Liệu: Không có tự do tư tưởng thì không thể có sáng tạo? (hay là Tại sao TQ lại tụt hậu về phát minh so với phương Tây)
Tình cờ đọc được một bài viết với nhan đề “Không có tự do tư tưởng thì không thể có sáng tạo”, tác giả: Trương Duy Nghênh (Trung Quốc), biên dịch: Nguyễn Hải Hoành được đăng trên trang blog Nghiên cứu quốc tế.
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1237516749932959/
Nội dung bài viết được rút ra từ bài phát biểu của nhà kinh tế nổi tiếng Trung Quốc Trương Duy Nghênh trong lễ tốt nghiệp của các học viên Viện Nghiên cứu phát triển quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh. Trong bài phát biểu, ông Trương đã đưa ra quan điểm: do thể chế chính trị truyền thống của TQ luôn hạn chế sự tự do của dân chúng cho nên người TQ không thể có phát minh sáng tạo. Tiêu đề “Không có tự do tư tưởng thì không thể có sáng tạo” có lẽ là do dịch giả hoặc biên tập viên blog đặt ra. Vậy liệu “không có tự do tư tưởng” có là nguyên nhân chính khiến TQ tụt hậu về phát minh so với phương tây không, hay còn có nguyên nhân khác chính yếu hơn? Câu hỏi trên đã khiến tôi suy nghĩ, vì văn hóa TQ ảnh hưởng rất mạnh tới các nước xung quanh ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á. Nếu giải mã được sự yếu thế của TQ so với phương tây trong lĩnh vực phát minh hay còn gọi theo thuật ngữ hiện đại là R&D, chúng ta sẽ có nhận thức đúng đắn để cải tạo chính thực tiễn của đất nước chúng ta.
Đoạn đầu của bài phát biểu, ông Trương dẫn một nghiên cứu bên Anh:
“Theo thống kê của học giả Jack Challoner ở Viện Bảo tàng Khoa học Anh Quốc, trong thời gian từ thời kỳ đồ đá cũ (2,5 triệu năm trước) cho đến năm 2008, đã có 1001 phát minh lớn làm thay đổi thế giới, trong đó Trung Quốc có 30 phát minh, chiếm 3%. Toàn bộ 30 phát minh này đều xuất hiện trước năm 1500, chiếm 18,4% trong số 163 phát minh lớn trên toàn cầu trước năm 1500. Trong đó, phát minh cuối cùng là bàn chải đánh răng xuất hiện năm 1498, đây cũng là phát minh lớn duy nhất đời nhà Minh. Trong hơn 500 năm sau năm 1500, toàn thế giới có 838 phát minh, trong đó không có phát minh nào đến từ Trung Quốc.”
Trong toàn bộ bài phát biểu, tác giả Trương Duy Nghênh đã đưa ra được nhiều dẫn chứng lịch sử về phát minh, cũng như một số lập luận rất thú vị. Chi tiết có thể tìm đọc toàn văn của bài viết trên blog Nghiên cứu quốc tế. Nhưng có một con số làm tôi rất chú ý, đó là mốc thời gian năm 1500 trong bài phát biểu của ông ta. Ông Trương cũng nói rõ, Mốc năm 1500 là do học giả Jack Challoner ở Viện Bảo tàng Khoa học Anh Quốc đưa ra. Tại sao họ lại chọn con số 1500? Như ông Trương lý giải, vì cả một đoạn dài nên tôi trích ở đây khổ đầu và khổ cuối của đoạn giải thích đó:
“Tôi cần đặc biệt nhấn mạnh sự khác nhau của thời gian trước và sau năm 1500. Trước năm 1500, thế giới chia thành những khu vực khác nhau, các khu vực này về cơ bản đều ở tình trạng khép kín với nhau, một kỹ thuật mới xuất hiện ở một nơi nào đó thì có ảnh hưởng rất nhỏ tới các nơi khác, và cống hiến của nó đối với toàn nhân loại rất hạn chế.
…
Vì thế sau năm 1500 mới thực sự có thể so sánh được trình độ sáng tạo đổi mới giữa các nước, ai giỏi ai kém rõ rành rành! Trung Quốc trong 500 năm gần đây không làm ra được một phát minh sáng tạo mới nào đáng ghi vào sử sách, điều đó có nghĩa là cống hiến của chúng ta cho sự tiến bộ của nhân loại gần như bắng số không! Kém xa tổ tiên ta!”
Không rõ tại sao Jack Challoner chọn mốc năm 1500, cách lý giải của ông Trương thì ở trên rồi, nhưng tôi thì nhận thấy điều khác. Từ năm 1500 tới nay là 500 năm. Con số 500 năm có ý nghĩa gì? Số năm Tề Thiên Đại Thánh bị đè dưới Ngũ Hành Sơn? Thực ra rất đơn giản, 500 năm chính là lịch sử của Chủ nghĩa tư bản (CNTB) cho đến nay. Trước CNTB, động lực phát minh của loài người cơ bản là đồng đều trên thế giới. Từ khi CNTB xuất hiện, động lực phát minh đã có sự phân hóa, nơi nào xã hội theo CNTB thì nơi đó nhiều động lực để phát minh, nơi nào vẫn còn chế độ phong kiến, nơi đó ít động lực để phát minh. Và trong lịch sử 500 năm gần đây, TQ đã mất hơn 400 năm chìm đắm trong chế độ phong kiến hậu kỳ, và thêm hơn 50 năm nội chiến. Do đó, CNTB hay nói cách khác là nền kinh tế thị trường ở TQ được phát triển trong điều kiện hòa bình, không bị kìm kẹp bởi phong kiến mới chỉ được gần 50 năm gần đây (từ năm 1979). Thế nên không có gì ngạc nghiên với sự tụt hậu quá lớn giữa TQ và phương tây, điều hiển nhiên là TQ là phải đi sau phương Tây về số lượng phát minh cho nhân loại trong giai đoạn 500 vừa qua.
Vấn đề tiếp theo, vậy khi tất cả các quốc gia trên thế giới đã là CNTB hoặc đã theo kinh tế thị trường rồi, như thời đại chúng ta đang sống hiện nay, thì đâu là động lực của phát minh? Ông Trương có nhắc đến vấn đề dân số:
“Hơn 10 năm trước, nhà vật lý người Mỹ Geoffrey West phát hiện: trong đời sống đô thị, mối quan hệ giữa số lượng phát minh sáng tạo của con người với số lượng dân thì tuân theo quy luật lũy thừa với số mũ dương 5/4: Nếu đô thị A có số dân đông gấp 10 đô thị B thì tổng lượng phát minh sáng tạo của A sẽ bằng 10 lũy thừa 5/4 [tức101,25] tổng lượng phát minh sáng tạo của B, tức 17,8 lần [chính xác: 17,78279].”
Ý ông Trương, dân số TQ đông, đáng nhẽ số phát minh phải tỷ lệ thuận với dân số, nhưng kết quả thì lại ngược lại. Liệu dân số có phải là nhân tố thúc đẩy như trong bài viết của ông Trương không? Để trả lời vấn đề này, chúng ta sẽ đặt câu hỏi. Đâu là động lực để một nhà kỹ thuật, nhà khoa học nỗ lực làm việc để sáng tạo hay phát minh ra cái mới? Sở thích, niềm đam mê của anh ta? Tinh thần khai phóng của anh ta? Sự hưng phấn do động viên, khuyến khích của xã hội? Hay do xã hội cởi mở, tư do tư tưởng tạo điều kiện thuận lợi cho tinh thần khai phóng nở rộ như bài viết của Trương Duy Nghênh? Tất cả các yếu tố trên đều đúng nhưng mới chỉ là điều kiện cần. Vậy điều kiện đủ ở đây là gì? Như chúng ta đều biết, sẽ chẳng có gì thành công trong CNTB nếu không có tiền. Nhà phát minh không thể thành công bằng đam mê được, anh ta cần phải được cấp tiền để thực hiện các ý tưởng của mình. Sản xuất TBCN càng phát triển thì tiền đầu tư để có một phát minh mới ngày càng cao. Ngày nay, các máy gia tốc, các kính viễn vọng, các dây chuyền sản xuất chip bán dẫn, các chương trình thám hiểm vũ trụ cần số tiền đầu tư khổng lồ, lên tới hàng tỷ Đô-la, thậm chí hàng chục tỷ Đô-la… Hiển nhiên so với số tiền đầu tư khổng lồ như vậy, thì sự nỗ lực, đam mê của các nhà kỹ thuật, nhà khoa học chỉ là hạt cát so với sa mạc, giọt nước so với đại dương. Xã hội có tạo điện kiện tự do thân thể, tự do tư tưởng đến mức tối đa không giới hạn đi chăng nữa, mà không có nhà đầu tư cấp đủ vốn cho các dự án nghiên cứu R&D, thì để có một phát minh mới có giá trị chỉ là điều viển vông.
Như vậy chúng ta thấy vốn là vấn đề quan trọng. Vậy đâu là động lực để nhà đầu tư hay nhà tư bản bỏ vốn vào một dự án hay một đề án nghiên cứu, phát minh? Họ cũng sẽ đầu tư vì niềm đa mê khoa học? Vì tinh thần khai phóng? Vì lòng từ thiện như kiểu từ thiện của Bill Gates? Tất nhiên là không rồi, tôi cá chắc chắn rằng nếu có một nhà tư bản nào mà đầu tư vì những nguyên nhân trên thì sớm muộn ông ta cũng sẽ bị phá sản. Trong chế độ sản xuất TBCN, tất cả đều hoạt động đều được vận hành vì mục tiêu lợi nhuận. Doanh nghiệp nào đã tỷ suất lợi nhuận cao hơn các doanh nghiệp khác thì doanh nghiệp đó ngày càng phát triển do càng ngày càng tích lũy được nhiều tư bản, và cũng sẽ hấp dẫn các nhà tư bản bỏ vốn vào đầu tư cho doanh nghiệp đó. Chúng ta sẽ thấy hiện tượng này trên thị trường chứng khoán. Quay lại vấn đề phát minh, vậy nhà tư bản sẽ chỉ đầu tư cho một dự án phát minh, dự án nghiên cứu khi dự án đó có tiềm năng lợi nhuận. Nếu dự án không có tiềm năng lợi nhuận, nhà tư bản sẽ không đầu tư. Xét trường hợp của TQ, đất nước họ đã tụt hậu so với thế giới tư bản phương tây 450 năm, liệu TQ sẽ có lợi thế để nhận đầu tư mới trong lĩnh vực nghiên cứu, phát minh không? Như chúng ta đã biết, lĩnh vực R&D hay nghiên cứu phát triển là lĩnh vực đòi hỏi lượng tri thức rất lớn, trong đó có rất nhiều tri thức được bảo hộ bằng những bằng phát minh, sáng chế, bằng sở hữu trí tuệ. Mà thực tế là, không có phát minh mới nào là mới hoàn toàn cả, hay có nghĩa không phát minh mới nào mà không dựa trên các phát minh đã có. Do đó, để vượt qua rào cản sở hữu trí tuệ sẽ phải tốn chi phí rất lớn, mà tất cả chi phí này đều sẽ được tính vào chi phí đầu tư của dự án. Vậy giữa việc đầu tư R&D cho những nước có sẵn IP (Sở hữu trí tuệ) với việc đầu tư tại những nước ít hoặc chưa có IP như TQ thì đầu tư ở đâu có lợi hơn? Sự thật hiển nhiên là, trong lĩnh vực R&D, TQ đã tụt hậu 450 năm, TQ sẽ không bao giờ có cơ hội để chiến thắng trong cuộc đua gọi vốn này. Vì vậy, chả dại gì TQ dùng đồng tiền khó khăn kiếm được của họ để đi làm lĩnh vực mà đất nước họ chắc chắn sẽ không thắng được phương tây.
Và kết quả hiện nay, như chúng ta đã thấy, trong gần 50 năm qua, TQ đã chọn lĩnh vực mà họ có lợi thế nhất đó là trở thành công xưởng của cả thế giới và họ đang rất thành công. Họ không cần phải đi đầu về phát minh, nhưng mọi phát minh trên thế giới muốn hiện thực hóa đều phải đi qua Trung Quốc, toàn phần hoặc một phần. Đó là thành công lớn nhất của Trung Quốc trong gần 50 năm qua, và cũng là trong lịch sử 500 năm của thế giới cận đại và đương đại.
—
Tác giả Công ĐC
(bài này gốc vẫn ko dc duyệt vì sai quy cách [share link] mặc dù đã pm hướng dẫn)