Liên Xô đã trả nợ Lend-Lease cho Mỹ như thế nào? 

Theo đạo luật Cho vay – Cho thuê (Lend-Lease) được thông qua tháng 11 năm 1941 của Mỹ, thì Hoa Kỳ sẽ cung cấp các hàng hóa cần thiết theo nhu cầu hỗ trợ phòng thủ cho các quốc gia Đồng Minh với một số điều kiện. Trong đó những hàng hóa đã tiêu hao trong chiến tranh thì không phải trả tiền, những tài sản còn lại sau chiến tranh còn phù hợp với mục đích dân sự sẽ phải thanh toán toàn bộ hoặc một phần trên cơ sở các khoản vay dài hạn. Và nếu phía Mỹ quan tâm, các máy móc còn lại sau chiến tranh cũng phải trả lại. Thiết bị quân sự và các phương tiện phục vụ chiến đấu nói chung thì phía Mỹ cũng không đòi tiền, và thường các nước tham chiến đều giữ lại thiết bị Mỹ cung cấp và trả tiền, nhưng chỉ 1 phần số tiền được quy ra các khoản vay và thanh toán, phần còn lại được coi là cơ sở cho “hành động chung hướng tới việc tạo ra một trật tự kinh tế quốc tế được tự do hóa trên toàn cầu sau khi chiến tranh kết thúc.” Về mặt hàng hóa, chỉ có một số tàu vận tải không vũ trang được trả lại, và phía Mỹ cũng không vui vẻ lắm khi nhận hàng trả về.

Trong chiến tranh, từ 22/6/1941 cho đến 20/9/1945, Liên Xô đã nhận từ Mỹ tổng cộng 17,5 triệu tấn hàng hóa, giá trị thành tiền là 11 tỷ đô la thời giá năm 1946, trong đó giai đoạn từ 22/6 cho đến 30/9/1941 được thanh toán bằng vàng và kim loại quý khác. Theo quy định của đạo luật, chỉ những thiết bị còn sót lại sau chiến tranh mới được thanh toán; để thống nhất số tiền cuối cùng, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, các cuộc đàm phán Xô-Mỹ bắt đầu. Tại Hoa Kỳ, ban đầu người ta tính toán rằng số tiền phải trả cho máy móc và thiết bị dân sự còn sót lại, có tính đến hao mòn của chúng, là 2,6 tỷ USD, khi đến đàm phán, số tiền này đã giảm một nửa, còn 1,3 tỷ USD. Tại cuộc đàm phán năm 1948, đại diện Liên Xô đồng ý chỉ trả 170 triệu USD và vấp phải sự từ chối có thể đoán trước của phía Mỹ. Các cuộc đàm phán vào năm 1949 cũng không đi đến kết quả gì (phía Liên Xô tăng số tiền đề xuất lên 200 triệu USD với gói trả góp 50 năm, còn phía Mỹ giảm xuống 1 tỷ USD với gói trả góp 30 năm). Năm 1951, người Mỹ đã hai lần giảm số tiền thanh toán, xuống còn tương đương 800 triệu đô la, nhưng phía Liên Xô đồng ý chỉ trả 300 triệu đô la. Theo chính phủ Liên Xô, việc tính toán lẽ ra phải được thực hiện không theo các khoản nợ thực tế, mà trên cơ sở tiền lệ. Tiền lệ này là tỷ lệ xác định khoản nợ giữa Hoa Kỳ và Anh, vốn được ấn định sớm nhất là vào tháng 3 năm 1946. Kết quả là Hoa Kỳ đã đồng ý với các đề xuất của Liên Xô. Cuối cùng vào năm 1972, Liên Xô đã cam kết trả 722 triệu đô la cho số lương thực Mỹ cung cấp cho Liên Xô, thời hạn cho đến năm 2001, bao gồm cả tiền lãi. Đến tháng 7 năm 1973, ba khoản thanh toán với tổng trị giá 48 triệu đô la đã được thực hiện, sau đó các khoản thanh toán đã bị dừng lại do phía Mỹ đưa ra các biện pháp hạn chế thương mại với Liên Xô theo tu chính án Jackson-Vanik, cho nên việc trả nợ bị đình lại.

Vào tháng 6 năm 1990, trong cuộc hội đàm giữa các tổng thống Hoa Kỳ và Liên Xô, các bên quay trở lại cuộc thảo luận về khoản nợ. Một thời hạn mới để trả khoản nợ cuối cùng đã được đặt ra là năm 2030, và số tiền 674 triệu đô la còn lại. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, một vấn đề ro tướng được đặt ra: nghĩa vụ đối với các khoản nợ của Liên Xô cũ (bao gồm cả các khoản nợ Lend-Lease) đã được chuyển giao cho ai? Vào ngày 4 tháng 12 năm 1991, 8 nước cộng hòa của Liên Xô, bao gồm cả Nga Xô viết, đã ký “Thỏa thuận thừa kế đối với các khoản nợ và tài sản công ở nước ngoài của Liên Xô”, trong đó ấn định tỷ lệ của mỗi nước cộng hòa trong các khoản nợ (và tài sản) của Liên Xô cũ. Theo đó, tỷ lệ của Nga được thiết lập ở mức 61,34%. Tuy nhiên, hiệp ước chỉ được ký kết bởi một bộ phận các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ; các nước Baltic, Azerbaijan, Moldova, Turkmenistan, Uzbekistan đã không ký vào thỏa thuận.

Tuy nhiên, vào năm 1992-1994, Liên bang Nga đã ký các thỏa thuận song phương với các nước kế thừa của Liên Xô về “lựa chọn số 0”, theo đó Liên bang Nga nhận toàn bộ khoản nợ nhà nước của Liên Xô cũ để đổi lấy việc sự từ bỏ của các nước cộng hòa khác về tất cả tài sản nước ngoài của Liên Xô (vàng và dự trữ ngoại hối, tài sản ở nước ngoài, tài sản của lực lượng vũ trang, v.v.). Về vấn đề này, ngày 2 tháng 4 năm 1993, Chính phủ Liên bang Nga tuyên bố sẽ chịu trách nhiệm về tất cả các khoản nợ của Liên Xô. Về mặt kỹ thuật, các khoản nợ của Liên Xô được chia thành nợ cho các chính phủ (Câu lạc bộ Paris) và nợ cho các ngân hàng tư nhân (Câu lạc bộ London); khoản nợ Lend-Lease là khoản nợ đối với chính phủ Hoa Kỳ, tức là một phần của khoản nợ đối với Câu lạc bộ Paris. Nga hoàn trả đầy đủ nợ cho Câu lạc bộ Paris vào ngày 21 tháng 8 năm 2006.

Như mọi người thấy, liên quan đến nợ quốc tế là vấn đề hết sức phức tạp, liên quan đến việc xác định số nợ, thời hạn, phương thức thanh toán, nếu có thay đổi chế độ thì lại phải đàm phán về kế thừa khoản nợ… nói chung là cực kỳ phức tạp chứ không phải cứ giở giấy nợ ra xem đáng gia bao nhiêu tiền rồi đòi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *