Bạn từng nghĩ Megalodon là hoàn toàn vô đối? Megalodon có thể ăn được mọi thứ dưới đại dương thời ấy? Hay Megalodon nắm trùm ở dưới biển thời tiền sử? Thế thì bạn nhầm to rồi vì bạn không biết đến siêu cá nhà táng Livyatan melvillei.
Nhắc tới Livyatan melvillei là phải nhắc tới ba danh hiệu gắn liền với loài này: Loài cá voi có răng to lớn nhất lịch sử, Loài động vật có vú săn mồi to lớn nhất lịch sử và Đối trọng số một của siêu cá mập Megalodon. Dù sinh sau đẻ muộn hơn Megalodon rất nhiều vì hóa thạch loài này lần đầu tiên được tìm thấy chỉ mới cách đây hơn 10 năm ở Peru, sau Megalodon gần 400 năm. Loài này sống cùng thời với Megalodon cách đây 12 triệu năm vào thế Thượng Tân, khi so sánh với Megalodon thì Livyatan chính là “49 gặp 50” với chiều dài từ 13.5-18 m và cân nặng 50 tấn, chúng chính là phiên bản ăn thịt to lớn hơn của cá nhà táng hiện nay. Tên chúng lấy cảm hứng từ môt loài quái vật trong kinh thánh là thủy quái Leviathan canh giữ cổng địa ngục. Loài này có xương sọ tầm 3 m và hàm dài, thêm bộ răng trung bình mỗi chiếc dài 36 cm (bằng răng của T. rex và gấp đôi của Megalodon), hàm trên còn cấu tạo khớp với hàm dưới khi khép miệng vào làm tăng khả năng cắn đứt thịt con mồi của loài này. Bên trong phần đầu chúng cũng là bộ phận chứa dầu sáp giống cá nhà táng giúp chúng lặn sâu và phát sóng âm định vị.
Một đặc điểm mà Livyatan ăn đứt Megalodon là trí thông minh cực cao của động vật có vú máu nóng, cũng như tập tính di chuyển và săn mồi theo bầy. Dù Megalodon nặng hơn, lực cắn mạnh hơn và không cần trồi lên mặt nước để lấy không khí nhưng khi gặp con mồi nhỏ thì Livyatan chỉ cần tấn công bằng hàm răng sắc, nhưng với con mồi lớn và có thể khi chạm trán với Megalodon, loài này sẽ sử dụng chiếc đầu to như một chiếc búa tạ khổng lồ, húc thẳng liên tục vào thân thể kẻ thù với tốc độ cao, gây tổn thương cho nội tạng, khiến nạn nhân vỡ hết tim gan phèo phổi mà chết rồi mới xẻ thịt ăn dần. Vì cơ thể nhỏ hơn Megalodon lại săn mồi theo đàn nên Livyatan sẽ có nhiều phương án tấn công linh hoạt hơn. Nếu solo thì chưa chắc Livyatan ăn được Megalodon vì nhỏ hơn và yếu hơn, nhưng nếu 2-3 con Livyatan cùng bật co với Megalodon thì dĩ nhiên siêu cá mập này cũng đành phải bó tay, trước độ hung tợn và khả năng team work siêu linh hoạt của loài siêu cá nhà táng.
Đặc điểm lớn nhất khiến chúng phải đối đầu nhau là cả hai loài này có cùng con mồi là loài cá voi Cetotherium, dài khoảng 4.5 m và nặng khoảng 1 tấn. Các nhà khoa học tin rằng việc thay đổi nhiệt độ đại dương dẫn đến sự suy giảm về số lượng các con mồi của Livyatan là hải cẩu, cá heo và cá voi cổ đại nhỏ hơn, cũng như là sự phát triển đa dạng hơn về kích thước của các loài cá voi tấm sừng. Sự mất mát này cuối cùng cũng dẫn đến sự tuyệt chủng của loài siêu cá nhà táng vào đầu thế Thượng Tân cách đây hơn 5.3 triệu năm.
Loài này từng xuất hiện trong phần phim hoạt hình Ice Age: Continental Drift với tên gọi là Precious, là thú nuôi của bà của chú lười Sid và đã giúp cả nhóm Manny, Sid và Diego thoát khỏi bọn cướp biển vào phút chót.