Bạn gái cũ của tôi là một người bị trầm cảm. Giai đoạn bệnh nặng nhất có khuynh hướng tự sát, nuốt hết cả lọ thuốc để tự tử, nhiều lần đi gặp bác sĩ tâm lí rồi mà bệnh tình vẫn không có tí chuyển biến tốt đẹp nào.
Chúng tôi quen nhau khi tôi học năm nhất đại học còn cô ấy học năm ba, là lúc cô ấy bệnh nặng nhất. Cô ấy đã xin nghỉ học vài tháng rồi, người nhà cũng đến trường ở bên chăm sóc cô ấy ngần ấy tháng. Bạn tôi với cô ấy ở cùng một phòng, nó trêu là sẽ giới thiệu bạn gái cho tôi và đây chính là cách mà tôi biết đến cô ấy.
Lần đầu gặp nhau là khi đang trên đường đến thư viện, tôi nhìn thấy đứa bạn tôi – bạn cùng phòng cô ấy, nên đi qua chào một câu. Đứa bạn tôi kéo cô ấy sang, nói với tôi “Nhìn đây này, giới thiệu bạn gái cho mày đấy.”
Lúc đấy thì tôi cũng phải gọi là mặt dày, đẹp trai không bằng chai mặt, mặt dày mày dạn tiến tới luôn “Bạn gái, chào em! Anh là bạn trai em nè, anh tên là XXX, sinh viên khoa XXX.”
Nhưng bằng một cách rất nhanh chóng, tôi đã phát hiện ra cô ấy có điểm gì đó khác với mọi người, cô ấy cực kì nhạy cảm. Ví như đi mua đồ gì đó mà thái độ của nhân viên thu ngân không tốt cũng có thể khiến cô ấy cảm thấy buồn bả trong một thời gian dài.
Sau này tôi mới biết rằng, lúc đó cô ấy vô cùng áp lực, chán ghét tình trạng bệnh tật của mình, hi vọng rằng mình sẽ khỏe lại nhanh nhất có thể, nhưng càng gấp gáp, lo lắng thì bệnh tình càng nặng hơn, nên càng căm ghét chính bản thân mình. Ngày nào cũng mong trời mau tối, không muốn đối diện với ban ngày, với ánh mặt trời. Không muốn gặp mặt bạn bè, chỉ muốn mãi ngủ say không tỉnh lại.
Tôi nghĩ đủ mọi cách khiến cô ấy có thể tươi tắn vui vẻ hơn, đi học cùng cô ấy, ăn cơm cùng cô ấy, cùng cô ấy đi dạo ở sân vận động, ngày nào cũng hỏi đi hỏi lại cô ấy mấy câu hỏi linh tinh.
Tôi đã đi gặp bác sĩ tâm lí, không có việc gì làm thì đọc thêm nhiều sách tâm lí học, triết học, khoa học tự nhiên,…chỉ để trả lời được hàng trăm hàng nghìn câu hỏi mà cô ấy đặt ra “Tay bị vật sắc nhọn đâm vào bị thương thì có chết không, bị chó hoang cắn mà không tiêm phòng dại thì có chết không, uống thuốc chống trầm cảm thì có hại cho cơ thể không,…” Bản thân tôi có thể làm chỗ dựa về mọi phương diện cho cô ấy, giải thích một cách khoa học rồi an ủi cô ấy nữa. Cũng là để có thể có đầy đủ khả năng để xóa bỏ hết tất cả những suy nghĩ tiêu cực trong lòng cô ấy.
Vì vậy, đối xử với những thiên thần mà tâm hồn bị tổn thương này, nhất quyết là phải kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn, đừng để cô ấy nghĩ rằng mình đang gây phiền phức cho người khác, điều này sẽ khiến cho cô ấy đau khổ hơn rất nhiều, làm cô ấy càng căm giận bản thân mình hơn nữa.
Cô ấy nhận ra rằng nhiều lúc cách tôi nói chuyện rất giống với bác sĩ tâm lí nên dần dần đã tin tưởng và phụ thuộc vào tôi. Sau đó tôi bắt đầu đưa cô ấy tham gia vào các hoạt động tập thể, dùng cái lớp da mặt chai sần của tôi để cảm hóa cô ấy, bằng mọi cách, từ từ từng cái một, tháo gỡ hết những vấn đề khiến cô ấy lo lắng, buồn rầu, để cô ấy dần dần có thêm nhiều bạn bè hơn, tạo cho cô ấy sự hứng thú, hình thành sở thích…Những việc này nói nghe thì dễ nhưng chỉ người trong cuộc mới hiểu rằng để làm được thì khó đến thế nào.
Cô ấy dần học được cách tôi suy nghĩ, xử lý tình huống, giải quyết vấn đề, biết cách tự loại bỏ những ý nghĩ tiêu cực trong đầu mình, bệnh trạng cũng từng bức chuyển biến tốt hơn.
Bây giờ, quen nhau hơn 10 năm, cô ấy cũng thoát khỏi khoảng thời gian dài bị tổn thương tâm lí ấy, nhưng cũng không còn là bạn gái tôi nữa.
Chia sẻ cho mọi người vài kinh nghiệm nha:
1. Đối xử với người bị trầm cảm, nếu bạn là người ở cạnh cô ấy, làm ơn hãy kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn.
2. Đừng có nói mấy câu kiểu “Mày mau khỏe lên đi, mọi người đều rất thương mày, lo lắng cho mày”, điều này chỉ khiến cho bệnh tình của cô ấy trầm trọng hơn.
3. Đừng vội phủ định suy nghĩ của cô ấy, mà hãy cố gắng hết sức xoay chuyển cách nghĩ, cách nhìn nhận của cô ấy đối với sự việc đó.
4. Đừng làm điều gì không xứng với niềm tin và sự phụ thuộc của cô ấy với bạn, điều này chả khác nào giết chết cô ấy. Cá nhân tôi cho rằng người thân trong gia đình chính là chỗ dựa tốt nhất để cô ấy có thể tin tưởng và phụ thuộc vào.
5. Chú ý đến cảm xúc không tốt của mình, vì ở bên nhau lâu có thể bị cô ấy ảnh hưởng, bản thân mình lại trở nên chán nản, suy nghĩ tiêu cực. Có thể đọc sách, vận động thể dục thể thao…
6. Đừng để cho cô ấy ở một mình lâu, hãy cố gắng ở cạnh bầu bạn với cô ấy.
Bổ sung thêm một điều, về việc cô ấy không còn là bạn gái tôi nữa, là vì bọn tôi kết hôn rồi, giờ đây cô ấy là vợ tôi!