Dịch từ: Serious Trivia
PHẦN 2: HOÀNG ĐẾ THIỂU NĂNG TƯ MÃ TRUNG.
Trong phần trước, chúng ta đã tập trung nói về sự lớn mạnh của gia tộc Tư Mã và việc Tư Mã Viêm (司馬炎) thống nhất Trung Hoa và thành lập nhà Tấn như thế nào. Trong phần này, chúng ta sẽ chuyển hướng sang nói về con của ông, Thái tử Tư Mã Trung (司馬衷), người bị thiểu năng trí tuệ nhẹ và không phù hợp để cai trị đất nước.
Tư Mã Trung là con thứ 2 của Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm và Hoàng hậu Dương Diễm (楊艷), con cả của hai người là Tư Mã Quỹ (司馬軌) không may mất khi chỉ mới 2 tuổi, do đó Tư Mã Trung trở thành người con lớn nhất trong gia đình.
Không lâu sau khi Tư Mã Viêm lên làm Hoàng đế vào năm 265, ông phải đứng trước lựa chọn xem ai sẽ là Thái tử nối ngôi, và chính quyết định của ông đã gián tiếp khiến nhà Tấn sụp đổ. Vì Tư Mã Trung là người con lớn nhất của Tư Mã Viêm, theo lẽ tự nhiên thì ông sẽ là người nối dõi. Nhưng có một số vấn đề không hề nhỏ, Tư Mã Trung lúc đó đã lớn tuổi nhưng vẫn ngờ nghệch, có lần nghe tin dân bị đói, không có gạo ăn, ông hỏi lại: “Dân không có gạo ăn, sao không ăn thịt?”
Có thể mọi người thắc mắc tại sao Tư Mã Trung như vậy mà lại được chọn làm Thái tử và sau đó làm Hoàng đế? Làm sao Tư Mã Viêm với khả năng thống nhất Trung Hoa thời Tam Quốc không biết con mình bị thiểu năng được? Nếu biết như thế thì tại sao nhất định phải chọn Tư Mã Trung, chắc chắn còn rất nhiều người con khác của ông với 10,000 phi tần để chọn mà? Nhưng Tư Mã Trung có rất nhiều tác nhân giúp ông được làm Thái tử, và lần này chúng ta sẽ dành cả một phần chỉ để nói về các nhân tố đó:
Thứ nhất là chú mình tức Tư Mã Du (司馬攸), nếu các bạn còn nhớ trong phần 1 thì Tư Mã Du chính là em trai cùng cha mẹ của Tư Mã Viêm, con trai của Tư Mã Chiêu (司馬昭), sau này được bác mình là Tư Mã Sư (司馬師) nhận nuôi để nối dõi. Nhưng do Tư Mã Sư mất lúc Tư Mã Du còn quá nhỏ, Tư Mã Chiêu đã lên thay và hứa sau khi ông mất sẽ truyền ngôi Tấn Vương cho Tư Mã Du, nhưng do một số lý do đã nói rõ trong phần 1, Tư Mã Chiêu đã đổi ý và truyền ngôi lại cho con cả là Tư Mã Viêm, người cùng năm làm đảo chính soán ngôi họ Tào lập ra nhà Tấn.
Như vậy nếu bạn là Tư Mã Du, bạn sẽ cảm thấy bị lừa, nhưng nếu bạn là Tư Mã Viêm, bạn sẽ cảm thấy bị đe doạ. Đối với Tư Mã Viêm mà nói, Tư Mã Du chính là mối nguy hại nhất cho ngai vàng của mình, bởi lời hứa của Tư Mã Chiêu giúp Tư Mã Du có cớ để cướp ngôi. Vì vậy Tư Mã Viêm đã cố gắng ngăn chặn việc này bằng cách theo truyền thống và phong con cả Tư Mã Trung làm Thái tử. Bởi nếu Tư Mã Viêm phá vỡ truyền thống và đưa con thứ lên nối dõi, thì sau khi ông mất triều đình chắc chắn sẽ tranh cãi về quyết định này, mở đường cho em trai Tư Mã Du vốn được Tư Mã Chiêu hứa nhường ngôi cho lên làm Hoàng đế. Như vậy dù không có ý giúp đỡ Tư Mã Trung, Tư Mã Du đã gián tiếp đẩy Tư Mã Viêm chọn Tư Mã Trung làm Thái tử.
Người thứ hai là mẹ mình tức Hoàng hậu Dương Diễm, khá hợp lý khi bà tìm mọi cách để đưa con mình lên làm Thái tử, ngoài tình cảm mẹ con ra, Dương Diễm đồng thời có nguy cơ mất rất nhiều quyền lực nếu Tư Mã Trung không được nối ngôi. Bởi nếu Tư Mã Trung lên làm Hoàng đế, bà sẽ được làm Hoàng thái hậu, còn nếu không thì bà sẽ từ Hoàng hậu xuống chỉ còn 1 trong số 10,000 phụ nữ chốn hậu cung. May mắn cho bà là Hoàng đế Tư Mã Viêm rất sủng ái và coi trọng ý kiến của bà.
Dương Diễm vốn là thành viên họ nhà Dương, một gia tộc đầy quyền lực từ thời nhà Hán, được gọi là Tứ thế Tam công (四世三公), tức cả bốn đời liên tục đều có người trong dòng họ lên tới chức Tam công, nếu ai quen thuộc với Tam Quốc thì Tứ thế Tam công còn được dùng để miêu tả họ Viên của hai anh em Viên Thiệu (袁紹) và Viên Thuật (袁术), có thể thấy, họ Dương là gia tộc rất có tiếng nói trong kinh thành nên Tư Mã Viêm phải tôn trọng và đối xử tốt với bà. Ngoài ra, Dương Diễm còn được mô tả là một người xinh đẹp và rất giỏi thêu thùa may vá, vốn được coi là một trong những chuẩn mực tốt của phụ nữ thời đó, khiến Tư Mã Viêm rất sủng ái. Cuối cùng, mặc dù có hơn 10,000 phi tần trong cung, Tư Mã Viêm vẫn muốn giữ Hoàng hậu vui lòng và rất ít khi nói không với Dương Diễm, mỗi khi xét chọn phi tần, Hoàng đế cũng phải hỏi qua ý kiến và để Hoàng hậu quyết định.
Như vậy sự ủng hộ của Dương Diễm đối với Tư Mã Trung cũng là ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của Tư Mã Viêm. Vì vậy vào năm 267, chỉ 2 năm sau khi lên làm Hoàng đế, Tư Mã Viêm đã phong Tư Mã Trung, lúc ấy chỉ mới 9 tuổi, lên làm Thái tử. Nhưng mọi việc không suôn sẻ cho lắm đối với Dương Diêm, vào năm 274, ở tuổi 37, Dương Diễm lâm bệnh nặng và giấc mơ làm Thái hậu tan biến. Một điều bà lo lắng hơn cả là vào thời điểm đó Tư Mã Viêm bắt đầu sủng ái Quý tần Hồ Phương (胡芳), sợ rằng sau khi bà mất, Tư Mã Viêm sẽ chọn Hồ Phương làm Hoàng hậu, sau đó Hồ Phương sẽ xin cho con mình làm Thái tử thay Tư Mã Trung vốn bị thiểu năng. Do đó trên giường bệnh của mình, Dương Diễm đã cầu xin chồng lấy em họ mình là Dương Chỉ (杨芷) làm Hoàng hậu, Tư Mã Viêm chưa bao giờ nói không với vợ nên đồng ý.
Điều đó đưa chúng ta đến nhân tố thứ ba giúp đỡ Tư Mã Trung là Dương Chỉ, người vừa là mẹ kế, vừa là dì của Thái tử. Bà biết rằng hôn nhân giữa bà và Hoàng đế chỉ là một bước đi chính trị của gia tộc mình, nên Dương Chỉ đóng vai là một người vợ, người mẹ và Hoàng hậu cực kỳ tốt và nhanh chóng được Tư Mã Viêm sủng ái. Hoàng hậu Dương Chỉ cũng giống như Dương Diễm và làm mọi cách mình có thể để giữ Tư Mã Trung làm Thái tử, mặc dù bà ít có động lực hơn bởi Tư Mã Trung không phải con của bà và biết rằng mình chỉ là một con cờ cho gia tộc Dương mở rộng quyền lực.
Nói về Dương gia, trưởng tộc họ Dương lúc này là Dương Tuấn (杨骏), cha của Dương Chỉ, tức ông ngoại của Tư Mã Trung, do có con làm Hoàng hậu và trước đây vốn làm tướng quân, được thăng tiến nhanh chóng, biết rằng Thái tử Tư Mã Trung bị thiểu năng, Dương Tuấn muốn sau khi Tư Mã Viêm chết thì mình sẽ được lên làm nhiếp chính và đứng sau điều khiển triều đình, việc này sẽ là điểm mở đầu cho Loạn Bát Vương và rất quan trọng đối với các sự kiện diễn ra sau này, nhưng lúc này, chúng ta chỉ cần biết Dương Tuấn là người rất muốn Tư Mã Trung làm Hoàng đế và cũng là người giúp đỡ thứ tư của ông.
Tiếp theo là Tư Mã Duật (司马遹), con cả của Tư Mã Trung, nếu mọi người nghĩ Dương Chỉ vừa là dì, vừa là mẹ kế của Tư Mã Trung đã hơi kỳ rồi, thì đoán xem mẹ của Tư Mã Duật là ai nhé, đó chính là Tạ Cửu (謝玖), một phi tần của Tư Mã Viêm. Tại sao Tư Mã Trung lại làm phi tần của cha mình mang thai? Ngắn gọn thì do Tư Mã Viêm yêu cầu Tạ Cửu dạy cho Tư Mã Trung cách quan hệ, mọi người thấy đó, Tư Mã Trung bắt đầu lấy vợ và phi tần ở tuổi 13, nhưng đã 7 năm trôi qua mà vẫn chưa sinh được đứa con, do đó Tư Mã Viêm nghĩ do có chuyện gì đó xảy ra và có thể đứa con thiểu năng của mình không biết làm chuyện giường chiếu. Thế là… ông cho Tạ Cửu xuống để dạy con mình một số điều cơ bản, có trời mới biết Tạ Cửu làm ăn thế nào mà có thai luôn với Tư Mã Trung (LOLLLLL, Alabama tuổi tý ?). Nhưng do Tạ Cửu sống chung với Tư Mã Viêm, Tư Mã Trung còn không biết đến sự tồn tại của đứa con cho đến khi Tư Mã Duật được gặp cha mình lúc 5 tuổi.
Làm thế nào mà đứa trẻ này giúp cha mình được giữ làm Thái tử? Bởi vì Tư Mã Duật sinh ra bởi Tạ Cửu, đứa trẻ này ở bên cạnh Tư Mã Viêm từ nhỏ, và ông cực kỳ yêu thích cháu mình. Mặc dù Tư Mã Duật có người cha bị thiểu năng, ông đã cho thấy mình là một người có tố chất thông minh từ nhỏ, thậm chí còn được xem là ngang ngửa với Tằng tổ của mình: huyền thoại Tư Mã Ý (司馬懿). Truyện kể một tối nọ, khi một phần cung điện bị cháy và Tư Mã Viêm dẫn cháu mình ra xem cảnh dập lửa, Tư Mã Duật đã kéo ông mình vào một góc tối và nói trong trong buổi tối như vậy, rất nguy hiểm nếu Hoàng đế bị nhìn thấy dưới ánh sáng, Tư Mã Viêm coi đây là một câu nói tuyệt vời từ một đứa trẻ 5 tuổi nên giáo dục Tư Mã Duật rất tốt và đi đâu cũng khoe về cháu mình ngang với Tư Mã Ý.
Như vậy trong thâm tâm của mình, Tư Mã Viêm muốn mình sống lâu chút để sau này Tư Mã Trung chỉ trị vì một thời gian ngắn, sau đó nhường ngôi cho cháu là Tư Mã Duật, thiên tài sẽ đem lại một triều đại vàng son cho nhà Tấn. Như vậy Tư Mã Duật cũng là người giúp Tư Mã Trung giữ chức Thái tử.
Cuối cùng, chúng ta đến với vợ của Tư Mã Trung, Giả Nam Phong (賈南風), người sau này sẽ trở thành Giả Hoàng hậu, và khơi mào ra cuộc Loạn Bát Vương. Để biết làm thế nào bà đã gây ra Loạn Bát Vương và giúp đỡ chồng mình là giữ chức Thái tử như thế nào, trở lại với phần 3, khi chúng ta nói về một trong những Hoàng hậu tai tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa.