thi nhau để cành dâu trước cửa để dẫn dụ dê kéo Hoàng đế tới chỗ mình. Tham nhũng lan rộng xa khỏi kinh thành, khi mà các quý tộc giờ có sở thích đem tài sản của mình ra khoe với các quý tộc khác xem ai giàu hơn, có người tiêu hơn 1 vạn tiền cho mỗi bữa cơm chỉ để chứng tỏ sự giàu có của mình. Khi ông lâm bệnh sắp qua đời, những người con của ông còn quyết định tăng lên 2 vạn tiền mỗi bữa.
Với mức độ tham nhũng và hoang phí như vậy, khiến cho vương triều nhà Tấn suy yếu, nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp mở đầu cho Loạn Bát Vương, để biết về việc đó, quay trở lại với phần 2 của series khi chúng ta nói về vấn đề đặt Thái tử (太子) và Hoàng đế thiểu năng trí tuệ Tư Mã Trung (司馬衷)