LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (3)
Tôn giáo vùng Lưỡng Hà (tiếp theo)
Sự sáng tạo ra thế giới
Enuma elish, cùng với Sử thi Gilgamesh, là sự sáng tạo quan trọng nhất của tín ngưỡng Akkad. Trong đó có kể lại sự hình thành thế giới để đề cao Marduk.
Thủa sơ khai chỉ có hoàn toàn là nước, trong đó có cặp đôi đầu tiên Apsu và Tiamat. Tiamat là lưỡng tính và từ thịt cùng nước mặn, một cặp thần khác được sinh ra, Lakhmu và Lakhamu. Cặp thứ ba là Anshar và Kishar. Thời gian trôi đi, từ sự kết hợp linh thiêng của của cặp thứ ba sinh thần bầu trời Anu, người mà sau đó sinh Nudimmud ( Ea hay En-Ki). Những vị thần trẻ chơi đùa, khóc lóc làm phiền đến sự nghỉ ngơi của Apsu, và Apsu phàn nàn điều này với Tiamat, nói rằng muốn hủy diệt chúng. Tiamat khóc lóc vì không muốn hủy diệt những con cháu của mình, nhưng Apsu không mủi lòng.
Khi những vị thần trẻ biết điều này, Ea “biết tuốt” đã quyết định hành động, dùng bùa chú khiến Apsu ngủ say và giết ông. Và thế là Ea trở thành thủy thần, thủy (nước) do đó gọi là apsu. Vợ Ea, Damkira, trong lòng nước sâu thẳm sinh ra Marduk. Ngay sau đó Anu quyết định tấn công tổ tiên. Ông gọi bốn ngọn gió để tạo ra những cơn sóng nhằm đến Tiamat. Các vị thần trở mặt với chính mẹ của mình: “Khi họ giết Apsu, chồng người, chẳng những người ko sát cánh bên ông, mà còn rời xa không nói một lời.”
Lần này Tiamat quyết định hành động. Bà tạo ra những con quái vật đủ loại, bao gồm cả Kingu. Bà gắn vào ngực Kingu Tấm bảng của số mệnh và ban cho ông sức mạnh tối cao. Những vị thần trẻ cảm thấy nhụt chí, Anu lẫn Ea đều không dám dương đầu với Kingu. Duy chỉ có Marduk là nhận lời tham chiến với một điều kiện: trước tiên ông phải được trở thành vị thần tối cao, điều mà các vị thần khác vội vàng đồng ý. Marduk đã giết được Tiamat với một mũi tên xuyên tim. Bè phái của bà toan chốn chạy nhưng đã bị Marduk chặn lại và phá hủy hết vũ khí; sau đó ông chói Kingu lại, giật lấy Tấm bảng của số mệnh và gắn lên ngực mình. Cuối cùng Marduk đập vỡ sọ Tiamat, cắt xác bà thành hai phần, một nửa trở thành vòm trời, nửa còn lại trở thành mặt đất. Ông xây dựng một bản mô phỏng của cung điện dưới nước và cố định quỹ đạo của các vì sao. Các cơ quan khác của Tiamat sau đó được dùng để tô điểm mặt đất (từ mắt bà chảy ra hai dòng Euphrates và Tigris – “lưỡng hà”, từ gút xoắn ở đuôi bà tạo thành đường nối trời và đất); sự tổ chức các hành tinh trong vũ trụ cũng như xác định “thời gian” cũng được thực hiện.
Cuối cùng Marduk quyết định tạo ra con người để phục vụ các vị thần. Ea đề nghị chỉ hiến tế một trong số những kẻ chiến bại. Kingu được chọn, và từ máu của Kingu Ea tạo ra loài người.
Nguồn gốc vũ trụ được sinh ra từ mâu thuẫn giữa hai phe thánh thần và mang đậm tính hai mặt: ví dụ như mặt đất được hình thành từ xác Tiamat (ác tính) nhưng đồng thời cũng linh thiêng nhờ những đền đài xây dựng trên nó. Vũ trụ là sự pha trộn giữa tốt và xấu, giữa những thứ thuộc về ác quỷ và những thứ thuộc về thánh thần.
Về con người, ở đây có sự khác biệt lớn với phiên bản của người Sumer, khi được tạo ra từ một nguyên liệu mang bản chất ác quỷ (máu Kingu, kẻ dẫn đầu đội quân quái vật); có thể nói con người sinh ra đã mang tội bởi chính nguồn gốc của mình. Hy vọng duy nhất của loài người là từ việc được Ea, một vị thần, tạo ra.
Gilgamesh đi tìm sự bất tử
Gilgamesh là vua của Uruk, con của nữ thần Ninsun và một phàm nhân, phần đầu của Sử thi Gilgamesh ca ngợi ông là toàn trí, dựng lên những công trình kiến trúc vĩ đại, nhưng ngay sau đó giới thiệu ông là một tên bạo chúa bạo hành phụ nữ và đầy đọa đàn ông bằng công việc. Dân chúng cầu nguyện các vị thần và các vị thần quyết định tạo ra một sinh vật khổng lồ có thể đương đầu với Gilgamesh, tên Enkidu. Gilgamesh biết sự tồn tại của Enkidu qua giấc mơ và dùng mỹ nhân kế dụ hắn đến Uruk. Hai nhà vô địch ngay lập tức ẩu đả khi vừa gặp nhau. Gilgamesh thắng cuộc, Enkidu sau đó trở thành bạn đồng hành của Gilgamesh trong những cuộc phiêu lưu diệt quái vật.
Trong một lần quay về Uruk sau khi tiêu diệt quái vật Huwawa. Gilgamesh gặp nữ thần Ishtar. Cô gạ Gilgamesh kết hôn nhưng chàng lạnh lùng từ chối. Xấu hổ, Ishatrar xin cha là Anu tạo ra một con bò trời để hủy diệt Gilgamesh và vương quốc của chàng. Gilgamesh và Enkidu phối hợp giết chết bò trời, say xưa với chiến thắng, Enkidu xé toạc đùi bò vứt dưới chân nữ thần đồng thời xỉ nhục nàng. Đây là thời khắc đỉnh điểm trong sự nghiệp của hai người anh hùng nhưng cũng là mở đầu cho một bi kịch. Đêm đó, Enkidu mơ thấy mình bị các vị thần kết tội. Ngày hôm sau Enkidu ngã bệnh và chết sau 12 ngày.
Gilgamesh đau khổ khóc thương đến không nhận ra. Chàng kinh sợ cái chết và muốn tìm sự bất tử. Chàng nhớ đến Utnapishtim nổi tiếng là người duy nhất sống sót sau trận đại hồng thủy (sau đó được các vị thần ban cho sự bất tử) và quyết định đi tìm ông.
Chuyến hành trình cảu Gilgamesh đầy những trở ngại. Chàng tìm được cách cổng nơi mặt trời đi qua mỗi ngày để hỏi tin tức về Utnapishtim, băng qua Vùng Nước Chết và tìm được ông để hỏi về sự bất tử. Utnapishtim nói sẽ trả lời nếu Gilgamesh có thể thức suốt 6 ngày 7 đêm. Gilgamesh, thay vào đó, ngủ liền 6 ngày 7 đêm cho đến khi được đánh thức. Chán nản, Gilgamesh chuẩn bị rời đi thì Utnapishtim, với sự gợi ý của vợ ông, chỉ cho chàng nơi có loại cây hồi xuân dưới đáy đại dương. Gilgamesh tìm được cây hồi xuân, sau vài ngày đi đường anh thấy một con suối mát và nhảy xuống tắm, không ngờ có con rắn gần đó lấy mất cái cây và tự lột da nó.
Số phận và những vị thần
Tư tưởng tôn giáo của người Akkad nhấn mạnh vào con người. Câu chuyện của Gilgamesh cho thấy số phận bấp bênh của họ, sự bất khả khi của việc giành lấy sự bất tử, kể cả đối với một vị anh hùng. Con người sinh ra đã là phàm trần và chỉ để phục vụ những vị thần. Khoảng cách giữa người và thần là không thể vượt qua. Tuy thế loài người không hề bị tách biệt bởi họ chia sẻ yếu tố tinh thần được xem là thần thánh, và qua những nghi lễ, cầu nguyện, họ hy vọng được ban phước bởi các vị thần. Họ sống trong những thành phố có những đền đài đại diện cho “những trung tâm của thể giới” là sự bảo đảm cho sự giao tiếp với các vị thần. Babylon đã là một Bab-il-ani hay “Cánh cổng của những vị thần”, qua đó những vị thần giáng lâm nhân gian.
Hàng loạt những kỹ thuật bói toán, dự đoán tương lai cũng được phát triển trong thời đại của người Akkad. Tất cả những kỹ thuật này lại dẫn đến sự tìm kiếm những “dấu hiệu” mà ý nghĩa của chúng sẽ được đem ra mổ xẻ với những quy luật xác định. Do đó, thế giới được hé lộ là có cấu trúc và điều hành bởi những quy luật. Nếu những “dấu hiệu” được giải mã, tương lai có thể được biết trước, nói cách khác là làm chủ được thời gian. Sự chú ý đến những “dấu hiệu” đã thật sự dẫn đến những phát kiến khoa học mà sau này được người Hy Lạp tiếp nối và hoàn thiện.
Đến giai đoạn năm 1500 trước công nguyên, thời kỳ sáng tạo của cư dân vùng Lưỡng Hà dường như kết thúc hoàn toàn. Nhưng những ảnh hưởng của văn hóa Lưỡng Hà thì vẫn tiếp diễn và tăng trưởng từ Tây Địa Trung Hải đến tận Hindu Kush. Điều quan trọng là những khám phá của người Babylon, ít nhiều một cách trực tiếp, đã trở thành những ngụ ý phổ biến liên hệ giữa trời và đất, vĩ mô và vi mô.
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài): https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/