Lính đánh thuê châu Âu trên lục địa châu Phi
Phần 2: Rolf Steiner và cuộc chiến bí ẩn ở Nam Sudan.
Tháng 8/1971, thế giới dồn sự chú ý vào một phiên tòa ở thủ đô Khartoum của Sudan. Chính phủ người Arab ở Sudan đưa một lính đánh thuê Tây Đức ra xét xử vì cáo buộc kích động ly khai. Sở dĩ phiên tòa xét xử mỗi một lính đánh thuê lại được chú ý rộng, là vì một đoàn hùng hậu phóng viên, báo chí của các nước Xã hội chủ nghĩa đã đổ về Sudan để đưa tin, biến phiên toàn thành một đòn tuyên truyền lớn đến mức có vẻ quá lố, làm bối rối cả chính quyền Sudan.
Người lính đánh thuê đó là Rolf Steiner. Câu chuyện về Rolf Steiner và cuộc chiến ở Sudan của ông được coi là một trong những phần sáng tỏ hiếm hoi trong một cuộc chiến có thể coi là bí ẩn nhất lịch sử hiện đại: cuộc chiến Nam Sudan lần 1 từ 1955-1972. Một cuộc chiến kéo dài 17 năm, làm hàng triệu người chết, quan trọng là kéo theo sự đối đầu quân sự trực tiếp giữa quân đội Liên Xô và phương Tây, nhưng cho đến ngày nay những tư vẫn nằm trong những kho sâu nhất của kho tài liệu mật của chính phủ các nước.
1/ Thân thế Rolf Steiner.
Rolf Steiner sinh năm 1933 ở Munich, Đức. Trong thế chiến 2, Rolf Steiner gia nhập đội thiếu niên Hitler chống lại quân Đồng minh ở mặt trận phía Tây. Giống như hàng triệu tù binh Đức sau WW2, ông trở thành tù binh, và chọn cách gia nhập quân đoàn Lê dương Pháp.
Steiner được cử đến Đông Dương, nằm trong một đơn vị lính Lê dương ”hỗn tạp” đủ các quốc tịch: Đức, Ý, Ba Lan, Liên Xô, Hungary, Hy Lạp,…theo hồi ký của ông. Thực chất thì Rolf Steiner cũng có lần nói dối trong hồi ký. Cụ thể ông có nói đến việc bị bắn bay mất một lá phổi trong trận Điện Biên Phủ, nhưng bị một nhà báo ”bóc phốt” rằng Rolf Steiner năm 1954 đang ở Lào. Cuối cùng Steiner phải thừa nhận rằng ông chưa từng ở Điện Biên Phủ.
Sau đó, Rolf Steiner tiếp tục theo chân quân Lê dương đến chiến đấu ở kênh đào Suez cùng liên quân Anh-Pháp-Israel chống lại Ai Cập. Tiếp đó, ông lại đến Algeria, nơi ông chiến đấu và cưới người vợ của mình ở đó. Nhưng sau khi chiến tranh Algeria kết thúc năm 1962, quân Lê dương bị giải ngũ, Steiner thất nghiệp và rơi vào cuộc sống khó khăn. Tuy vậy, danh tiếng về quãng đời chinh chiến trước đó khiến ông được những chính phủ nhiều tiền ở châu Phi để ý. Năm 1967, vùng Biafra, một vùng giàu có muốn ly khai khỏi Nigeria thuê Rolf Steiner chiến đấu chống lại quân Nigeria, và ông nhận lời.
Nhưng cuộc chiến ở Biafra vẫn kết thúc bằng thất bại. Quân Biafra dù giàu có và được lính đánh thuê hỗ trợ, vẫn không thể chống lại quân Nigeria đông vượt trội. Kết quả năm 1970, Biafra sụp đổ và Rolf Steiner thất nghiệp trở lại.
2/ Cuộc chiến bí mật ở Nam Sudan.
Thực sự cuộc chiến Nam Sudan lần 1 không có gì là bí ẩn. Bí ẩn ở đây là sự can thiệp và đối đầu của giữa quân đội Liên Xô và lính đánh thuê phương Tây ở đây, điều mà tới nay tư liệu duy nhất ghi lại là hồi ký của các cựu binh.
Sudan vốn là một quốc gia chia cắt mạnh thành 3 vùng riêng biệt. Miền Bắc là của người Arab Hồi giáo, cũng là những người nắm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước. Phía Tây là của người da đen nhưng vẫn theo Hồi giáo, gọi là vùng Darfur. Còn phía Nam là của người da đen theo Thiên chúa giáo, chính là nước Nam Sudan ngày nay. Sự đối lập hoàn toàn khiến Nam Sudan không thể chấp nhận luật Sharia hà khắc do miền Bắc áp đặt, vì vậy từ năm 1955 các du kích Nam Sudan đã nổi dậy, tự gọi là ”Anya-nya” (tên một loại rắn độc). Từ đó mở ra cuộc chiến Nam Sudan lần 1.
Trong cuộc chiến này, chính phủ Arab cánh tả của Sudan được Liên Xô và các nước Arab ủng hộ. Nhưng ban đầu Liên Xô chỉ hỗ trợ vũ khí, tài chính và cố vấn cho chính phủ Sudan, còn quân nổi dậy Nam Sudan chẳng có ai ngó ngàng đến. Mọi chuyện chỉ thay đổi vào năm 1965, với sự kiện ”Khủng hoảng Congo” ở nước láng giềng Congo. Số là năm từ 1960, những nhóm Cộng sản cũ ở Congo nổi dậy ở phía Đông đất nước nổi lên chống lại chính phủ Congo. Họ được Che Guevara và lính Cuba hỗ trợ, chiếm 2/3 lãnh thổ. Nhận thấy cơ hội đó, quân đội Liên Xô đã quyết định hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho quân nổi dậy Congo (gọi là Simba), một trong những việc làm là biến Nam Sudan thành hậu phương tiếp tế cho Congo.
Từ năm 1960, Liên Xô đã bắt đầu chuyển quân lớn vào Nam Sudan, cùng với xây nhiều đường băng cho máy bay vận tải. Sau khi các đường băng hoàn thành, quân đội Liên Xô đã thực hiện hàng loạt phi vụ thả dù trên lãnh thổ Congo cho quân nổi dậy Simba, cùng với đó là những chuyến xe tiếp tế băng qua rừng rậm vào Congo. Điều này làm xuất hiện những vũ khí tối tân trong trang bị của quân Simba, điều khiến quân đội Congo và lính đánh thuê châu Âu nghi ngờ. Sau một số lần bắt được dù của Liên Xô thả, lính đánh thuê châu Âu đã xác nhận điều này.
Tuy vậy, tình báo phương Tây không nhìn nhận sự hiện diện của Liên Xô ở Nam Sudan là nguy cơ, mà ngược lại là cơ hội để ”rút máu” Xô Viết. Vì vậy, các cơ quan tình báo phương Tây và Israel đã có kế hoạch tiếp tay cho quân nổi dậy Nam Sudan để phá Liên Xô từ hậu phương. Thực hiện kế hoạch này, đi đầu bởi các điệp viên Israel, những người đã đến Nam Sudan từ trước đó, hỗ trợ vũ khí và huấn luyện quân du kích. Được cam kết hỗ trợ vũ khí và ủng hộ độc lập, du kích Nam Sudan đã đồng ý bắt tay với tình báo phương Tây.
Từ năm 1965, các căn cứ hậu cần và các đoàn xe tiếp tế của Liên Xô đi qua Nam Sudan liên tục bị đánh phá, gây thiệt hại nặng mà quân đội Liên Xô không rõ ai là chủ mưu. Ngay cả những tuyến vận chuyển xuyên rừng rậm vào Congo cũng bị ”chỉ điểm” và bị máy bay phương Tây đánh phá. Những hành động này đã làm suy yếu đáng kể Liên Xô và quân nổi dậy Congo. Hết năm đó, cuộc nổi dậy ở Congo bị đánh bại, quân Liên Xô và Cuba rút hết khỏi đây. Nhưng cuộc chiến ở Nam Sudan vẫn tiếp tục, và các hoạt động chống Liên Xô của tình báo Israel vẫn tiếp diễn.
Dù vậy, những tài liệu về cuộc chiến của quân đội Liên Xô ở Nam Sudan đến nay vẫn chưa được giải mật.
3/ Sa lưới và phiên tòa xử Rolf Steiner.
Năm 1969, khi đang thất nghiệp ở Đức, Rolf Steiner nhận được đề nghị nặc danh mà sau đó ông nhận ra là tình báo Israel. Nội dung là đề nghị Steiner đến Nam Sudan để đánh quân đội Liên Xô và huấn luyện du kích Nam Sudan, ông nhận lời.
Danh tiếng của Steiner rất lớn, nên khi đến Nam Sudan, ông đã được gặp những lãnh đạo cao cấp nhất của du kích Nam Sudan và giao cho hàng chục nghìn quân. Để đảm bảo an toàn, ban đầu Rolf Steiner lùi sang nước láng giềng Uganda chỉ huy du kích Nam Sudan xây những đường băng lớn để máy bay Israel hạ cánh. Để giấu hoạt động, Steiner hối lộ quan chức và người dân Uganda bằng tiền và ngà voi.
Tuy nhiên, những sự kiện liên tiếp xảy ra đã khiến Rolf Steiner sa lưới. Năm 1971, Đảng Cộng sản ở Sudan đảo chính thất bại. Để dồn sức chống lại Đảng Cộng sản Sudan, chính phủ Arab cánh tả ở Khartoum đã hòa đàm với du kích Nam Sudan, đặt nền móng cho kết thúc chiến tranh. Cũng trong năm đó, nhà độc tài Idi Amin được các nước Arab ủng hộ lên nắm quyền ở Uganda. Idi Amin nổi tiếng thu ghét người da trắng và người Thiên chúa giáo. Vì vậy khi lên ngôi, Idi Amin đã đồng ý giúp chính phủ Arab ở Sudan bắt giữ lính đánh thuê châu Âu trên lãnh thổ Uganda. Đầu năm 1971, hoàn toàn chủ quan, Rolf Steiner ngang nhiên đến thủ đô Kampala của Uganda và bị lính của Idi Amin bắt giữ. Tháng 1/1971, Idi Amin trao Rolf Steiner về Khartoum cho chính phủ Sudan.
Việc bắt giữ một lính đánh thuê Đức trở thành một cơ hội tuyên truyền và ”rửa hận” của quân đội Liên Xô và Sudan. Họ quyết định làm rầm rộ vụ này. Vì thế trong suốt năm 1971, các đoàn phóng viên Liên Xô, Đông Đức đã liên tục đi lại Sudan, mỗi lần như thế đều ghi lại lời ”thú tội” của Steiner và công bố rộng rãi như bằng chứng ”hành động chống phá Sudan của phương Tây”. Ngặt nỗi, trong những lần đó Rolf Steiner liên tục thay đổi lời khai, nghi có vấn đề về sức khỏe và thần kinh.
Tháng 8-9/1971, phiên toàn xử Rolf Steiner được tổ chức rầm rộ ở thủ đô Khartoum ở Sudan, thu hút hàng nghìn phóng viên từ các nước Xã hội chủ nghĩa. Trong phiên toàn, chính quyền Sudan đã tập trung nâng cao vai trò của lính đánh thuê châu Âu trong cuộc nổi loạn ở Nam Sudan để che giấu những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo ở đó. Cũng trong phiên toàn, Rolf Steiner cũng nhận ông không bị tra tấn hay ép cung bởi Đông Đức. Việc mất thị lực trong thời gian giam giữ được cho là do lính Sudan đánh đập.
Phiên toà kết án Rolf Steiner từ hình, nhưng nhờ áp lực của chính phủ Tây Đức, cuối cùng Sudan đã trả ông cho Tây Đức sau 3 năm. Bệnh tật sau đó làm Steiner không thể tham gia cuộc chiến nào nữa, nhưng ông dùng toàn bộ thời gian còn lại để viết hồi ký và tài liệu về những cuộc chiến ông tham gia. Nó trở thành tư liệu quý hiếm về những cuộc chiến ít được để ý trong thế kỷ 20. Sau này, dựa theo câu chuyện của Steiner, nhà văn Frederick Forsyth đã viết cuốn tiểu thuyết ”The Dogs of War” nổi tiếng, được nhận đinh là cuốn tiểu thuyết hay bậc nhất về đề tài lính đánh thuê.
Tham khảo:
-The Last Adventurer (Hồi ký Rolf Steiner)
-Immer wenn der Steiner kam (phim tài liệu Đông Đức) – ghi lại những buổi phỏng vấn và xét xử Rolf Steiner ở Sudan.