Loại quả dân dã này vốn mọc đầy cây, chẳng mấy ai ăn nay lại xuất hiện trong bữa ăn của nhiều gia đình: Quả sung.
Theo nghiên cứu hiện đại, loại quả này chứa glucose, saccarose, quinic acid, shikimic acid, oxalic acid, citric acid, malic acid, auxin, các nguyên tố vi lượng như canxi, phot pho, kali… và một số vitamin như C, B1.
Trong y học cổ truyền, quả sung vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ ích vị, nhuận phế lợi hầu, nhuận tràng thông tiện, tiêu thũng giải độc.
Loại quả này thường được dùng để chữa các chứng bệnh như viêm ruột, kiết lỵ, táo bón, trĩ xuất huyết, sa trực tràng, viêm họng, ho, sản phụ thiếu sữa, mụn nhọt lở loét, chán ăn, phong thấp…
Loại quả tươi giàu chất dinh dưỡng trong khi tương đối ít calo, đây được coi là một sự bổ sung tuyệt vời cho một chế độ ăn lành mạnh.
Sung ngâm chua ngọt ăn kèm với món gì cũng ngon, nhất là các món nướng hoặc ốc luộc, hải sản hấp… Bí quyết làm món này để sung được giòn và có màu đẹp, thì khi hái xuống là phải làm ngay. Dù lúc này nhựa khá dính.
Nếu để sung héo mới làm thì nhựa rất ít, nhưng miếng sung sẽ dai và quả sung sẽ ngả màu thâm. Dân Việt giới thiệu cách làm món sung ngâm chua ngọt như sau:
Nguyên liệu muối sung chua ngọt:
– Sung quả: 1kg đã bỏ cuống
– Nước mắm ngon: 2 bát con ( bát đựng nước mắm)
– Đường: 2 bát con
– Dấm: 1 bát con
– Tỏi: 10 nhánh to
– Riềng: 70g
– Sả: 3 cây
– Gừng: 1 nhánh nhỏ tầm ngón tay cái.
– Ớt chuông đỏ: 1/2 quả to ( 1 quả nhỏ )
– Ớt cay: tùy khẩu vị
Cách làm
– Sung quả bỏ cuống, thả vào chậu nước rửa cho bớt nhựa
– Thái sung thành miếng vừa ăn, ngâm vào chậu nước có pha dấm và muối
– Rửa thật nhiều lần nước sau khi thái xong, rửa đến khi nước trong để sung hết chát.
– Cho tất cả chỗ nguyên liệu trên ( trừ sung) vào máy xay sinh tố, xay thật nhuyễn, đều
– Vớt sung đã rửa sạch ra rổ cho ráo nước, rồi cho vào âu, đổ dung dịch vừa xay vào, đảo đều, rồi cho vào lọ, cất trong ngăn mát tủ lạnh
– Sau nửa ngày ngâm là ăn ngon.
Chúc các bạn thành công khi chế biến loại quả này!
*Món ăn và hình ảnh do Fb Thái Hoài Khánh thực hiện.