LỊCH SỬ NƯỚC AN NAM (1659), TẬP SỬ ĐẦU TIÊN VIẾT BẰNG CHỮ QUỐC NGỮ

Tập này thầy Bentô Thiện viết gửi cho cha Marini năm 1659. Bentô Thiện là một trong những người Việt đầu tiên học chữ quốc ngữ. Tập này không có tên, Lịch sử nước An Nam là tên linh mục Đỗ Quang Chính đặt cho trong cuốn Lịch sử chữ quốc ngữ (1620 – 1659) xuất bản năm 1972. Sau đây trích lại cả tập, có chỉnh sửa lại chính tả và phát âm cho giống ngày nay

Nước Ngô trước hết mới có vua trị là Phục Hi. Vua thứ hai là Thần Nông. Con cháu vua Thần Nông sang trị nước An Nam, liền sinh ra vua Kinh Dương vương. Trước hết lấy vợ là nàng Thần Long, liền sinh ra vua Lạc Long quân. Lạc Long quân trị vì, lấy vợ tên là Âu Cơ, có thai đẻ ra một bao có một trăm trứng, nở ra được một trăm con trai. Mà vua Long quân là thủy tinh ở dưới biển, liền chia con ra: năm mươi con về cha ở dưới biển, mà năm mươi con thì về mẹ ở trên núi ; đều thì làm Chúa trị mọi nơi.

Lại truyền dõi đến đời vua Hùng vương, trị nước An Nam được mười tám đời, cũng là một tên là Hùng vương. Sau hết sinh ra được một con gái, tên là Mị Chu. Một nhà Sơn Tinh, một nhà Thủy Tinh, hai nhà đến hỏi lấy làm vợ, thì vua cha là Hùng Vương nói rằng: ai có của đến đây trước thì ta gả con cho. Nhà Sơn Tinh là vua Ba Vì đem của đến trước, thì vua Hùng Vương liền gả cho. Bấy giờ liền đem về núi Ba Vì khỏi. Đến sáng ngày nhà Thủy Tinh mới đến, thấy chẳng còn liền giận lắm, hễ là mọi năm thì làm lụt, gọi là dâng nước đánh mà đánh nhau.

Ngày sau có giặc nhà Ân là người Ngô sang đánh vua Hùng vương. Vua liền cho sứ giả đi rao thiên hạ, ai có tài mạnh thì đi đánh giặc cho vua. Sứ liền đi rao, đến huyện Vũ Đinh, làng Phù Đổng, thì có một con trai nên ba tuổi, còn nằm trong trõng, chẳng hay đi cũng chẳng hay nói, mà nghe tiếng sứ rao qua, liền hay gọi mẹ mà hỏi rằng, hỏi rằng: « Ấy khách nào, đi gì đấy? » Mẹ rằng: « Khách nhà vua đi rao ai mệnh thì đi đánh giặc cho vua, mà sao con chẳng dậy mà đi đánh giặc cho vua, cho mẹ ăn mày bổng lộc. » Thằng bé ấy bảo mẹ rằng: « Mẹ hãy gọi quan khách ấy vào đây ». Mẹ liền đi gọi quan ấy vào, mới chiềng quan rằng: « Con tôi nên ba tuổi, chẳng hay nói cũng chẳng hay đi, tôi mới thấy sự lạ, mà khiến tôi ra gọi ông vào. » Quan ấy liền hỏi rằng: « Thằng bé kia, mầy muốn đánh giặc cho Vua chăng mà mầy gọi tao vào? » Bấy giờ thằng bé ấy nói rằng : « Mầy có muốn cho tao đánh giặc cho Vua, thì về bảo Vua đánh một con ngựa sắt, lại đánh một cái thiết vọt sắt đem đến đây, cùng thổi một trăm nong cơm, cùng một trăm cong rượu cho tao ăn uống. » Quan ấy liền về tâu vua thì vua mừng, liền làm như vậy. Quân quốc vua liền đem đến cơm cùng rượu, thằng bé dậy ngồi, liền ăn hết một trăm nong cơm, một trăm lực sĩ dọn chẳng kịp, rượu thì cớt cả và cong mà uống. Đoạn liền lên cỡi ngựa sắt ấy, liền hay chạy cùng kêu cả tiếng, ngựa liền đi trước, quân vua thì theo sau, đi đánh giặc nhà Ngô, giặc liền chết hết, lại giật lấy bụi gai là ngà mà kéo lên mình quân giặc, nát thịt cùng gãy hết chân tay ra. Đánh giặc đoạn liền lên trên núi Sóc mà bay lên trời và người và ngựa. Nước An Nam còn thờ đến nay, gọi là Đổng Thiên Vương, nói nôm gọi là đòi Vường Đống

Ngày sau hết đời vua Hùng vương liền có vua Thục đế là vua Kinh Dương vương, mà vua ấy xây thành ở huyện Đông Ngàn mà dựng một rùa vàng. Vua liền lấy vuốt nó mà làm lẫy nỏ mà bắn ra đâu thì giặc liền sợ đấy.

Thuở ấy có một vua là Triệu Vũ hoàng sang đánh vua An Dương vương. An Dương vương lấy nỏ mà bắn thì giặc liền chết. Mà vua An Dương vương sinh ra được một con gái tên là Mị Chu. Vua Triệu Vũ hoàng thì có con trai tên là Trọng Thỉ. Mà Triệu Vũ giả nghĩa làm hòa thuận, mà hai bên gả con cho nhau. Vua An Dương Vương liền gả con cho con vua Vũ hoàng. Đến khi đã lấy được, ở làm nhà cha vợ; thấy cha vợ đi vắng mặt, thì hỏi vợ rằng: « Nào cái nỏ cha để đâu, lấy cho anh xem? » Vợ ngờ là thật dạ thì lấy nỏ ra cho xem. Chẳng ngờ có ý ăn trộm lấy lẫy nỏ, mà làm lẫy nỏ khác tra vào cho, kẻo còn thiêng đánh được cha mình. Đoạn bảo vợ rằng: « Anh về nước nhà cùng vua cha, hoặc là ngày sau hai nước chẳng yêu nhau, thì anh để cho em một áo lông ngan; ví bằng có đánh em theo vua cha, thì lấy lông này làm dấu cho anh biết đàng mà đi cùng. » Nói đoạn về nước nhà lấy quân đánh cha vợ, mà cha vợ ngờ nỏ còn thiêng thì bắn, chẳng ngờ đã mất phép; mà giặc đánh đến thì chạy, mà con cũng cỡi ngựa theo cha; mà giữ lời chồng bảo, liền lấy lông ngan bỏ dấu cho chồng theo. Vua chạy đến gần sông thì lại gặp cái rùa ngày trước cho vuốt ấy, liền bảo rằng: « Con vua, ấy là giặc, xin vua giết. » Vua liền giết con mới khỏi giặc. Nàng ấy kêu khóc rằng: « Tôi lòng dại, nghe người vì chồng; cho đạo cha muôn phần, tôi xin chết, máu này biến ra hột trai ở ngoài biển Đông. » Nàng ấy liền chết, thì chồng theo chẳng kịp. Thấy vợ đã chết, thì đến đấy thấy có một giếng sâu, thì lòng thương vợ, liền gieo mình xuống mà chết nữa. Đến ngày, có ai được hột trai Kinh xấu, thì lấy nước giếng ấy mà rửa, thì lại trong tốt. Ấy là duyên vợ chồng người ấy thì còn truyền đến nay.

Ngày sau Tô Định sang làm loạn phạt nước Annam. Khi ấy còn hai con gái là cháu vua Hùng vương tên là Trương Trắc, Trương Nhị, là hai đàn bà đi đánh Tô Định. Ngô liền thua, mới lập nên đồng trụ trên Quảng Tây.

Đến đời sau, Vua Hán Quang nhà Ngô lại sai tướng Mã Viện cùng Lí Nam đế cùng Trần Bá Tiên, Triệu Việt vương cùng sang nước An Nam mà ở một người một xứ. Đến ngày sau, vua Đàng vương lại sai Cao Chính Bằng, lại có Cao Biền học phép thiên văn địa lí mà lập làm thành Đại La Kẻ Chợ.

Đến ngày sau lại dấy loạn, đặt làm 12 nhà chúa, ở một người là một xứ, đánh lộn nhau: một là Công Hãn ở Bạch Hạc, hai là Nguyễn Khoan, ba là Ngô vương, bốn là Nhật Khánh, năm là Cảnh Thạc, sáu là Xương Chức, bảy là Nguyễn Quê, tám là Nguyễn Thủ, chín là Nguyễn Siêu Lụy, mười là Ngô Quảng, mười một là Kiều quận công, mười hai là Bạch Hổ, đều thì xưng làm mười hai đế vương, mà xưng làm vua. Mọi ngày đánh nhau, thiên hạ ăn làm chẳng được, lo buồn đói khát, những đi đánh nhau liên chẳng có khi dừng.

Ngày sau có một người ở phủ Tràng An, huyện Gia Viễn, con nhà kẻ khó quê mùa, tên họ là Đinh, mồ côi cha còn trẻ, mà mẹ khiến đi chăn trâu, mà các trẻ đặt mình lên làm tướng mà đánh nhau cùng trẻ làng khác, thì lấy bông lau làm cờ, mình thì xưng làm Vua. Liền về nhà bắt lợn mẹ giết cho trẻ ăn thịt, gọi là khao quân. Mà chú thấy sự lạ làm vậy, thì dái phải vạ chăng, cầm gươm mà đuổi cháu. Cháu liền chạy đến ngã ba Đò Điềm từ nhiên liền thấy một con rồng vàng, nằm ngang sông, cháu liền đi qua khỏi như đi trên cầu. Chú thấy vậy liền lạy cháu mà trở về. Chú sang bên ấy, thiên hạ đến đầu. Làm đền đài lâu các, đến đâu đánh thì được đấy, lại đánh được mười hai sứ quân là mười hai vua trước. Đoạn trị nước An Nam gọi là vua Đinh tiên hoàng. Nước An Nam mới có Vua riêng từ ấy. Thiên hạ được mùa giầu có phú quí, mà chẳng có ai dám làm loạn nữa. Trị vì được mười hai năm, thì trong nhà có kẻ làm tôi chẳng ngay, tên là Đỗ Thích. Vua tin nó cho ở chân tay gần mình. Ban đêm vua nằm ngủ thì nó vào giết vua ấy. Quan đại thần tên là Nguyễn Thục thấy làm vậy, thì bắt mà làm tội nó. Người ta ăn thịt một người một miếng. Vua sinh mới có một con trai, mẹ ẵm lên ngồi ngai mà trị. Khi ấy có giặc nhà Tống, ở Thanh Hoa, Nghệ An thì vợ vua lo lắm thì rao rằng: « Có ai đánh được giặc ấy thì bà lấy làm chồng » thì có một quan cả cũng ở làng ấy, có tài mệnh và khôn ngoan, liền đánh được giặc về, bà ấy lấy làm chồng. Mà con bà ấy nên sáu tuổi qua đời, thì mình mới lên trị tên là vua Lê Hoàn, trị được mười hai năm nên tật mà chết. Con cả liền lên trị, tên là Trung Tông, được có ba ngày. Em quỷ quái liền giết anh, cướp vì mà lên trị, tên là Lê ngọa triều, tham trai gái chơi bời, bắt người ta làm sự quái gở dữ tợn, lên trị được ba năm mà chết. Vậy thì nhà Lê ba đời, được mười lăm năm mà thôi.

Ngày sau nhà Lí lên trị, cũng là người quan cả ở nhà Lê xưa. Thiên hạ thấy người ngay thảo, thì đặt lên làm vua. Thiên hạ thái bình được mùa no đủ, làm thành ở Kẻ Chợ. Chiêm Thành sang tấn cống. Vua nhà Tống nước Ngô phong cho Giao Chỉ quận vương, chẳng có giặc giã, và được mùa. Vua sinh những con trai. Họ ấy trị vì được hai trăm năm. Vua ấy sống bảy mươi tuổi liền đi tu hành, liền truyền cho con là Thái Tông thứ hai, trị được hai mươi bốn năm, lại trị cho Thánh Tông là thứ ba. Thiên hạ được bằng an; trị được mười chín năm, lại truyền cho Nhân Tông là thứ bốn lên trị, thiên hạ giầu có. Mà vua chẳng có trai, thì nuôi thì một con, để ngày sau lên trị, tên là Nhân Tông; trị được sáu mươi năm mới truyền cho Thần Tông là thứ năm. Thần Tông phải tật biến ra thân hùm, kêu thâu đêm tối ngày; có thầy Khổng Lồ chữa mới đã. Trị được mười một năm, lại truyền cho Anh Tông là thứ sáu. Chẳng có loạn lạc. Trị được ba mươi chín năm, lại truyền cho Cao Tông là con thứ bảy khôn ngoan sáng láng, dựng làm lề luật, có phép tắc. Song le theo ý mình chẳng nghe tôi hiền can gián. Thiên hạ mất mùa, người ta cùng trâu bò gà lợn chết hết, vì vua ở lỗi đạo trời và mất lòng dân. Trị được ba mươi sáu năm, lại truyền Hiến Tông là con thứ tám, hiền lành. Dân sự giàu có. Vua sinh chẳng có con trai, được một con gái, liền để cho con lên trị, cha đi tu hành ở chùa An Tử; mà con là Chiêu hoàng còn trẻ chửa có lấy chồng. Vậy thì nhà Lí đã mạt đời, trị hơn hai trăm năm mới hết đời.

Ngày sau nhà Trần là người ở làng Ức Hắc Hương phủ Thiên Tràng huyện Chân Định, có chú làm quan đại thần nhà Lí, liền đem cháu đến chầu vua Chiêu hoàng là đàn bà. Mà vua ấy thấy người trai tốt lành làm vậy thì phải lòng. Bà ấy liền lấy làm chồng mà ra lệnh cho thiên hạ biết, mà để vì cho nhà trị. Năm năm mất mùa, mà trên trời thì làm tai gở lạ khốn nạn. Lại ra lệnh đi đánh Chiêm Thành, bắt chúa nó đem về. Thiên hạ lại được mùa. Thái bằng mới đặt tên vua ấy là Nhân Tông. Trị được ba mươi chín năm.

Lại truyền cho con là Thánh Tông là thứ hai. Trước khi được mùa sau thì dài hạn có lửa cháy bay đến trời, cháy núi non. Tháng bảy thì lụt vào đền hai lần, người ta thì ở những trên thuyền cùng bè. Lại thấy hai mặt trời. Mà trị được mười một năm, lại truyền cho Nhân Tông là thứ ba lên trị, đặt có lề luật phép tắc. Thiên hạ phú quý. Lại làm chùa thờ bụt mà ở chùa. Thiên hạ chê cười rằng, dám đạo Thích Ca, mà bỏ đạo chính. Trị được mười bốn năm.

Lại truyền cho Anh Tông là thứ bốn thông minh sáng láng. Dân thì phú quí. Trị được mười hai năm, lại truyền cho Minh Tông là thứ năm, mà chuộng dùng đạo bụt, yêu sãi vãi. Trị được tám năm, lại truyền vì cho Hiến Tông là thứ sáu, ở công bằng chính trực, thờ tổ tiên. Lại truyền vì cho Túc Tông là thứ bảy. Thiên hạ thái bình. Tháng bảy phải lụt cả và có nhật thực, trước mặt trời tối như đêm. Trị mười hai năm, liền có Giản Tu công ăn cướp vì vua mà lên, thì mất lòng thiên hạ vì chè rượu trai gái liên. Lên trị được mười chín ngày liền chết, mới có vua trong Nghệ An. Chiêm Thành làm loạn. Trị vì được ba năm, liền để em là Duệ Tông. Chiêm Thành lại đánh trả. Mà trị được năm năm. Giản Định hoàng lên vua, giặc đuổi đến Kẻ Chợ, đốt hết đền đài. Vua chết mới đặt tên Thuận Tông. Thiên hạ cũng khốn nạn. Trị được mười năm liền đi tu hành, lại có Lí Li là con gian giết vua mà lên. Triều đình chẳng nghe, lại đặt con vua lên trị. Vậy thì nhà Trần truyền dõi được hai mươi đời, một trăm bảy mươi năm.

Họ Hồ là kẻ nghịch lên làm vua ở Diễn Chu phủ là Nghệ An, dòng dõi là Hồ Tôn Tinh, phải Thủy Tinh bắt nó, nó liền trốn đến đất Thanh Hoa. Song le vốn là con cái cáo, nhà quê ở chợ Đài Lèn, đời ấy dõi truyền được chín con trai. Hồ vương hay chữ nghĩa, vua Trần liền gả con cho là công chúa Đức Dong. Vua phủ cho Hồ Vương làm quan lớn. Ngày sau thấy vua già, con thì còn trẻ, thì Hồ vương liền ăn cướp lấy nước, xưng mình là vua, làm đền ở đất Kim Bâu. Con vua Trần là Thiên Khánh, cháu vua Trần sợ liền trốn đi. Vua Hồ thấy vậy thì mừng lắm, liền lên làm Vua, mà đúc tiền chẳng nên thì khiến thiên hạ mua bán ăn tiền giấy; lại lập làm thành Tây đô, thiên hạ khó nhọc lắm; làm ba năm ở ba tháng mà thôi. Lại truyền cho Hán Thương là con, rằng cháu họ Trần. Hai cha con vua Hồ gian tà, làm cho mất lòng thiên hạ lắm, trị được có tám năm mà thôi.

Thuở ấy vua Vĩnh Lạc nhà Ngô sai quân sang phạt vua Hồ. Vua Hồ đánh trả chẳng được, thì vào ẩn Nghệ An trên núi. Chẳng ngờ có một đứa phải vạ xưa mà vua Hồ cầm tù nó, mà trốn khỏi. Nó nghe rằng, vua Ngô rao rằng: « Ai bắt được Hồ vương thì cho làm quan cai nước Annam. » Nó liền tham sự ấy mà đi ở cùng vua Hồ, thì vua ngờ là nó thật thà. Chẳng hay nó bắt lấy vua Hồ đem đi nộp cho vua Ngô. Ngày sau đem về Bắc Kinh. Thằng ấy thì Ngô lại giết nó vì nó chẳng có nghĩa cùng thầy nó. Nhà Ngô lại tìm bao nhiêu học trò hay chữ nghĩa mà bắt về Bắc Kinh cho hết, kẻo ngày sau bày đặt lên làm vua chăng.

Ngày sau có Đặng Dong, Cảnh Dị lo toan làm quân Nghệ An, Thanh Hoa, Quảng Nam, Thuận Hóa, thi lấy rước vua Trùng Quang ra mà đánh Ngô, mà Ngô lại bắt được đem về Bắc Kinh liền chết giữa đàng. Ngô liền cướp lấy nước Annam, ở được mười hai năm, làm thành lũy mọi nơi, ở xứ nào thì làm thành Xứ ấy, mà bắt người Annam để tóc dài theo thói Ngô cho đến nay; xưa thì nước An Nam cắt tóc.

Đến ngày sau vua Lê Thái Tổ là người đất Thanh Hoa, quê ở Lam Sơn, làm quan phụ đạo, nuôi được bốn nghìn quân cơm chín, ai có tài khôn ngoan thì nuôi. Trời lại cho gươm gọi là Thần kiếm. Đêm ngày lo toan chước, sắm sửa đánh trả Ngô, thì rao hết Thanh Hoa, Nghệ An, Quảng Nam, Thuận Hóa, làm quân mà sắm sửa đánh trả Ngô; thì Ngô thấy vậy thì sai quân đánh vua Lê Thái Tổ. Vua Lê liền chạy lên đàng đòi voi. Làng liền cho voi mạnh, mới mở xuống Quảng Nam, Nghệ An, mà đánh ra đến đâu thì quân Ngô chạy đấy, mà giết nhiều người lắm. Ngô lại sai tướng Liễu Thăng cùng nhiều quân lắm. Người ta rằng, mài gươm mòn trái núi, ngựa thì uống cạn nước sông, đến đâu thì cầy cấy ăn đấy. Vua Lê Thái Tổ đuổi Ngô chạy, liền chém được tướng Liễu Thăng, lại bắt được Hoàng Phúc, quân chết bỏ đầy đồng. Nhà Ngô liền thề, liền trở về, rằng, tự này về sau chẳng sang ở đến đây nữa. Vua Lê Thái Tổ dẹp đã an thiên hạ, mới đổi tên là Thuận Thiên, trị được ba năm lại đổi tên khác là Thái Báu. Thiên hạ bằng an. Vua đã tám mươi tuổi già, liền để quyền cho Thái Tông, lên trị được mười năm, làm nên đền các. Bấy giờ nước Lào, nước Bồn tấn cống làm tôi. Vua Thái Tổ trị được chín năm. Thiên hạ thái bình, dân phú quí. Chiêm Thành Trì Trì cũng đến làm tôi. Vua đi đánh bắt được Chúa Mlời, trai gái, đem về nước An Nam cho ở trại làm ruộng cho Vua. Song le nó chẳng có ăn thịt, cho đến nay cháu con nó ăn thịt là họa. Vua mới đặt có bên văn vũ, khoa đài, lục bộ, lục khoa, hàn lâm, đông các, nội đài, ngoại hiến, phủ huyện, thừa ti, đặt có thập nhị thừa tuyên. Thiên hạ tối đâu thì nằm đấy, chẳng có ai dám ăn cướp trộm gì. Trị được ba mươi tám năm, liền để cho con là Hiến Tông trị được bảy năm, được mùa no đủ, thì vua liền mất. Thiên hạ mới đặt con thứ ba lên làm vua, tên là Thái Trinh. Trị được bảy tháng, chẳng có con, liền truyền cho Đoan Khánh lên làm Vua, tham trai gái, chè rượu, mất lòng thiên hạ; mới đặt Hồng Thuận lên làm Vua được bảy năm, có Trịnh Sản là Nguyễn quốc công làm loạn. Thiên hạ mới đặt Quang Thiệu lên làm Vua. Lại có Trần Cao làm loạn, vua liền sang ở Bồ Đề. Thiên hạ mất mùa. Trị được năm năm liền ra ở San Lâm bề ngoài. Thiên hạ liền lấy em thứ hai lên trị, tên là Cảnh Thống, trị được năm năm, nhà Lê hết.

Ngày sau mới có một ở Chè Giai, tên là Mạc Đăng Dong, ở làm lực sĩ nhà vua Lê, tên quan là Đô Giai, có tài, khôn ngoan mạnh khỏe. Thấy nhà Lê đã yếu chẳng còn ai, liền về xứ Đông làm quân, mà trẩy lên ăn cướp nước, mà đặt mình lên làm vua, đặt tên là Minh Đức, đời vua Đại Minh tên là Gia Tĩnh. Nhường vì cho con là Đại Chính. Thiên hạ có phép tắc mà được mùa no đủ. Chẳng có ai trộm cướp ai. Trị vì được mười một năm liền chết. Thiên hạ mới đặt con lên là Hiến Tông, lại đổi tên là Quảng Hòa. Trị được sáu năm liền chết, mới đặt con là Vĩnh Định còn trẻ ẵm lên ngồi ngai; mà chú là Khiêm vương mọi năm vào đánh Thanh Hoa, Nghệ An, thì thiên hạ được mùa phú quý, chẳng có trộm cướp, đêm nằm thì chẳng có nghe chó cắn, mới đổi tên là Cảnh Lịch, lại đổi tên khác là Quang Báu. Thiên hạ ăn uống chơi bời, chẳng có sự gì lo. Được năm năm lại đổi tên Hồng Ninh, thì thiên hạ cũng chơi bời ăn uống. Song le mê sự trai gái liền về đóng xứ Đông, làm con nhà dòng dõi công thần, con vua cháu chúa, thiên hạ chầu chực, và được mùa liên. Thuở ấy nhà Lê đã hết, còn một ông Hương quốc công là họ Nguyễn ra đầu làm tôi nhà Mạc. Đến nửa mùa liền trở về Thanh Hoa, làm được bốn trăm quân. Lại có chúa Minh Khang Thái Báu mồ côi cha còn trẻ, ở cùng ông Hương quốc công, có tài mạnh, ăn một bữa là là một nồi bảy cơm, đi đánh đâu thì được đấy. Bấy giờ Ông Hưng cho cai quân, mà lại gả con cho. Ngày sau ông Hưng chết, thì ông chúa bấy giờ liền làm binh, lấy quân Thanh Hoa, Nghệ An, thì nhà Mạc lại vào đánh trăm trận trăm thua, thì chúa Minh Khang liền mở ra đóng xứ Bắc được ba năm, mà vua nhà Mạc thì còn ở Kẻ Chợ, chẳng có ai đánh được ai. Chúa Minh Khang mới đặt vua nhà Lê lên là họ còn trị bây giờ. Tên vua ấy là Chính Trị. Ngày sau chúa Minh Khang già thì con cả người đem quân ra đầu nhà Mạc, con thứ hai còn mọn, thì đem được ba nghìn quân vào luỹ Ría cùng đem vua Chính Trị vào, ở được mười ba năm, giặc thì ở ngoài chẳng vào được. Đức chúa tiên ra rước được con vào đặt lên làm vua, tên là Gia Thái. Vua nhà Mạc ở Kẻ Chợ tên là Quang Báu, mới cải hiệu là Hồng Ninh, lại sai quân vào tháo nước cho mất lúa ba phủ Thanh Hoa bốn năm trận, có khi ở chín tháng mới về.

Chúa tiên ở trong lũy Ría được ba năm, cũng có văn vũ, có tài trí cùng là lòng hay yêu thương người ta, cũng hay liệu chước, mà đánh đâu được đấy. Đức chúa phụ chính vào đánh Thanh Hoa tên là vua Quang Hưng, mở ra đánh đâu được đấy; vào đánh Thanh Hoa đến huyện Quảng Xương. Chúa tiên đuổi bắt được hơn nghìn người đem về cho cơm áo lại tha về. Nhà Mạc từ ấy đến sau chẳng còn vào Thanh Hoa nữa.

Ngày sau đức chúa tiên mở ra đánh Đàng Ngoài, trẩy đến Vân Sàng lại gặp nhà Mạc vào đánh. Chúa tiên liền rằng: « Ta trở về. Nhà Mạc liền theo, » mà chúa tiên liền đặt quân ngoài biển, trở lại chém chết bỏ xác đầy bãi cát, mới gọi là trận Bái Trời, gần Kẻ Vó. Ngày sau chúa tiên ra đánh xứ Tây, cũng giết nhiều người, gọi là trận Đồng Bún. Quân chúa tiên thì chẳng đầy bốn muôn; quân nhà Mạc thì nhiều lắm, đóng đầy đồng, kể chẳng xiết. Chúa tiên liền đuổi, vua Hồng Ninh liền chạy mà quân chết đầy đồng. Ngày sau chúa tiên ra phá Kẻ Chợ, bắt được một quan tướng tên là Thường quốc công, chúa tiên lại trẩy về Thanh Hoa. Vua Hồng Ninh lại sang đóng Kẻ Chợ. Ngày sau chúa tiên ra Kẻ Chợ thì vua Hồng Ninh liền chạy lên ở huyện Phượng Nhãn mà xuôi về miền quê là Chè Giai. Chúa tiên lại sai quân đi, liền bắt được đem lên Kẻ Chợ. Thiên hạ liền an, mới lại về Thanh Hoa mà rước Vua Quang Hưng ra trị Kẻ Chợ.

Họ nhà Mạc thì trốn lên Cao Bằng hết, còn có ai ở đâu thì đức chúa lại bắt. Nước An Nam đã an hết về làm một nhà Lê mà thôi. Còn ông Đoan là cha ông Thuỵ ở trong Hóa xưa, thì chúa tiên đòi ra ở làm tôi, mà ông ấy thấy chúa chẳng yêu đãi cho đủ bao nhiêu, thì ông ấy lại trốn vào ở Quảng, thì đức chúa ngờ là về Thanh Hoa; chẳng ngờ ông ấy đã vào Hóa, thì đức chúa theo. Song le chẳng theo kịp, thì lại trở ra Kẻ Chợ mà trị cho đến con cháu bây giờ. Rày lại đánh nhau cùng Kẻ Quảng. Song le chửa biết đời trị loạn, thì chửa có tra vào sách.

Thói nước An Nam, đầu năm mùng một tháng giêng, gọi là ngày tết. Thiên hạ đi lạy vua, đoạn lạy chúa, mới lạy ông bà ông vãi, cha mẹ cùng kẻ cả bề trên. Quan quyền thì lạy vua chúa, thứ dân thì lạy Bụt trước. Ăn tết ba ngày, mà một ngày trước mà xem ngày mùng hai, mùng ba, ngày nào tốt, thì vua chúa đi đền giao, gọi là nhà thờ trời, hiệu Thiên Thượng Đế Hoàng Địa Kì. Vua Chúa đi lạy mà xin cho thiên hạ được mùa cùng dân an. Đến mùng bảy mùng tám mới hết, cùng làm cỗ cho thiên hạ ăn mười ngày. Lại xem ngày nào tốt mới mở ấn ra cho cho thiên hạ đi chầu cùng làm việc quan, cùng hỏi kiện mọi việc; lại làm như trước mới khai quốc, thiên hạ vào chầu vua. Từ ấy mới có phiên đi chầu. Nội đài, ngoại hiến, phủ huyện, quan đảng, nha môn, mới có kiện cáo. Đến trung tuần mới có Khánh Thọ Bảo Thần cho thiên hạ mừng tuổi Vua. Ai có nghề nghiệp gì thì làm cho Vua xem. Đến hạ tuần tháng giêng, Đức Chúa lại tế Kì Đạo dưới bãi cát, làm đàn thờ. Trước thì thờ Thiên Chúa Thượng đế một đàn, là một đàn từ vua Lê Thái Tổ cho đến nay, một đàn thì thờ thần Kì Đạo. Đức chúa lạy ba đàn này. Đoạn đến đàn thần Kì Đạo, đức Chúa lạy đoạn, liền chỉ gươm cùng chém, lại bắn cung. Đoạn lại đánh trống mà chỉ gươm cho thiên hạ bắn súng mới đuổi đi, thì gọi là khao quân. Đoạn liền về tập voi tập ngựa, gọi rằng đã hết năm mới. Đến mùng hai tháng hai, lại ăn Tết ngày ấy. Song le, mặc có nơi ăn nơi chăng. Đến mùng ba tháng ba lại ăn Tết gọi là ăn ưởi. Xưa rằng, có người giái tử sui người ấy gián vua một hai sự; vua chẳng nghe, thì người ấy trốn lên ở rừng. Vua đòi chẳng về thì vua đốt rừng cho về; người ấy chẳng ra, còn ở, thì lửa cháy đến liền chết. Thiên hạ thương người ấy thì làm giỗ ngày ấy, gọi là tết Tháng Ba, liền bánh trôi nước mà ăn cho mát. Đến mùng năm tháng năm, lại có tết gọi là tết Đoan Ngũ, thì có nhiều ý: một là thiên hạ đi lạy vua chúa cùng lạy tổ tông nhà, vua chúa ngày ấy ban quạt cho thiên hạ, quạt trắng có chữ; hai là đời xưa có một người ở cùng vua cũng gián chẳng được việc nước, thì xuống biển mà chết, tên người ấy là Quát Nguyên, thì thiên hạ ăn tết ngày ấy cùng đi bơi thuyền, gọi là đi tìm người ấy dưới biển, đến bãi hát bội cũng vậy; ba là kẻ làm đồng cốt, thầy bói cùng các thầy có dạy ai sự gì thì cũng đi tết mà đơm tiên sư ngày ấy. Đến tháng sáu thì thiên hạ những thứ dân làm ruộng làm cỗ mà giỗ vua Thần Nông là kẻ dựng ra cho thiên hạ các giống lúa. Đến ngày nào cả nước, thì đức chúa chèo thuyền cùng bắn súng lớn cho quen, gọi là đua thủy. Đến tháng bảy là tết mùa thu, ai có cha mẹ, anh em, vợ con mới chết, thì đến tháng bảy phải làm cỗ cho làng ăn; nhà giầu thì làm chay đọc kinh mấy ngày thì mặc lòng, mà xin cùng Bụt địa tạng Mục Liên cho linh hồn được siêu sinh Phật quốc lên thiên đàng, cùng đốt áo mão cùng các vật cho cha mẹ. Đến ngày rằm tháng bảy mới đốt ma cho ông bà ông ông vãi. Đức chúa lại ban tiền cho con cháu những kẻ có công cùng vua chúa mà chết; thì hễ là mọi năm đến ngày ấy, thì cho tiền đốt mã. Ngày ấy gọi là Trung Nguyên tha tội, cũng chẳng có đi chợ ngày ấy, rằng, để cho ma quỷ họp ngày ấy. Ngày ấy ai có tội gì hèn cầm trong tù, thì cũng tha nó cho về nhà. Đến tháng tám lại có tết Trung thu, thì thiên hạ cùng ăn cùng hát chơi vậy. Đến mùng mười tháng mười, thiên hạ chẳng có ăn tết. Ngày ấy có một thầy phù thủy cùng bà cốt ăn tết ấy. Đến tháng chạp, ai có mồ mả cha mẹ, anh em, vợ chồng, thì làm cỏ cùng đắp lại cho tốt cùng sạch sẽ; cũng có làm cỗ mà đơm. Đến gần ngày tết, vua chúa ban lịch cho thiên hạ xem ngày. Đến ngày ba mươi thì đức chúa đi giội, gọi là bỏ mọi sự cũ đi mà chịu mọi sự mới. Đến mùng một, liền lên nêu mọi nhà cho kẻo quỷ cớt lấy. Rằng, nhà ai có nêu là đất Bụt, nhà nào chẳng có nêu, ấy là đất quỷ. Xưa người ta nói truyền rằng, một Bụt một quỷ thì giành đất nhau. Bụt rằng: « Tao có một áo casa nầy, tao trải đến đâu thì đất tao đến đấy. » Bấy giờ Bụt lấy áo mà trải ra liền hết đất, thì quỷ phải ra ở biển. Hễ là đến ngày hết năm, thì quỉ lại ăn cướp đất nhau. Ai chẳng có nêu, nhà hay là đất thì về quỷ; cho nên thiên hạ phải nêu. Các sự thay thảy.

Bằng sự cái phép tế các nơi, đầu năm là tế Thượng Đế nghĩa là Thiên Chúa, tế Xã Tắc nghĩa là tế Thiên Thần, tế Khổng Vân là tế kẻ làm mưa gió, tế thánh là tế ông Khổng, thì phủ huyện quan tế các thần mọi nơi thiên hạ.

Bằng phép để tang cho cha mẹ đã chết, anh em, chú bác, cô, cậu, dị, mợ, thì đã có thứ. Con để cho cha mẹ ba năm; vì mẹ còn ở cùng cha cho đến già, thì để tang ba năm. Cha chết trước, hay là cha để mẹ, mà mẹ lấy chồng khác, thì con để tang cho một năm. Vợ phải để cho chồng cũng ba năm, mà chồng để cho vợ một năm. Song le mặc ý ai, sự ấy quan chẳng có bắt. Song le sự sau này, ai chẳng có giữ cho nên thì có vạ; cháu trai chẳng còn cha, để cho ông ba năm, còn cha để thì để một năm, cháu gái để năm tháng. Anh để cho em một năm, em để cho anh cũng vậy. Em cha hay là chị cha, con gọi là bác cùng chú hay là cô, cũng để một năm. Ví bằng cô đã có chồng, thì cháu để cho chín tháng. Anh mẹ hay là em mẹ, gọi là cậu dị, thì cháu để cho ba tháng; vú cho nuôi cho bú cũng ba tháng. Có ở cùng cha ghẻ, thì để một năm, chẳng có thì ba tháng.

Bằng phép lấy vợ, trước thì xem hai bên có đẹp lòng chăng, thì nhà trai đi hỏi, lấy trầu cau đến mà nói cùng nhau. Nhà gái có gả, thì nhà trai liền xem tuổi cùng xem số có tốt chăng, mới đi hỏi lại. Nhà giầu thì con lợn hay là bò như của làm tin cậy; nhà khó thì cá hay là gà. Trai thì đi làm rể ở nhà cha vợ ba năm, mà hai bên xem ý nhau, có đẹp lòng cùng hiền lành thì mới lấy. Liền đi chịu lời là hẹn ngày, hoặc là bò lợn cho họ ăn, đoạn mới cưới, hoặc là trọng hèn, thì cho nhà trai ăn ngày trước, đoạn liền để một bàn độc giữa nhà; có ai đi ăn cưới, cậu, cô, chú, bác, anh em, có ai cho của gì, vàng bạc, lụa, tiền, vải vóc, các sự, thì để trên bàn độc ấy cho. Đoạn hai vợ chồng ra lạy họ hàng. Đến ngày sau nhà gái mới lại ăn cưới, có con hát hát mừng. Đoạn xem ngày nào tốt cho nhà gái, mới đưa con về cho nhà trai, mới cho của cải, ruộng nương, tiền bạc, lúa thóc, trâu bò, gà lợn, các vật, cho con về cùng chồng. Đến ngày có con để được bảy ngày thì đơm mộ bà: con trai thì bảy ngày, con gái thì chín ngày. Năm sau đến ngày ấy làm cỗ cho người ta ăn, gọi là ăn tôi tôi. Họ hàng có đi ăn, thì lại cho tiền bạc ngày ấy. Vua chúa cùng nhà quan thì gọi là vía, đạo đức Chúa Trời thì gọi là sinh nhật. Vua chúa có rước vía, thì thiên hạ đi lạy cùng đem của đi tấn cho Vua Chúa, mà người lại ban cho các con, quan thì cho áo cùng tiền, quân dân thì ăn cỗ.

Trong nước làm việc quan, một năm hai quý, hai thuế, cùng lễ khánh thọ, lễ bài biểu, lễ tết, lễ tiết liệu, lễ giỗ, lễ đoan ngũ, mặc có sở cai làm một năm chín lễ.

Bằng sự chức bên vũ thần, trước thì chịu nam tước, bách tước, hầu tước, hữu điểm thự vệ, tham đốc, quận tước, quận công, đề đốc, đô đốc, tả phủ, hữu phủ, thiếu bảo, thiếu phú, thái úy, thái bảo, thái phú, thái úy, thái sư, phú tướng, hữu tướng, phú nguyên súy, đô nguyên súy, đại nguyên súy. Ấy là chức bên vũ.

Bằng sự kén thiên hạ, thì sáu năm mới một lần; ai già thì bỏ ra, trai thì lấy làm lính đánh giặc. Ai thứ nhất gọi là nhất hạng, hai là nhị hạng, ba là tam hạng. Ai hèn thì bỏ về tiểu hạng, ai què thì bỏ rằng bất cự, ai đã già thì bỏ lão nhiêu. Ai có cha làm quan đời trước thì cho công thần. Kẻ ở chùa cùng kẻ đi hát, thì về đàng khác. Thầy thuốc cùng các nghề, thì có chức riêng.

Bằng sự bên văn, ba năm lại thi một lần gọi là Hương thí; trước thì đi khảo xã, ai có chữ mới lấy tên: đại xã thì hai mươi người, trung xã mười lăm người, tiểu xã mười người. Đoạn xem ai có hay chữ, thì dưng sổ cho nhà huyện, thì học trò đi khảo nhà huyện có đỗ thì lại khảo nhà phủ. Ai hay hơn thì cho tên nhất, gọi là ưu, thứ hai là tứ tràng, thứ ba là tam tràng. Đoạn mới họp lại làm một xứ là một tràng mà thi. Có quan giữ áp tràng, bên băn thì quan tấn sĩ, bên vũ thì quan đô đốc, công đàng, cùng nhà ti, nhà hiến. Mà học trò vào tràng thứ nhất gọi là kinh nghĩa. Khảo sách mười ngày liền ra bảng cho thiên hạ xem tên. Ai đỗ thì ở lại mà thi. Ngày sau gọi là tràng Lục; ai đỗ ngày Lục thì lại vào ngày Phú. Đỗ ngày Phú thì gọi là sinh đồ. Lại thi một ngày nữa, gọi là ngày Sách. Ai đỗ ngày Sách thì gọi là hương cống. Đến năm sau, những kẻ hương cống mới ra thi ngoài Kẻ Chợ trong đền, có vua chúa quan triều cùng thiên hạ đi ngày ấy, thì gọi là hội thi. Ai đỗ bốn ngày mới gọi là tấn sĩ, liền ra bảng cho thiên hạ biết. Những quan tấn sĩ ấy liền đi lạy vua chúa, đoạn lại về học một tháng mới thi lại. Ai thuộc chữ hơn, đứng thứ nhất gọi là trạng nguyên, thứ hai là bảng nhãn, thứ ba là thám hoa, thứ bốn là hoàng giáp, thứ năm là chính tấn sĩ, thứ sáu là đồng tấn sĩ. Ngày sau chúa cho đi làm quan các xứ, lại có chức là hàn lâm. Khi trước chịu cấp Công là coi các thợ, cấp Hộ là coi các việc đàng, cấp Binh là coi các việc quân quốc, cấp Lễ là coi các lễ quý thuế, cấp Lại là coi các việc bên lệnh sử. Lại lên chức khác là Đô công, Đô Hình, Đô Binh, Đô Lễ, Đô Hộ, Đô Lại. Lại chức khác là Hữu Công, Hữu Hình, Hữu Binh, Hữu Hộ, Hữu Lễ, Hữu Lại, Tả Công, Tả Hình, Tả Binh, Tả Lễ, Tả Hộ, Tả Lại, Thượng Công, Thượng Hình, Thượng Binh, Thượng Lễ, Thượng Hộ, Thượng. Thượng chưởng Lục Bộ thì coi hết thay thảy. Thượng Công xem việc các chợ, Thượng Hình xem việc bàn kiện, Thượng Binh xem việc quân quốc, Thượng Hộ xem việc đắp đàng, Thượng Lễ xem việc tế lễ, Thượng Lại xem việc các bên Văn. Trong triều thì nhà Đô đài; bề ngoài nhà Hiến, nhà Ti hỏi kiện. Còn các Hương Cống thì cũng cho đi làm Phủ, Huyện quan, cùng các chức thay thảy.

Bây giờ kể các xứ Thanh Hoa, Nghệ An, Quảng nam, Thuận Hóa, Đông, Tây, Nam, Bắc.

Thanh Hoa có bốn phủ, mười hai huyện cùng có ba chu:

  • Thiệu Thiên phủ: tám huyện, hai trăm sáu mươi xã, bảy mươi hai sách, ba mươi trại.
  • Hà Trung phủ: bốn huyện, tám mươi bốn xã, mười một trại.
  • Tĩnh Gia phủ: ba huyện, tám mươi lăm xã, một thôn.
  • Thanh Đô phủ: hai huyện, sáu mươi lăm xã.

Nghệ An xứ: chín phủ, mười hai huyện, hai chu:

  • Đức Quang phủ: sáu huyện, một trăm sáu mươi chín xã.
  • Thanh Đô phủ: một huyện, bốn chu, năm mươi hai xã.
  • Diến Chu phủ: hai huyện, năm mươi chín xã, mười thôn.
  • Anh Đô phủ: ba huyện, năm mươi xã, mười hai động.
  • Quế Chu phủ: một huyện, hai mươi động.
  • Ngục Ma phủ: một chu, hai mươi bảy động.
  • Phú An phủ: một chu, ba mươi động.
  • Trấn Ninh phủ: bảy huyện, bảy mươi mốt động.
  • Thuận Trung huyện: mười một động.

Thuận Hóa: hai phủ, bảy huyện, ba trăm bốn mươi mốt xã, bảy mươi ba sách.

  • Bố Chính: sáu mươi xã, bốn mươi trại.
  • Quảng Nam xứ: bốn phủ, bảy huyện, một trăm mười tám xã, ba mươi bốn trại.

Hải Dương xứ: bốn phủ, bảy huyện, hai trăm mười tám xã, ba mươi bốn trại.

  • Nam Sách phủ: bốn huyện, một trăm bảy mươi bốn xã, hai mươi mốt thôn.
  • Hạ Hồng phủ: Bốn huyện, một trăm chín mươi ba xã, hai mươi mốt trại.
  • Thượng Hồng phủ: ba huyện, một trăm ba mươi sáu xã.

Sơn Nam xứ: mười một phủ, bốn mươi hai huyện.

  • Khoái Chu phủ: năm huyện, một trăm bảy mươi bốn xã.
  • Thái Bằng phủ: bốn huyện, một trăm mười một xã, ba mươi mốt trại.
  • Kiến Xương phủ: ba huyện, một trăm bốn mươi xã, ba trại.
  • Tiên Hưng phủ: bốn huyện, chín mươi tám xã.
  • Thường Tín phủ: ba huyện, một trăm bôn mươi ba xã, hai mươi mốt trại.
  • Ứng Thiên phủ: bốn huyện, một trăm chín mươi ba xã, bảy trại.
  • Lí Nhân phủ: năm huyện, hai trăm mười tám xã, tám trại.
  • Thiên Tràng phủ: bốn huyện, một trăm ba mươi hai xã, ba mươi bảy trại.
  • Nghĩa Hưng phủ: bốn huyện, một trăm sáu mươi ba xã, bốn trại.
  • Tràng An phủ: ba huyện, một trăm mười một xã, bốn mươi trại.
  • Thiên Quan phủ: ba huyện, sáu mươi xã, hai động.
  • Sơn Tây xứ: sáu phủ, bốn huyện, hai chu.
  • Quốc Ủy phủ: năm huyện, một trăm sáu mươi mốt xã, mười sáu trại, hai mươi bốn động.
  • Tam Đái phủ: sáu huyện, hai trăm năm mươi mốt xã, mười ba chu.
  • Đào Giang phủ: bốn huyện, một trăm năm mươi bảy xã, mười bảy trại.
  • Đoan Hùng phủ: năm huyện, một trăm mười lăm xã, sáu mươi trại.
  • Trì Giang phủ: hai huyện, sáu mươi xã, ba trại.
  • Quảng Uỷ phủ: hai huyện, bay mươi bảy xã.

Kinh Bắc xứ: bốn phủ, hai mươi huyện.

  • Thuận An phủ: năm huyện, một trăm chín mươi bảy xã.
  • Từ Sơn phủ: năm huyện, một trăm chín mươi bốn xã.
  • Kình Sơn phủ: sáu huyện, hai trăm ba mươi bảy xã.
  • Bắc Hà phủ: bốn huyện, một trăm ba chín xã, một trại.
  • An Bang xứ: một phủ, ba huyện, tám mươi bốn xã, một trăm hai trại.
  • Nghi Hóa phủ: ba huyện, hai chu, một trăm hai mươi tám động.
  • Hỉ Hưng phủ: một huyện, năm chu, bảy mươi hai trại.
  • An Tây phủ: mười chu, năm mươi tám động.

Kình Sơn xứ: một phủ Tràng Kénh, phủ Bãi Chu, một trăm ba mươi mốt xã, hai mươi sáu trại.

Thái Nguyên Xứ: Phú Bằng phủ, bảy huyện, hai chu, một trăm hai mươi bốn xã.

  • Thảo Nguyên phủ: một huyện, một chu, tám mươi xã, mười ba trại.
  • Cao Bằng phủ: bốn chu, một trăm ba mươi hai xã, ba mươi lăm trại.

Phương Thiên phủ là Kẻ Chợ: hai huyện, kể những phường phố, chẳng có xã.

  • Thọ Xương huyện: mười tám phường.
  • Quảng Đức huyện: mười tám phường.

Cả và thiên hạ: năm mươi mốt phủ, một trăm bảy mươi hai huyện, bốn mươi tám chu, bảy nghìn chín trăm tám mươi bảy xã. Nước An Nam đi bề dọc từ Kẻ Quảng cho giáp cõi Đại Minh, đi bộ năm mươi ngày. Bên ngang từ biển đến rừng đi hai ngày.

Thói nước, trong nhà thì thờ tiên sư, là dạy học các nghề nghiệp gì, thì có Tiên Sư thay thảy.

Bếp thì thờ Táo quân, gọi là vua bếp. Nó lấy chồng trước thì sa vào lửa mà chết, nó lại lấy chồng sau mà lòng còn thương nghĩa chồng trước, thì chồng sau đi xem nơi lỗ xưa, thì mình cũng sa xuống mà chết. Chồng sau thấy vợ chết, thì cũng gieo mình xuống mà chết, thì ba người vào một lỗ ấy; thì người ta nói bày đặt rằng: ấy là vua bếp, thì phải cậy cho làm mọi việc nên.

Sự Thổ công thì thờ ngoài vườn. Vì xưa có một người ở bên Ngô, ở xứ Hồ Quảng, hay đi săn chơi trên rừng. Ngày ấy thấy một trứng bỏ giữa đàng, thì người ấy lấy về mà để chơi. Ngày sau trứng nở ra được cái rắn. Liền cho nó ở nhà, thì nó đi bắt gà lợn người ta mà ăn thịt, hết nhiều của người ta lắm, thì người ta kêu. Ông ấy liền đem nó lên trên rừng là nơi trứng cũ ngày xưa, mà rằng: « Con ở đây, chớ về nhà làm chi, con sẽ kiếm ăn rừng này vậy. » Nó liền ở đấy, có gặp ai thì bắt ăn thịt dù là trâu bò hay là ngựa cũng vậy. Thiên hạ sợ, chẳng có ai dám lại đấy nữa, thì kêu cùng vua rằng đất ấy có cái rắn dữ, chẳng có ai đánh được nó. Mà vua có sai ai đi, thì nó cắn chết, thì chẳng còn ai dám đi. Vua liền rao thiên hạ rằng, ai mà đánh được con rắn ấy thì vua cho làm quan. Thấy vậy, người nuôi nó ngày trước, liền chịu lệnh vua mà đi đến nơi nó ở. Nó liền ra toan cắn ông ấy, thì ông ấy rằng: « Con cắn ông ru, này là ông nuôi con ngày xưa, mà con chẳng biết ông ru? » Nó liền đến chân ông ấy, như lạy người vậy. Ông ấy liền chém một lát, nó chết liền. Ông ấy về tâu vua, thì vua phán cho làm quan; thì ông ấy rằng: « Tâu vua, tôi chẳng đáng làm quan. » Vua phán rằng : « Mày muốn đí gì thì tao cho. » Ông ấy rằng : « Tôi muốn ăn cho đủ » thì vua cho hễ là trong xứ ấy có của gì mới thì cho ông ấy ăn trọn đời. Vì vua để cho coi đất ấy, đến ngày sau ông ấy chết, thì xứ ấy còn thờ ông ấy như xưa, gọi là chúa đất. Đến ngày sau có người An Nam đến đấy thấy, liền bắt chước mà về nhà làm làm nơi thờ, mà nói rằng chúa đất. Cho nên người ta bắt chước người ấy cho đến nay. Ai ở đâu thì có thờ Thổ công đấy cho sức khỏe.

Chùa thờ Bụt thì một làng là một chùa, nhà thờ thần thì cũng vậy, chẳng kể được cho hết.

Nghệ An xứ, những nhà thánh thờ đức Chúa Trời, được bảy mươi lăm nhà thánh.

Sơn Nam xứ được một trăm tám mươi ba nhà thánh. Hải Dương xứ được ba mươi bảy nhà thánh.

Kinh Bắc xứ được mười lăm nhà thánh.

Thanh Hoa xứ được hai mươi nhà thánh.

Sơn Tây xứ được mười nhà thánh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *