Liệu ta có thể viết được một cuốn tiểu thuyết sao cho khi viết đến dòng cuối cùng, ý nghĩa của toàn bộ nội dung trước đó thay đổi hoàn toàn không?

VANS GRIMIERE

Nếu không phải là “câu cuối” mà là “chương cuối” thì có được không bạn? Đây nhé:

“Si” viết bởi Bob Ong

Cuốn sách được xuất bản vào hồi 2014 vừa rồi. Một câu chuyện ngắn với 185 trang và dùng phông chữ lớn. Buồn một điều, là cuốn sách này chỉ có ở ngôn ngữ bọn tôi (tiếng Philippin) thôi. (Chẳng có bản dịch hợp pháp hay dịch chui nào ở đâu cả, anh chị em tôi à). Lý do làm nên cái hay của cuốn sách này chính là vì câu chuyện được kể từ cuối lên đầu.

Cuốn sách bắt đầu với chương “72” và kết thúc ở chương “0”. Mỗi chương kể lại một khoảnh khắc đáng nhớ MỖI NĂM trong cuộc đời nhân vật chính, từ khi anh ta 72 tuổi ngược về khi anh ta còn ở trong bụng mẹ (0 tuổi). Bạn phải đọc theo thứ tự như vậy.

[Cảnh báo tiết lộ nội dung – Spoiler Alert]

Kết cục của nó có gì hay?

Cuốn sách về cuộc đời của một người đàn ông. Phải gọi là, về tất tần tật. Về chuyện một cuộc tình, một gia đình, một tình bạn, một cuộc đời suốt đợt chiến tranh thế giới thứ 2 và tất cả những điều khác mà bất kỳ ai cũng có thể đã từng một lần muốn được trải qua. Mạch truyện đi lên kéo theo một cảm giác diệu kì bởi cách kể tua ngược tạo cho bạn cảm giác nhung nhớ mỗi khi một chương sách đi qua.

Như thể bạn đang nhìn qua cửa sổ tâm hồn của một ông lão kể lại quá khứ đời mình trước khi từ biệt trần thế trong yên vui.

Nhưng khi tiến đến chương “0”, lúc mà ông ta còn chưa chào đời, bạn sẽ nhận ra rằng bạn đã sai hẳn. Đây là một đoạn trích từ chương đó:

  • “Ngunit tulad ng dati ay binulungan ako ni Ina. At sa dulo ng bawat luha ay muling nakiusap na patawarin ko siya. Nagsumamo ako. Sa huling pagkakataon . At ipinagmakaawa ang karapatan ng aking buhay”

Dịch: “Nhưng cũng như mọi lần, Mẹ tôi thủ thỉ với tôi. Và hoà trong mỗi giọt nước mắt, là một lần mẹ cầu tôi tha thứ cho mẹ. Tôi đã van nài. Đó là lần cuối. Tôi van nài mẹ cho tôi quyền được sống.

Và trong vài dòng cuối cùng, cuốn sách miêu tả về đứa bé ấy dần mất đi cảm giác. Về mọi thứ dần trôi vào tĩnh lặng, dần trở nên lạnh lẽo, dần trở nên tăm tối.

Tim tôi quặn thắt đến nát nhừ như muốn nói thành lời: “Người ta đã phá cái thai đi rồi”.

Cuốn sách KHÔNG HỀ kể về cuộc đời mà con người ta chịu gian khổ thế nào MÀ THỰC RA LÀ về một cuộc đời mà biết đâu ai kia sẽ có nếu người đó từng một lần được sống.

Tôi cũng tự thấy bó tay với chính mình, vì có bao nhiêu gợi ý hiện trước mắt tôi, vậy mà tôi không nhận ra như:

Tuyết. Philippin là một quốc gia nhiệt đới, tức là ở đây không có tuyết. Bông tuyết được vẽ trên bìa sách, và hình ảnh tuyết rơi trong ngữ cảnh của chúng tôi, biểu trưng cho trí tưởng tượng .

Tựa sách. Được ghi là “Si”. Si là một mạo từ (gần giống như a, an, the trong tiếng Anh), LUÔN LUÔN được sử dụng để đi kèm với tên (Vd: Si Vans, si Elon). Vậy tại sao ở đây chỉ có ” Si___ ” thôi? Bởi vì nhân vật chính chưa từng có một cái tên cho mình. Tại sao không tên? Tại vì tên là thứ mà chúng ta được cha mẹ mình đặt cho khi chúng ta chào đời. Ông ta chưa từng có một cái tên bởi vì ông ta chưa từng được chào đời.

Tên của nhân vật chính chưa bao giờ được nhắc tới. Bởi vì ông ta đâu có để mà nhắc. Ngoài ra, việc không có cái tên biểu hiện cho sự vắng bóng tính cách riêng hay chỗ đứng của bản thân mình trong một thế giới thật.

Nói chung. Câu chuyện được tóm gọn như sau:

Nhân vật chính: “Khi nào con được gặp mẹ?”

Victoria (nhân vật phụ (chính)): “Khi con chào đời con nhé”.

-=-=-=–=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-=-

Ai cũng hiểu cái ngụ ý rằng “điều đó vốn chưa từng xảy ra” gây bứt rứt tới nhường nào, nhưng nhờ đó mà cuốn sách này đã để lại được một thông điệp.

Đúng là cuộc đời này do ta lựa chọn. Vận mệnh này nằm trong tay ta. Nhưng những điều đó chẳng là gì cả nếu ngay từ đầu cha mẹ chưa từng cho ta được sống.

=================================

Bình luận đầu:

Jery Henuhili (359 upvotes)

“Tôi ghét bị tiết lộ trước nội dung. Có khi tôi thù cả bạn nếu đây là một bộ phim.

Nhưng, chỉ riêng việc đọc câu trả lời này, đọc phần tóm tắt cuốn sách và một đoạn nhỏ xíu (phần cuối sách) thôi đã làm cho tôi thấy đủ khổ tâm mà gắng kìm lại nước mắt (tôi đang ở sa lông, đợi vợ tôi gội đầu).

Tôi tưởng như chính tôi đang đọc cuốn sách này vậy. Tôi tưởng tượng ra được bản thân mình dành ra suốt tháng dài suy nghĩ về cuộc sống, về ý nghĩa đời mình, và về mẹ tôi đã thương tôi biết nhường nào khi đã cho tôi được sinh ra đời.

Tôi phải nói đây là một cuốn sách tuyệt vời. Cám ơn bạn vì đã chia sẻ.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *