Leucochloridium paradoxum – từng được nhắc đến ở tập đầu TV series Netflix “All of us are dead” thực chất là danh pháp khoa học của loài giun dẹp khoang xanh. Đây là loài giun ưa ký sinh trong ốc sên, sau đó điều khiển vật chủ bò ra chỗ thoáng để thu hút các loài chim săn mồi. Chúng có khả năng kiểm soát những tế bào thần kinh vận động của vật chủ, biến nạn nhân thành một “thây ma” trong thể giới động vật.
Vật chủ của chúng là loài ốc sên thuộc chi Succinea – chi ốc hổ phách và nhiều loài chim khác nhau như quạ, giẻ cùi và các họ chim sẻ . Chúng phân bổ chủ yếu trong các khu rừng ôn đới ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Trứng chính là giai đoạn phát triển duy nhất trong vòng đời của loài giun ký sinh này tồn tại bên ngoài vật chủ.
Giun sẽ xâm nhập vào hệ tiêu hóa của ốc sên ở giai đoạn ấu trùng và tiếp tục phát triển tới giai đoạn trưởng thành. Các cá thể trưởng thành sau đó tìm cách bò lên cuống mắt (xúc tu) của ốc sên làm cho nó phình to ra và liên tục ngoe nguẩy trông không khác gì một con sâu bướm thực sự, điều đó khiến vật chủ của chúng trông nổi bật và dễ bị phát hiện hơn, loài giun ký sinh này còn kiểm soát hệ thần kinh của ốc sên, khiến chúng tự động bò lên những cành cây cao hoặc vị trí thoáng đãng. Và một tin xấu là chim thích sâu bướm, chúng sẽ không bỏ qua cơ hội khi phát hiện thấy một con sâu bướm nào đó đang ngoe nguẩy ở bên dưới. Việc ép buộc vật chủ giống với con mồi của loài khác được gọi là “aggressive mimicry” – bắt chước hung hăng. Khi chim ăn ốc sên, giun tiếp tục ký sinh trong bụng vật chủ mới và đẻ trứng trước khi chết. Trứng giun sau đó được đưa ra ngoài theo đường chất thải của chim. Cho đến khi có một con ốc khác ăn phải ấu trùng giun trong phân chim đã bài tiết và vòng đời của loài giun này lại tiếp tục.
Nguồn: Wikipedia, Roaring Earth, Animal Diversity