LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA HẢI QUÂN TRUNG QUỐC – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI (Par

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA HẢI QUÂN TRUNG QUỐC – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI

Trung Quốc trong lịch sử là một cường quốc lục địa chứ không phải là một cường quốc hàng hải, mặc dù sở hữu đường bờ biển dài với hơn sáu vạn hòn đảo lớn nhỏ. Các triều đại cầm quyền Trung Quốc, nhất là hai triều đại nhà Minh và Thanh thường coi biển cả như một tuyến đường cho các quốc gia bên ngoài xâm lược đã góp phần vào sự yếu kém của truyền thống hàng hải Trung Quốc. Thái độ này đã thay đổi vào đầu thế kỷ XXI khi Bắc Kinh đang nỗ lực thúc đẩy hiện đại hóa và mở rộng lực lượng hải quân Trung Quốc với một tốc độ mau chóng chưa từng thấy trong lịch sử.
QUÁ KHỨ HUY HOÀNG
Trận hải chiến được ghi nhận sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc xảy ra vào năm 549 TCN, thời kỳ Xuân Thu, khi những tầng lớp thống trị Trung Quốc bắt đầu sử dụng tàu thuyền để tấn công lẫn nhau. Triều đại nhà Hán (206 TCN – 220) đã chứng kiến những thủy thủ Trung Quốc là những người đầu tiên hạ thủy những con tàu buồm được trang bị bánh lái, biết sơn đáy tàu để ngăn chặn sự mục rữa của gỗ và xây dựng các ụ khô với quy mô lớn. Nhiều trận thủy chiến quy mô khổng lồ đã được ghi chép trong sử sách như trận Xích Bích diễn ra năm 208 sau CN. Người Trung Quốc cũng đã thiết lập các tuyến đường thương mại hàng hải đến Tây Nam Á và Tây Phi vào cuối triều đại nhà Đường. Đỉnh cao phát triển của hải quân Trung Quốc phong kiến xảy ra trong thời nhà Tống (năm 960 – 1279). Hạm đội nhà Tống năm 1274 được thống kê với tổng số 13.500 tàu thuyền lớn nhỏ và là công cụ quan trọng để ngăn chặn bước tiến của kỵ binh Mông Cổ tràn xuống phương nam. Công nghệ hàng hải Trung Quốc cũng trưởng thành trong thời đại này; khi nhà Tống không thể giành lại các vùng lãnh thổ Trung Á vốn đã từng thần phục nhà Đường từ tay người Ả Rập Hồi giáo khiến con đường thương mại trên bộ bị cắt đứt, thương mại hàng hải trở thành một phần rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia. Có lẽ thay đổi quan trọng nhất, nhà Tống là triều đại đầu tiên ở Trung Quốc thành lập một đội thủy binh quốc gia thường trực, hoạt động độc lập với bộ binh. Hải quân nhà Tống vào năm 1132 bao gồm 52 vạn người.
Trung Quốc vẫn là cường quốc biển trong suốt hai triều đại kế tiếp. Nhà Nguyên đã sử dụng những hạm đội khổng lồ để thực hiện các cuộc chinh phạt hải ngoại như ở Nhật Bản năm 1274, 1281, Việt Nam năm 1285, 1288, Java năm 1292. Cuộc viễn chinh năm 1274 chống lại Nhật Bản có sự tham gia của 900 tàu ​​thuyền cùng với 40.000 binh sĩ và năm 1281 bao gồm 4.400 tàu các loại với 140.000 người.
Trong triều đại nhà Minh (1368 – 1644), Trung Quốc đã chứng kiến ​​đỉnh cao của các đợt triển khai hạm đội ở các đại dương hải ngoại và sau đó là sự sụp đổ của sức mạnh hải quân. Trong chiến tranh lật đổ nhà Nguyên, thủy quân nhà Minh từng giành được một loạt chiến thắng trước các đối thủ trên vùng sông nước ở thung lũng sông Dương Tử. Các chuyến đi đầu thế kỷ XV của nhà thám hiểm Trịnh Hòa đến Trung Đông và Châu Phi xảy ra trong triều đại nhà Minh đã chứng tỏ năng lực đóng tàu, khả năng tổ chức cũng như kỹ năng hàng hải của người Trung Quốc tiến bộ như thế nào so với mặt bằng chung thế giới thời đó. Hạm đội của Trịnh Hòa có những con thuyền khổng lồ gọi là Bảo thuyền, được sử dụng bởi chỉ huy hạm đội và các cấp phó của ông với chín cột buồm, dài khoảng 127 mét, rộng 52 mét và cao bốn tầng lầu.
Tuy nhiên, ngay sau các chuyến đi của Trịnh Hòa, nhà Minh đã mau chóng giải tán hạm đội khổng lồ của họ và bỏ mặc quyền kiểm soát trên biển cho người châu Âu và Ả Rập thống trị, đúng vào thời điểm các quốc gia châu Âu bắt đầu cuộc đua sử dụng biển cả để đạt được sự thịnh vượng và phát triển. Tới cuối thế kỷ XVI, chính quyền nhà Minh thậm chí không thể bảo vệ nổi các thương nhân hàng hải của mình chống lại nạn hải tặc Nhật Bản lan tràn khắp vùng duyên hải. Kinh tế suy thoái và nhất là mối đe dọa từ người Mông Cổ và các nước khác ở phía bắc và phía tây ngày càng mạnh mẽ khiến triều đình ngày càng dồn mọi sự chú ý đến nội địa và lục quân hấp thụ ngân sách quốc gia càng ngày càng nhiều. Không có triều đại nào sụp đổ do kết quả trực tiếp của cuộc xâm lược hoặc áp lực từ hướng biển còn hải quân tại nhiều thời điểm có khả năng và thậm chí mạnh mẽ nhưng chưa bao giờ có tác dụng quan trọng đối với sự tồn tại của một triều đại, ngay cả khi đối mặt với mối đe dọa kéo dài hàng thế kỷ từ hải tặc Nhật Bản.
Triều đại nhà Thanh thay thế nhà Minh vào năm 1644 sau một thời gian dài chiến tranh trên bộ, trong đó sức mạnh hải quân đóng một vai trò rất nhỏ. Triều đình nhà Thanh không phải đối mặt với mối đe dọa đáng kể nào từ biển và dường như không thấy có lý do gì để đầu tư vào hải quân. Chiến dịch hàng hải đáng chú ý nhất trong suốt triều đại nhà Thanh là lần chinh phục đảo Đài Loan dưới sự chỉ huy của Tịnh hải hầu Thi Lang vào năm 1683. Kể từ đó, hải quân của họ không có hoạt động nào đáng kể cho đến hơn 150 năm sau.
Cuối thế kỷ XVIII Hải quân nhà Thanh vẫn đủ mạnh để ngăn chặn nạn hải tặc Tây Sơn đến từ Việt Nam ở các vùng ven biển phía nam, duy trì trật tự trên kênh rạch và sông hồ cũng như bảo vệ đường bờ biển trải dài nhưng cơ bản nó không đủ khả năng đánh lùi những đạo quân đế quốc phương Tây đầu thế kỷ XIX đến bằng đường biển. Chiến tranh Nha phiến nổ ra với nước Anh năm 1840 đã cho thấy các tàu buồm của hải quân Trung Quốc yếu kém như thế nào trước sức mạnh của hải quân Anh. Hiệp ước Nam Kinh được ký kết năm 1842 đã bắt đầu cho thời kỳ mà người Trung Quốc gọi là một thế kỷ nhục nhã – “Bách niên quốc sỉ”.
HIỆN ĐẠI HÓA THẤT BẠI
Khi nhà Thanh quay cuồng trước sự tấn công dữ dội của các nước đế quốc phương Tây và từ ảnh hưởng của Cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc, kết thúc vào năm 1864, các phong trào tự cường đã bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc, bao gồm cả việc xây dựng và đào tạo một lực lượng hải quân hiện đại thay thế cho những con tàu gỗ nay đã lỗi thời nhưng những nỗ lực hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc thường trở thành nạn nhân công kích từ những người theo Nho giáo truyền thống kiên quyết bài trừ khoa học kỹ thuật của phương Tây.
Tuy nhiên, vào năm 1884 cuối cùng Trung Quốc cũng đã triển khai được một lực lượng hải quân hiện đại nhờ nỗ lực của Lý Hồng Chương, một trong ba vị đại thần cao cấp nhất của triều đình. Thật không may, lực lượng hải quân mới thành lập bị tràn ngập bởi nạn tham nhũng và quản lý yếu kém. Lực lượng hải quân mới này được trang bị các chiến hạm hiện đại và được các nhà quan sát phương Tây đánh giá cao, cho là hạm đội mạnh nhất Đông Á nhưng nó nhanh chóng trở thành què quặt sau hai lần thử lửa với các hạm đội nước ngoài.
Tranh chấp với Pháp trong quá trình thực dân hóa Việt Nam dẫn đến chiến tranh tháng 8 năm 1884 và hạm đội Viễn Đông của Pháp với 13 chiến hạm đã tấn công hạm đội Phúc Kiến tại cảng Phúc Châu và đánh chìm 22 tàu, trong đó có 11 chiến hạm hiện đại đóng theo kiểu phương Tây. Năm 1894, hạm đội Bắc Dương hiện đại và mạnh mẽ nhất Trung Quốc; do đích thân Lý Hồng Chương tổ chức với chủ lực là hai thiết giáp hạm Định Viễn và Trấn Viễn đặt mua từ Đức, mười tuần dương hạm và hai phóng lôi hạm đã liên tiếp thất bại trước một hạm đội Nhật Bản nhỏ yếu hơn. Những cuộc xung đột hải quân với người Pháp và người Nhật đã chứng tỏ rằng trong khi Bắc Kinh đã có thể mua được tàu thuyền và vũ khí trang bị cho một hạm đội hiện đại, nó đã thất bại trong việc thiết lập một cơ cấu quản trị hiệu quả trong lãnh đạo, đào tạo, hậu cần và bảo trì thiết bị cho hải quân. Hơn nữa, học thuyết hoạt động hải quân hầu như không có (điều gần tương tự như hải quân Đức trong Thế chiến I); các nhà lãnh đạo của hải quân nhà Thanh cũng đã thất bại trong việc thiết lập sự phối hợp giữa các lực lượng khác nhau khi hạm đội Bắc Dương phải đơn độc chiến đấu với người Nhật mà không có sự hỗ trợ nào từ ba hạm đội còn lại. Nỗ lực của Trung Quốc để triển khai một lực lượng hải quân hiện đại vào cuối thế kỷ XIX lúc này coi như đã thất bại thảm hại.
(còn tiếp)





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *