Dịch từ: Serious Trivia
PHẦN 6: VÒNG 3: HỢP BINH ĐÁNH TƯ MÃ LUÂN
Trong phần trước, chúng ta thấy ngọn lửa chiến tranh tiếp tục bùng phát sau 8 năm hoà bình, khi mà sự đố kỵ của Giả Nam Phong (賈南風) đã báo ứng với bà sau khi Hoàng hậu giết chết Thái tử Tư Mã Duật (司马遹), mở đường cho Triệu Vương (趙王) Tư Mã Luân (司馬倫) lên soán ngôi Tư Mã Trung (司馬衷) làm Hoàng đế.
Chỉ trong 1 tháng sau khi Tư Mã Luân cướp ngôi, các vị Vương khác trong Hoàng tộc đã lần lượt nổi dậy phản đối, dẫn đầu trong số đó là Tề Vương (齊王) Tư Mã Quýnh (司馬冏), trong phần trước đã hỗ trợ Tư Mã Luân đảo chính giết chết Giả Nam Phong. Nhưng tham vọng của Tư Mã Luân khiến 2 người mâu thuẫn với nhau, và Tư Mã Luân đã gửi Tư Mã Quýnh đến Hứa Xương, xa khỏi kinh thành và đưa một số gián điệp đến đó theo dõi Tư Mã Quýnh. Nhưng Tư Mã Quýnh lừa được các gián điệp này, khiến họ báo thông tin sai về cho Tư Mã Luân và Tôn Tú (孫秀), cho phép ông chuẩn bị phát động chiến tranh.
Chưa đầy 1 tháng sau đó, Tư Mã Quýnh truyền hịch cho các sĩ nhân trong thiên hạ, tố cáo các tội danh của Tư Mã Luân, và kêu gọi các vị Vương như Thành Đô Vương (成都王) Tư Mã Dĩnh (司马颖), Hà Gian Vương (河間王) Tư Mã Ngung (司馬顒) và nhiều người khác, cùng ông xuất binh tiến đánh Lạc Dương để lật đổ Tư Mã Luân và trao ngôi vị lại cho Tư Mã Trung.
Khi Tư Mã Quýnh tiến quân đến kinh thành, Thành Đô Vương Tư Mã Dĩnh là người đầu tiên ủng hộ lời kêu gọi của ông. Như đã nói trong phần trước, Tư Mã Dĩnh là người bị Hoàng hậu đuổi khỏi Lạc Dương bằng cách đưa đi trấn thủ Nghiệp Thành sau khi ông mắng Giả Mật (賈謐), đây vốn là công việc cũ của Tư Mã Luân. Mặc dù Tư Mã Dĩnh không được thông minh cho lắm, ông rất sẵn lòng lắng nghe các ý kiến của mưu sĩ Lư Chí (卢志), chắt của Lư Thực (卢植), tướng quân giúp nhà Hán dẹp loạn Khăn Vàng, thầy của Lưu Bị (刘备) và Công Tôn Toản (公孫瓚). Quay trở lại với Lư Chí, ông là một mưu sĩ rất được Tư Mã Dĩnh tin tưởng và khuyên vị Vương này nên liên minh với Tư Mã Quýnh. Tư Mã Dĩnh đồng ý, bởi nhờ Lư Chí mà ông đã thành công suốt 2 năm trấn giữ Nghiệp Thành, xây dựng được một đội quân gồm 200,000 người, khiến ông trở thành vị Vương mạnh nhất tại Trung Hoa lúc bấy giờ.
Xa hơn nữa ở phía bắc, Thường Sơn Vương (常山王) Tư Mã Nghệ (司馬乂) cũng ủng hộ lời kêu gọi của Tư Mã Quýnh. Đây là lần đầu tiên chúng ta nhắc đến Tư Mã Nghệ, cũng là một trong số Bát Vương, ông sinh năm 277, và là con thứ 6 của Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm (司馬炎), tức em trai Tư Mã Trung, ông đồng thời cũng là em trai cùng cha mẹ của Sở Vương (楚王) Tư Mã Vĩ (司馬瑋) đã bị Giả Nam Phong giết. Năm 289, ở tuổi 12, Tư Mã Nghệ được Tấn Vũ Đế phong cho làm Trường Sa Vương (長沙王), trước khi băng hà. Khi Giả Nam Phong hại Tư Mã Vĩ, Trường Sa Vương Tư Mã Nghệ lúc đó còn ở trong kinh thành do tuổi còn quá nhỏ, do Tư Mã Vĩ và Tư Mã Nghệ có cùng mẹ, Hoàng hậu sợ rằng sau này Tư Mã Nghệ sẽ báo thù cho anh mình nên phế ông từ Trường Sa Vương xuống làm Thường Sơn Vương. Mặc dù nghe có vẻ giống nhau, nhưng Trường Sa là một vùng đất rộng và giàu tài nguyên ở phía nam, thời Tam Quốc là căn cứ của Tôn Kiên (孫堅), còn Thường Sơn là một vùng núi nhỏ phía bắc, nổi tiếng là quê của Triệu Vân (趙雲). Không chỉ bị phế chức, ông còn bị đuổi khỏi kinh thành đến quận mình cai trị là Thường Sơn ở tuổi 14, thời gian trôi qua 10 năm, và giờ đây Tư Mã Nghệ đã tham gia khởi binh cùng với Tư Mã Quýnh, mục đích để phế bỏ vị Hoàng đế Tư Mã Luân và lập ngôi vị lại cho anh mình là Tư Mã Trung. Mặc dù quân đội của ông rất nhỏ, Tư Mã Nghệ sẽ đóng một vai trò quan trọng giúp bảo vệ sườn cho Tư Mã Dĩnh tiến quân trong chiến dịch này.
Vị Vương cuối cùng cần nhắc tới trong phần này là Hà Gian Vương Tư Mã Ngung. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta nhắc tới Tư Mã Ngung, ông là con của Thái Nguyên Vương (太原王) Tư Mã Côi (司馬瓌), Tư Mã Côi là con của Tư Mã Phu (司馬孚), em trai huyền thoại Tư Mã Ý (司馬懿). Nhắc tới Tư Mã Phu, có một sự thật thú vị là trong suốt quá trình Tư Mã Sư (司馬師) và Tư Mã Chiêu (司馬昭) cố mở rộng quyền lực họ Tư Mã để cướp ngôi, chú của 2 người là Tư Mã Phu vẫn quyết trung thành với nhà Tào Nguỵ và từ chối bất kỳ chức tước nào Tư Mã Viêm ban cho sau khi ông lật đổ Hoàng đế Tào Hoán (曹奐). Mặc dù là họ hàng khá xa của Tư Mã Trung, Tư Mã Ngung chứng tỏ mình là một tướng quân rất giỏi, và được giao nhiệm vụ trấn thủ Nghiệp Thành vào 291 và Quan Trung vào năm 299.
Khi tin tức về Tư Mã Quýnh huy động quân đội tấn công Tư Mã Luân, một tướng lĩnh địa phương ở phía tây là Hạ Hầu Hân (夏侯欣) cũng có ý định đưa quân đến hỗ trợ ông, nhưng sau khi Tư Mã Ngung đánh giá sơ bộ tình hình, ông quyết định gia nhập Tư Mã Luân và sai bộ tướng của mình là Trương Phương (張方) đem quân giết Hạ Hầu Hân. Không chỉ vậy, khi sứ giả của Tư Mã Quýnh đến gặp ông để đưa thư hỏi ông có ủng hộ khởi binh hay không, Tư Mã Ngung chém đầu người này và trao thủ cấp về cho Tư Mã Quýnh.
Vui mừng khi thấy đội quân tinh nhuệ phía tây vẫn trung thành với mình, Tư Mã Luân viết thư kêu gọi Tư Mã Ngung cùng hợp binh tại Lạc Dương với ông. Và giờ chúng ta có 5 vị Vương là Triệu Vương Tư Mã Luân, Tề Vương Tư Mã Quýnh, Thành Đô Vương Tư Mã Dĩnh, Thường Sơn Vương Tư Mã Nghệ và Hà Gian Vương Tư Mã Nghệ cùng tiến đánh lẫn nhau, tương lai của nhà Tấn bị đe doạ nghiêm trọng.
Trận đánh đầu tiên diễn ra trong chiến dịch này là ở phía đông khi mà đội quân ở Lạc Dương của Tư Mã Luân đánh nhau với quân của Tư Mã Quýnh. Mặc dù đã chuẩn bị từ trước, Tư Mã Quýnh vẫn bị đánh bại bởi đội quân của Trương Hồng (张虹) do Tư Mã Luân cử tới. 20 vạn quân của Tư Mã Dĩnh cũng bị đẩy lùi, mất đến 8,000 binh lính, trong trận đánh với bộ tướng của Tư Mã Luân là Từ Siêu (徐超). Vị Thành Đô Vương Tư Mã Dĩnh 23 tuổi lần đầu tiên chỉ huy đánh trận đã hoảng sợ và đòi trở về Nghiệp Thành, nhưng nhờ có mưu sĩ Lư Chí can ngăn, ông nhanh chóng tập hợp lại quân đội và tiếp tục chiến dịch.
Giai đoạn đầu tiên của chiến dịch hai bên chỉ cầm cự và không ai thắng thế cả. Trong thời gian đó, Tư Mã Luân và Tôn Tú chỉ ở kinh thành và tổ chức lễ tế thần, nhằm xin chỉ dẫn từ Thượng đế và cầu nguyện cho quân đội ở chiến trường. Tôn Tú một lần nữa dùng mánh cũ của mình là lợi dụng các thứ mê tín dị đoan ông học được trong khi nghiên cứu về phép thuật phù thuỷ để loan tin về những chiến thắng vĩ đại trên chiến trường, nhằm khích lệ binh sĩ. Nhưng không ai tin cả và các đại thần trong triều bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với những thứ mê tín nhảm nhí của Tư Mã Luân và Tôn Tú.
Tệ hơn nữa là Tư Mã Luân phản ứng cực kỳ thái quá với các tin tức ở chiến trường. Bất kể khi nào có tin tức chiến thắng về, ông lại phóng đại nó với các quan chức và tổ chức lễ tế thần để cảm ơn Thượng đế. Nhưng khi có bất cứ tin tức về thất bại nào được truyền tới, ông lại giấu đi và hạ lệnh cho toàn bộ toán quân rút về Lạc Dương để phòng thủ, rồi sau đó lại huỷ lệnh sau khi bình tĩnh xem xét tình hình. Những lệnh rút lui rồi lại tiến công này khiến cho các cấp chủ huy hoàn toàn rối loạn.
Sự rối loạn này khiến cho đạo quân phía bắc của Tư Mã Luân, vốn đã phải chống lại đội quân khổng lồ của Tư Mã Dĩnh, bị tiêu diệt hoàn toàn. Với chiến thắng quyết định này, Tư Mã Dĩnh ngay lập tức hạ lệnh cho quân đội chuẩn bị vượt sông Hoàng Hà và tiến thẳng vào kinh thành. Cùng thời điểm đó, quân của Tư Mã Quýnh lại không thành công cho lắm và bế tắc với quân Tư Mã Luân tại Hứa Xương. Tư Mã Nghệ trong khi đó đã giúp dẹp yên một cuộc khởi nghĩa của phe cánh ủng hộ Tư Mã Luân ở Nghiệp Thành, giữ vững hậu phương cho Tư Mã Dĩnh đang chuẩn bị tiến vào Lạc Dương.
Ở phía tây, Tư Mã Ngung khi đang tiến quân đến kinh thành thì nghe tin đạo quân phía bắc của Tư Mã Luân bị Tư Mã Dĩnh đánh bại nên quyết định đổi phe và tham gia liên minh của Tư Mã Quýnh. Với Lạc Dương bị bao vây từ mọi phía, Tư Mã Luân và Tôn Tú đã lên kế hoạch chuẩn trốn khỏi kinh thành. Nhưng Tả Trung Lang Tướng (左中郎將) lúc bấy giờ Vương Duật (王遹) đã cùng 700 quân lính làm một cuộc đảo chính và giết chết Tôn Tú, bắt Tư Mã Luân đầu hàng, trả ngai vàng lại cho Tư Mã Trung. Tư Mã Luân lúc đó không còn cách nào khác liền đổ hết tội lên đầu Tôn Tú để bảo vệ mạng sống của mình. Tư Mã Luân sau đó được áp giải đến thành Kim Dung, chờ các vị Vương khác quyết định số phận. Nhưng trước khi có bất cứ vị Vương nào tới được kinh thành, các quan chức trong triều vốn đã căm thù Tư Mã Luân sau khi cướp ngôi nên ép ông uống thuốc độc tự sát. Chỉ sau 3 tháng tại vị, Hoàng đế Tư Mã Luân đã bị giết chết, và 4 người con của ông sau đó cũng bị xử trảm.
Với cái chết của Tư Mã Luân, vòng 3 của cuộc Loạn Bát Vương đã kết thúc, nhưng với nhiều vị Vương như vậy, vòng tiếp theo của cuộc Loạn Bát Vương sẽ nhanh chóng nổ ra. Trong số này, Thành Đô Vương Tư Mã Dĩnh là người đầu tiên đến được kinh thành, ông nghe theo lời của mưu sĩ Lư Chí nên chỉ cho quân đội đóng ngoài thành, vào kinh một mình để cho thấy bản thân tôn trọng anh trai Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung, và trao quyền kiểm soát lại cho Tề Vương Tư Mã Quýnh, người thành lập liên minh, ông đòng thời cũng đưa một phần quân đội mình tới hỗ trợ Tư Mã Quýnh, lúc này đang đánh nhau bế tắc trước tàn dư của quân trung thành với Tư Mã Luân.
Tuy nhiên, đội quân này cũng nhanh chóng đầu hàng sau khi nghe tin về cuộc đảo chính của Vương Duật và cái chết của Tư Mã Luân. Sau đó quân của Tư Mã Quýnh cuối cùng cũng đến được kinh thành. Tư Mã Quýnh hạ lệnh cho 10 vạn quân của mình tiến thẳng vào trong kinh thành, còn mình thì đến ở chỗ dinh thự cũ của cha là Tư Mã Du (司馬攸). Hoàng đế sau khi nghe Tư Mã Dĩnh nói Tư Mã Quýnh là người đầu tiền khởi binh đánh Tư Mã Luân thì trọng thưởng, cho ông nhiếp chính.
Tư Mã Quýnh sau đó ban thưởng cho các vị Vương đã đưa quân tới giúp mình. Ông muốn phong Tư Mã Dĩnh làm Đại tướng quân nhưng Tư Mã Dĩnh từ chối và đơn giản chỉ muốn trở về căn cứ Nghiệp Thành để trấn thủ biên cương phía bắc cho nhà Tấn. Tư Mã Nghệ thì được phong trở lại làm Trường Sa Vương, và được giữ một chức quan tại kinh thành. Tư Mã Ngung dù trước đây liên minh với Tư Mã Luân nhưng vẫn được thăng chức mặc dù bị yêu cầu quay trở lại Quan Trung để bảo vệ biên giới phía tây.
Mặc dù Tư Mã Quýnh không muốn soán ngôi như Tư Mã Luân, ông cũng là một nhiếp chính bất tài và tham lam, nghĩ rằng dinh thự của cha mình quá nhỏ so với chức vị hiện tại, ông bắt hơn 100 hộ gia đình phải bỏ đi nơi khác để mở rộng dinh thự cho mình, bắt tất cả các tấu sở phải đến tay ông trước rồi mới truyền cho Hoàng đế.
Trong khi ông lo sống hưởng thụ trong vinh hoa phú quý, các chỉ huy dưới quyền ông cũng lo đấu đá tranh giành quyền lực. Một trong những chỉ huy thua trong cuộc đấu đá này là Lý Hán (李汉), khiến ông bị mất một chức quan cao. Vì vậy vào tháng 4 năm 302, không lâu sau khi Tư Mã Quýnh được phong làm nhiếp chính, Lý Hán viết thư cầu cứu cho Tư Mã Ngung, biết rằng ông đang ghét Tư Mã Quýnh sau khi được ban thưởng ít như vậy mặc dù đổi phe chống lại Tư Mã Luân. Trong thư, Lý Hán nói mặc dù Tư Mã Quýnh không có tham vọng cướp ngôi, hành động kiêu ngạo và lấn quyền của Tư Mã Quýnh là không thể chấp nhận được, và xin Tư Mã Ngung viết hịch kêu gọi các vị Vương khác hợp binh đánh Tư Mã Quýnh sau đó lên thay làm nhiếp chính.
Như chúng ta đã thấy qua việc Tư Mã Ngung đổi phe, ông không có ngu để làm quân cờ cho người khác và biết rằng đang yên bình thì viết hịch kêu gọi khởi binh một lần nữa là không thể. Nên đã lên kế hoạch khác để có danh chính ngôn thuận đem quân đi đánh Tư Mã Quýnh. Đầu tiên, ông bí mật viết thư cho các vị Vương thân cận với mình, nhất là Tư Mã Dĩnh lúc này nắm giữ một đội quân hùng hậu, rằng ông đang lên kế hoạch lật đổ Tư Mã Quýnh. Sau đó, ông cho người của mình ở kinh thành phao tin rằng các vị Vương khác đang chuẩn bị hợp binh để đánh Tư Mã Quýnh, và Trường Sa Vương Tư Mã Nghệ, lúc này đang ở kinh thành, sẽ thông đồng mở một cuộc đảo chính lật đổ Tư Mã Quýnh từ bên trong. Tư Mã Nghệ vốn chỉ là một vị Vương nắm rất ít binh quyền sau khi bị Hoàng hậu phế chức, nên không được Tư Mã Ngung thông báo cho kế hoạch. Tư Mã Ngung chỉ hy vọng rằng tin đồn này sẽ khiến Tư Mã Quýnh xử trảm Tư Mã Nghệ, giúp ông có cớ liên minh với Tư Mã Dĩnh đánh Tư Mã Quýnh.
Quả đúng như vậy, sau khi tin đồn đến được tai Tư Mã Quýnh, ông liền hạ lệnh bắt giữ và chém đầu Tư Mã Nghệ. Tuy nhiên, không muốn làm tốt thí trong trận chiến giữa Tư Mã Ngung và Tư Mã Quýnh, Tư Mã Nghệ lúc đó chỉ huy chưa tới 100 vệ binh đã mở một cuộc đảo chính thần kỳ, giúp tên tuổi ông được xếp ngang hàng với các Bát Vương khác trong sử sách. Để biết Tư Mã Nghệ đã làm gì, trở lại với phần sau nhé.
Phần 5: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1154706381547330?sfns=mo