LOẠN AN SỬ – BƯỚC NGOẶT CỦA TRIỀU ĐẠI NHÀ ĐƯỜNG

LOẠN AN SỬ – BƯỚC NGOẶT CỦA TRIỀU ĐẠI NHÀ ĐƯỜNG

Hoàn toàn có lý khi cho rằng, nhà Đường chính thức bắt đầu suy vong kể từ sự kiện binh biến An Lộc Sơn, giữa thế kỷ thứ 8. Rất nhiều vấn đề của Đại Đường phát sinh gián tiệp hoặc trực tiếp từ cuộc nổi loạn này. Do đó, để trả lời cho câu hỏi “Nhà Đường đã sụp đổ như thế nào?”, hãy cùng phân tích bảy năm Loạn An Sử.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự suy yếu đáng kể của nhà Đường ngay sau Loạn An Sử, tuy nhiên có thể chỉ ra ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, sự mất kiểm soát của triều đình trước các phiên trấn địa phương do các tướng lĩnh du mục cai quản. Thứ hai, sự suy giảm nguồn cung chiến mã, tác động lớn tới năng lực quân đội trung ương vốn phụ thuộc nhiều vào kỵ binh. Cuối cùng, sự thay đổi đường lối ngoại giao, khác với chính sách “trong rắn ngoài mềm” thời gian đầu, nhà Đường giai đoạn này trở nên “khép mình” trong đối ngoại.
Thực tế thì sau cuộc nội chiến hủy diệt tới 2/3 dân số, nhà Đường vẫn tiếp tục tồn tại thêm một thế kỷ nữa. Cũng có nhiều thời kì triều đại này cố gắng đứng dậy với nhiều cải cách hành chính tích cực. Nhưng nhìn chung, sau Loạn An Sử, những điểm yếu chết người của đế chế đã bị phơi bày và mãi không thể khắc phục được, nhà Đường đi xuống từ đây và không thể một lần lấy lại được hào quang như thời Trinh Quán Chi Trị nữa.
Đầu tiên hãy cùng lướt qua vài điểm về An Lộc Sơn, thủ lĩnh của cuộc nổi loạn. An Lộc Sơn là “tiết độ sứ’ nắm giữ nhiều binh lực nhất Đại Đường. Ông mang trong mình hai dòng máu Thổ và Sogdian, tên Lộc Sơn là phiên âm từ Rokhshan trong tiếng Sogian. Đương thời, Lộc Sơn rất được Dương Quý Phi (sủng phi của Đường Minh Hoàng) sủng ái. Thời gian trước khi làm phản, ông có mâu thuẫn gay gắt với Dương Quốc Trung, anh họ Dương Quý Phi, đây có thể xem là mầm mống gây ra Loạn An Sử.
Câu hỏi đặt ra là tại sao một kẻ du mục, mang dòng máu lai tạp lại có thể nắm trong tay nhiều đơn vị quan trọng bậc nhất quân đội nhà Đường? Lịch sử hình thành nhà Đường có thể cho chúng ta câu trả lời.
Từ khi nhà Đông Hán chính thức diệt vong năm 220 tới khi nhà Tùy được thành lập vào thế kỉ thứ 6, Trung Hoa đã trải qua rất nhiều giai đoạn phân ly ngắn. Khoảng thời gian này chứng kiến nhiều nhóm người Mông Cổ, người Tungus, người Thổ vượt qua ranh giới thảo nguyên, lần lượt thành lập nhiều quốc gia khắp miền bắc Trung Quốc. Dù sống ở Trung Nguyên họ vẫn bị ảnh hưởng bởi những truyền thống lâu đời của dân du mục Trung Á, họ tiếp tục gìn giữ và phát huy những kĩ thuật chiến đấu trên lưng ngựa của cha ông.
Gia tộc họ Lý, những người lập nên nhà Đường cũng có rất nhiều thành viên gốc du mục. Hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân vĩ đại là một trong số đó. Thời trẻ, ông được biết đến như một cung kỵ binh xuất chúng. Lý Thế Dân thậm chí còn có hẳn cho mình một cái lều tròn trong sân nhà. Sau này, những binh chủng biên phòng của quân Đường ở miền bắc, có lối tổ chức tác chiến chẳng khác nào chiến binh du mục.
Đó là lí do mà kỵ binh luôn là lực lượng được được đánh giá rất cao trong quân đội nhà Đường. Bởi vì cưỡi ngựa bắn cung là một kĩ năng khó thành thục, nên những kỵ sĩ giỏi nhất thường là người Trung Á. Những lữ đoàn tinh nhuệ nhất được tuyển chọn về kinh đô cũng gồm toàn binh tướng từng chinh chiến nơi miền biên giới phía bắc. Từ lâu, các nhà lãnh đạo họ Lý đã đặt niềm tin vào những kẻ có gốc gác giống như họ.
An Lộc Sơn được Đường Minh Hoàng hết lòng tin tưởng. Ông có trong tay nhiều quân khu đồn trú với số lượng binh lính đông đảo ở khắp miền đông bắc Trung Quốc.
Các thủ lĩnh đánh bại An Lộc Sơn chấm dứt cuộc nổi loạn cũng có lai lịch tương đối giống ông. Việc trả công cho những người này khiến tình trạng phiên trấn, cát cứ xé lẻ đế quốc thành nhiều phần. Chính những cuộc chiến của các nhân vật như An Lộc Sơn, Sử Tư Minh đã thúc đẩy sự ra đời của hàng loạt “tiết độ sứ” với tham vọng trở thành những lãnh chúa, thoát khỏi vòng kiểm soát của chính quyền trung ương.
Hiểu được vấn nạn trên, Hoàng đế đầu tiên của nhà Tống, triều đại tiếp sau nhà Đường, Triệu Khuông Dẫn đã bãi bỏ hoàn toàn chế độ “tiết độ sứ”. “Tiết độ sứ” thời nhà Tống chỉ còn là chức tước danh dự, không nắm nhiều binh quyền.
Vậy nên, đầu tiên, Loạn An Sử đã mở ra thời kì của các lãnh chúa nắm quyền rất lớn về chính trị, kinh tế, quân sự trong lãnh địa của riêng mình. Dần dà, chính quyền nhà Đường trở thành bù nhìn, bề ngoài vẫn đứng đầu cả quốc gia nhưng thực ra không có quyền hành. Lúc này, triều đình không thể thu thuế hiệu quả, không thể tập trung nguồn lực để xây dựng, tư sửa hệ thống đê điều. Và rồi, những cuộc khởi nghĩa như khởi nghĩa Hoàng Sào năm 880 đến như điều tất yếu, giáng cho triều đại một đòn chí tử.
Nguyên nhân thứ hai dẫn tới sự suy sụp của nhà Đường sau Loạn An Sử như đã đề cập ở phần đầu, đó là sự suy giảm về nguồn cung chiến mã. Sau thời gian nội chiến, triều đình nhà Đường lại một lần nữa bị đánh bật khỏi Trường An vào năm 765. Kinh đô lúc này nằm dưới sự kiểm soát của người Tây Tạng và Hồi Hột. Nhờ tài thương thuyết của tướng Quách Tử Nghi mà người Hồi Hột đồng tình trở giáo đánh lại Tây Tạng. Cuối cùng, quân Đường cũng giành lại được Trường An nhưng cũng kể từ đây người Hồi Hột kiểm soát toàn bộ hoạt động buôn bán ngựa khu vực kinh đô, đồng thời sở hữu luôn vùng đồng cỏ Cam Túc. Do đó, quân đội trung ương của nhà Đường vốn phụ thuộc nhiều vào kỵ binh trở nên yếu đi hẳn vì lâm vào tình trạng thiếu nguồn cung ngựa.
Điều cuối cùng, đế chế Đại Đường đạt cực thịnh nhờ một phần từ sự cởi mở, đa dạng về văn hóa, tín ngưỡng. Điều này thay đổi sau thời An Lộc Sơn, mọi giá trị ngoại lai đều bị xem xét rất khắt khe. Câu chuyện về nhà Nho Hàn Dũ, người có ảnh hưởng lớn tới trường phái Tân Nho Giáo của nhà Tống là minh chứng cho điều này. Chuyện là, Ðường Hiến Tông vào những năm cuối đời rất tin đạo Phật. Nghe nói trong ngôi chùa nọ có thờ một đốt ngón tay của đức Phật, cứ 30 năm mới mở ra một lần cho mọi người vào chiêm bái, Hiến Tông lập tức cho rước đốt xương đó vào cung thờ phụng, sau lại rước ra chùa cho mọi người xem. Những cuộc đưa rước, chiêm bái của ông được quan viên hùa theo, hết sức linh đình, xa xỉ…Hàn Dũ viết một bài biểu dâng lên can gián vua, lời lẽ rất đanh thép, khuyên vua nên ném xương Phật vào nước lửa, Phật có giáng tội ông xin chịu hết. Hiến Tông nổi cơn thịnh nộ, truyền đem ông ra chém, may nhờ có nhiều người can gián ông mới thoát chết, chỉ bị giáng chức, đày đi làm Thứ sử ở Triều Châu, nay thuộc tỉnh Quảng Tây.
Sau tất cả, cú đấm trực tiếp làm nhà Đường ngã gục là cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào diễn ra trong suốt một thập kỉ từ năm 874. Hiểu đơn giản, cuộc khởi nghĩa này là kết quả của nạn đói, thảm họa tự nhiên, thuế, quan liêu,… và hàng loạt các yếu tố ở cuối mỗi triều đại quân chủ. Nhưng, nếu phân tích kĩ hơn thì căn nguyên của cuộc khởi nghĩa này phải đến từ trước đó cả trăm năm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *