Đầu tháng 10.1427, 10 vạn quân Minh dưới trướng Liễu Thăng ồ ạt vượt biên tiến vào địa giới nước ta. Ngày 8.10.1427, quân Minh đánh ải Pha Lũy. Trần Lựu là vị tướng đầu tiên của nghĩa quân Lam Sơn giao chiến với Liễu Thăng, mở màn chiến dịch Diệt Viện. Quân ta theo kế hoạch đã định trước, chỉ đánh cầm chừng rồi lần lượt rút bỏ ải Pha Lũy, thành Khâu Ôn để nuôi chí khinh nhờn của địch. Những trại nhỏ mà quân Lam Sơn dựng lên trước đó ở biên ải, cũng đều đánh chiếu lệ rồi rút đi cả. Liễu Thăng thắng dễ mấy trận, nhanh chóng có được thành Khâu Ôn làm chỗ đứng chân, quả nhiên sinh lòng coi thường quân Lam Sơn.
Vừa khi quân Minh tiến vào thành Khâu Ôn, thì thư “cầu hòa” của Nguyễn Trãi cũng được đưa đến. Liễu Thăng ngông cuồng không thèm đọc thư mà cho người chuyển thẳng lên vua Minh, rồi tiếp tục điều quân tiến lên. Đúng như tiên liệu của tướng lĩnh Lam Sơn rằng “Quân đi hàng năm trăm dặm mà chỉ vội nhằm lấy lợi thì viên thượng tướng tất phải kiệt quệ” (theo Cương Mục), quân Minh đang cần tiến gấp để kịp cứu viện cho các thành của chúng trong nội địa, nên các hành động của giặc rất gấp gáp, không có sự trù tính thận trọng. Khi quân Minh vào đất của ta, các tướng Lương Minh, Lý Khánh đều sinh bệnh. Điều đó cho thấy thật sự quân Minh đã phải trải qua những cuộc hành quân vất vả.
Trận Chi Lăng – Liễu Thăng cụt đầu:
Trước sự kiêu căng lộ ra cả nét mặt, lời nói của Liễu Thăng thì chính trong hàng ngũ tướng lĩnh quân Minh cũng sinh lo ngại. Bọn Lễ bộ lang trung Sử An, Chủ sự Trần Dung bàn với Thượng thư Lý Khánh:
“Xem lời lẽ, sắc mặt của chủ tướng [chỉ Liễu Thăng], có vẻ kiêu. Kiêu là điều tối kỵ của binh gia. Vả lại bọn giặc nguỵ trá, hoặc có thể làm ra vẻ yếu để dụ chúng ta. Huống tỷ thư dụ rõ ràng là phải phòng ngừa giặc đặt phục binh. Đây là phút an nguy, Ngài nên nói gấp.”
Bấy giờ quân Minh đã tiến đến Ải Lưu (thuộc huyện Chi Lăng, Lạng Sơn ngày nay, nằm ở phía bắc ải Chi Lăng), quân Minh lại gặp đội quân của Trần Lựu đứng chặn đường như trêu ngươi. Lý Khánh dù đang bệnh nằm ở hậu quân, cũng phải cố gượng dậy đến chỗ Liễu Thăng mà can gián khẩn thiết. Thăng ậm ừ, nhưng vẫn kiêu căng bởi vì sự kích động của quân ta. Tại Ải Lưu, Trần Lựu cầm quân khinh kỵ giao tranh một lúc rồi lại rút lui. Liễu Thăng tức mình vì Trần Lựu cứ tháo lui nhưng rồi lại lảng vảng trước mặt, hắn bèn đích thân dẫn vài trăm kỵ binh thân tín quyết truy đuổi đến cùng. 10 vạn quân Minh cùng đội kỵ binh của Trần Lựu rượt đuổi một quãng đường từ Ải Lưu đến tận ải Chi Lăng.
Ải Chi Lăng là một thung lũng hẹp nằm giữa những dãy núi cao vút… Từ xưa ải Chi Lăng hầu như là con đường mà bất cứ đạo quân phương bắc nào cũng phải đi qua khi tiến đánh phương nam. Phía bắc ải là Quỷ Môn Quan, nơi mà cả người phương bắc lẫn người phương nam đều ái ngại khi đi qua. Có câu thơ của binh lính phương bắc rằng :
Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn Quan
Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn
Phía nam ải Chi Lăng là Ngõ Thề, nơi mà những đạo quân người Việt ở các triều đại cất lên những lời thề quyết tử rồi bước vào trận chiến với giặc xâm lăng. Phía tây ải là các núi đá vôi nằm cạnh dòng sông Thương. Phía đông là hai dãi núi Thái Hòa, Bảo Đài. Bên trong ải lại có năm ngọn núi Nà Sản, Mã Yên, Phượng Hoàng, Lỳ Lân, Hàm Quỷ chia cắt ải thành những con đường, thung lũng nhỏ. Nhiều nơi trong ải phải bắc cầu treo để đi qua những đầm lầy, thung lũng, khe suối.
Lại nói về việc Trần Lựu thực hiện nhiệm vụ đánh nhử địch đã hoàn thành rất xuất sắc. Sau một hồi truy đuổi gấp, đội hình quân Minh bị kéo giãn ra, đứt đoạn. Liễu Thăng cùng đám kỵ binh mải miết đuổi theo Trần Lựu tiến sâu vào ải Chi Lăng, bỏ xa phần lớn quân Minh ở phía sau. Đến núi Mã Yên, Liễu Thăng và hơn trăm quân kỵ vừa qua cầu treo thì lập tức quân Lam Sơn cho phá cầu. Lúc này thì tình thế coi như đã an bài đối với Liễu Thăng, khoảng 10 vạn quân Minh phía bên đây đầu cầu chỉ còn cách đứng nhìn chủ tướng của mình cùng hơn 100 kỵ binh bị hãm trong trận mà vô phương ứng cứu. Trong phút chốc, phục binh quân Lam Sơn bốn phía nổi lên vây chặt lấy Liễu Thăng, cùng với quân của Trần Lựu quay ngựa đánh dồn lại, nhanh chóng diệt gọn tiên phong của địch. Liễu Thăng bị mắc vào vũng lầy bên sườn núi, quân ta xáp lại dùng giáo đâm chết, rồi chặt lấy đầu hắn làm chiến lợi phẩm trước sự bàng hoàng, ngẩn ngơ và bất lực của quân tướng nước Minh hầu như vẫn còn nguyên vẹn bộ khung, quân số nhưng không thể làm gì ngoài việc đứng nhìn chủ soái của mình chết thảm. Bấy giờ là vào ngày 10.10.1427.
Lợi dụng lúc 10 vạn quân Minh chưa kịp định thần vì cái chết của chủ tướng, các tướng Lam Sơn là Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Đinh Liệt, Lê Khắc Thụ… cùng đem 1 vạn quân gồm cả tượng binh, kỵ binh, bộ binh từ các ngã đường núi xông ra đánh thốc vào đội hình giặc. Quân Minh tiến sang lần này cũng không phải là một đạo quân dễ dàng buông xuôi. Mặc dù bị mất chủ tướng sớm và bị phục binh bốn bề vây đánh, bọn tướng lĩnh còn lại vẫn bình tĩnh điều quân, cố gắng ổn định lại hàng ngũ. Phó Tổng binh giặc là Lương Minh lên thay Liễu Thăng làm chủ tướng, chỉ huy quân tướng đi vòng qua núi Mã Yên, đánh mở đường tiếp tục tiến lên. Lê Sát cùng các tướng không đủ binh lực đánh chẹn đường, sau khi gây thiệt hại nặng ban đầu cho quân Minh thì vòng ra tuyến sau, bám sát theo đội hình hành quân của địch chờ thời cơ đánh phối hợp với các đạo quân khác. Quân Minh vượt qua ải Chi Lăng với thương vong hơn 1 vạn tên. Chiến cụ của chúng gồm súng lớn, đồ dùng công thành, tên đạn đều bị quân ta đốt sạch.
Lương Minh từ chối nghị hòa, vong mạng nơi Cần Trạm:
Bảo Định bá Lương Minh sau những giờ phút kinh hoàng ở ải Chi Lăng vẫn còn trong tay chừng 9 vạn tinh binh, hắn vẫn nuôi hy vọng tiến quân xuống đồng bằng. Lúc này, với mong muốn sớm lập lại hòa bình và tránh khỏi sự thù địch về sau của Minh triều, Lê Lợi sai Nguyễn Trãi gởi thư chiêu dụ Lương Minh ngay khi quân Minh vượt ải Chi Lăng. Thư viết:
“Tôi thường nghe, binh cốt để bảo vệ cho dân, không phải là để làm hại dân, dẹp yên để không phải giết, không phải là để giết nhiều người. Cho nên có câu rằng: “Binh là bắt đắc dĩ mới phải dùng”. Điều mà có thể thôi được hay không thể thôi được, không phải là bản tâm của thánh nhân. Nay các ông đem quân đi sâu vào cõi đất người chính là bị hãm vào thế trong miệng cọp, muốn tiến không được, muốn lui không hay. Còn ta thì nhân thế chẻ tre, sau khi chẻ được mấy đốt, cứ lọng lưỡi vào mà chẻ đi, thực không khó gì. Nhưng ta vẫn nghĩ đến nghĩa nước nhỏ thờ nước lớn, có mặt trời soi trên, không dám thiếu lòng thành kính. Cho nên nhiều lần gửi thư mà các ông vẫn không trả lời. Thế có phải là sự không may của một nước ta chăng? Thế là sự không may lớn cho cả nhân dân thiên hạ. Sao có thể thôi được mà không thôi hẳn.
Trước đây, các thành Tân Bình, Thuận Hóa, Diễn Châu, Nghệ An và Tiền, Hậu vệ, Thị Kiều, Xương Giang, Tam Giang đều đã mở cửa thành, cởi cùng ta hòa giải. Phàm hết thảy quan quân, đàn ông, đàn bà, lớn bé cộng mấy vạn người, ta đều thu nuôi tất cả, không xâm phạm một chút nào. Xin các ông lui ngay quân ra ngoài bờ cõi, ta tự dẹp mở lối về, cho các ông được thung dung đem quân về, ta sẽ đem các quan lại đàn ông, đàn bà nói trên kia trao tất cả ở ngoài bờ cõi. Như thế thì các ông có thể ngồi hưởng thành công mà Nam, Bắc từ nay vô sự, há chẳng hay ư? Nếu có thể thôi được mà không thôi, là do các ông không biết dập tắt lửa đi để cho nó tự cháy lên, không phải là tội của ta vậy. Thư nói không hết lời.”
Khác với nhiều thư từ trước kia, lần này có vẻ như Nguyễn Trãi đã nói với Lương Minh những lời rất thẳng thắn và thực lòng chứ không còn dùng những quyền mưu ẩn đằng sau câu chữ. Việc nghị hòa trên thế thắng đối với nước ta dù rằng không đem lại một chiến thắng trọn vẹn về mặt quân sự, nhưng sẽ là một chiến thắng về ngoại giao rất quan trọng. Việc giành được độc lập mà vẫn giữ được mối quan hệ tốt với nước Minh, một đế chế hùng mạnh nhất phương đông đương thời sẽ mở đường cho một nước Đại Việt mới gây dựng lại phát triển mạnh mẽ, không bị đe dọa bởi chiến tranh và chạy đua vũ trang. Đối với quân Minh, chúng dù vẫn còn lực, nhưng đã mất thế. Việc nghị hòa với quân Lam Sơn cũng là lối thoát khả dĩ nhất cho chúng. Thế nhưng Lương Minh vẫn quen thói cùng binh độc vũ, ngoan cố tiến quân.
Ngày 15.10.1427, quân Minh tiến đến Cầm Trạm (xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, Bắc Giang ngày nay). Tại đây, quân Lam Sơn đã dựng lên một thành lũy nhỏ chắn ngang đường tiến quân của giặc. Hơn ba vạn quân dưới quyền chỉ huy của các tướng Nguyễn Đình Lý, Lê Văn An đã đạt mai phục dày đặc bên đường từ trước. Kịp khi Lương Minh vừa kéo quân đến, phục binh nổi lên đánh phá, lại theo chiến thuật kinh điển của quân Lam Sơn là bẻ gãy tiền phong, nhắm thẳng vào chỗ Lương Minh mà đánh gấp. Đồng thời, các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Đinh Liệt … trước đó vẫn bám theo sau quân Minh, được dịp cũng hết sức đánh thốc vào mặt sau. Quân Minh cũng ra sức chống trả mãnh liệt, chia thành vòng trận trong ngoài, chiến đấu trên một trận tuyến dài 5 km. Giặc đã tự đặt mình vào thế quyết tử, nên đánh nhau rất hăng. Tuy vậy, quân Lam Sơn vẫn chiếm thế thượng phong nhờ vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Bảo Định bá Lương Minh đánh nhau ở vòng ngoài trận, bị trúng lao chết tươi. Quân Minh với các tướng lĩnh còn lại là Lý Khánh, Hoàng Phúc, Thôi Tụ vẫn can trường tiến binh vượt qua Cần Trạm, để lại xác của Lương Minh và hơn 1 vạn đồng đội chết trong trận.
(còn nữa)
Quốc Huy