Ăn cho bổ nào ngờ ngộ độc nặng
Tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện liên tục cấp cứu, điều trị cho các trường hợp bị ngộ độc sau khi ăn thịt cóc.
Gần nhất là ba mẹ con (trú tại huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) nhập viện trong tình trang mệt, buồn nôn và nôn nhiều sau khi ăn thịt cóc.
Người mẹ cho biết, nghe hàng xóm nói thịt cóc giàu dinh dưỡng, có tác dụng chữa còi xương nên người mẹ đã mua cóc về về chế biến.
Trong quá trình sơ chế, người mẹ lột sạch da cóc, bỏ nội tạng tuy nhiên còn giữ lại bộ trứng cóc. Sau khi chiên, hai con ăn thịt cóc, còn người mẹ ăn trứng cóc.
Khoảng 30 phút sau khi ăn, cả ba mẹ con đều có dấu hiệu mệt, buồn nôn, nôn nhiều và được đưa ngay đến trung tâm y tế huyện và được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Phú Thọ.
Tại đây, ba người bệnh đã được thăm khám, thực hiện các chỉ định cận lâm sàng và được chẩn đoán ngộ độc thịt và trứng cóc.
Rất may mắn, do cả 3 được đưa đến bệnh viện sớm, tình trạng ngộ độc thịt và trứng cóc chưa nặng. Các triệu chứng ngộ độc chủ yếu biểu hiện trên đường tiêu hóa, buồn nôn, nôn do ăn lượng rất ít và chưa có bất thường tại cơ quan tim mạch, thần kinh.
Vì vậy, sau 1 ngày điều trị bằng phương pháp rửa, làm sạch dạ dày; than hoạt, truyền dịch thải độc, theo dõi sát điện tim, men tim, tình trạng sức khỏe của mẹ và hai con đều đã ổn định và được ra viện.
Trước đó, bà N. T. C (58 tuổi, ở huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) đã cùng cháu ruột đã ăn thịt cóc và buồng trứng cóc. Sau khi ăn khoảng 1 giờ, hai bà cháu có biểu hiện bị ngộ độc: nôn, đau bụng, đi ngoài nên đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu.
Ngay sau đó, người cháu được chuyển đến bệnh viện Sản nhi Phú Thọ, còn bà C được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Bà C nhập khoa Hồi sức tích cực – Chống độc trong tình trạng đau bụng, bụng chướng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, đau tức ngực, điện tim xuất hiện nhịp chậm.
Ngay lập tức, bà C được rửa dạ dày cấp cứu, bơm than hoạt, dùng thuốc để nâng huyết áp, nâng nhịp tim liên tục.
Sau 5 giờ cấp cứu, bà C đã qua cơn nguy kịch, kiểm soát được nhịp tim và huyết áp ổn định. Sau 3 ngày theo dõi và điều trị tích cực, người bệnh đã tỉnh táo, không còn đau ngực, nhịp tim, huyết áp bình thường, sức khỏe dần hồi phục.
Theo TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ: “Cóc chứa chất độc bufodienonid và bufotoxin trên toàn bộ da, tuyến nước bọt – mang tai, nội tạng và trứng.
Cóc có thể gây ngộ độc trong toàn bộ vòng đời của chúng: trứng, nòng nọc, cóc con, cóc trưởng thành. Nọc độc của cóc có thể gây nên các triệu chứng nguy hiểm trên hệ tiêu hoá, hô hấp, thần kinh và đặc biệt là hệ tim mạch”.
Nguy cơ ngộ độc khi ăn thịt cóc rất cao
TS, bác sĩ Hà Thị Bích Vân, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ cũng khuyến cáo, người dân không nên mạo hiểm ăn thịt cóc vì nghĩ bổ, chữa được còi xương, suy dinh dưỡng.
Thực tế, thịt cóc cũng như các loại thịt khác, đều có hàm lượng dinh dưỡng nhất định. Tuy nhiên, trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh cóc có chứa rất nhiều chất độc, đặc biệt là bufotoxine.
Đây là một chất cực độc, bền với nhiệt, có thể gây rối loạn nhịp tim và tử vong trong thời gian rất ngắn; bufotenin, dihidrobufotenin, bufotionin gây ảo giác; indolealkylamin có tác dụng gây ảo giác và co thắt ruột.
“Các độc tố trong cóc được hấp thu qua đường tiêu hóa, sau khi ăn phải các độc tố này thì sau khoảng 1-2 giờ xuất hiện các triệu chứng ngộ độc thịt và trứng cóc đầu tiên.
Các ngộ độc về đường tiêu hóa như: chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội,…có thể bị tiêu chảy. Sau đó đến triệu chứng như chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim và các triệu chứng khác”, TS Vân chia sẻ.
Theo TS Vân, thịt và mỡ của cóc tuy không có độc nhưng nếu không cẩn thận trong khi chế biến thì vẫn có thể bị chất độc từ các bộ phận khác dính vào.
Ngộ độc thịt và trứng cóc tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Vì vậy, tốt nhất là chỉ nên ăn thịt cóc đã chắc chắn chế biến đúng cách, tuyệt đối không ăn trứng, da, nội tạng của cóc.
Để hạn chế và dự phòng các tổn thương do nọc cóc, TS Vân khuyến cáo người dân không nên ăn thịt cóc và các sản phẩn làm từ cóc; trong trường hợp không may ăn phải thịt cóc hoặc rủi ro tiếp xúc với nọc cóc cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời.