Loài người sẽ không bao giờ tạo ra được các thể loại âm nhạc mới?
Q: Liệu loài người có khả năng sáng tạo thêm các thể loại âm nhạc mới hay không?
A: (Trả lời ngày 21/11/2012 bởi Josh Siegle)
Mặc kệ một ngày nào đó câu trả lời này sẽ trở thành ngu xuẩn, tôi vẫn cho rằng: Không.
Cả thảy 15 câu trả lời trên đây đều cho rằng: Có. Một vài người lập luận dựa trên lịch sử: những thể loại ngày nay chưa từng có trong quá khứ, vậy sẽ phải có những thể loại trong tương lai mà ngày nay chưa tồn tại. Một vài ý kiến khác đưa ra ví dụ cụ thể: nhạc folktronica, dubstep, garage – vốn dĩ phát triển từ những thể loại vốn có, nhưng giờ có xu hướng tách ra làm một thể loại riêng biệt. Một vài người thậm chí còn cho rằng ai đặt câu hỏi này là thiếu lòng tin vào sự tiến hóa của loài người.
Tôi thì đưa ra luận điểm trái ngược: tất cả những thể loại âm nhạc sẽ được khám phá ra trong tương lai, chúng đều đã được sáng tạo ra vào lúc này, ở một khía cạnh nào đó. Do đó, mọi thể loại mới đều chỉ được phân loại vào thể loại con hoặc tổ hợp của các thể loại hiện tại đang có.
Quan điểm cá nhân này hẳn sẽ gây tranh cãi, vậy nên trước hết chúng ta cần thống nhất một vài thứ. Trước hết, mấu chốt của các câu trả lời cho câu hỏi này nằm ở việc chúng ta định nghĩa một “thể loại” âm nhạc là gì. Nếu đó không có gì hơn là việc gán nhãn cho một nhóm nhạc sĩ, ca sĩ với phong cách, mục tiêu tương đồng, vậy hiển nhiên sẽ có vô vàn những thể loại mới trong tương lai rồi. Loài người thích sắp xếp và phân loại mọi thứ; bên cạnh đó ai ai cũng muốn mình là “tiên phong” rằng tôi sáng tạo một thứ nhạc của riêng mình. Nhưng nếu như ta định nghĩa “thể loại” là một tập hợp các bản nhạc có ý tưởng, dáng điệu, âm thanh nghe khác với tất cả những gì trước đây từng tồn tại, vậy câu hỏi này không còn ngớ ngẩn nữa, thậm chí đây còn là một câu hỏi đáng suy ngẫm.
Thứ tiếp, mặc dù tôi cho rằng đây là đúng, nhưng tôi vẫn mong rằng quan điểm của tôi là sai lầm. Tôi mong rằng biên giới của âm nhạc sẽ mãi được mở rộng, và người nghe chúng ta được thưởng thức vô vàn những thể loại âm nhạc mới, độc đáo như một thế kỷ nay của nhân loại. Tuy nhiên, về mặt lôgic, tôi cho rằng những điều đó không thể xảy ra.
Có hai xu thế phát triển của âm nhạc dẫn đến kết luận của tôi rằng không thể có những thể loại mới được sản sinh. Với hai xu thế này, dường như loài người chúng ta đã đi đến hồi kết của cuốn tiểu thuyết mang tên “lịch sử âm nhạc”:
1. Sự trỗi dậy của âm nhạc ý niệm
“Âm nhạc ý niệm” (nguyên văn: conceptual music), tôi muốn nói đến thứ âm nhạc mà người ta chú trọng vào ý tưởng hơn là nhịp điệu, bè phối, giai điệu. Các tác phẩm của Arnold Schoenberg, John Cage, hay Karlheinz Stockhausen, hoặc những thể loại như free jazz, noise rock musiqua concrète… là những ví dụ tiêu biểu. Điều này đã mở rộng biên giới của âm nhạc đến tối đa có thể: tới cả những âm thanh vô nghĩa. Từ khi âm nhạc ý niệm gây được sự chú ý nhất định, bất cứ thứ gì cũng có thể được coi là âm nhạc; kể cả việc đứng trên sân khấu và ngồi im tuyệt đối không làm gì, như màn trình diễn để đời của Cage “4’33”. Không còn ranh giới thẩm mỹ giữa âm nhạc với những âm thanh nguyên thủy nữa.
Ý tưởng này xuất phát từ nhà tâm lý học Arthur Danto về nghệ thuật tranh ảnh: sau khi Andy Warhol tạo ra những tác phẩm trông không khác gì những vật dụng thường ngày, ranh giới giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật dần được xóa nhòa. Tôi nghĩ âm nhạc cũng vậy thôi. Do đó, mọi ngóc ngách của thế giới âm nhạc đều đã được đặt chân đến. Từ im lặng tuyệt đối đến những âm thanh ghê tai, từ sự yên lặng tĩnh tại đến hoàn toàn hỗn độn, từ thanh âm đường phố đến những bản thu chỉn chu… mọi thái cực của âm nhạc đều đã được khám phá hết. Âm nhạc hiện đại đã chạm tới những góc xa nhất, khuất nhất của cảm xúc. Nó có thể trân trọng hay vô tư, chặt chẽ hay phi lôgic, siêu thực hay thoát tục. Thậm chí từ xa xưa các ý niệm ấy đã xuất hiện, chẳng là nó không đến được tận cùng thái cực như khoảng một thế kỷ gần đây. Vậy nên đường biên giới của âm nhạc đã đến tận cùng, thì, ta có thể tìm được một thứ âm nhạc nào mới mẻ trong đường kẻ ấy không?
2. Khả năng tổng hợp âm nhạc điện tử
Sự ra đời các dòng nhạc mới thường gắn liền vào sự phát minh ra âm thanh mới. Ví dụ điển hình nhất đó là việc sáng tạo ra guitar điện dẫn tới sự ra đời của nhạc rock ’n’ roll. Thêm vào đó, những năm 1970, người ta đã có thể tổng hợp âm thanh điện tử. Từ ấy, âm nhạc điện tử được sinh sôi, và nghe rất khác so mới các thể loại trước đó. Tuy nhiên âm nhạc tổng hợp tương tự (nguyên văn: analog synthesis) vẫn còn rất giới hạn; phải đến khi âm nhạc tổng hợp điện tử (nguyên văn: digital synthesis) ra đời, nhạc điện tử mới phát triển mạnh mẽ.
Nhiều người thường nghĩ âm nhạc sinh ra bởi máy tính thì thật máy móc và vô hồn. Nhưng sự thật là hầu hết các bản nhạc bạn nghe ngày hôm nay đều được tạo ra hoàn toàn từ máy tính. Các phòng thu điện tử thống lĩnh thị trường bởi chi phí vừa phải, sự linh hoạt, và về cơ bản là nghe không khác gì với phòng thu tương tự. Những đôi tai thuần khiết nhất vẫn nói rằng âm nhạc từ tín hiệu tương tự nghe vẫn hơn, cái đó thì không thể chối cãi trong một số trường hợp; nhưng với những thuật toán bá đạo hiện nay, giả lập tiếng piano, organ, guitar… nhìn chung là hoàn hảo. Bên cạnh đó, lợi thế của âm nhạc điện tử là có thể tạo ra những âm thanh mà trước đây không thể. Bạn hiện tại có thể giả lập bất kỳ âm thanh nào chỉ với thay đổi các thông số; luyến láy các bản thu với các filter, cho nó lặp đi lặp lại, kéo giãn ra, cắt ghép, chỉnh nó sao cho thật vin tẹc… tất cả với cùng một phần mềm. Những ngày đầu lịch sử, ta không thể nào tạo ra những thứ âm thanh này cho dù có thể tưởng tượng được chúng, nói cách khác, đó là tất cả những âm thanh có thể tồn tại.
Điều này có nghĩa gì cho tương lai của âm nhạc?
Nếu âm nhạc đã cạn hết những ý tưởng lớn, và không có âm thanh nào mới được tạo ra, thì chúng ta còn gì? Câu trả lời: chỉ còn sự kết hợp giữa các ý tưởng và âm thanh. May mắn thay, điều này vẫn để lại một mảnh đất màu mỡ cho các nhạc sĩ, ca sĩ khai phá. Tuy nhiên, tôi không cho rằng một thể loại mới sẽ được tạo ra, phân biệt hẳn với các thể loại ngày nay. Cho những ai còn nghi ngờ về biên giới của âm nhạc ngày nay, thì sự phổ biến của âm nhạc ý niệm và tổng hợp nhạc điện tử đã đảm bảo rằng: tất tần tật âm nhạc trong tương lai đều chỉ quanh quẩn trong biên giới đó thôi.
Như tôi đã đề cập, mong rằng ý kiến này của tôi là sai. Nhưng tôi không thể tưởng tượng một khái niệm rõ ràng nào về một âm thanh mới được sinh ra trong nền âm nhạc, bằng những lập luận trên đây.
—–
Trả lời: Edward Mitchell, 09/12/2011
Chà chà, ý kiến thật gây tranh cãi.
Tôi thì phản đối ý kiến của bạn.
Lúc định nghĩa về “thể loại”, ban đã khôn khéo lái về lập trường của mình và loại trừ các khả năng khác: “Nếu đó không có gì hơn là việc gán nhãn…”. Việc phân loại để phân biệt nhóm này với nhóm khác là rất quan trọng, đặc biệt là với các nhóm như bạn nói. Phủ nhận nó là phủ nhận cả một nhóm với biên giới của mỗi nhóm, vì thế sẽ phủ nhận luôn khả năng phá vỡ biên giới đó.
Thôi cứ tạm coi định nghĩa của bạn là đúng. Vậy “thể loại” sẽ là “một tập hợp các bản nhạc có ý tưởng, dáng điệu, âm thanh nghe khác với tất cả những gì trước đây từng tồn tại”.
Tôi có vài luận điểm nhưng tôi sẽ chỉ tập trung vào luận điểm sau đây:
Có thể tạo ra tất cả những âm thanh có thể không đồng nghĩa với việc những gì sau đó không còn mới mẻ nữa.
- Có thể tạo ra tất cả âm thanh không đồng nghĩa rằng hiện tại chúng ta vẫn đang tạo ra chúng.
- Một thể loại mới kế thừa thể loại cũ, không đồng nghĩa chúng không thể trở thành thể loại mới.
- Tinh thần của âm nhạc không tồn tại một mình, nó tồn tại trong ngữ cảnh. Một ngữ cảnh mới với tinh thần cũ cũng sẽ tạo ra một thứ mới.
- Nhận thức của chúng ta đang thay đổi, các hiểu biết mới sẽ được hình thành. Vậy sẽ có những thể loại mới.
Mọi thứ đều chỉ là một bản remix.