Trong thời kỳ phong kiến, những tài sản – tài nguyên quan trọng nhất của quốc gia là: Nhân khẩu – Lương thực, kim loại quý (vàng, bạc, đồng)
Nhân khẩu là nguồn để trưng thuế, trưng phu, sản xuất lương thực và tuyển lính. Trong thời kỳ phong kiến sử dụng dân số và nhân khẩu để đo lường mức độ mạnh yếu của một quốc gia tuy hơi khiên cưỡng nhưng có lẽ cũng chẳng sai biệt mấy.
Kim loại thì đóng vai trò làm tiền tệ của quốc gia, và làm đồ đúc kim khí, hỏa khí, vũ khí cũng như để đem đi giao dịch hàng hóa với nước ngoài. Với những hạn chế cơ bản về kỹ thuật và địa lý, nguồn tài nguyên này đối với các quốc gia là rất hữu hạn, Đại Việt trong nhiều thời kỳ thường bị rơi vào tình trạng thiếu đồng, đến nỗi Lê Thái Tổ khi mới lập quốc còn băn khoăn chuyện xài tiền giấy hay quay về tiền đồng, hay ngài Hồ Quý Ly đi trước thời đại, hoặc thời chúa Nguyễn phải chơi tiền kẽm.
Ngược lại với nước ta thì Nhật Bản trong cùng thời kỳ lại rất giàu có ở những khoản tài nguyên trên: trong cùng mốc thời gian, nhân khẩu của Nhật luôn cao hơn Đại Việt nhiều lần dù nội chiến diễn ra liên tục, điều này nhờ họ sở hữu đến 20% diện tích đất phù hợp canh tác màu mỡ (do là đất núi lửa) cộng với lượng mưa lớn (Lên tới 406 cm 1 năm) và một vùng biển giàu có và dễ khai thác. Việt Nam đến tận cuối thời nhà Nguyễn thuế má cả nước vẫn dựa vào đồng bằng Sông Hồng là chính, dải miền Trung dài hẹp, bị chia cắt và thiên tai, bão lũ liên miên, miền Nam tuy có tiềm năng lớn nhưng với trình độ kỹ thuật lúc đó, chúng ta không khai thác được, nhân khẩu ở phía Nam cũng thưa thớt hơn nhiều so với phía Bắc khiến việc khai phá khó khăn và chậm chạp.
Tham khảo: (1)
Về kim loại quý, Nhật dư thừa bạc xuất khẩu đủ để ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu bạc trên thị trường thế giới lúc bấy giờ, thời kỳ thương mại phát triển mà nhiều người khen là tột bậc của chúa Nguyễn ở Đàng Trong kỳ thực chỉ là chúng ta được ăn ké khi gián đoạn thương mại Trung – Nhật. Cho nên hãy hiểu một thực tế rằng, so về tiềm lực đất nước trong thời PK, chúng ta không thể nào bằng Nhật, chứ không phải “Nhật nghèo tài nguyên” “Việt Nam rừng vàng biển bạc”.
Trong cơ cấu kinh tế thời phong kiến, việc sản xuất lương thực, đảm bảo được an ninh lương thực luôn là một mục tiêu cực kỳ trọng yếu của bất kỳ triều đại nào. Việc trọng nông ức thương cũng là vì nguyên do này vì trong thời kỳ làm nông chủ yếu bằng sức người thì một khi nhân lực tản mát ra các ngành khác, ruộng đồng bỏ hoang sẽ khiến sản lượng lương thực bị sụt giảm, nếu kèm với combo thiên tai, dịch bệnh thì rất dễ khiến nạn đói hoành hoành, loạn lạc trỗi dậy, quốc gia suy sụp.
Ở đây thì phải nói thêm một vấn đề về: phân phối tài sản của xã hội. Trong thời kỳ PK luôn sẽ có những giai tầng sở hữu đặc quyền, đó là tầng lớp vua chúa, quan lại, quý tộc, địa chủ. Với tình trạng đặc quyền kèm theo cơ cấu tài sản – tài nguyên thời PK là như vậy khiến cho cuối mỗi triều đại đều sẽ xảy ra tình trạng thôn tính ruộng đất và chênh lệch trong phân phối tài sản, thuế đánh rất nặng trên đầu dân cùng đinh trong khi tầng lớp đặc quyền lại đóng rất ít hoặc không chịu đóng thuế.
Tham khảo: (2)
Lấy ví dụ như ngay thời “gần cuối” của chúa Nguyễn, dân nghèo phải nộp đến 7,8 phần 10 hoa lợi từ ruộng đất, đánh cá hái củi phải nộp lại toàn bộ sau mới được bọn cai trưởng hoàn lại bao nhiêu hay bấy nhiêu mà như vậy vẫn phải nộp thêm thuế thân mỗi năm 12.000 đồng tiền (2 quan), trong khi đám quan lại cấp trên thì tăng cường bóp nặn, Trương Phúc Loan đổ tiền ra phơi vàng chóe cả sân, lớp quan lại quý tộc, địa chủ giàu có thì chịu rất ít thuế.
Triều đình dù biết tình trạng này nhưng cũng không làm gì được, các chúa Trịnh – chúa Nguyễn còn xài cả chiêu mua quan bán tước để gom tiền vào quốc khố nhưng đám quan mua tước thì lại càng tăng cường bóp nặn để lấy vốn, khiến tình trạng ngày càng trở nên tệ hơn, hoặc có một cách “thông minh” hơn mà các chúa làm đó là dung dưỡng cho đám hoạn quan đi hạch sách và làm tiền (Vì bọn này không có thân nhân nên khi chết tiền sẽ trở về phủ chúa).
Các triều đại phong kiến, hưng thịnh rồi cũng sẽ đến lúc suy vong, mà một nguyên nhân quan trọng trong đó thường là: Khủng hoảng trong phân phối tài sản xã hội, dẫn đến thất thu, quốc khố trống rỗng, tài lực hao mòn, loạn lạc trỗi dậy.
Vì vậy mỗi khi một triều đại phong kiến trở nên thoái trào và một triều đại mới lên thay thế, đều sẽ thực hiện tái phân phối tài sản của xã hội. Triều đại PK mới, với tầng lớp công thần mới, quan lại và quý tộc mới phân chia lại tài sản của triều đại cũ, cũng như tái phân phối ruộng đất cho dân nghèo để phục hồi nền sản xuất trong xã hội. Việc phân phối này càng hợp lý thì triều đại ấy càng lâu bền nhưng chung quy nó cũng sẽ đi lại con đường giống như triều đại cũ, các nguyên do khác như: thiên tai, bệnh dịch, khủng hoảng chính trị hoặc ngoại địch cũng góp phần đẩy nhanh quá trình đó.
Thời Lý giành ngôi của nhà Lê dựa vào giới tăng lữ, nên tầng lớp tăng lữ cũng là một giai tầng đặc quyền trong xã hội, nhưng thời kỳ này nước ta vẫn khá là dễ thở do việc dời đô hợp lý, nhiều mỏ vàng (Đủ để mua nô lệ người Chăm và .. cả người Tàu), cũng chưa xảy ra tình trạng nhân mãn.
Thời nhà Trần, nhờ Trần Tự Khánh và Trần Thủ Độ, anh em họ Trần dần chiếm lĩnh các chức vụ trọng yếu trong triều đình và phân chia thành các vương, hầu, tài sản quốc gia được phân chia riêng rẽ theo các khu vực lãnh địa.
Đến thời nhà Hồ, thực ra cũng phải nhìn nhận rằng cái thế khó của nhà Hồ là tài sản quốc gia lúc ấy phân chia riêng rẽ trong tay các quý tộc họ Trần và Hồ Quý Ly khá bất lực trong việc xử lý tình trạng này. Cách xử lý thường làm của các quân chủ khác (những người không đi trước thời đại) là bẻ đũa từng chiếc, cô lập xử lý từng mảng một để gom dần tài lực và quyền lực, đến khi đủ mạnh mới xuống tay xử lý triệt để, nhưng HQL thì trong lúc chưa giàu chưa mạnh lại đem tất cả từ bình dân bá tánh, quý tộc, đến cả mấy anh thổ quan biên giới, Chiêm Thành, rồi tới cả thằng điên Chu Đệ đắc tội tất tần tật hết một lượt. Cho nên kết cục nó là như thế đấy.
Thời Minh thuộc, sau khi gom hết vàng bạc, sản vật, thầy thợ về thiên triều, đốt hết sách vở, đập phá công trình, di tích, phá hoại văn hiến, nhà Minh sắp đặt lại cai trị nước ta như quận huyện, cho di dân qua nước ta rất đông, và cũng có rất nhiều quan lại, Nho sĩ, dân chúng Đại Việt thậm chí nườm nượp theo về hàng quân Minh mà cả cha lẫn ông cậu Nguyễn Trãi đều nằm trong đám này.
Cũng phải nói rằng, vua nhà Minh có chủ trương cai trị mềm dẻo để thu phục nước ta, nhưng do xa phủ xa tỉnh, quan lại địa phương được thế tăng cường bóp nặn (Tình trạng y hệt hồi Minh Mạng đem quân qua Trấn Tây Thành) khiến đời sống người dân trở nên hết sức cơ cực. Tài sản, quốc lực của nước ta giai đoạn này bị phá hoại và bị nhà Minh cướp về, số còn lại được phân chia lại cho các quan lại người Hán cai trị, cũng như các “Ngụy quan” đã hàng quân địch.
Đến khi Lê Thái Tổ dấy binh, để có lương tiền nuôi quân cũng là phải xài hai chiêu: Đánh cướp của quân Minh, và tống tiền các Ngụy quan đã hàng địch. Đến khi thành công đuổi được quân Minh về nước, mới sắp đặt lại hệ thống cai trị, quan lại, chia ruộng đất cho dân và lính hồi hương về cày cấy, khôi phục lại nền sản xuất trong nước vốn đã rất tan hoang nát bét sau nhiều năm chinh chiến. Nó tan hoang đến mức là: đồng để đúc tiền cũng còn thiếu, mà vẫn phải cống cả một đống thứ cho nhà Minh, sách vở văn vật không có, các nhân tố bất ổn trong nước vẫn còn nhan nhản, ở khu vực biên giới Việt Lào, rồi cả Tây Bắc mà trong 5 năm ngồi ngai, Lê Thái Tổ phải xử lý tất cả những chuyện này. Đến thời Lê Thánh Tông, chúng ta mới coi như là vực dậy đất nước từ kiệt quệ, trở thành một thế lực đáng gờm trong khu vực.
Nói thêm sẽ dài và động chạm, nhưng tựu chung có thể thấy được bất kể triều đại mới nào cũng cần những lần reset phân phối tài sản xã hội như vậy. Thời Tây Sơn, Nguyễn Huệ cũng từng gom kho báu phủ chúa Trịnh và cũng tống tiền đám địa chủ và hoạn quan để thu gom tài sản, sau khi nắm được giang sơn, mới bắt đầu ban chiếu khuyến nông và tái lập một hệ thống cai trị mới.
Thời hiện đại để giải bài toán này, nhiều nước sản sinh ra nhiều cơ chế chính trị và một hệ thống thuế khóa tinh vi và phức tạp với mục đích là có thể cân bằng giữa việc duy trì, tăng cường thu nhập của quốc gia bằng cách thu thuế của người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ … mà không để việc này đẩy mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm, theo nguyên tắc người dân, doanh nghiệp giàu lên, chính phủ sẽ thu được nhiều thuế hơn, tái đầu tư vào xã hội và lặp lại.
Tầng lớp đặc quyền và những tệ lậu trong bộ máy cai trị vẫn sẽ luôn tồn tại ở bất cứ chế độ nào, nhưng xét ra, đây là điểm tiến bộ hơn rất nhiều so với thời kỳ phong kiến.