Thứ năm, ngày 03/07/2025 06:20 GMT+7
Liệu có phương án cải cách tiền lương năm 2025, sau sắp xếp tỉnh thành?
Thuỳ Anh Thứ năm, ngày 03/07/2025 06:20 GMT+7
Khi cả nước đã hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính thì nhiều công chức, viên chức và người lao động cũng đang rất quan tâm liệu có phương án cải cách tiền lương năm 2025?
Liệu có cải cách tiền lương năm 2025?
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 kể từ ngày 1/7/2024, chính sách tiền lương mới sẽ được cải cách theo hướng bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới, theo đó mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố quá trình cải cách tiền lương chưa thực hiện được. Bởi vậy từ 1/7/2025 Chính phủ đã quyết định tăng lương cơ sở. Theo đó, từ 1/7/2024 tăng lương cơ sở thêm 30%, tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Đây là mức tăng cao nhất kể từ khi thực hiện chính sách tiền lương cơ sở.
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị đẩy nhanh tốc độ cải cách tiền lương. Bà Hà cho biết, hiện nay, tổng biên chế của các tỉnh, thành phố thuộc diện sắp xếp là 447.657 người, trong đó có 2.321 cán bộ, 79.118 công chức và 366.218 viên chức.
Đại biểu đề nghị cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ cải cách tiền lương vì sau sáp nhập, khối lượng công việc tăng, phạm vi quản lý rộng hơn, trách nhiệm lớn hơn, cần có chế độ phúc lợi cũng như tiền lương thỏa đáng cho cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, bà Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: “Chưa nắm được có điều chỉnh lương cơ sở hay không, vì còn tùy thuộc vào tình hình kinh tế đất nước năm 2025. Đến thời điểm này chưa có căn cứ và cơ sở để điều chỉnh lương trong năm 2025 và 2026”.

Như vậy, có thể chưa có phương án cải cách tiền lương năm 2025 và cũng chưa có văn bản, nghị quyết nào quyết định cải cách tiền lương trong năm 2025.
Nhiều khả năng việc cải cách tiền lương sẽ được xem xét sau năm 2026.
Trong khi cả nước chưa thực hiện cải cách tiền lương thì tại Hà Nội, HĐND đã ban hành Nghị quyết 46/2024/NQ-HĐND quy định về thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Thủ đô.
Căn cứ vào Điều 4 Nghị quyết 46/2024/NQ-HĐND quy định chi thu nhập tăng thêm cho toàn bộ CBCCVC làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên thuộc Thành phố Hà Nội quản lý như sau:
Nguồn kinh phí chi thu nhập tăng thêm được sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách các cấp sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội do Trung ương ban hành.
Nguồn kinh phí chi thu nhập tăng thêm của cơ quan, đơn vị bằng quỹ lương cơ bản (gồm lương theo ngạch bậc, chức vụ) nhân với mức trích do Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định.
Mức trích để tạo nguồn kinh phí thực hiện chi thu nhập tăng thêm năm 2025 bằng 0,8 lần quỹ lương cơ bản.
Kết thúc năm 2025, căn cứ nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đảm bảo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định, Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo, đề xuất Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét, quyết định mức trích để tạo nguồn kinh phí thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố cho những năm tiếp theo nhưng không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản.
Cuối cùng kết thúc năm 2025, căn cứ nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đảm bảo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định, Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo, đề xuất Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét, quyết định mức trích để tạo nguồn kinh phí thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức viên chức thuộc Thành phố cho những năm tiếp theo nhưng không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản.
Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức ở Thủ đô đã được nhận thu nhập tăng thêm kể từ ngày 1/1/2025. Nhưng đây không phải là thu nhập tăng thêm do cải cách tiền lương năm 2025. Đây là chính sách đặc thù của HĐND TP.Hà Nội với cán bộ, công chức, viên chức của thành phố.
Phương án cải cách tiền lương những năm sau này, nếu có?
Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đề cập tới việc cải cách tiền lương. Theo đó, mục tiêu chính cải cách tiền lương là xây dựng tiền lương theo vị trí việc làm, xây dựng 5 bảng lương chính. Bỏ lương cơ sở thay bằng tiền lương theo vị trí việc làm.
Theo điểm c khoản 3.1 Mục 2 Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 quy định thì các yếu tố cụ thể làm căn cứ để thiết kế bảng lương mới gồm:
– Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
– Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.

– Xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.
– Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
– Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phù hợp với quy định của bảng lương mới.
Theo đó 5 bảng lương mới của cán bộ công chức viên chức khi cải cách tiền lương xây dựng trên yếu tố mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương. Từ đó từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
Quan điểm thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Theo đó khi cải cách tiền lương bỏ mức lương cơ sở thì mức lương mới là lương cơ bản chiếm tỉ lệ 70% tổng quỹ lương.
Ngoài ra thì các khoản phụ cấp sẽ chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương và tiến hành bổ sung tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm (không bao gồm phụ cấp).