Liệu có đúng không khi cho rằng đa số những người theo tôn giáo (ít nhất là ở Mỹ) thường theo đạo chỉ vì họ được nuôi dạy như vậy và không có nhiều suy nghĩ nghiêm túc về tín ngưỡng của họ?

Kiểu như tôn giáo là một nét văn hoá mà bạn lớn lên cùng với nó. Hồi tôi học tầm cấp 2 hoặc cấp 3, tôi có hỏi vài đứa bạn về vấn đề tôn giáo (không phải để xét nét đâu, chỉ là tôi tò mò muốn hỏi thôi) và bọn nó cũng không kể gì nhiều, có nhiều đứa còn nói là không biết tại sao nó lại theo đạo, kiểu vốn dĩ đã vậy rồi.

Tôi cảm thấy nếu không có sự bảo tồn qua các thế hệ thì trong thời buổi 2021 bây giờ, bạn sẽ không dễ gì tin theo những tôn giáo khởi nguồn từ Abraham. Tôi thấy người theo đạo đa phần là những kiểu người sau:

  • A) Người bị trầm cảm hoặc bị ngăn cấm và cần sự an ủi của tôn giáo để họ cảm thấy được xoa dịu và tiếp tục sống tốt (những người đã bị tổn thương)
  • B ) Người được nuôi dạy và lớn lên cùng với tôn giáo đó từ nhỏ và không biết gì hơn (có lẽ phổ biến nhất)
  • C) Người sợ cái chết và ý nghĩ không thể bất tử (giống với kiểu người A nhưng những người này không nhất nhiết bị tổn thương, lo âu hoặc đại loại vậy)

Thông thường một người cũng có thể thuộc cả 3 kiểu này. Chỉ là, tôi xin lỗi nếu điều này xúc phạm đến các bạn nhưng tôi không thể hiểu tại sao thời nay người ta có thể thật tâm tin theo đạo như Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Mặc Môn Giáo,… kể cả khi không thuộc 3 nhóm người kể trên. Chuyện này vừa phức tạp vừa mâu thuẫn. Cá nhân tôi thấy cũng không quá tốn thời gian để những người theo đạo ngồi xuống và tự hỏi về nhiều thứ, cảm giác như họ lờ đi những mảng yếu kém của tôn giáo hoặc rèn luyện tâm trí để lảng tránh những vấn đề như vậy. Liệu tôi nghĩ vậy có đúng không? Hay tôi là một đứa mất dạy xàm ngôn thiếu suy nghĩ?

_____________________

u/MurderDoneRight (1.8k points)

75% người Thuỵ Điển tự nhận mình vô thần nhưng 2/3 trong số đó vẫn là thành viên của nhà nhờ. Bởi vì ai sinh trước năm 2000 đều được mặc định là thành viên của nhà thờ. Nên người ta sinh ra đã vậy rồi và quá lười/tội lỗi để xin rút.

>u/SwedishMemer86 (124 points)

Dị hơn là dù phải đóng phí nhưng người ta vẫn không xin rút ra.

>>u/VonAndersson1 (113 points)

Tôi nghĩ việc là thành viên trong nhà thờ thì cũng có nghĩa là đám tang của bạn sẽ được miễn phí. Nhà thờ cũng là nơi sở hữu nhiều cabin mà bạn có thể thuê với giá khá rẻ. Cho nên có vài động lực kinh tế để người ta ở lại. Nhưng mà tôi nghĩ lí do lớn nhất là vì bạn phải in giấy ra rồi gửi nộp hồ sơ để xin rút, thay vì phải làm online.

>>>u/PureWhey (30 points)

Huh.

Tôi đâu có in giấy tờ gì để xin rút đâu. 4 năm rồi nên không nhớ là tôi đã làm cái gì nữa nhưng mà chắc kèo là không in giấy tờ gì hết.

_____________________

u/pcs11224 (1.0k points – x2 silvers – x1 bravo grande! – x2 helpful)

Tôi không theo đạo, nhưng tôi thấy nói “không có nhiều suy nghĩ nghiêm túc về tín ngưỡng của họ” thì hơi quá đáng. Niềm tin không phải là bỏ qua những điều đúng đắn, mà là tin rằng những gì họ không thấy được là có thật. Tôi không nghĩ điều đó là vì những người theo đạo muốn tìm lối thoát cho bản thân, nhưng tôi thấy được sức hút của việc tìm kiếm một cộng đồng thuộc về họ. Khi người ta tận dụng những khát khao đó cho cộng đồng và dung hoà những lợi ích, mong muốn cá nhân. Cho nên tôi không nghĩ việc tin tưởng vào Chúa hay bất kì tín ngưỡng nào là ngu ngốc, nguy hiểm hay độc hại gì cả. Vẫn có nhiều người dành cả đời để nghiên cứu về Thần học và những người không ngừng tự đặt ra những câu hỏi suốt cuộc đời họ. Cũng có người theo đạo vì họ không màng tìm kiếm sự thay thế khác, nhưng dù sao thì tôi không nghĩ bạn có thể quy chụp tất cả đều giống nhau.

_____________________

u/ThatOneBlackGirl_ (476 points – x1 silver)

Tôi theo đạo Thiên Chúa và là thành viên của nhà thờ gia đình (những người tham gia nhà thờ đều được coi là một phần của gia đình) và hồi còn nhỏ mỗi lần tôi tò mò hỏi gì đó thì đều bị nói là thôi đi và nên cầu nguyện vì Chúa sẽ nói cho tôi biết. Chuyện này dẫn tới việc tôi bắt đầu tự hỏi liệu tôn giáo có thật sự nghiêm trọng như họ nói (họ nói với tôi đại loại như không đọc Kinh thánh mỗi ngày thì lúc chết sẽ xuống địa ngục). Tôi thất vọng nhiều đến nỗi họ thật sự tin rằng tôi sẽ ở lại đây chỉ vì tôi được nuôi dạy như thế. Việc được dạy dỗ và lớn lên trong nhà thờ khiến tôi tự hỏi liệu ngay từ đầu tôi có muốn theo đạo hay không và chính bản thân tôi thấy ghen tị với những đứa bạn chỉ cần đi nhà thờ vào dịp Giáng Sinh vì chúng nó không phải đối mặt với việc bị quan sát ngay cả những việc làm nhỏ nhặt.

Vì vậy tôi đã nói với mẹ rằng khi nào có con tôi sẽ không muốn nuôi dạy chúng trong nhà thờ vì tôi không muốn chúng mới nhỏ tuổi nhưng đã phải nghi ngờ chuyện mình đang làm có sai hay không. Họ đã dạy tôi nhiều thứ ở nhà thờ và tôi đã dành phần còn lại thời trẻ để xoá chúng ra khỏi đầu và tôi nhận ra họ phóng đại mọi thứ lên và làm mọi thứ trở nên mâu thuẫn! Họ nói có bạn trai lúc học phổ thông thì sau này sẽ xuống địa ngục và ti tỉ thứ vớ vẩn khác. Tôi rất mệt mỏi và một điều ít được nhắc tới ở nhà thờ là những đứa trẻ đều ráng chờ đợi tới lúc đi học đại học để được giải thoát và sống cuộc đời mà họ không thể xoi mói chúng tôi được nữa.

Tôi khá chắc đó là lí do vì sao người ta nói những đứa trẻ theo đạo là những đứa nổi loạn nhất vì thậm chí ngay cả những thứ rất bình thường mà bọn tôi còn không được phép làm (ví dụ như họ nói chửi người khác là tội lỗi, xăm trổ là tội lỗi, thủ dâm là tội lỗi, ủng hộ và thuộc về cộng đồng LGBTQ+ là tội lỗi và lúc chết sẽ xuống địa ngục, còn cả xỏ khuyên cũng là tội lỗi dù hầu hết con gái đứa nào cũng xỏ khuyên) và với tôi thì những điều đó rất bình thường. Tôi đã tìm hiểu và thấy những bài viết nói rằng xăm trổ mang ý nghĩa giải phóng với nhiều người và thủ dâm cũng có lợi cho cơ thể. Tôi đã bị ghìm chặt bởi những ý nghĩ và quan niệm cũ, giờ đây tự tôi nghe theo niềm tin của riêng mình.

Edit: Cảm ơn mọi người vì những cái upvote và những ai chia sẻ với tôi câu chuyện của bạn và ủng hộ quyết định ra khỏi nhà thờ của tôi. Đây cũng là lí do tôi tham gia Reddit, để tôi có ai đó lắng nghe quan điểm và giá trị của mình mà không bị phán xét, cũng như nhận được những lời khuyên ý nghĩa về cách xử sự trong những tình huống như thế này.

_____________________

u/somewhat_brave (1.4k points – x1 all-seeing upvote)

Tôi được nuôi dạy theo đạo và đã rất coi trọng tín ngưỡng của mình. Tôi dồn hết tâm trí và nỗ lực để thấu hiểu tín ngưỡng đó nhưng tôi chưa bao giờ tự hỏi liệu Chúa có thật hay không mãi cho đến lúc học đại học.

>u/Jack_is_a_Potato (649 points – x1 silver)

Tôi được nuôi dạy theo đạo Do Thái. Tôi cũng đã tự hỏi về tôn giáo của mình suốt hồi còn nhỏ, vì nó chả có ý nghĩa gì cả. Hồi đại học tôi học môn lịch sử và có dịp đi một chuyến “Birthright” tới Isreal. Tôi được tận mắt chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ của nhiều tôn giáo khác nhau và thấy mất niềm tin vào những gì tôi vốn tin tưởng. Dưới góc nhìn lịch sử thì những tàn tích đó rất thú vị, nhưng chúng cũng không khác gì những tàn tích pháo đài La Mã xung quanh và những nền văn minh cổ đại khác. Tôi không hài lòng về cách tổ chức cho lắm và sự truyền đạo trong chuyến đi càng làm tôi không thấy vui hơn. Dù sao thì, tôi cũng đã sờ lên Bức Tường Than Khóc và xác nhận luôn, nó là bức tường được làm bằng mấy tảng đá bự. Chả có gì kì diệu hết.

T/n: Bức Tường Than Khóc (The Western Wall) là một địa điểm linh thiêng tại vùng đất thánh Jerusalem. Địa danh này thu hút rất nhiều tín đồ đến để cầu nguyện và người ta tin rằng viết mong ước của mình lên giấy rồi nhét vào tường thì sẽ được Thượng đế xem xét.

>>u/tinaxbelcher (143 points – x1 gold)

Tôi thì được nuôi dạy theo đạo Do Thái bằng cách khác, cá nhân tôi đến bây giờ vẫn thấy điều đó bình thường. Tôi có một người ông là thầy đạo, tôi đi lễ vào ngày Shabbat (T/n: Ngày Shabbat là ngày thứ 7 trong đạo Do Thái), hành lễ tất cả những ngày lễ chính, đi học ở trường học tiếng Do Thái, v.v, nhưng tôi nghĩ điều đặc biệt ở gia đình tôi là tin rằng Chúa không có thật. Tôi lớn lên trong một gia đình trí thức. Tín ngưỡng của chúng tôi tập trung vào việc thiện nguyện còn được gọi là “tzedek”. Chúng tôi giúp đỡ những ai kém may mắn hơn mình. Việc tưởng nhớ những đau thương, đứng dậy và đi tiếp sau những dày vò và mất mát trong quá khứ cũng là một phần trách nhiệm của chúng tôi.

Tôi đã cưới một người cũng theo đạo Do Thái và tôi định rằng sẽ dạy con theo đạo vì tôi cảm thấy mình có trách nhiệm với tổ tiên phải kế tục truyền lại nền văn hoá này. Dù vậy nhưng tôi không tin Chúa và cũng không định dạy con mình như thế. Khái niệm về Chúa với tôi khá là ngớ ngẩn. Hành động của chúng ta là do chính chúng ta, chúng ta tồn tại trên trái đất này trong một khoảng thời gian ngắn ngủi và tận dụng thời gian đó như thế nào là do chính chúng ta. Con người nên nhớ xuất phát điểm của mình từ đâu và học hỏi từ chính sai lầm của mình.

>>>u/TommyRoyVG (5 points)

Trường học tiếng Do Thái ngoài đời như thế nào vậy? Bạn được học mọi thứ bằng tiếng Do Thái hay chỉ học tiếng như một môn ngoại ngữ khác thôi? Bạn có nghĩ mình thông thạo tiếng Do Thái không?

Tôi có vài người họ hàng theo học trường học tiếng Do Thái ở Florida nhưng lâu quá rồi không nói chuyện nên tôi cũng không biết trường này ngoài đời thế nào nữa.

Thêm nữa là tôi thấy vui khi nghe bạn kể về câu chuyện được nuôi dạy theo đạo, tôi thì không may mắn như vậy, cho nên tự tôi xa cách với chính nét văn hoá đó, nhưng dù sao tôi cũng hiểu được điều gì khiến bạn khác với tôi.

>>>>u/tinaxbelcher (7 points)

Câu hỏi này hay. Trong 12 năm đầu đời của tôi thì đi học ở trường tiếng Do Thái là một chương trình ngoài giờ hai lần một tuần. Chúng tôi học tiếng Do Thái, học làm bánh mì Challah, đan mũ Kippah, thảo luận về những sự kiện đang diễn ra và hát. Năm 13 tuổi tôi chuyển qua bang khác và mẹ cho tôi đi học ở trường học ban ngày của người Do Thái (Jewish Day School), ở đây tôi được học những môn cơ bản, tiếng Do Thái và kinh Torah. Bây giờ tôi vẫn đọc được chữ Do Thái do những chữ cái đó đã in trong đầu từ hồi bé rồi, nhưng từ vựng thì vẫn hạn chế. Tôi không hiểu trơn tru hết được khi nghe người ta nói nhưng đủ để tôi biết được người ta nói tiếng Do Thái.

Bản thân tôi trân trọng những điều được nuôi dạy bởi gia đình mình vì chính chúng giúp tôi nhận ra đạo Do Thái quan trọng thế nào đối với tôi. Thật tiếc vì bạn đã không thể trải qua được điều tích cực như vậy. Đối với tôi bất kì tôn giáo nào chỉ bảo người ta suy nghĩ theo khuôn khổ thì đều là độc hại.

T/n: Bánh mì Challah là món bánh hay được ăn trong dịp lễ của người Do Thái. Còn mũ Kippah được coi là biểu tượng của sự sùng đạo và tôn kính Chúa, còn được gọi là “mũ sợ Chúa”.

_____________________

Dịch bởi Tôi không phải chó

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *