LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO

LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO

Tình cờ thấy có một bác viết bài dịch sách về lịch sử xã hội thế giới đoạn thời Sumer đúng lúc em cũng đang đọc lịch sử tôn giáo trong cuốn A History of Religious Ideas đến đoạn Sumer này nên viết một đoạn tóm tắt vài ý chính cho bác nào quan tâm. Ở đây các bác cứ hiểu là nội dung được sắp xếp theo thứ tự thời gian, nhưng vì em lược nên có thể có phần không để cập đến năm cụ thể.
Hành vi mang tính tôn giáo của người nguyên thủy (paleanthropians)
Liệu người nguyên thủy có tôn giáo hay không là một câu hỏi mang tính tranh luận mà phe cho rằng người nguyên thủy không có tôn giáo không có đủ bằng chứng để bác bỏ. Nhưng bằng chứng của phe cho rằng người nguyên thủy có tôn giáo cũng là những bằng chứng không rõ ràng, mặc dù rất nhiều. Những bằng chứng khảo cổ, ví dụ như những công cụ, có thể được giải mã ý nghĩa về tác dụng kỹ thuật, nhưng không thể cho chúng ta biết về suy nghĩ, cảm giác, mơ ước, hy vọng của những người tạo ra chúng.
Người nguyên thủy sống bằng việc săn bắt hái lượm trong suốt hai triệu năm, nhưng biểu hiện đầu tiên liên quan đến vũ trụ tôn giáo của những thợ săn nguyên thủy chỉ quay lại khoảng thời điểm xuất hiện những bức vẽ trên đá trong khu vực Franco-Cantabrian (30.000 năm trước công nguyên). Những thợ săn nguyên thủy coi những con thú cũng tương tự như người nhưng được ban cho sức mạnh siêu nhiên, họ tin rằng người có thể biến thành thú và ngược lại, rằng có một mối liên hệ bí ẩn giữa một con người nhất định với một con thú nhất định. Thực thể siêu nhiên trong tôn giáo của những thợ săn có nhiều loại: hộ linh, Chú tể tối cao của thú vật, những linh hồn từ những bụi cây, những linh hồn của những loài thú khác nhau.
Một số nền văn minh săn bắt có những hình mẫu tôn giáo nhất định. Ví dụ như việc giết một con thú cấu thành một nghi thức tôn giáo ám chỉ rằng Chúa tể thú vật sẽ xem việc giết hại chỉ vì lý do thức ăn. Do đó mà xương, đặc biệt là sọ có giá trị nghi lễ, có thể do niểm tin rằng “linh hồn” của các con thú trú ngụ trong đó, và Chúa tể chú vật sẽ làm cho một lớp thịt mới mọc ra từ khung xương. Đó là lý do tại sao xương sọ và xương dài được đặt lên những cành cây hoặc những vị trí cao.
Ý nghĩa biểu tượng của việc chôn cất
Từ thời Mousterian (70.000-50.000 năm trước công nguyên), chúng ta có thể chắc chắn có việc chôn cất, nhưng xương sọ và xương hàm dưới được tìm thấy sớm hơn rất nhiều, ví như tại Choukouten (khoảng 400.000-300.000 năm trước công nguyên). Việc bảo tồn xương sọ này có thể được giải thích bằng lý do tôn giáo. Nhiều giả thuyết được đưa ra, ví dụ như đầu lâu của người thân được mang theo khi bộ lạc di chuyển, hoặc việc ăn thịt người.
Có vẻ như những bằng chứng hướng về việc tin vào sự sống sau khi chết, bởi việc sử dụng đất đỏ như một sự thay thế mang tính lễ nghi cho máu, biểu tượng của sự sống. Việc dùng đất đỏ bôi lên xác chết xuất hiện rải rác mọi nơi và mọi thời điểm. Ý nghĩa tôn giáo của việc chôn cất đã trở thành một chủ đề tranh luận gay gắt. Tin vào sự sống được xác nhận bằng việc chôn cất, nếu không thì chẳng thể hiểu nổi tại sao lại phải cố gắng chăm chút cho cái xác. Sự sống này có thể chỉ là ở dạng linh hồn, nhưng một số nghi thức chôn cất có thể được phân tích là đề phòng việc người đã chết quay lại dương gian, khi mà xác chết bị xếp nằm co và có thể bị chói. Mặt khác, việc để xác chết nằm ở tư thế co cũng có thể được phân tích là hy vọng được tái sinh, vì đó là tư thế của bào thai.
Tổng kết lại chúng ta có thể kết luận việc chôn cất xác nhận rằng có niềm tin vào sự sống sau khi chết. nhưng cần phải nhấn mạnh rằng ở mức khảo cổ học thì tính biểu tượng không thể được tìm ra. Ví dụ như trường hợp chôn cất một cô gái của bộ lạc Kogi Ấn Độ thời nay. Reichel-Dolmatoff đã tham dự và nắm được ý nghĩa của từng thành phần, những động tác, nghi thức trong khi tế lễ và những lời phát biểu, và theo Reichel-Dolmatoff quan sát, nếu một nhà khảo cổ tương lai khai quật ngôi mộ này thì sẽ chỉ thấy một bộ xương và vài món đồ đi kèm, những động tác, nghi lễ và lời nói trong buổi lễ đều hoàn toàn không thể suy luận từ những đồ vật này, thậm chí ngay cả một người cùng thời quan sát, nếu ko hiểu về tôn giáo của tộc Kogi, thì kết quả cũng không khác.
Khai phá nền nông nghiệp
Kết thúc Kỷ Băng hà, khoảng 8000 năm trước công nguyên, đã dẫn đến thay đổi lớn về mặt khí hậu và phong cảnh, do đó thay đổi về hệ thực vật và động vật. Có lẽ thay đổi lớn nhất cũng như quan trọng nhất là việc thay thế mối liên hệ giữa con người và các con thú bằng mối liên hệ giữa con người và cây cỏ. Tính linh thiêng của giống cái được nâng lên vị trí số một (ví dụ như “Mẹ Trái Đất”, nhiều khái niệm và hình mẫu nữ thần được tạo ra). Khi mà người phụ nữ đóng vai trò quyết định đối với cây trồng, là những người chủ trên đồng ruộng, địa vị của họ cũng được nâng cao, tạo ra những đặc tính thể chế mới, ví dụ như người chồng bị bắt buộc sống trong nhà của người vợ.
Mối liên hệ với cây cối cũng làm nẩy sinh quan niệm về thời gian tuần hoàn hay chu kỳ vũ trụ khi mà cây cối mọc lên, chết đi rồi lại mọc lên tiếp diễn không ngừng.
Thần thoại thời kỳ đố sắt
Người tiền sử đã biết đến kim loại từ thiên thạch rất lâu trước khi họ biết dùng quặng sắt. Khi Cortez hỏi những tộc trưởng Aztec họ kiếm được những con dao này ở đâu, các tộc trưởng đã chỉ tay lên trời. Do đó mà sắt mang tính chất linh thiêng.
Việc khai khác quặng làm thay đổi quan niệm tôn giáo. Bên cạnh sự linh thiêng từ bầu trời, giờ đây có cả sự linh thiêng trong lòng đất. Quặng được được xem như nuôi dưỡng bởi Mẹ Trái Đất, quặng được lấy ra từ “tử cung” là “hái quả xanh”, và nếu cho đủ thời gian, quặng có thể “chín” thành một kim loại hoàn hảo (do đó có những nhà giả kim tìm cách đẩy nhanh quá trình “chín” từ chì thành vàng).
Những người luyện kim, thợ rèn, thợ mỏ được ví như làm những công việc nguy hiểm và thiêng liêng, những bậc thầy về lửa, được đối xử như với những thầy tế, thầy thuốc hay pháp sư, rất được kính trọng nhưng cũng rất đáng sợ, đôi khi lại bị khinh bỉ.
Tôn giáo vùng Lưỡng Hà
Lịch sử khởi nguồn từ Sumer
Từ thời của người Sumer, nơi xuất hiện những chữ viết đầu tiên, bò là một biểu tượng tôn giáo. Thể dạng thần thánh được định nghĩa bởi sức mạnh và sự siêu việt của không gian, ở đây nghĩa là một bầu trời giông bão với những tiếng sấm (tiếng sấm được đồng hóa với tiếng bò rống). Do đó, những vị thần được tưởng tượng là những người trời, đó là lý do họ luôn phát ra ánh sáng chói lọi.
Tài liệu sớm nhất cho thấy có bộ ba vị thần vĩ đại theo sau là bộ ba thần thiên thể. Ba vị thần vĩ đại là An (thần bầu trời, an = bầu trời), En-lil (thần không khí, hay núi lớn) và En-ki (thần trái đất). Nữ thần Nammu là vị thần đã sinh ra bầu trời và trái đất, hiện thân của khởi nguyên nam và nữ. Cặp đôi đầu tiên này hợp nhất và sinh ra En-lil, thần không khí. Một số văn bản mô tả “sự khởi nguồn” toàn là những hoàn hảo và phúc lạc, mỗi thứ đều được tạo ra một cách hoàn hảo. Nhưng có vẻ như thiên đường thực sự là xứ sở Dilmun nơi không có bệnh tật và chết chóc, không có sư tử ăn thịt hay sói bắt cừu…”
(còn nữa)
———————————————-
Phần 2: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1181419408876027/
Phần 3: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1181618805522754/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *