LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (51)Zarathustra và Tôn giáo Iran (tiếp theo)Khía cạnh…

LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (51)Zarathustra và Tôn giáo Iran (tiếp theo)Khía cạnh…

LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (51)

Zarathustra và Tôn giáo Iran (tiếp theo)
Khía cạnh mới của Bái Hỏa giáo: Giáo phái thờ Haoma
Yasna with Seven Chapters được viết ở dạng văn xuôi của gatha 35-42 phản ánh sự bắt đầu của một quá trình thu nhận và tích hợp tương đối phức tạp. Bắt đầu với sự đổi mới về từ vựng; các Amesha Spenta được đề cập lần đầu tiên như một nhóm, và chúng ta thấy có thuật ngữ yazata (“các vị thần”) mà sau này sẽ trở nên quan trọng trong Bái Hỏa. Chúng ta có thể tách biệt được một số khuynh hướng tái định nghĩa các thực tế vũ trụ. Lửa được định danh với Thánh Linh Spenta Mainyu; cùng với mặt trời, lửa được liên kết với Ahura Mazda. Mặt trời là dạng thấy được của vị Thần. Asha, Sự Thật, cũng như vậy được liên kết với ánh sáng. Asha trở nên ưu việt hơn, Asha được cầu khẩn cùng với Ahura Mazda và sự hợp nhất của vị Thần và Sự Thật được “mãi mãi” thừa nhận. Asha giờ đây biểu thị nhiều hơn cả Sự Thật, Công Lý, Trật Tự; đây là một sự nhân cách hóa mang cả cấu trúc vũ trụ lẫn tâm linh. Vohu Manah, nguồn cảm hứng của Zarathustra trong các gatha thì bị hạ cấp.
Ngạc nhiên hơn, “những người vợ thiện” của Ahura (Ahuranis) cũng được đề cập, họ là Nước. Và Haoma có được một vị trí quan trọng trong giáo phái: “Chúng con tôn thờ Haoma hoàng kim, chúng con tôn thờ Haoma sáng chói người làm cho cuộc sống thịnh vượng, chúng con tôn kính Haoma nơi mà cái chết tránh xa.” Một số lớn các tác giả phân tích sự tôn vinh Haoma này như là bằng chứng của sự đồng bộ hóa giữa thông điệp của Nhà Tiên Tri và tôn giáo truyền thống sau cái chết của ông. Tuy nhiên, nếu thực tế đúng là Zarathustra chấp nhận thờ cúng Haoma, dù ông cùng lúc kỳ thị sự thái quá của nó, thì câu hỏi không phải là về sự đồng bộ mà đúng hơn là sự nâng tầm nghi thức của những giá trị trong vũ trụ tôn giáo Ấn-Iran cũ.
Các gatha của Zarathustra và Gatha with Seven Chapters hình thành một phần của nghi lễ bí tích yasna với phần lớn là những lời cầu khẩn đơn điệu với các đấng thánh thần. Mặt khác, các Yast lại là các thánh ca riêng biệt về các thánh thần khác nhau. Một số lượng các vị thần đã bị Zarathustra lờ đi – ví dụ như Mithra – nhưng lại cũng là những nhân vật thánh thần, hoặc những nhân cách hóa của những thực tế tôn giáo như Haoma. Hom-yast biện hộ cho giáo phái của haoma bằng một nguồn gốc thần thoại táo bạo: trong khi Zarathustra đang tụng lại các gatha thì haoma tiến đến ông, mời ông gom chúng lại và vắt ép chúng. Nghi vấn về chúng, Nhà Tiên Tri học được rằng Vivahvant là kẻ đầu tiên vắt ép haoma và có được một đứa con, vua Yima, như một phần thưởng.
Cũng cần chú ý rằng Yima và nghi lễ haoma được tôn vinh cùng với huyết tế. Việc nâng tầm di sản Ấn-Iran kiểu như vậy rõ ràng đôi khi sẽ gây ra những phản kháng mạnh mẽ; thực tế thì huyết tế sau này bị bãi bỏ mãi mãi, và haoma biến mất như một thứ đồ uống gây say, được thay thế bằng hỗn hợp của nước ép thực vật, nước, và sữa.
Sự tôn vinh thần Mithra
Ngạc nhiên hơn và quan trọng hơn trong lịch sử Bái Hỏa giáo là Mihr Yast, trường ca vinh danh Mithra. “Khi ta tạo ra Mithra của những đồng cỏ rộng lớn,” Ahura Mazda tuyên bố, “Ta khiến ông cũng đáng được tôn sùng và kính trọng như ta.” Tất cả sự vĩ đại, sức mạnh, và sáng tạo của Mithra là kết quả của vị Thần Khôn Ngoan. Mihr Yast kể lại và biện hộ cho sự nâng tầm Mithra đến tầm cao trước đây, khi chưa có sự cải cách của Zarathustra. Đến đoạn cuối của thánh ca, hai vị thần được sáp nhập, tác giả đã dùng thể thức Mithra-Ahura, một bản sao của nhị nguyên Vệ Đà quen thuộc Mitra-Varuna.
Tuy nhiên, vị thần được tôn vinh trong Mihr Yast không tái hợp vào Bái Hỏa giáo mà thiếu vắng một số thay đổi: một chuỗi các hành động và cử chỉ của Ahura Mazda nhắm chính xác vào sự tôn vinh và sự thăng tiến của Mithra. Đầu tiên là sự đa dạng. Ông là thần của những giao ước, bằng lời hứa tôn thờ ông, những tín đồ không phá vỡ những giao ước. Ông cũng là thần chiến tranh và tỏ ra mình mạnh mẽ và dữ tợn (ông thảm sát các deavavà những kẻ bất kinh trong cơn cuồng nộ với cây trùy vazra của mình, một đặc điểm đưa ông đến gần với Indra). Ông cũng là thần mặt trời, liên kết với Ánh Sáng. Ông có 1000 tai và 10.000 mắt, tức là ông toàn tri toàn thức như bất kỳ vị thần tối cao nào; nhưng ông cũng là nguồn cung toàn thế đảm bảo sự màu mỡ của những cánh đồng và những đàn gia súc. Hiện tượng này lưu hành trong dòng lịch sử của các tôn giáo: một vị thần được gán cho những sức mạnh và những thuộc tính đa nhiệm, những thứ đôi khi mâu thuẫn nhau để có được một “tính toàn thể” cần thiết cho sự leo thang của ông đến cấp bậc của những vị thần vĩ đại.
Ahura Mazda và các Amesha Spenta xây cho ông một ngôi nhà trên núi Hara ở thế giới tâm linh vượt xa vòm trời. Nhưng Mithra vẫn phàn nàn với vị Thần rằng ông không được tôn thờ bởi những người cầu nguyện như các vị thần khác. Có lẽ ông đã nhận được sự thờ phụng như ông yêu cầu, vì sau đó thánh ca cho thấy Mithra trên một cỗ xe kéo bởi những con ngựa trắng, hoặc đi cùng với Sraosha và Rashnu quanh mặt đất vào ban đêm tiêu diệt các deava, hoặc truy bắt những kẻ không tôn trọng giao ước. Đáng nói hơn là những giai đoạn Mithra leo lên cấp bậc của vị thần tối cao. Đầu tiên Ahura Mazda thừa nhận Haoma là tư tế của Mithra, và Haoma tôn thờ ông, tức là dâng đồ tế lên ông. Sau đó Ahura Mazda mô tả nghi lễ riêng cho sự thờ cúng Mithra và ông tự mình thực hiện nghi lễ này trên thiên đường, Ngôi Nhà Hát Hò. Sau đỉnh điểm sự nghiệp này, Mithra quay trở lại trái đất để chiến đấu với deava, trong khi Ahura Mazda ở lại Ngôi Nhà Hát Hò. Sự tái hợp của Ahura Mazda và Mithra đóng khung số phận của các deava. Mithra được tôn thờ như ánh sáng soi sáng toàn thế giới. Và thánh ca kết thúc với những lời này: “bên cây barsom chúng con tôn thờ Mithra và Ahura, những vị Thần Sự Thật vẻ vang, mãi mãi bất hoại: chúng con tôn thờ những vì sao, mặt trăng, và mặt trời. Chúng con tôn thờ Mithra, vị Thần của mọi miền.”
Mithra đã thăng tiến trong Bái Hỏa giáo đặc biệt như một vị thần vô địch trong cuộc chiến chống lại các deava và những kẻ bất kính. Thực tế là Ahura Mazda hoàn toàn từ bỏ phận sự này cho Mithra chỉ ra khuynh hướng lười biếng về sau; nhưng bởi vì chiến đấu chống lại các lực lượng tà ác là nghĩa vụ chính của Bái Hỏa giáo, nên bài thánh ca có thể diễn giải như một “sự cải đạo” của Mithra, do đó cũng là một chiến thắng của vị Thần.
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài):
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *