LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (26)

LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (26)

Tôn giáo của người Ấn-Âu: Những vị thần Vệ Đà
Thủa sơ khai của người Ấn-Âu
Sự gián đoạn của người Ấn-Âu trong dòng lịch sử được đánh dấu bởi một sự phá hủy khủng khiếp. Giữa năm 2300 và 1900 trước công nguyên rất nhiều thành phố của Hy Lạp và Tiểu Á bị cướp phá và thiêu đốt; ví dụ như Troy, Beycecultan, Tarsus, và khoảng ba trăm thành phố và làng mạc thuộc Anatolia. Các tài liệu nói đến các chủng tộc Hittete, Luwian, và Mitanni, nhưng những phần tử nói tiếng Aryan cũng được chứng thực nằm trong số những kẻ xâm lược. Sự phân tán của những tộc người Ấn-Âu đã bắt đầu trước đó và tiếp tục kéo dài trong hai nghìn năm. Khoảng năm 1200 trước công nguyên những người Aryan đã vào đến đồng bằng Ấn-Hằng, những người Iran đã thiết lập bền vững ở Ba Tư, Hy Lạp, và những hòn đảo đã bị Ấn-Âu hóa. Vài thế kỷ sau, vùng Ấn-Âu hóa của Ấn Độ, Bán đảo Ý, Bán đảo Balkan, các vùng Carpatho-Danubian và trung, bắc, tây Âu – từ Vistula đến biển Baltic và Atlantic – đều đã được hoàn thành hoặc tiến bộ đáng kể. Sự bành trướng đặc biệt này – di cư, chinh phục lãnh thổ mới, sự khuất phục của cư dân, kéo theo sự đồng hóa – đã kéo dài cho đến tận thế kỷ 19 của thời đại chúng ta. Một ví dụ điển hình về sự mở rộng ngôn ngữ và văn hóa chưa từng được biết đến từ trước đến nay.
Qua hơn một thế kỷ các học giả đã dùng mọi nỗ lực để xác định cội nguồn của những người Ấn-Âu và cố gắng làm rõ các giai đoạn di cư của họ. Sự tìm kiếm được tiến hành ở bắc và trung Âu, trong những thảo nguyên ở Nga, vùng trung tâm Châu Á, tại Anatolia, v.v. Hiện tại đa số đồng ý rằng cội nguồn của người Ấn-Âu khoanh vùng trong khoảng phía bắc Biển Đen, giữa dãy Carpathian và Caucasus. Giữa thiên niên kỷ thứ năm và thứ ba tại những vùng này đã phát triển một nền văn hóa gọi là Tumuli (kurgan). Khoảng năm 4000 – 3500 trước công nguyên văn hóa này mở rộng theo hướng tây, tới tận Tisza. Suốt thiên niên kỷ tiếp theo những đại diện của văn hóa Kurgan thâm nhập vào trung Âu. Bán đảo Balkan, Transcaucasia, Anatolia và bắc Iran (khoảng 3500 – 3000 trước công nguyên); vào thiên niên kỷ thứ ba họ đến được bắc Âu, vùng Aegean (Hy Lạp và những bờ biển của Anatolia), và đông Địa Trung Hải. Theo Marija Gimbutas thì những người phát triển và phát tán văn hóa Kurgan chỉ có thể là người Ấn-Âu nguyên gốc, và trong những giai đoạn cuối của sự phân tán là người Ấn-Âu.
Dù nguồn gốc có thể nào thì chắc chắn một điều rằng cội nguồn của văn hóa Ấn-Âu có gốc rễ từ Thời kỳ đồ đá mới, thậm chí có thể từ Thời kỳ đồ đá giữa. Một điều chắc chắn khác là trong suốt thời kỳ tạo dựng thì nền văn hóa này đã bị ảnh hưởng bởi những nền văn minh phát triển hơn của vùng Cận Đông. Việc sử dụng xe ngựa và kim loại được truyền thụ từ văn hóa Anatolia (cũng gọi là văn hóa Kuro-Araxas). Vào thiên niên kỷ thứ tư đã xuất hiện sự vay mượn đất sét, cẩm thạch hay những bức tượng ngọc đại diện cho nữ thần ở tư thế ngồi.
Những từ vựng phổ thông cho thấy người Ấn-Âu có làm nông nghiệp, nuôi bò (nhưng có cả lợn và có thể cả cừu), và biết về hoặc ngựa hoang hoặc ngựa nuôi. Dù họ không thể từ bỏ những sản phẩm nông nghiệp, nhưng những tộc người Ấn-Âu lại thích phát triển kinh tế chăn nuôi hơn. Đời sống chăn nuôi du mục, kết cấu gia đình gia trưởng, khuynh hướng tấn công cướp bóc, và một tổ chức quân sự thiết kế cho việc chinh phạt là những đặc điểm riêng của những xã hội người Ấn-Âu. Một sự phân cấp xã hội căn bản ít hay nhiều được chỉ ra trong sự tương phản giữa tumuli (mộ xây với hình dạng một ngôi nhà và được trang trí lộng lẫy) và những lễ mai táng nghèo nàn hơn nhiều. Rất có thể tumuli (kurgan) được dành riêng cho hài cốt của những người đứng đầu.
Đối với mục đích của chúng ta, việc xác định xem trạng thái sinh tồn của đời sống chăn nuôi du mục, được tái tổ chức mạnh mẽ cho chiến tranh và chinh phạt này đã khuyến khích và tạo điều kiện đến mức độ nào cho sự xuất hiện của những giá trị tôn giáo cụ thể là một điều quan trọng. Rõ ràng là những sáng tạo của những xã hội nông nghiệp không tương xứng hoàn toàn với những nguyện vọng tôn giáo của một xã hội chăn nuôi. Mặt khác, không có một xã hội chăn nuôi nào lại có thể tồn tại hoàn toàn độc lập khỏi kinh tế và tôn giáo của những người làm nông. Hơn nữa, trong quá trình di cư và chinh phạt những người Ấn-Âu liên tiếp đem đến sự khuất phục và những quần thể nông nghiệp định cư đã bị đồng hóa. Nói cách khác thì những người Ấn-Âu đã biết từ rất sớm trong dòng lịch sử của họ có những căng thẳng tâm linh gây ra bởi những khuynh hướng tôn giáo cộng sinh dị biệt, thậm chí là phản diện.
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài):
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *