Trong các sách vở lịch sử chính thống ở VN thường nêu ra quan điểm rằng các nước tư bản phương Tây đã dung dưỡng, giúp đỡ cho phát xít Đức tái vũ trang nhằm âm mưu chống lại nhà nước Liên Xô XHCN, tuy nhiên có một thực tế ít người biết tới đó chính là Liên Xô mới là QUỐC GIA TIÊN PHONG giúp đỡ nước Đức tái vũ trang, xé toạc hiệp ước Versailles 1919 và từ đó chuẩn bị cho việc phát động một cuộc chiến tranh Thế giới mới
TỪ CHO MƯỢN CĂN CỨ QUÂN SỰ….
Sau khi thế chiến I kết thúc tháng 11/1919 cả 2 nước Nga và Đức đều là những kẻ bại trận. Trong khi nước Nga mất một lượng lớn lãnh thổ do hiệp ước Brest – Litovsk và chìm ngập trong cuộc nội chiến đẫm máu giữa phe Hồng quân và Bạch quân cũng như làn sóng phong trào đòi độc lập dâng cao ở Ukraine, Belarus, Phần Lan, Ba Lan, Trung Á, Kavkaz…thì nước Đức phải đầu hàng vô điều kiện lực lượng Đồng minh, mất hết thuộc địa, lãnh thổ bị chia cắt, quân đội bị giới hạn chỉ còn 100.000 người và không còn vũ khí hạng nặng, phải bồi thường chiến phí hết sức nặng nề…
Những thất bại này đã khiến hai quốc gia xích lại gần nhau trong mục tiêu chung là phá vỡ trật tự quốc tế do các nước tư bản thắng trận lập ra để bao vây họ. Vào những năm 1920, nhiều người trong ban lãnh đạo của Weimar Đức, người cảm thấy bị sỉ nhục bởi các điều kiện mà Hiệp ước Versailles đã áp đặt sau thất bại của họ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (đặc biệt là Tướng Hans von Seeckt, người đứng đầu quân đội Đức Reichswehr), đã quan tâm đến việc hợp tác với Liên Xô để ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào từ Ba Lan và các quốc gia bảo trợ cho nhà nước Ba Lan là Anh và Pháp.
Hiệp ước Versailles giới hạn sức mạnh của Reichswehr Đức ở mức 100.000 người, hiệp ước cũng cấm người Đức không có máy bay, xe tăng, tàu ngầm, pháo hạng nặng, khí độc, vũ khí chống tăng hoặc súng phòng không. Một nhóm thanh tra từ Hội Quốc Liên kiểm tra nhiều nhà máy và xưởng sản xuất của Đức để đảm bảo rằng những vũ khí này không được sản xuất. Phía Liên Xô đã đề nghị các cơ sở nghiên cứu, huấn luyện và thử nghiệm công nghệ quân sự của Đức sẽ được xây dựng ở sâu bên trong lãnh thổ Liên Xô, tránh xa tầm mắt của các thanh tra. Đổi lại, Liên Xô yêu cầu được tiếp cận với các phát triển kỹ thuật quân sự của Đức và Đức sẽ hỗ trợ Liên Xô trong việc xây dựng Bộ Tổng tham mưu Hồng quân.
Đức đã bình thường hóa quan hệ với Liên Xô vào năm 1922 bằng việc ký kết hiệp ước Rapallo, đưa Đức trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Liên Xô vào thời điểm đó. Lúc này cả hai quốc gia là những đất nước bị cộng đồng thế giới cô lập.
Tháng 3 năm 1922 các sỹ quan Đức bắt đầu xuất hiện ở Liên Xô và tháng 4 năm đó Junkers, nhà sản xuất máy bay hàng đầu của Đức bắt đầu chế tạo máy bay tại Fili ở ngoại ô Moscow, vi phạm hiệp ước Versailles. Nhà sản xuất đại pháo Krupp hoạt động ở phía nam Liên Xô, gần Rostov-on-Don . Năm 1925 một trường bay được thành lập gần Lipetsk (Kampffliegerschule Lipezk) để đào tạo những phi công đầu tiên cho Luftwaffe (Không quân Đức) tương lai. Từ cơ sở huấn luyện này, hàng trăm phi công chiến đấu, nhân viên mặt đất và nhân viên hành chính và huấn luyện viên đã được đào tạo để trở thành trụ cột cho Luftwaffe trong Thế chiến II. Các cơ sở này cũng được sử dụng để đào tạo phi công Liên Xô.
Từ năm 1926, Reichswehr cũng xây dựng một trường xe tăng tại Kazan (Panzerschule Kama). Nó có tên mã là “Kama” từ các từ Kazan và Malbrandt vì khu vực thử nghiệm nằm gần Kazan và Malbrandt. Đây là một trường đào tạo bí mật dành cho các chỉ huy xe tăng cho phép quân đội Đức phá vỡ các hạn chế đối với nghiên cứu xe tăng được nêu ra trong Hiệp ước Versailles. Ngoài các sĩ quan đào tạo, trường còn được các công ty Đức như Krupp, Daimler và Rheinmetall sử dụng làm nơi phát triển các thiết kế xe tăng mới. Các kỹ thuật viên đã làm việc trên các thiết kế mà sau này trở thành Panzerkampfwagen I và II. Nhiều sĩ quancấp cao của Đức từng đặt chân đến Kama có Walter Model, Heinz Guderian, Werner von Blomberg…
Ngoài ra Liên Xô còn cho phép người Đức xây dựng một cơ sở vũ khí hóa học ở Saratov (khu thử nghiệm khí Tomka /Gas-Testgelände Tomka), là cơ sở thử nghiệm vũ khí hóa học bí mật gần nơi có mật danh Volsk-18 (cách Volsk 20 km ), nay là Shikhany, tỉnh Saratov.
Đổi lại những sự giúp đỡ này, Hồng quân đã được tiếp cận với các cơ sở đào tạo này cũng như học hỏi lý thuyết và công nghệ quân sự mới nhất từ Weimar Đức.
…CHO ĐẾN MUA CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT VŨ KHÍ CỦA ĐỨC
Trong Thế chiến II loại pháo phòng không nổi tiếng nhất của Liên Xô là khẩu pháo M1939 52-K cỡ nòng 85mm. Tuy nhiên ít người Liên Xô thời đó biết được rằng nguồn gốc của M1939 52-K xuất phát từ khẩu M1938 cỡ nòng 76mm và đây lại là bản cải tiến của khẩu pháo phòng không M1931 76mm và các mẫu ban đầu được sản xuất tại Đức vào tháng 2 đến tháng 4 năm 1932 dựa theo công nghệ của Rheinmetall, Đức trước khi chuyển giao cho phía Liên Xô. Do đó về mặt thiết kế M1939 52-K có rất nhiều điểm tương đồng với dòng pháo phòng không 8.8 cm Flak nổi tiếng của Đức trong thế chiến II cũng do Rheinmetall chế tạo.
Cuối thập niên 20 người Đức do khủng hoảng kinh tế đã đồng ý cung cấp cho Liên Xô một ngành công nghiệp vũ khí tiên tiến và cơ sở công nghiệp hỗ trợ nhưng họ yêu cầu Liên Xô chi trả cho các khoản nợ này bằng tiền cứng (tức ngoại tệ mạnh như USD hay bảng Anh, không phải bằng đồng rúp thường xuyên mất giá của Liên Xô). Stalin rất muốn vũ khí của Đức như súng phòng không, pháo, súng chống tăng, súng máy , v.v., nhưng phía Liên Xô cực kỳ thiếu tiền. Để giải quyết vấn đề, chính quyền Xô viết đã tiến hành tịch thu lúa mì của nông dân và đem đi xuất khẩu vào năm 1930 và 1931, khiến một lượng lớn lúa mì Liên Xô với giá rẻ mạt tràn ngập thị trường thế giới. Không rõ việc này có liên quan gì đến nạn đói khủng khiếp diễn raở Liên Xô trong năm 1932 làm thiệt mạng hàng triệu người hay không, tuy nhiên, Stalin đã có thể bảo đảm số ngoại tệ quý giá để trả cho vũ khí Đức. Đức đã giúp ngành công nghiệp Liên Xô bắt đầu để hiện đại hóa, và hỗ trợ thành lập các cơ sở sản xuất xe tăng tại nhà máy Obukhov (Государственный Обуховский Завод) và nhà máy đầu máy Kharkov. Nhà máy Obukhov (còn được gọi là nhà máy Bolshevik 232) cùng với Nhà máy đầu máy Kharkov là hai nhà máy xe tăng chính của Liên Xô với các sản phẩm như T-18, T-26, dòng xe tăng nhanh BT và sau này là cả T-34 nổi tiếng.
Sau khi chế độ Quốc xã cầm quyền ở Đức năm 1933, mối quan hệ này dần xuống dốc cho tới khi được hồi sinh nhờ hiệp ước Xô-Đức năm 1939.